Thổ cẩm là loại vải dệt theo cách thủ công với những hoa văn, họa tiết nổi trên bề mặt vải, xuất hiện phổ biến ở nhiều cộng đồng dân tộc miền núi ở Việt Nam. thổ cẩm được làm từ sợi bông, sợi lanh nhuộm bằng chất liệu màu tự nhiên dệt trên khung cửi, tạo ra các tấm vải nhiều màu sắc được dùng để may trang phục, làm đồ dùng vật dụng hoặc dùng trong nghi lễ.
Thổ cẩm là sản phẩm của một chuỗi quy trình sản xuất thủ công (trước đây) và bán thủ công (hiện nay), gắn với các kinh nghiệm và tri thức đã được tích lũy, truyền dạy trong cộng đồng tộc người. thổ cẩm được tạo ra từ các công đoạn gồm: cán, kéo sợi (bông, lanh) - ngâm nhuộm tạo màu (cho sợi vải, chỉ dệt) - mắc cửi - lên khung - dệt vải. Việc nhuộm màu cho vải, chỉ dệt trước đây được thực hiện bằng các nguyên liệu từ thực vật có sẵn trong tự nhiên. Dệt thổ cẩm là kiểu dệt nổi, với các yêu cầu đặc biệt về mặt kĩ thuật và cần tuân thủ nguyên tắc cơ bản: đan những sợi căng dọc theo chiều dài khung cửi (gọi là canh) với các sợi ngang (gọi là chỉ) do con thoi chuyển vận. Người dệt luôn phải nhớ màu các con chỉ, nhớ dạng hoa văn để thay ống chỉ màu, vì nếu dệt lỗi sẽ phải tháo ra để dệt lại.
Trên nền chung của kĩ thuật dệt, ghép màu vải để tạo hoa văn, mỗi tộc người lại thể hiện những đặc trưng riêng về họa tiết, mô típ trang trí trên hoa văn thổ cẩm. Với người H'mông, họa tiết thổ cẩm có đường diềm trang trí bao quanh các ô hình chữ thập, chữ đinh hoặc chữ công được chuyển biến đa dạng kết hợp với các ô hình quả trám hoặc tam giác có các đường viền hình gẫy khúc. thổ cẩm sợi bông của người Tày, Nùng phổ biến với hoa văn ô quả trám có các đường viền xung quanh, bên trong ô trám là hoạt tiết cách điệu hóa hình ngọn rau, bầu bí, các họa tiết hình vuông, chữ nhật, bên trong điểm xuyết các chữ Hán theo kiểu chữ triện, chữ vạn của Phật giáo, hình cách điệu hoa đào, hoa cúc, hình mặt trời, hình người đội mũ đứng xếp hàng cạnh hàng cây, hình chim, ngựa,… thổ cẩm Tà Ôi độc đáo với kĩ thuật xâu hạt cườm trong quá trình dệt, tạo nên những đồ án hoa văn đính cườm hình học. thổ cẩm Hrê đặc trưng với các hoa văn theo mô típ hình học như hình thoi, quả trám, chữ nhật, vuông,… được liên kết thành những ô nối tiếp nhau, hoa văn đường thẳng, đường lượn sóng cách điệu hình ảnh sông suối hay hoa văn có hình giống các loài vật trong thiên nhiên. thổ cẩm Chăm đặc trưng với các họa tiết trang trí có dạng hình học, mô típ quả trám, hạt đậu ván, hạt lúa nổ, mắt gà, hoa văn neo thuyền, mắt lưới, hoa văn cổ mô phỏng thần Skanda đứng trên lưng con công,…
Đồ án trang trí, hoa văn trên vải thổ cẩm thể hiện trên một số đồ dùng vật dụng còn được xem là kho ngữ liệu cung cấp thông tin liên quan tới các vấn đề về vũ trụ luận, lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng, đời sống văn hóa, triết lý ứng xử trong văn hóa tộc người. Các họa tiết trên tấm thổ cẩm ở nơi thờ cúng tổ tiên của người Tày, Nùng với đường diềm phía trên có hình các vị thần linh, đường diềm phía dưới với hình ngựa, chim, cỏ cây, muông thú biểu trưng cho tầng trời, cõi đất trong vũ trụ quan tộc người. Hình con chó trên áo thổ cẩm của nam nữ nhóm Dao Tiền liên quan tới tín ngưỡng thờ vật tổ Bàn Vương của người Dao. Hoa văn hình răng trâu, lốt chân chó, hạt cườm trên họa tiết thổ cẩm trên trang phục nhóm Phù Lá gợi nhắc tới truyền thống sùng bái vật tổ trâu và chó trong lịch sử tộc người. Các hoa văn hình hoa, hình con thú, họa tiết răng cưa, riềm nhọn, mắt lưới,… trên vải thổ cẩm Thái gắn với các câu chuyện kể mang một hàm nghĩa cụ thể về tình yêu, tình thân hoặc mang ý nghĩa về mặt tâm linh (chẳng hạn trừ tà ma, bảo vệ hồn vía người) trong văn hóa Thái.
Do đáp ứng các nhu cầu đa dạng của con người trong đời sống thường ngày, thổ cẩm trở thành thứ hàng hóa có giá trị được dùng để trao đổi, mua bán, tích trữ, đồng thời được sử dụng trong nghi lễ hôn nhân, tang ma tại nhiều nhóm cộng đồng. Ở nhiều nơi, vải thổ cẩm và các sản phẩm làm từ thổ cẩm còn được xem là thước đo sự chăm chỉ, khéo léo của người phụ nữ, trở thành tài sản trao đổi giá trị trong tục lệ hôn nhân.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2003.
- Đỗ Thị Hòa (Chủ biên), Trang phục các tộc người nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2008.
- Nguyễn Thị Ngân, "Hoa văn trên đồ dệt của một số tộc người ở Việt Nam", Tạp chí Di sản văn hóa, Số 3(56), 2016, tr.65-72.