Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thần Thoại
Các thần thoại trên thế giới Trên: Zeus và Thetis trong Thần thoại Hy Lạp Nữ Oa trong Thần thoại Trung Quốc, Loki trong Thần thoại Bắc Âu Giữa: Necronomicon trong thần thoại Cthulhu Teshun trong thần thoại Hittite Macha trong thần thoại Ai Lan Dưới: Krishna trong thần thoại Hindu Amaterasu trong thần thoại Nhật Bản Horus trong thần thoại Ai Cập.

Thần Thoại là một thể loại văn học dân gian ra đời từ thời kỳ xa xưa nhất trong lịch sử nhân loại, phản ánh quan niệm của con người thời cổ về nguồn gốc của thế giới và đời sống con người. thần thoại còn được hiểu là tự sự mang tính tưởng tượng được lưu truyền phổ biến trong một cộng đồng, được cộng đồng đó tin là thật, thể hiện quan niệm, cách lí giải của cộng đồng đó về các hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội. Dù hiểu theo cách nào, thần thoại đều mang tính biểu tượng, có tính thiêng và thường gắn với niềm tin tôn giáo.

Nguồn gốc[sửa]

Thần thoại (myth) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp mythos, với hàm nghĩa chỉ lời. Theo nghĩa thông thường, myth thường được hiểu là điều giả dối, điều sai lầm, niềm tin sai lạc. thần thoại cũng được gọi là huyền thoại, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, khái niệm thần thoại và huyền thoại không hoàn toàn trùng khớp. Thể loại thần thoại ra đời trong bối cảnh xã hội công xã nguyên thủy, khi con người có nhu cầu giải thích về thế giới khách quan, thế giới tự nhiên và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, xã hội. Con người sử dụng trí tưởng tượng để hình dung, giải thích về thế giới tự nhiên, và chia sẻ nhận thức của mình về loài người, về cộng đồng, thị tộc,... thông qua thần thoại. thần thoại là công cụ để con người giải thích về tất cả các hiện tượng như mặt trời, mặt trăng, mưa, sét, ngày, đêm, văn hóa, tập tục,... thần thoại thể hiện tư duy suy nguyên và có thể được xem là sản phẩm của nhận thức nguyên thủy của con người về tự nhiên, một khoa học nguyên thủy giúp lưu giữ và chia sẻ những kinh nghiệm, những ký ức tập thể của cộng đồng. Nó mang những yếu tố phôi thai của tôn giáo, triết học, khoa học và nghệ thuật,... thần thoại có thể tồn tại với tư cách là tác phẩm độc lập hoặc tồn tại một cách nguyên hợp trong các các nghi lễ, điều cấm kỵ, những bài ca, điệu nhảy, phong tục,... của các cộng đồng.

Thần thoại Việt Nam đa dạng, phong phú gắn với các địa phương, các tộc người. Có những tác phẩm thần thoại của Việt Nam thể hiện sự hình dung về sự ra đời của vũ trụ, tạo vật, con người, các tộc người,... như “Thần trụ trời”, “Truyện họ Hồng Bàng” của người Việt, “Ẳm ệt luông” của người Thái, “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường, hay các câu chuyện về con người sinh ra từ một quả bầu mẹ phổ biến ở nhiều tộc người,... Có những tác phẩm thể hiện công cuộc chinh phục tự nhiên, sáng tạo văn hóa của con người, như chuyện về Lạc Long Quân diệt Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh của người Việt, chuyện chặt cây chu đồng của người Mường, chuyện Ải Lậc Cậc khai phá các cánh đồng lớn của người Thái, chuyện bà Thiên Y A Na dạy dân dệt vải của người Chăm,... Các tác phẩm thần thoại có đặc trưng nghệ thuật là thi pháp kỳ ảo, tạo dựng những hình tượng kỳ vĩ, đẹp đẽ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính lãng mạn và tính hiện thực,...

