Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thời đại đồ đồng
Dao găm bằng đồng từ thời văn hoá Đông Sơn

Thời đại đồ đồng một giai đoạn trong quá trình phát triển thời Tiền sử, nối tiếp sau thời đại đá mới và kéo dài tới thời đại đồ sắt, theo cách phân kỳ lịch sử của khảo cổ học. Niên đại của Thời đại đồ đồng từ khoảng thiên niên kỷ IV TCN đến đầu thiên niên kỷ I TCN, tuy nhiên, thời gian cụ thể ở các khu vực không giống nhau.

Thời đại đồ đồng thường được chia thành hai giai đoạn nhỏ: giai đoạn đồng đỏ và giai đoạn đồng thau. Giai đoạn đồng đỏ còn được gọi là đồng đá, khi mà đồ đồng đã xuất hiện, nhưng đồ đá vẫn còn chiếm ưu thế. Đồng thau là một hợp kim giữa đồng đỏ và chì, thiếc... Cũng có ý kiến chia Thời đại đồ đồng thành ba giai đoạn: sơ kỳ, trung kỳ và hậu kỳ, tuy nhiên không phổ biến.

Đồng đỏ có thể được phát hiện ra một cách ngẫu nhiên. Trong những đám cháy, người nguyên thủy tìm thấy những quặng đồng nóng chảy, vón thành cục. Họ lấy những cục kim loại này và vẫn dùng những phương pháp kỹ thuật quen thuộc trong chế tác công cụ đá để chế tạo đồ đồng. Tuy nhiên, đồng đỏ lại không có đủ độ cứng như đá để chế tạo công cụ và vũ khí. Vì vậy, những loại hiện vật này chủ yếu vẫn được chế tạo từ nguyên liệu đá. Trong giai đoạn này, kỹ thuật chế tác đá đã được hoàn thiện, tạo nên những hiện vật đá phong phú về số lượng và đa dạng về hình loại. Trong các di chỉ khảo cổ thời đồng đỏ, các hiện vật đá vẫn chiếm đa số tuyệt đối.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc đúc đồng đầu tiên có thể xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên. Sau đó, người ta đã biết đào những hố ở ven các sườn đồi để nấu chảy quặng đồng, trên có trát đất hay chất đá, xung quanh có lỗ thông hơi để đưa không khí vào lò. Trong những lò nấu đồng đó con người đã biết cho thêm những kim loại và á kim khác như thiếc hay chì, kẽm...tạo thành một hợp chất mới là đồng thau. Khi đồng thau xuất hiện thì kỹ nghệ luyện kim và đúc đồng đã đạt tới đỉnh cao. Những hiện vật đồng thau sớm nhất vào khoảng đầu thiên niên kỷ III TCN đã được tìm thấy ở các vùng Ai Cập, Lưỡng Hà, sau đó là ở Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.

So với thời đại đồ đá, Thời đại đồ đồng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, vài nghìn năm, nhưng loài người đã đạt được những thành tựu to lớn, không những chính thức bước vào thời đại văn minh, mà còn tạo nên một số nền văn minh rực rỡ, đặt nền tảng cho các giai đoạn phát triển sau này.

Thành tựu đầu tiên, lớn nhất mà loài người đã đạt được trong Thời đại đồ đồng đó là kỹ nghệ luyện kim và đúc đồng. Người ta đã biết pha đồng với thiếc hoặc chì với những tỉ lệ khác nhau tùy thuộc vào hiện vật cần đúc. Họ cũng biết làm những khuôn đúc đồng một mang hay nhiều mang, một khuôn đúc được nhiều hiện vật cùng lúc. Đồng thau trở thành nguyên liệu chính để chế tạo các loại công cụ, vũ khí, đồ trang sức, đồ đựng và cả nhạc khí. Cùng với nhu cầu ngày càng cao về nguyên liệu đồng và các kim loại khác, kỹ thuật khai khoáng cũng phát triển. Đã xuất hiện những hầm mỏ chuyên khai thác quặng đồng và các kim loại khác vào thời đại đồ đồng.

Một thành tựu lớn tiếp theo mà loài người đã đạt được trong Thời đại đồ đồng đó là chữ viết. Chữ viết xuất hiện một cách độc lập ở nhiều nơi như Ai Cập, Lưỡng Hà, Trung Quốc, Hy Lạp...Đây là một thành tựu lớn của văn hóa loài người. Chữ viết đã làm cho những mầm mống của tri thức được nảy nở và sinh sôi nhanh chóng, góp phần củng cố và phát triển các ngữ hệ, bảo tồn và truyền bá tri thức của nhân loại.

Việc sử dụng các công cụ kim loại bằng đồng, nhất là đồng thau, đã cho phép tăng năng suất lao động, làm thay đổi phương thức canh tác ở một số ngành sản suất đã có và hình thành một số ngành sản xuất mới. Trong nông nghiệp con người đã biết dùng cày với sức kéo của động vật, biết làm thủy lợi, điều tiết nước tưới, tiêu. Các ngành nghề thủ công đều phát đạt và có sự chuyên môn hóa cao. Nhiều nơi đã xuất hiện gốm màu với những nét hoa văn tinh xảo, màu sắc rực rỡ. Các phương tiện giao thông, vận tải có sự thay đổi quan trọng, như sử dụng thuyền buồm và xe kéo tải trọng lớn. Nhờ thế, việc trao đổi, buôn bán mở rộng ra đến cả những vùng rất xa. Cư dân của các vùng khác nhau đã xác lập các mối quan hệ trao đổi nguyên vật liệu, công cụ, vũ khí, đồ trang sức...bằng đồng, vàng, bạc, đá quý.

Theo đà tiến bộ vượt bậc của sức sản xuất, một số vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi đã hình thành nhà nước. Nhà nước ở Ai Cập, Lưỡng Hà đã hình thành từ giữa thiên niên kỷ III TCN và đến cuối thiên niên kỷ III TCN đã xuất hiện ở lưu vực Sông Ấn, Sông Hoàng, muộn hơn là ở khu vực Tiểu Á, quanh biển Ê-giê...Cư dân của các quốc gia này không những đã xây dựng được một nhà nước vững mạnh với hệ thống chính quyền chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, có quân đội chính quy hùng mạnh mà còn đạt được nhiều thành tựu văn minh rực rỡ trong nhiều lĩnh vực như văn học, triết học, lịch sử, thiên văn học, toán học, y học...Đây là những cái nôi của văn minh nhân loại.

Thời đại đồng thau ở Việt Nam được biết đến qua quá trình phát triển của các nền văn hóa và các di chỉ: khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ là các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun, khu vực miền Trung là một nhóm các di chỉ thuộc thời kỳ Tiền Sa Huỳnh như Xóm Cồn, Long Thạnh, Bình Châu...và ở miền Nam là văn hóa Đồng Nai thuộc lưu vực sông Đồng Nai và cụm các di tích thuộc thời kỳ Tiền Óc Eo ở lưu vực sông Vàm Cỏ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Từ điển bách khoa Việt Nam, Tập 4, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005.
  2. Lương Ninh (chủ biên), Lịch sử văn hóa thế giớ cổ trung đại, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009.
  3. Hán Văn Khẩn (chủ biên), Cơ sở khảo cổ học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011.
  4. Lương Ninh (chủ biên), Lịch sử thế giới cổ đại, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012.
  5. История первопытной общины. Том III, Изд. Наука, Москва, 1988. (Lịch sử công xã nguyên thủy, Tập III, Nxb. Khoa học, Matxcova, 1988).