Mục từ này cần được bình duyệt
Thờ cúng tổ tiên

Hay còn gọi là đạo ông bà, đạo thờ tổ tiên, cũng gọi là tục thờ cúng tổ tiên thể hiện truyền thống uống nước, nhớ nguồn, hiếu kính cha mẹ, ông bà. Đây là truyền thống có từ lâu đời ở Việt Nam. Không chỉ có tộc người Kinh mà nhiều tộc người thiểu số khác ở Việt Nam cũng có tục này. Trong các gia đình người Việt và một số tộc người thiểu số khác, đều có bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng được bài trí ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Bàn thờ luôn được giữ gìn sạch sẽ, tinh khiết. Đây là chỗ để tiến hành các hoạt động cầu cúng, lễ bái tưởng nhớ tổ tiên. Rất khó có thể tìm thấy một văn bản thành văn nào nói về nguồn gốc, sự hình thành, phát triển của thờ cúng tổ tiên.

Khái niệm thờ cúng tổ tiên chỉ sự tôn kính và cầu mong sự phù trợ của con cháu đang sống dành cho tổ tiên là người có quan hệ huyết thống với họ nhưng đã qua đời. Hành vi thể hiện sự tôn kính và cầu mong ấy biểu hiện ở sự ghi nhận công lao và đạo đức, tưởng nhớ, đánh thức sự quan tâm, dâng lễ và cầu khấn.

Thờ cúng tổ tiên thường có một số đặc điểm chung. Trước tiên tổ tiên dù đã chết được tin và mường tượng rằng vẫn tồn tại ở một dạng thức nào đó và có quyền năng can thiệp đến cuộc sống hiện tại của con cháu đang sống. Thứ hai, sự ảnh hưởng có thể là ban phúc hoặc giáng họa. Trong khi ban phúc là phù hộ cho con cháu có sức khỏe dồi dào và gặp thuận lợi trên mọi hoạt động sống, thì giáng họa thường là hành vi trừng phạt cho sự bất tôn kính hoặc tưởng nhớ không đúng cách, biểu hiện ở việc con cháu phải gánh chịu bệnh tật hoặc gặp chuyện không may. Thứ ba, dù có quan hệ gần gũi với con cháu đang sống, tổ tiên được tin là có cuộc sống độc lập ở cõi riêng. Tổ tiên cũng được tin là có thể đầu thai trở lại gia đình trong các thế hệ tiếp theo. Thứ tư, không gian cho thờ cúng tổ tiên thường được thiết kế ở trong cùng không gian sinh sống riêng tư của gia đình con cháu. Không gian ấy cũng có thể được thiết kế chung nơi không gian sinh hoạt của một cộng đồng. Sau cùng, tổ tiên còn có thể hiểu theo nghĩa rộng là người khai sinh ra cả một nòi giống. Đại đa số người Việt Nam, đặc biệt người dân tộc Kinh vốn chiếm trên 80% dân số, tin vào một tổ tiên chung là Vua Hùng đồng thời thờ cúng tổ tiên của dòng họ và của gia đình mình.

Toan Ánh trong Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam cho rằng qua việc thờ cúng tổ tiên, tại Việt Nam, người khuất và người còn sống luôn luôn như có một sự liên lạc mật thiết. Sự thờ cúng chính là môi trường gặp gỡ của thế giới hữu hình và vũ trụ thần linh. Người Việt quan niệm vong hồn gia tiên luôn ở gần mình, thông qua các hoạt động cầu cúng, lễ bái người sống và người chết có thể liên lạc với nhau.

Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục gọi thờ cúng tổ tiên là phụng sự tổ tiên. Ông viết: xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là nghĩa vụ của người. Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính cũng một tả khá kỹ về những yếu tố cấu thành của thờ cúng tổ tiên như nơi thờ tự (cơ sở thờ tự tức là nhà thờ hay từ đường), đồ thờ, bài trí của bàn thờ, gia phả, ruộng kỵ, nghi thức hay quy định về tế thủy tổ, cúng vái gia tiên. Nhà thờ (từ đường) là nơi thờ thủy tộc của một dòng họ (ví dụ Nguyễn tộc, Trần tộc, v.v..). Trong nhà thờ thường có một thần chủ để thờ mãi mãi, không đổi gọi là “Bách thế bất diêu chi chủ”. Đối với những gia đình giàu có, có thể có 4 thần chủ để thờ Cao, Tằng, Tổ, Khảo. Thần chủ thường làm bằng gỗ Táo với ý nghĩa gỗ Táo sống được nghìn năm. Ngoài thần chủ, ban thờ tổ tiên trong nhà thờ họ thường có bộ đèn nến, lư hương, bình hoa, mâm quỳ, hộp trầu, đài nước, v.v.. Bên cạnh đó, vật dụng trang trí trong nhà thờ họ là hoành phi, câu đối, các bức đại tự, v.v… nội dung ghi nhớ, tán tụng công đức của tổ tiên. Tùy từng mức độ giàu có của các gia đình mà đồ dùng là đồ làm bằng thiếc, hay sơn son thếp vàng thếp bạc. Thông thường, mỗi nhà thờ họ đều có cuốn gia phả ghi chép theo thứ tự trước sau, họ tên, chức tước, ngày sinh ngày mất của tổ tông và những thành viên trong dòng họ. Ngoài ra, mỗi nhà thờ họ lại có ruộng kỵ. Ruộng kỵ là hương hỏa của tổ tông để lại hoặc do cả dòng họ chung nhau tậu để làm của chung, lấy hóa lợi để lo việc tế tự. Tuy nhiên, không phải dòng họ hay nhà thờ họ nào cũng có ruộng kỵ. Đối với những dòng họ không có ruộng kỵ, khi cúng tế thì các thành viên trong dòng họ cùng đóng góp để lo việc chung. Về các ngày lễ cúng tổ tiên tại nhà thờ bao gồm: lễ cúng ngày húy nhật ông Thủy tổ (giỗ tổ), lễ hợp tế tháng chạp, lễ cúng các tuần tiết, cúng ngày Tết, lễ cúng nhân các dịp hiếu hỉ, v.v.. Ngoài ra, khi có bất cứ vấn đề gì trong gia đình, dòng họ cần cầu xin hay thông báo với tổ thiên người ta lại tiến hành các nghi thức thờ cúng.

Việc thực hành các nghi lễ thờ cúng tổ tiên do người trưởng họ đảm nhiệm chính cũng như đóng vai trò quyết định các hoạt động thờ cúng cụ thể trong dòng họ sẽ được tiến hành như thế nào. Trong khi thực hành thờ cúng tổ tiên, không thể thiếu được văn khấn. Văn khấn là những quy định tương đối chặt chẽ mang tính khuôn mẫu về cách thức trình bày với tổ tiên trong khi làm lễ. Trước đây, văn khấn thường làm bằng chữ Nho, chữ Nôm, hiện nay đa số dùng chữ quốc ngữ. Cần lưu ý, việc thờ cúng tổ tiên không chỉ là những hoạt động diễn ra tại nhà thờ/từ đường của mỗi dòng họ, hay mỗi bàn thờ của gia đình mà còn diễn ra tại khu mộ phần của gia đình, dòng họ. Trong các dịp thanh minh, Tết âm lịch… con cháu thường ra mộ của ông bà tổ tiên để chăm sóc mộ như sửa sang, dọn dẹp, quét vôi, trồng hoa… và làm lễ. Ngoài ra, khi mộ phần của gia đình, dòng họ bị hư hại, xâm phạm thì gia đình, dòng họ làm lễ tạ mộ.

