Mục từ này cần được bình duyệt
Thư viện Viện thông tin khoa học xã hội

Thư viện Viện thông tin khoa học xã hội (hoặc Thư viện Khoa học xã hội) thư viện quốc gia, tổng hợp, đầu ngành về khoa học xã hội (KHXH) và nhân văn; lưu giữ nguồn tư liệu về KHXH và nhân văn, về Đông phương học với số lượng lớn, phong phú, quý hiếm, bộ sưu tập các tạp chí KHXH thế giới đa dạng; phục vụ giới nghiên cứu, giảng dạy KHXH trong và ngoài nước, các nhà hoạt động xã hội, các tổ chức và cá nhân dùng tin có nhu cầu; trụ sở tại số 1B Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội và 26 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

TVVTTKHXH được thành lập năm 1968, nhưng tiền thân của Thư viện là Thư viện Học viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) được thành lập năm 1901 (xt: Thư viện Viện Viễn Đông Bác cổ). Năm 1957, EFEO bàn giao lại gần như toàn bộ tài liệu và hiện vật của EFEO cho Việt Nam. Năm 1959, Ủy ban Khoa học nhà nước được thành lập, Thư viện Khoa học Trung ương thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước ra đời trên cơ sở Thư viện EFEO.

Tháng 4 năm 1968, Thư viện Khoa học Trung ương được tách ra thành Thư viện Khoa học và Kỹ thuật Trung ương thuộc Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước và Thư viện KHXH thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam. Trên thực tế, ngày 31.7.1967, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 117-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban KHXH Việt Nam, trong đó Thư viện KHXH là một cơ quan trực thuộc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan Khu trưng bày tài liệu về chủ quyền Biển đảo do VTTKHXH tổ chức (Ảnh tư liệu Viện Thông tin khoa shojc xã hội)

Ngày 8 tháng 5 năm 1975, Thư viện KHXH được sáp nhập với Ban Thông tin KHXH thành Viện Thông tin KHXH trực thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (xt: Viện Thông tin KHXH).

Các Quyết định của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam từ 2005 đến nay đều xác định rõ một trong các chức năng của Viện Thông tin KHXH là bảo tồn, khai thác và phát huy di sản truyền thống Thư viện KHXH, xây dựng và phát triển thư viện là thư viện quốc gia về KHXH. Theo đó, Thư viện có các nhiệm vụ: (1) Chủ trì nghiên cứu nhằm tạo sự thống nhất và chuẩn hóa nghiệp vụ thư viện, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) về kết quả nghiên cứu KHXH, tổ chức và phát triển nguồn thông tin KHXH, quản lý thống nhất tài nguyên thông tin số của các thư viện thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; cập nhật sách, báo, tạp chí, phần mềm ứng dụng, các dạng thông tin số, ảnh, băng đĩa…; bảo quản, phục chế, số hóa, vi phim hóa sách, báo, tư liệu của Thư viện KHXH. (2) Bảo tồn, khai thác, xây dựng và phát triển Thư viện KHXH thành Thư viện quốc gia về KHXH. Chủ trì xây dựng và thực hiện quy hoạch định hướng phát triển, hiện đại hóa hệ thống thư viện của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam theo mô hình thư viện trung tâm - thư viện thành viên; ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động thông tin - thư viện, điều phối hoạt động tin học hóa thư viện trong toàn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; làm đầu mối về chuyên môn, tư vấn và hướng dẫn nghiệp vụ, đào tạo nguồn nhân lực thông tin - thư viện. (3) Hợp tác quốc tế và trong nước; trao đổi ấn phẩm với các tổ chức, thư viện trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; làm đầu mối bổ sung tài liệu ngoại văn, CSDL trực tuyến cho toàn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và các nhiệm vụ khác,…

Toàn bộ vốn tài liệu của Thư viện EFEO và vốn sách, báo, tạp chí KHXH đa ngữ được bổ sung từ Liên Xô và các nước khác kể ngày thành lập Thư viện Khoa học Trung ương đều thuộc tài nguyên của Thư viện KHXH. Năm 1964, trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, đại bộ phận kho sách của Thư viện được chuyển đi sơ tán đến các địa điểm an toàn như: tỉnh Tuyên Quang; xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, Vĩnh Yên; xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, Phúc Yên; huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang; huyện Chương Mỹ, Hà Tây; huyện Phúc Thọ, Hà Tây. Từ năm 1980, tài liệu từ các địa điểm sơ tán bắt đầu được chuyển về Hà Nội. Năm 1971-1972, Thư viện đã tiếp nhận kho sách tặng của các ông Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Khoan, Nguyễn Khắc Viện,… Trong những năm Mỹ đánh phá miền Bắc, Thư viện vẫn thường xuyên bổ sung sách, báo và vận chuyển từ Hà Nội đến các nơi sơ tán để xử lý, bảo quản và phục vụ bạn đọc.

