Mục từ này cần được bình duyệt
Thư viện khoa học và công nghệ quốc gia

(A. National Library of Science and Technology - NALIST), trực thuộc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, là một trong những thư viện có truyền thống phát triển lâu đời, có nguồn dữ liệu khoa học và công nghệ hiện đại lớn nhất Việt Nam, phục vụ mọi đối tượng dùng tin khoa học và công nghệ trong cả nước. Trụ sở: 24-26 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tiền thân của TVKHVCNQG là Thư viện của Viện Viễn Đông Bác cổ được thành lập tháng 01.1901. Năm 1960, trên cơ sở thư viện của Viện Viễn Đông Bác cổ ở Hà Nội, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tổ chức thành Thư viện Khoa học Trung ương trực thuộc Uỷ ban Khoa học nhà nước. Năm 1968, Thư viện Khoa học Trung ương được tách thành Thư viện Khoa học và Kỹ thuật Trung ương (trực thuộc Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước) và Thư viện Khoa học xã hội (trực thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội). Năm 1990, Thư viện Khoa học và Kỹ thuật Trung ương được sáp nhập với Viện Thông tin khoa học và Kỹ thuật Trung ương thành Trung tâm Thông tin tư liệu khoa học và công nghệ quốc gia (nay là Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia). Từ năm 2011 đến nay, Thư viện có tên chính thức là TVKHVCNQG

TVKHVCNQG thực hiện chức năng của thư viện cấp quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xuất bản tạp chí Thông tin và Tư liệu với các nhiệm vụ chính: Xây dựng chính sách, định hướng phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ cho cả nước; Tổ chức cập nhật, bổ sung, trao đổi và phát triển các nguồn tin khoa học và công nghệ trọng yếu; Thực hiện công tác phục vụ bạn đọc tại chỗ và trực tuyến; Đầu mối điều phối Liên hợp thư viện Việt Nam về các nguồn thông tin khoa học và công nghệ (A. Vietnam Library Consortium on e-resources); Biên soạn và xuất bản Tạp chí Thông tin và Tư liệu; Duy trì và phát triển hệ thống Tạp chí Khoa học Việt Nam trực tuyến (VJOL); Phân loại, biên mục sách và tài liệu khoa học và công nghệ; Xử lý thông tin, cập nhật Mục lục tài liệu do Thư viện quản lý, cơ sở dữ liệu về công bố quốc tế của tác giả Việt Nam; Tra cứu và cung cấp thông tin phục vụ quá trình đặt hàng, tuyển chọn, giao nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ và nghiệm thu đánh giá các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi có yêu cầu; Thực hiện tuyên truyền, quảng bá về nguồn tin khoa học và công nghệ; Hướng dẫn, tập huấn kỹ năng khai thác thông tin cho bạn đọc; Tạo lập và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thông tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; Lưu giữ, bảo quản và phục chế tài liệu; Tổ chức các sự kiện và thực hiện các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực thông tin, thư viện theo quy định của pháp luật; Thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Về cơ cấu tổ chức, TVKHVCNQG gồm Giám đốc, các Phó Giám đốc và năm phòng: Phát triển nguồn tin, Đọc Tổng hợp, Tra cứu tài liệu điện tử, Công tác bạn đọc, Tạp chí Thông tin tư liệu.

