(Bibliothèque de la Société Asiatique)
thư viện của Hiệp hội Á châu, thành lập vào năm 1989 tại Pari (Pháp).
Châu Âu thế kỷ XIX dành nhiều quan tâm tới văn hóa của những xứ sở Á châu. Với chủ trương hướng tới châu Á, nhiều tổ chức học thuật từ châu Âu được mở ra để lan tỏa trí thức và trên hết để cổ vũ sự sáng tạo những chuyên ngành mới. Pháp quốc đã đóng vai trò khởi xướng.
Ý tưởng về một hiệp hội Á châu tại Paris được ra đời năm 1821 trong cuộc trao đổi giữa các nhà trí thức quý tộc Pháp. Đây là thời điểm mà những khảo cứu Đông phương đang được học giới Âu châu háo hức khám phá và chờ đợi. Một cách chính thức, trong cuộc họp đầu tiên ngày 1 tháng Tư năm 1822, (diễn ra từ 8 giờ sáng tới nửa đêm), Chủ tịch và Thư ký lâm thời của Hiệp hội Á châu đã được bầu. Đây chính là hiệp hội học thuật đầu tiên của loại hình hiệp hội này ở châu Âu. Từ đó tới nay, chủ trương học thuật của Hiệp hội hầu như được duy trì, luôn luôn cổ lệ hướng nghiên cứu các ngôn ngữ của châu Á. Ngay từ buổi hình thành, Hiệp hội Á châu đã rất nhanh vượt lên phạm vi văn hiến học để bao gồm tổng thể nhiều nghiên cứu đa dạng về Đông phương.
Biểu tượng của Hiệp hội Á châu
Là hiệp hội độc lập, trở nên nổi tiếng bởi hiệu quả trong công chúng từ năm 1829, Hiệp hội Á châu kết hợp với các đối tác danh tiếng ở Pháp như Collège de France [Trường Quốc học Pháp], Académie des Inscriptions et Belles-Lettres [Viện Hàn lâm Minh văn và Mỹ văn]. Thư viện của Hiệp hội được thành lập từ năm 1989 tại số 52 phố Cardinal Lemoine (Paris), là kết quả của một thỏa thuận được ký kết giữa Bộ Giáo dục quốc gia và Hiệp hội Á châu kế thừa một cam kết lâu dài của Nhà nước Pháp từ năm 1924. Đương nhiên, Hiệp hội Á châu có vị thế bên cạnh bộ phận Viễn Đông của Collège de France.
Thư viện của Hiệp hội Á châu là kết tinh di sản từ những nguồn cung tiến và hiến tặng từ thủa mới thành lập. Tài liệu của thư viện ngày thêm phong phú bởi những trao đổi giữa ấn phẩm Journal Asiatique (định kỳ hai năm một số) và rất nhiều tạp chí quốc tế đóng góp những khảo cứu về Đông phương học, cũng như nguồn cung hiến những xuất bản phẩm của chính các thành viên Hiệp hội Á châu.
Hiện tại, thư viện Hiệp hội bao gồm hơn 100.000 sách (bằng 54 ngôn ngữ, từ 80 quốc gia, xứ sở), 200 tên ấn phẩm định kỳ hiện hành, cùng những tài liệu họa phẩm, bản đồ, bản in rập, hình ảnh cổ xưa và những phông lưu trữ. Trong đó, có một số đang được phân loại.
Tổng thể tài liệu thư viện đa dạng và phong phú này phản ảnh mối quan tâm và phạm vi học thuật đối với nền Đông phương học đã được di truyền từ những thư viện tư nhân cho tới hiệp hội mà cá nhân đó là thành viên, thậm chí có vị là quản trị viên. Đáng kể tới những phông tài liệu quan trọng nhất đã được số hóa và được đánh giá là hiếm quý bởi nội dung tự thân. Đó là phông Edouard Chavannes (1865-1918), phông Henri Maspero (1883-1945), phông Paul Demiéville (1894-1979) và phông Jean Filliozat (1906-1982). Có những phông khác không lớn bằng song rất hứa hẹn giá trị học thuật như phông James Hamilton (1923-2003) và phông Louis Bazin (1920-2011) chuyên về văn hóa Trung Á, phông Foucher (1865-1952) và phông Emile Sénart (1847-1928) chuyên về nghệ thuật Phật giáo và Ấn Độ, cũng như phông Tây Tạng được di truyền bởi Jacques Bacot từ năm 1971.
Riêng thư viện tư được kết hợp với các thư viện của bộ phận Viễn Đông trong Collège de France, là nơi bổ sung những bộ sưu tập và củng cố thế mạnh tổng hợp của Viện Khảo cứu Các nền văn minh được thiết lập trong những trụ sở tại địa chỉ Cardinal Lemoine, nơi được hoàn thành việc trùng tu năm 2019.
Năm 2018, các bộ sưu tập của thư viện Hiệp hội được Bộ Giáo dục cấp nhãn hiệu Collections d’excellence [Những bộ sưu tập xuất sắc] về Khảo cứu và Sáng tạo.
Tài liệu tham khảo
1. Trang web của Académie des Inscriptions et Belles-Lettres [Viện Hàn lâm Minh văn và Mỹ văn] (Pháp) : https://www.aibl.fr/societe-asiatique/?lang=fr.
2. Trang web của Collège de France [Trường Quốc học Pháp] : https://www.college-de-france.fr/site/bibliotheques-archives/bibliotheque-de-la-societe-asiatique.htm.