Từ năm 1970-1975, Thư viện đã tổ chức kho sách đa ngữ để cung cấp cho các thư viện miền Nam với hơn 10.000 cuốn sách và hàng nghìn số tạp chí KHXH các loại. Cuối năm 1975, đầu năm 1976, toàn bộ số sách này đã được chuyển cho Thư viện KHXH trực thuộc Viện KHXH tại thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1971-1972, Thư viện đã xây dựng được đầy đủ các hệ thống tra cứu. Từ năm 1976, Thư viện bắt đầu nghiên cứu, mô tả thư mục theo quy tắc ISBD (M) và ISBD (S) của IFLA, từ năm 1978, sử dụng khung phân loại BBK. Từ năm 1990, Thư viện ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động.

Đầu năm 1980, toàn bộ số sách Hán Nôm (cũ, do EFEO tạo lập) và số sách Hán Nôm được bổ sung sau năm 1957 đã được chuyển cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm quản lý. Từ tháng 3.1998, Viện Thông tin KHXH được giao nhiệm vụ xây dựng CSDL SACHMOI gồm thư mục điện tử toàn bộ sách của TVVTTKHXH và các thư viện thuộc các đơn vị thành viên của Viện KHXH Việt Nam, giúp bạn đọc khai thác tin nhanh, đầy đủ, chính xác và thuận tiện. Thư viện cũng xuất bản Thư mục thông báo sách mới nhập về các viện thuộc Viện KHXH Việt Nam; từ năm 2006, Thông báo này được cập nhật lên Wesite của Viện. Đồng thời, Thư viện đã xây dựng CSDL mục lục điện tử các bài tạp chí KHXH trong toàn viện KHXH Việt Nam.

Khách quốc tế tham quan phòng đọc Thư viện VTTKHXH (Ảnh tư liệu Viện Thông tin KHXH)

Từ năm 1992, Thư viện được Chính phủ quyết định là một trong bốn thư viện lớn của cả nước được đầu tư ngoại tệ lớn nhất để mua sách, báo, tạp chí, tư liệu KHXH và nhân văn nước ngoài.

Hiện nay, tài nguyên sách và báo chí ấn bản của Thư viện gồm gần 500.000 nhan đề sách các ngữ về KHXH; hơn 2.000 nhan đề báo và tạp chí tiếng Việt và tiếng nước ngoài về KHXH (số lượng tạp chí là gần 900 nhan đề), trong đó hơn 500 nhan đề báo, tạp chí được bổ sung thường xuyên; 40.827 cuốn sách tiếng Pháp, tiếng Anh và một số tiếng thuộc ngữ hệ Latinh; 42.175 cuốn sách Trung Quốc cổ; 11.223 cuốn sách tiếng Nhật Bản cổ; 3.534 cuốn sách Hán Nôm; hơn 160 tập thần tích, thần sắc của khoảng 9.000 làng Việt; 1.225 văn bản hương ước được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, trong đó có 50 văn bản được soạn vào thế kỷ XVIII-XIX; 9.427 tấm bản đồ và 122 tập Atlas về các nước Đông Dương, trong đó quý nhất là bản đồ Hà Nội năm 1831 và năm 1873, bản đồ Sài Gòn năm 1902; 58.003 ảnh về các di tích lịch sử, sinh hoạt văn hóa, kiến trúc, khảo cổ…; 25.750 phim nhựa tấm và phim kính; 3.107 tấm phim đèn chiếu; 5.766 microfilm; hơn 400 bản sắc phong của Triều Nguyễn và các triều đại phong kiến thời trước, bản cổ nhất vào thế kỷ XVI. Bản độc đáo nhất của Thư viện có dấu “Ngự” của Triều Thanh Trung Quốc (thế kỷ XVIII). Một phần bộ Vĩnh lạc đại từ điển và một phần bộ Tứ khố toàn thư là những sách có giá trị đặc biệt mà ngay tại Trung Quốc cũng không có đủ.

Tài nguyên thông tin của TVVTTKHXH được xây dựng và phát triển theo kiểu khoa học kinh điển và hàn lâm, có những tư liệu có một không hai, được tổ chức thành hai hệ thống kho. Một là, các kho do EFEO để lại gồm có: (1) Kho Tranh cổ (xt: Kho Tranh cổ); (2) Kho Bản đồ (xt: Kho Bản đồ); (3) Kho Hương ước (xt: Kho Hương ước); Kho Sách Hán Nôm (xt: Kho sách Hán Nôm); (5) Kho Sách tiếng Nhật (xt: Kho sách Nhật Bản); (6) Kho Sách Trung Quốc cổ (xt: Kho sách Trung Quốc cổ); (7) Kho Sắc phong (xt: Kho Sắc phong); (8) Kho tài liệu Latinh cũ, (xt: Kho tài liệu La tinh cũ); (9) Kho Thần tích-thần sắc (xt: Kho Thần tích, thần sắc); (10) Kho Ảnh (xt: Kho Ảnh); (11) Kho Phim; (12) Kho Đĩa hát. Hai là, các kho được hình thành từ khi thành lập Thư viện Khoa học Trung ương (06.02.1960 đến nay) gồm: Kho Sách tiếng Nga; Kho Latinh mới; Kho Sách Trung Quốc hiện đại; Kho sách Việt; Kho Báo, Tạp chí; Kho Tạp chí tiếng Nga; Kho Tạp chí tiếng Việt; Các kho đặc thù (Các kho sách cá nhân, Các kho sách chuyên biệt, Kho Tư liệu Mỹ); Kho tài liệu dịch (tài liệu nội sinh);…

