Thư viện tỉnh Thái Bình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, là Thư viện trung tâm của tỉnh Thái Bình, trụ sở tại số 196, phố Hai Bà Trưng, thành phố Thái Bình.
TVTTB thành lập năm 1955. Trụ sở đầu tiên của Thư viện đặt ở góc phố Lê Lợi, sau chuyển về địa điểm chân Cầu Bo.
Ngày 20 tháng 9 năm 1963, người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Thư viện mới là Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông. Ngày 15 tháng 4 năm 1975, Thư viện mới được khánh thành và đi vào hoạt động. Thư viện lấy ngày 15.4 làm ngày truyền thống. Cũng trong năm 1975, Thư viện được chuyển từ thư viện phổ thông lên thư viện khoa học tổng hợp.
Ngày 09 tháng 10 năm 2020, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình ký Quyết định số 2875/QĐ-UBND đổi tên Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh Thái Bình thành TVTTB trực thuộc, chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp và toàn diện của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình; đồng thời chịu sự chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tòa nhà Thư viện Thái Bình (Ảnh LTTH)
Ngày 12 tháng 10 năm 2020, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình ký Quyết định số 286/QĐ-SVHTTDL về việc quy định chức năng, nhiệm vụ của TVTTB. Theo đó, TVTTB có chức năng thu thập, bảo quản, tổ chức khai thác và sử dụng chung các tài liệu được xuất bản tại tỉnh Thái Bình, hoặc nói về tỉnh Thái Bình, các tài liệu trong nước và ngoài nước, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu xây dựng và phát triển của tỉnh Thái Bình về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; tổ chức sử dụng tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện, góp phần truyền bá tri thức, những giá trị văn hóa của dân tộc và của nhân loại; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập. Thư viện có các nhiệm vụ: 1) Thu thập, tàng trữ và bảo quản lâu dài các tư liệu được xuất bản tại địa phương; nhận các sách xuất bản lưu chuyển địa phương do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình chuyển giao; sưu tầm các tài liệu quý hiếm của địa phương, liên quan đến địa phương, các bản sao khóa luận, luận văn tốt nghiệp của sinh viên các trường đại học được mở rộng tại địa phương; tổ chức phục vụ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người đọc sử dụng vốn tài liệu thư viện thông qua các hình thức theo quy định của Luật Thư viện; tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi vốn tài liệu của thư viện đến mọi tầng lớp nhân dân, các tài liệu phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương; 2) biên soạn và xuất bản các ấn phẩm thông tin-thư mục phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đối tượng bạn đọc của thư viện; ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hóa thư viện; 3) hướng dẫn nghiệp vụ đối với thư viện cấp huyện và cơ sở xã, phường, thị trấn; tổ chức luân chuyển sách, báo đến các thư viện huyện và các thư viện cơ sở trọng điểm; chủ trì, phối hợp hoạt động về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các thư viện khác của địa phương; 4) hợp tác quốc tế về lĩnh vực thư viện.
Kho sách Thư viện Thái Bình (Ảnh LTTH)
Cơ cấu tổ chứccủa TVTTB gồm Giám đốc, các Phó Giám đốc và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Hành chính-Tổng hợp; Nghiệp vụ; Công tác bạn đọc; Thông tin thư mục và Phong trào cơ sở.
Sách báo ban đầu của TVTTB chỉ có khoảng 2.000 bản, đến năm 1975, vốn sách của Thư viện đã có 130.000 bản, 300 nhan đề tạp chí và hàng nghìn đơn vị tạp chí cũ được đóng bìa. Mỗi năm Thư viện phục vụ 3.000 lượt bạn đọc với 6.000 lượt sách báo luân chuyển. Đối tượng phục vụ chủ yếu là bộ đội, dân quân tự vệ, các đội sản xuất, các trường học,… Thư viện phục vụ ngày 3 buổi sáng, chiều, tối (kể cả chủ nhật).
Đầu năm 1985, toàn tỉnh Thái Bình có 167 thư viện xã được TVTTB giúp sức xây dựng và tổ chức hoạt động, 300 thư viện các trường phổ thông, thư viện các trường chuyên nghiệp, thư viện trường Đảng được phát triển và hoạt động đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa thư viện huyện và tỉnh. Thư viện đã tặng Thư viện Vĩnh Trà, tỉnh kết nghĩa với tỉnh Thái Bình, 20.0000 bản sách được đóng bìa cứng và hàng ngàn bản sách cho Thư viện tỉnh Lạng Sơn (1980).
Về các sản phẩm, năm 1990, Thư viện đã biên soạn được hàng trăm bản Thư mục, phục vụ nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có ba công trình Thư mục địa chí lớn: Thư mục “Thái Bình mảnh đất và con người”, tập I, tập hợp 2.887 tài liệu từ năm 1983 trở về trước; tập II, tập hợp 1.270 tài liệu từ năm 1983 đến năm 1989; Thư mục “Lê Quý Đôn”, tập hợp 179 tài liệu gồm những tác phẩm của Lê Quý Đôn và những tài liệu viết về Lê Quý Đôn. Năm 1995, Thư viện được xếp vào hạng Hai.
Cuối năm 2004, vốn sách của Thư viện có 160.000 bản sách, 200 nhan đề tạp chí, hàng ngàn đơn vị tạp chí cũ được đóng bìa để lưu giữ. Sách được thư viện sắp xếp khoa học trên hệ thống giá sách, tổ chức thành các kho tài liệu: kho đọc tại chỗ, kho báo và tạp chí, kho tài liệu tra cứu, kho sách báo ngoại văn, kho tài liệu địa chí (có hệ thống mục lục tra cứu tìm sách báo), kho mượn tự chọn, kho sách lưu động, kho sách thiếu nhi và một kho nhỏ sách chữ nổi, băng ghi âm phục vụ bạn đọc khiếm thị. Hàng năm, thư viện cấp trên 2.500 thẻ mới cho bạn đọc (người lớn), 300 thẻ cho bạn đọc (thiếu nhi) vào dịp nghỉ hè. Phục vụ trung bình 90.000 lượt bạn đọc với hơn 150.000 lượt tài liệu, phục vụ nhiều đề tài nghiên cứu có hiệu quả.
Năm 2001-2005, Thư viện đã hỗ trợ sách, báo, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, phục vụ sách báo cho 250 nhà bưu điện văn hóa xã, 3 đồn biên phòng, 2 đơn vị huấn luyện chiếu đấu, nhiều thư viện trường phổ thông, tổ chức các cuộc triển lãm về sách báo; tổ chức giảng dạy nghiệp vụ cho 5 khóa học sinh trung học thư viện của trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thái Bình; cán bộ thư viện còn tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Thư viện đã tiếp cận với công nghệ tin học từ những năm 1990. Hiện nay, Thư viện đang ứng dụng phần mềm llib vào các hoạt động nghiệp vụ Thư viện.
Để ghi nhận những thành tích, đóng góp của Thư viện, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng TVTTB Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhì.
Tài liệu tham khảo [sửa]
- Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, Quyết định số 2875/QQĐ-UBND, ngày 09.10.2020.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quyết định số 286/QĐ-SVHTTDL ngày 12.10.2020.
- Nguyễn Quang Ân, Nguyễn Thanh (Chủ biên), Từ điển Thái Bình (tái bản có bổ sung),Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2020.