Mục từ này cần được bình duyệt
Thư viện Viện văn học

Thư viện Viện văn học thư viện chuyên ngành, đầu ngành trong cả nước lưu trữ tài liệu về văn học, thuộc Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VHLKHXHVN), phục vụ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, học viên của Viện Văn học và những người dùng tin khác quan tâm, nghiên cứu về văn học, trụ sở tại 20 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đây là một trong những thư viện có lịch sử lâu đời nhất so với các thư viện thuộc VHLKHXHVN, ra đời cùng với sự thành lập của Viện Văn học năm 1960 (theo Quyết định số 038-TTg ngày 6.02.1960 của Thủ tướng Chính phủ). Thư viện có chức năng sưu tầm, lưu giữ, xử lý, cung cấp và bảo quản các tư liệu văn học, kết quả nghiên cứu và phê bình văn học, phục vụ các đối tượng dùng tin trong và ngoài Viện. Thư viện có nhiệm vụ: tổ chức, xử lý, sắp xếp, lưu trữ, bảo quản tài liệu, xây dựng hệ thống tra cứu phù hợp, thiết lập mạng lưới thông tin tự động hóa, xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL), xây dựng các sản phẩm thông tin…; phục vụ, hướng dẫn người dùng tin khai thác, sử dụng hiệu quả tài liệu trong thư viện và các sản phẩm dịch vụ thông tin thư viện; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến và công nghệ thông tin vào công tác thư viện; bảo quản, kiểm kê định kỳ vốn tài liệu, cơ sở vật chất, thanh lọc các tài liệu hư nát, lạc hậu theo quy định; khai thác, bổ sung, quản lý và phát triển nguồn lực thông tin dưới nhiều hình thức: mua, thu nhận tài liệu nội sinh của Viện, trao đổi, chia sẻ nguồn lực thông tin,…; quản lý, vận hành trang thiết bị của Thư viện; mở rộng hợp tác, giao lưu liên kết với các thư viện trong và ngoài nước về lĩnh vực khoa học thư viện; tham mưu cho Lãnh đạo Viện tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động thông tin - thư viện phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học của Viện; thực hiện các nhiệm vụ khác do Viện trưởng phân công.

Từ vốn sách ít ỏi ban đầu, trong đó có sách xuất bản trước cách mạng (1930-1945) và trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đến tháng 11.2020, TVVVH đã xây dựng được kho sách lớn, chủ yếu là sách văn học và một số khoa học liên quan như văn hóa, lịch sử, triết học,…, tổng cộng hơn 68.000 bản, trong đó, sách nghiên cứu và sáng tác có khoảng 66.800 bản, hằng năm được bổ sung khoảng 600 bản; từ điển có khoảng 1.200 bản, hằng năm được bổ sung khoảng 50 bản. Tính theo ngôn ngữ, sách tiếng Việt có 36.569 cuốn; sách tiếng Nga có 10.878 cuốn; sách tiếng Trung có 3.030 cuốn; sách Hán Nôm có 1.556 cuốn; sách tiếng Anh, Pháp có 6.377 cuốn; sách các ngôn ngữ khác (Đức, Tiệp, Ý, Nhật,…) có 3.590 cuốn.

Về báo, tạp chí, TVVVH có 431 nhan đề tiếng Việt, 32 nhan đề tiếng Trung, 48 nhan đề tiếng Nga, 92 nhan đề tiếng Anh, Pháp,… với tổng số khoảng 7.000 bản, trong đó có nhiều loại báo, tạp chí quý và cổ như Nam Phong, Tri tân (bộ Tạp chí Tri tân ở TVVVH là một trong những bộ đầy đủ nhất so với các Thư viện khác), An Nam tạp chí, Đông Dương tạp chí, Phụ nữ Tân văn, Trung bắc tân văn, Hữu Thanh, Ích hữu,… và rất nhiều tài liệu dịch chưa công bố.