Trên khắp thế giới, thờ cúng tổ tiên là một dạng thức khá phổ biến bất kể khác biệt về văn hóa, khu vực địa lý hay thể chế chính trị-văn hóa và xã hội. Hoạt động này hiện nay có thể quan sát ở các truyền thống tôn giáo thờ đa thần và ở các khu vực còn duy trì sự tiếp diễn các truyền thống thờ cúng lâu đời như châu Phi, châu Úc, châu Á. So sánh với Trung Quốc chúng ta thấy, Thờ cúng tổ tiên của người Trung Hoa trọng sự đồ sộ, phức tạp, trong khi người Việt Nam chuộng sự thành kính, tinh tế và giản dị. Theo người Việt Nam chỉ cúng giỗ đến 4 đời: kỵ nội (Cao tổ), Cụ nội (Tằng tổ), Ông nội (Tổ), Cha (khảo).

Thờ cúng tổ tiên là một trong những truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo lâu đời nhất của Việt Nam, có quan điểm cho rằng truyền thống này chưa bao giờ bị đứt đoạn trong lịch sử phát triển hàng ngàn năm của dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, một phần do điều kiện sống được nâng cao, nhiều dòng họ đang khôi phục lại nhà thờ họ, nhiều dòng họ chưa có nhà thờ họ thì xây dựng mới, do vậy, thờ cúng tổ tiên lại càng được duy trì và phát triển.

Trên phương diện học thuật, đã từng có những thảo luận về việc thờ cúng tôn giáo có phải là một tôn giáo hay không. Có nhiều quan điểm khác nhau, có quan điểm xem thờ cúng tổ tiên như một phong tục, có quan điểm thì cho rằng thờ cúng tôn giáo là một loại hình tôn giáo, cũng có quan điểm cho rằng thờ cúng tổ tiên chỉ là một luật tục như, có quan điểm thì xem đây là một loại hình tín ngưỡng dân gian (Phan Đại Doãn, Nguyễn Đức Lữ, v.v..). Do có nhiều quan điểm khác nhau như vậy, nên rất khó để có thể kết luận về điều đó. Tuy nhiên, thờ cúng tổ tiên hội tụ những yếu tố căn bản nhất của một tôn giáo đó là niềm tin, các thực hành hay nghi lễ thờ cúng và cộng đồng của những người có chung niềm tin, hay chính là những thành viên trong dòng họ.

Thờ cúng tổ tiên, bên cạnh chức năng, vai trò thỏa mãn nhu cầu tôn kính tổ tiên, thờ phụng tổ tiên còn có nhiều chức năng khác như duy trì, củng cố dòng họ, gắn kết dòng họ, thông qua đó thúc đẩy sự phát triển về các mặt khác của dòng họ như văn hóa, giáo dục, kinh tế, v.v.. Thờ cúng tổ tiên, như trên đã trình bày, được biểu hiện ở nhiều cấp độ khác nhau như gia đình, dòng họ, cộng đồng và cả dân tộc. Ở Việt Nam tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được xem là thờ cúng tổ tiên ở cấp độ quốc gia, dân tộc. Trong những năm qua, nghi thức thờ cúng Vua Hùng trong ngày giỗ Tổ (10-3 âm lịch) đều được tổ chức một cách trang trọng, theo nghi thức quốc gia, có sự tham dự của các vị lãnh đạo cao nhất của đất nước. Điều đó càng khẳng định thờ cúng tổ tiên là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, có giá trị giáo dục sâu sắc đến các thế hệ con cháu.

Tài liệu tham khảo

1. Toan Ánh, Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, Quyển thượng, Nxb TP. Hồ Chí Minh

2. Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3. Carl Olson(2011), Religious Studies: The Key Concepts, Routledge, New York

4. Kim Định, Nguồn gốc văn hóa Việt Nam, Nguồn sáng xuất bản

5. Hoàng Quốc Hải, Văn hóa phong tục, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội

6. Mai Thanh Hải (2002), Từ điển Tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội

7. Nguyễn Đức Lữ (2013), Bàn thêm về thờ cúng tổ tiên, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 12, tr.108-114.

8. Phan Ngọc (2010), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội

9. Trần Đăng Sinh (2010), Những khía cạnh triết học trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

10. Đặng Nghiêm Vạn (2003), Bàn về tín đồ và tổ chức của một tôn giáo, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2.