Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thời bình

Thời bình là thời kỳ xã hội không có chiến tranh, bắt đầu từ khi chiến tranh chấm dứt cho tới khi bùng nổ một cuộc chiến tranh mới.

Đối với mỗi quốc gia, dân tộc, Thời bình có thể chỉ vài tháng, vài năm, nhưng cũng có thể vài chục năm, hoặc lâu hơn. Thời bình có thể trên toàn bộ đất nước, nhưng cũng có thể trên một phần lãnh thổ, tùy thuộc vào sự diễn biến của tình hình chính trị, kinh tế, quân sự của khu vực, thế giới, của mỗi nước. Thời bình có vai trò đặc biệt quan trọng đối với xây dựng, phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong Thời bình, các quốc gia, dân tộc đều tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục nền kinh tế đất nước, trên cơ sở đó phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, nhằm thu hút sự giúp đỡ, ủng hộ về vật chất và tinh thần, củng cố thế và lực của đất nước, xây dựng đất nước theo mục tiêu, con đường đã lựa chọn.

Trong lịch sử Việt Nam, dựng nước luôn đi đôi với và giữ nước, vì vậy thời chiến và thời bình luôn kế tiếp nhau trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trong lịch sử hiện đại, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến tiến hành Cách mạng tháng Tám thành công lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đồng thời lãnh đạo nhân giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam cũng đã trải qua các giai đoạn đan xen giữa thời chiến và Thời bình trên từng miền cũng như trên phạm vi cả nước.

Ở miền Bắc, Thời bình là khoảng thời gian từ khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, đến khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, dùng không quân và hải quân đánh phá ra miền Bắc lần thứ nhất (7.2.1965 -1.11.1968), sau khi ký Hiệp định Pari về Việt Nam (27.1.1973) đến ngày 30.4.1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi (1.1973- 30.4.1975). Trong Thời bình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, quân và dân miền Bắc đã nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng, củng cố quân sự, quốc phòng nhằm vừa xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa làm hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thời bình trên phạm vi cả nước được tính từ sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi (30.4.1975), thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam tập trung đẩy mạnh công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế của cả nước, phân bố lại lao động, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, công thương nghiệp tư bản tư doanh và thương nghiệp nhỏ ở miền Nam; cải thiện một bước đời sống nhân dân; giải quyết nạn thất nghiệp và ổn định đời sống nhân dân miền Nam trước hết là ở các thành thị và các vùng bị chiến tranh tàn phá nặng; cải cách giáo dục, phát triển y tế; phát triển mạnh khoa học và kỹ thuật; cải tiến tổ chức và phương pháp công tác của cơ nhà nước các cấp ở miền Bắc, xây dựng chính quyền các cấp ở miền Nam; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, sẵn sàng đập tan mọi mưu đồ xâm lược; tăng cường công tác bảo vệ an ninh, làm tốt công tác trấn áp phản cách mạng, cải tạo ngụy quân và nhân viên ngụy quyền cũ ở miền Nam.

Từ đó đến nay, mặc dù phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc của Tổ quốc và phải đương đầu với sự bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đưa Việt Nam từ một đất nước nghèo nàn, cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội lạc hậu, trình độ thấp vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hóa xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, độc lập chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng nân cao trên trường quốc tế.

Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước đặt ra nhiều vấn đề mới phức tạp hơn, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong gia đoạn này là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tư liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Trung tâm từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập (tập 15, tập 21, tập 36) Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.
  3. Bộ Quốc phòng, Trung tâm từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 696.
  4. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ 1954-1975, (Tập III, đánh thắng chiến tranh đặc biệt), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 57-61.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, (Tập II), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
  6. Ban Tuyên giáo Trung ương: thành tựu nổi bật của đất nước sau 75 năm xây dựng và phát triển đất nước.
  7. http://tulieuvankien.dangcongsan.vn: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV, VI, XIII của Đảng.