Ngoài ra, TVVVH còn lưu trữ các báo cáo kỷ yếu hội thảo, đề tài nghiên cứu các cấp, luận văn, luận án,… Đặc biệt, Thư viện có nhiều tài liệu quý, hiếm, độc bản, bản thảo viết tay,…

Kho sách Hán Nôm của TVVVH với hơn 1.000 cuốn có giá trị quan trọng về mặt lịch sử, là nguồn thư tịch cổ đặc biệt quý hiếm. Trong số đó có nhiều tài liệu là bản gốc, được viết tay hoặc khắc in dưới thời Nguyễn như các bộ: Thương Sơn ngoại tập của Miên Thẩm (20 quyển - 10 tập), Ngự chế Việt sử tổng vịnh của vua Tự Đức, Thảo Đường thi nguyên tập và các sách liên quan đến tác giả Phạm Quý Thích (bộ sách này còn ở tình trạng nguyên vẹn, lưu giữ rất nhiều giá trị tư liệu về các tác gia văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII), Đại Nam quốc sử diễn ca (khắc in năm Tự Đức thứ 34), Uyên giám loại hàm (54 cuốn), Uyên giám loại hàm lược biên; Trích cẩm vựng biên (khắc in dưới triều vua Minh Mệnh); Tứ thư tiết yếu, Ngũ kinh tiết yếu, Tính lư tiết yếu (21 quyển, khắc in dưới các triều Thiệu Trị và Tự Đức, thuộc vào loại có niên đại sớm của nhóm văn bản này), Thạch Nông thi văn tập của Nguyễn Tư Giản (11 quyển),v.v. và rất nhiều sách Phật giáo được khắc in qua các triều đại,…

Tính đến cuối năm 2020, TVVVH đã sưu tầm và dịch trên 3.100 nhan đề tài liệu Hán Nôm, Anh, Pháp, Nga, như: Tùy viện thi thoại, Chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến, Mỹ học của Hêghen; Phương pháp hiện thực và cá tính sáng tạo củaKhrapchencô; Hiện thực thứ hai của nghệ thuật và thuyết thần thoại trong mỹ học hiện đại,…

TVVVH đã và đang triển khai xây dựng mục lục điện tử toàn bộ kho sách tiếng Việt và một số sách tiếng như Latinh, Anh, Pháp,… Tính đến cuối tháng 11.2020, Thư viện đã xây dựng được CSDL sách tiếng Việt gồm 24.762 biểu ghi; CSDL sách tiếng Anh, Pháp, Latinh gồm 4.965 biểu ghi; CSDL bài trích Tạp chí Văn học gồm 7.277 biểu ghi; ngoài ra, Thư viện còn xây dựng CSDL luận án, luận văn, tài liệu dịch, tư liệu điền dã,…

Tính đến ngày 30.11.2020, TVVVH đã đóng góp 45.411 biểu ghi thư mục vào mục lục tra cứu trực tuyến (OPAC) và đóng góp tài liệu số vào thư viện số của VHLKHXHVN do Thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội quản lý, có địa chỉ https://opac.issi.vass.gov.vn/https://thuvienkhxh-vass.contentdm.oclc.org/.

TVVVH cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ thông tin như: thông tin theo yêu cầu; các chuyên đề tổng hợp, phân tích theo yêu cầu; tổng thuật, tóm tắt tài liệu; tư vấn, tra cứu thông tin trên CSDL điện tử; các dạng thư mục theo chủ đề; bản sao tài liệu gốc;…

TVVVH luôn chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác, trao đổi, chia sẻ tài liệu với các thư viện trong, ngoài nước như: Thư viện Viện Viễn Đông Bác Cổ, Thư viện Viện Thông tin Khoa học xã hội, Thư viện Viện Sử học,… và nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài ở Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc,…

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lê Thu Thủy, Thư viện Viện Văn học: hôm qua và hôm nay, tạp chí Văn học, 2003, số 11, tr.82-88.
  2. Nguyễn Thị Tường Anh, Thư viện Viện Văn học: 45 năm nhìn lại, tạp chí Thư viện Việt Nam,2005, số 1, tr.27-31.
  3. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Quyết định số 248/QĐ-KHXH ngày 27.02.2013 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Viện Văn học.
  4. Nguyễn Đăng Điệp, Viện Văn học: 60 năm xây dựng, phát triển và đổi mới cùng văn học dân tộc”, tạp chí Nghiên cứu văn học,2013, số 11, tr.5-12.
  5. Viện Văn học, Viện Văn học - 65 năm xây dựng, phát triển và đổi mới, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018.