Nội dung[sửa]

Thần thoại có những nội dung chính như: giải thích về sự hình thành vũ trụ, sự hình thành con người, tạo vật, giải thích về những kỳ tích sáng tạo văn hóa của con người trong buổi đầu của lịch sử,... thần thoại thu nhận và truyền đạt vũ trụ quan, nhân sinh quan chung của cộng đồng, đồng thời có chức năng sinh hoạt thực hành, gắn với hoạt động lễ nghi hay lao động, sản xuất của cộng đồng. Với sự thể hiện trí tưởng tượng bay bổng, thần thoại hướng con người tới những lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp. Một số học giả cho rằng thần thoại là sự giải thích cho các nghi lễ, trong khi nghi lễ là sự kịch hóa thần thoại. Một số học giả lại xem thần thoại là những tự sự độc lập với nghi lễ, và là một hệ thống ký hiệu, một hệ thống biểu tượng, một hệ thống thông báo hay một phương thức biểu đạt, không nhất thiết được nói ra bằng lời, mà có thể được thể hiện qua nhiều dạng thức khác nhau. thần thoại lưu giữ những mẫu gốc tích lũy trong truyền thống của cộng đồng, trao truyền ký ức tập thể của cộng đồng từ đời này sang đời khác.

Mặc dù thần thoại được cộng đồng tin là thật, thần thoại không đồng nhất với lịch sử mà được xem là siêu sử. Mang những thông tin gắn với sự thực lịch sử, nhưng thần thoại không hướng đến mục đích tái tạo lịch sử, mà lấy đời sống đương đại làm trung tâm, bám vào các vấn đề của đời sống đương đại và cải biên, thêm thắt, tùy chỉnh theo bối cảnh xã hội và văn hóa. Tuy có thuộc tính phi lịch sử, kể chuyện quá khứ nhưng thần thoại lại có vai trò tác động mạnh mẽ đến đời sống đương đại, có khả năng chi phối các hành vi đương đại của các thành viên trong cộng đồng. thần thoại biểu đạt cách mà con người hình dung quá khứ, hiện tại và tương lai, giúp truyền thụ lại hiểu biết về quá khứ một cách chọn lọc dựa theo các mục đích đương đại (kể cả những lịch sử dân gian mà có vẻ là chính xác, chẳng hạn như phả hệ, cũng luôn được cải biên để đáp ứng nhu cầu của hiện tại). thần thoại là sự giải thích về quá khứ, lịch sử bằng nhãn quan của hiện tại, bằng nhu cầu và sự chọn lọc thông tin, bằng sự tưởng tượng và hư cấu của con người thời hiện tại. thần thoại có sức mạnh xâu chuỗi, gắn kết giữa lịch sử, truyền thống với thời đương đại và cả tương lai của cộng đồng.

Các tác phẩm thần thoại không chỉ được sáng tác và lưu truyền từ thời nguyên thủy mà còn được tái tạo, sáng tạo liên tục trong suốt lịch sử nhân loại. Thần thoại cũng được chuyển hóa trong các dạng thức, thể loại văn chương khác nhau và trong các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật. Có những yếu tố thần thoại (như những mẫu gốc, motif, biểu tượng,...) đi vào trong truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện thơ, hay các sáng tác văn chương, nghệ thuật,... của các tác giả thời đương đại. Nhiều tác phẩm thần thoại cũng được chuyển thể thành các tác phẩm điện ảnh, các trò chơi trong ngành công nghiệp sáng tạo.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Đổng Chi, Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1956.
  2. Cao Huy Đỉnh, Đặng Nghiêm Vạn, "Nguồn gốc, quá trình hệ thống hóa và tính chất dân tộc của thần thoại Việt Nam", Hùng Vương dựng nước, Tập 4, Viện Khảo cổ học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974, tr. 347-363.
  3. Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 1999.
  4. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (đồng chủ biên), Từ điển văn học bộ mới, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2004.
  5. E.M. Mêlêtinxki, Thi pháp của huyền thoại, Song Mộc, Trần Nho Thìn dịch, Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2004.
  6. Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan (chủ biên), Folklore một số thuật ngữ đương đại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
  7. Roland Barthes (Phùng Văn Tửu dịch), Những huyền thoại, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008.
  8. Nguyễn Thị Huế (chủ biên), Thần thoại các dân tộc thiểu số Việt Nam Quyển 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013.