Năm 2012, Thư viện tiếp nhận thêm trụ sở mới tại 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thư viện điện tử, thư viện số hiện đại. Từ năm 2013, Thư viện ứng dụng phần mềm quản trị thư viện điện tử tích hợp, năm 2017, phần mềm này được nâng cấp, đồng thời ứng dụng phần mềm thư viện số hiện đại. Đó những phần mềm thư viện điện tử, thư viện số hàng đầu hiện nay trên thế giới. Kể từ đây, Thư viện dần dần áp dụng mô hình quản trị thư viện điện tử, thư viện số thư viện theo mô hình trung tâm - thành viên cho toàn hệ thống Thư viện Viện Hàn lâm KHXH (xt: Hệ thống thư viện Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Với những phần mềm này, Thư viện có thể kết nối mạng lưới thư viện toàn cầu, download dữ liệu và thụ hưởng các tài nguyên có sẵn ở các thư viện lớn trong nước và trên thế giới; nâng cao chất lượng phục vụ người dùng tin. Tính đến ngày 01 tháng 12 năm 2020, số biểu ghi được tích hợp trong OPAC của cả hệ thống là 1.317.185 và thư viện số có hơn 5.000.000 trang số hóa (xt: Hệ thống thư viện Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Trong đó, riêng Thư viện có CSDL thư mục trên 600.000 biểu ghi; trên 700.000 trang số hóa thuộc các bộ sưu tập số sau: Hình ảnh; Hương ước làng xã; Bảng kê thần tích thần sắc Hán Nôm; Tư liệu EFEO; Sách Nhật Bản cổ.

Thư viện có quan hệ chính thức với hơn 80 trung tâm thông tin và thư viện lớn của hơn 40 nước trên thế giới. Từ năm 1979, Viện Thông tin KHXH, trong đó có thư viện là cơ quan đại diện quốc gia là thành viên trong Hệ thống Thông tin KHXH quốc tế (MISON), Chương trình hợp tác phát triển của Viện với Viện Thông tin KHXH (INION) Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, tạo cơ hội và điều kiện để Thư viện tiếp nhận và chuyển giao thông tin về KHXH. Từ năm 1979, Viện trở thành thành viên của APINESS (Mạng Thông tin KHXH châu Á-Thái Bình Dương). Năm 2002, Viện là thành viên của Hiệp hội thư viện quốc tế IFLA. Kế thừa và phát huy di sản EFEO để lại, Thư viện đã không ngừng phát triển vốn tài liệu, xây dựng các sản phẩm và dịch vụ thông tin hiện đại, tiên tiến.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Quyết định số 040-TTg ngày 6.2.1960 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký về việc thành lập Thư viện Khoa học Trung ương thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước (Công báo số 6.1960, tr.89).
  2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 165-NQ/TVQH ngày 11.10.1965.
  3. Hội đồng Chính phủ, Quyết định số 93/CP ngày 8.5.1975 về việc thành lập Viện Thông tin khoa học xã hội (do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký).
  4. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Quyết định số 352/QĐ-KHXH ngày 25.4.2005 của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam về cơ cấu tổ chức của Viện Thông tin khoa học xã hội.
  5. Hồ Sĩ Quý, Về một thư viện khoa học xã hội tầm cỡ khu vực, Thông tin khoa học xã hội,2010, số 1 (325), tr.10-14.
  6. GS.TS. Hồ Sĩ Quý, PGS.TS. Vương Toàn (Chủ biên), Thư viện Khoa học xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, 2011.
  7. Lê Thị Lan, Đổi mới công tác thông tin-thư viện tại Viện Thông tin khoa học xã hội từ năm 2011 đến nay, Thông tin khoa học xã hội, 2014, số 8, tr.3-13.
  8. Nguyễn Thị Thúy Bình, Công tác bổ sung tài liệu tại Thư viện Khoa học xã hội, Thông tin khoa học xã hội, 2015, số 4, tr.62-67.
  9. Phùng Thị Bình, Số hóa tài liệu trong xu thế phát triển thư viện số tại Thư viện Khoa học xã hội, Thông tin khoa học xã hội, 2015, số 4, tr.77-83.
  10. Nguyễn Thị Thúy Nga, Nguồn lực thông tin và việc xây dựng mô hình quản lý thư viện trung tâm-thành viên tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, trong GS.TS. Hồ Sĩ Quý, ThS. Nguyễn Thị Thanh Hải (Chủ biên), Niên giám Thông tin khoa học xã hội, 2018, tập 13, Nxb. Khoa học xã hội.