TVKHVCNQG có nguồn lực thông tin phong phú, đa dạng nhất cả nước về khoa học và công nghệ, bao quát hầu hết các ngành khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và các lĩnh vực công nghệ quan trọng, phục vụ phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, giáo dục đào tạo và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Về nguồn lực thông tin dạng giấy, hiện nay, Thư viện lưu giữ khoảng 7.700 tên tạp chí in và ấn phẩm kế tiếp thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ, chủ yếu là tạp chí quốc tế có hệ số ảnh hưởng cao, gồm: 5.160 tên tạp chí gốc Latin (chủ yếu là tiếng Anh và tiếng Pháp), 826 tên tạp chí tiếng Nga, khoảng 50 tên tạp chí tiếng Trung Quốc, 693 tên tạp chí tiếng Việt. Trong số đó có khoảng 1.000 tên tạp chí thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học và công nghệ, khoa học kinh tế được bổ sung thường xuyên. Kho sách của Thư viện hiện có khoảng 380.000 tên sách khoa học, trong đó 32% thuộc ngành khoa học cơ bản, 45% thuộc ngành khoa học và công nghệ, 23% thuộc các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, y tế, kinh tế, quản lý, thông tin học, thư viện học với số lượng sách tiếng Việt chiếm 20%, sách ngôn ngữ gốc Slavơ chiếm 20% và sách ngôn ngữ gốc Latin chiếm 60%; hơn 17.000 sách chuyên khảo gồm nhiều loại: bách khoa toàn thư, từ điển chuyên ngành, cẩm nang, sổ tay tra cứu, tạp chí tóm tắt, trong đó có các tài liệu tra cứu rất nổi tiếng và quý hiếm ở Việt Nam như bộ Chemical Abstracts. Kho kết quả nghiên cứu có khoảng 33.000 báo cáo kết quả nghiên cứu cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh được thực hiện trên phạm vi cả nước trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt có số lượng lớn báo cáo thuộc các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, y tế, công nghệ thông tin, kinh tế, giáo dục,… có khả năng triển khai thành các công nghệ để áp dụng vào thực tế.

Về nguồn lực thông tin dạng điện tử, Thư viện có nguồn tài liệu điện tử trong nước và quốc tế phong phú, đa dạng nhất cả nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thư viện đã xây dựng các CSDL điện tử và toàn văn lớn về lĩnh vực khoa học và công nghệ. CSDL Tài liệu khoa học và công nghệ Việt Nam (STD), được bắt đầu xây dựng từ năm 1987, là CSDL toàn văn lớn nhất Việt Nam, cho phép truy cập toàn văn 260.000 tài liệu khoa học của Việt Nam về các lĩnh vực được đăng tải trên các tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam, trên các kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học và công nghệ,…

CSDL Nhiệm vụ khoa học và công nghệ Việt Nam là CSDL thư mục lớn nhất Việt Nam về các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cho phép đọc tóm tắt và những thông tin chính về 33.000 nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước Việt Nam, gồm cơ sở dữ liệu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đang tiến hành và CSDL các kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

CSDL SCITEC gồm thư mục các bài báo khoa học và công nghệ của tạp chí xuất bản ở nước ngoài, có nhan đề và tóm tắt bằng tiếng Việt.

CSDL VNDOC là CSDL về tài liệu đăng trên các tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam, trên các kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học và công nghệ được dịch sang tiếng Anh. Đến cuối năm 2015, VNDOC có trên 22.000 biểu ghi, trung bình mỗi năm, VNDOC được cập nhật thêm khoảng 6.000 tài liệu mới.

Thư viện đã mua quyền truy cập và sử dụng toàn văn 40 triệu tài liệu công bố quốc tế từ các CSDL khoa học và công nghệ nổi tiếng thế giới ScienceDirect, Sringer Nature, Scopus, IEEE, ACS, ProQuest Central, ISI-Web of Knowledge, SproQuest Central, Web of Science (ISI),…

Là thư viện đi đầu trong việc đổi mới phương thức phục vụ đáp ứng nhu cầu người sử dụng trong bối cảnh Công nghiệp 4.0. TVKHVCNQG có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo nguồn thông tin cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Thư viện đã góp phần nâng cao năng lực cho hệ thống thư viện Việt Nam thông qua việc thành lập và phát triển Liên hợp thư viện Việt Nam về nguồn tin khoa học và công nghệ với mục đích phối hợp bổ sung nguồn lực thông tin, hợp tác cùng phát triển và nâng cao năng lực của hệ thống.

Với những đóng góp to lớn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, Thư viện đã được Nhà nước tặng thưởng huân chương cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Khoa học và Công nghệ, Quyết định số 1785/QĐ-BKHCN ngày 26.6.2018 về việc ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ, Quyết định số 592/QĐ-BKHCN ngày 20.3.2019 quy định về Tổ chức và hoạt động của Thư viện khoa học và công nghệ quốc gia trực thuộc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

3. Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Quyết định số 217/QĐ-TTKHCN ngày 06.6.2019 về chức năng, nhiệm vụ và các phòng trực thuộc Thư viện khoa học và công nghệ quốc gia.