Mục từ này cần được bình duyệt
Thế giới quan

Thế giới quan (A: worldview; Đ: weltanschauung; Nga: мировозрение): hệ thống những quan niệm, quan điểm của con người về thế giới và về địa vị của con người trong thế giới. Nó bao gồm Welt (thế giới) và Anschauung (cái nhìn, quan niệm). Thế giới quan bao gồm vũ trụ quan (hệ thống những quan niệm chung nhất ce con người về vũ trụ) và nhân sinh quan (hệ thống những quan niệm chung nhất của con người về xã hội và cuộc đời). Nhân sinh quan là bộ phận cốt lõi của thế giới quan.

Thuật ngữ “thế giới quan” được I. Kant nói đến đầu tiên và sau đó được Hêghen sử dụng một cách rộng rãi trong hệ thống triết học của mình. Wilhelm. Dilthey nhận thấy dòng thế giới quan trong cuộc sống và tách biệt các loại hình thế giới quan trong tôn giáo, thi ca và siêu hình học. Năm 1911, Dilthey công bố chuyên luận “Các loại hình thế giới quan và sự phát triển của siêu hình học”, trong đó ông phân biệt giữa chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa duy tâm về tự do và chủ nghĩa duy tâm khách quan như các loại hình thế giới quan khác nhau.

Có nhiều cách phân loại thế giới quan được xây dựng dựa trên các tiêu chí khác nhau. Căn cứ trên sự phân chia thế giới thành giới tự nhiên và xã hội, người ta chia thế giới quan thành vũ trụ quan và nhân sinh quan. Thế giới quan cũng được chia thành hai cấp độ nhận thức: thế giới quan kinh nghiệm và thế giới quan lý luận. Nhà triết học thực chứng Pháp A. Comte dựa trên các giai đoạn phát triển của trình độ nhận thức của xã hội chia thế giới quan thành ba giai đoạn (ba trình độ): huyền thoại, siêu hình học và tri thức thực chứng. Một tiêu chí khác là tiêu chí phổ biến, tích hợp, tức bao hàm cả hiện thực xã hội, cả hiện thực tự nhiên, như phân chia thế giới quan thành thế giới quan khoa học tự nhiên, thế giới quan chính trị - xã hội, thế giới quan đạo đức, thế giới quan thẩm mỹ, thế giới quan huyền thoại, thế giới quan tôn giáo, v.v..

Bất kỳ thế giới quan nào cũng là sự thống nhất giữa lý trí và niềm tin, trong đó niềm tin có vai trò rất quan trọng. Chúng có thể là những niềm tin đúng đắn hay,,ngược lại, sai lầm, có luận cứ hay không có luận cứ, tiến bộ hay phản động, v.v.. Một số niềm tin có căn cứ trên sự kiện thực tế, số khác chỉ bắt nguồn từ khát vọng chủ quan không có cơ sở khách quan. Như vậy, niềm tin không trùng hợp với cái được coi là đúng đắn, hữu ích, v.v.. Tuy nhiên, niềm tin có vai trò như là nguồn năng lượng, sự vững chắc, kiên định nhằm chống lại những niềm tin khác.

Tài liệu tham khảo:

1. Từ điển Chủ nghĩa xã hội khoa học (1976). Nxb Tiến bộ Mátxcơva

2. Từ điển Bách khoa Việt Nam ;

3. M.M. Rodentan (chủ biên) (1975)Từ điển triết học. Nxb Tiến bộ Mátxcơva

4. C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.