Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm thư viện của một viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VHLKHXHVN), được xây dựng trên cơ sở của Phòng Thông tin - Tư liệu - Thư viện thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thành lập năm 1979 mà tiền thân là Ban Hán Nôm được thành lập năm 1970. Mục đích thành lập TVVNCHN nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn di sản Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và ngành Hán Nôm. Vì thế Thư viện có nhiệm vụ thu thập và bảo quản các nguồn tài liệu Hán Nôm, cùng các tài liệu nghiên cứu liên quan đến di sản Hán Nôm; đồng thời là nơi để các nhà nghiên cứu Hán Nôm và văn hóa truyền thống Việt Nam trong nước và quốc tế đến nghiên cứu, khai thác kho tàng di sản Hán Nôm. Thư viện có Giám đốc, một Phó Giám đốc và một số thư viện viên. Tuy nhiên, tên gọi này cũng có nhiều thay đổi, như hiện tại được tổ chức là một Phòng thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Trong buổi đầu thành lập, tài liệu thư viện chủ yếu có được từ việc tiếp nhận một bộ phận củaThư viện Thông tin khoa học xã hội vốn được Thư viện Viễn Đông bác cổ Pháp để lại, cùng một số thư viện tư nhân hiến tặng và mua gom. Sau đó, tài liệu trong Thư viện liên tục được bổ sung bằng chính các sản phẩm sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật của cán bộ và cộng tác viên của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện đóng góp, cùng nguồn sách báo mua bổ sung hàng năm.
Từ một vốn tài liệu ban đầu còn rất nghèo nàn, đến năm 2020,TVVNCHN đã có trên 20.000 nhan đề sáchtiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga, gần 800 đơn vị bản đồ và hàng ngàn cuốn tạp chí các loại. Ký hiệu tài liệu tại TVVNCHN được quy định như sau: Sách tiếng Việt được kí hiệu bằng chữ V và phân làm ba loại theo khổ sách: Vv (Việt vừa) có 6.650 nhan đề, Vb (Việt bé) 2.790 nhan đề và Vt (Việt to) có 820 nhan đề. Sách nước ngoài cũng được phân như vậy, như sách Trung Quốc được kí hiệu bằng Hv (Hán vừa) có 850 nhan đề, Hb (Hán bé) có 2.040 nhan đề và Ht (Hán to) có 420 nhan đề; sách tiếng Nhật được kí hiệu là Nv (Nhật vừa), Nb (Nhật bé) và Nt (Nhật to) tổng cộng khoảng 300 nhan đề,...
Tài liệu dịch được kí hiệu bằng chữ D, phân làm ba loại: D (dùng chung cho các bản dịch tiếng Việt từ tài liệu Hán Nôm) khoảng trên 500 nhan đề tài liệu, DH (Dịch Hán) bao gồm bản dịch tiếng Việt từ văn bản chữ Hán (cổ văn) 200 nhan đề sách và DT (Dịch Trung) bản dịch tiếng Việt từ nguyên bản Trung Quốc (hiện đại) 120 nhan đề sách.
Bản thảo chưa xuất bản được kí hiệu Bt gồm khoảng 500 nhan đề bao gồm bản thảo nghiên cứu, dịch tài liệu Hán Nôm của cán bộ và cộng tác viên của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc nhiệm vụ công tác trong thời gian đầu thành lập Ban Hán Nôm và sau là Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cùng các đề tài nghiên cứu khoa học sau này đến nay.
Trong phòng đọc Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm (Ảnh tư liệu)
Các luận án Hán Nôm được kí hiệu LA có 170 nhan đề, bao gồm luận văn Cao học và luận án Tiến sĩ Hán Nôm của cơ sở đào tạo Viện Nghiên cứu Hán Nôm và của cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Ngoài ra, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn bảo quản các bản sao chụp sách Hán Nôm từ kho sách Hán Nôm của Viện để bảo vệ bản gốc kho sách Hán Nôm và thuận tiện cho việc phục vụ độc giả.
Ra đời chủ yếu từ năm 1945 trở về trước, kho sách Hán Nôm bao gồm các sách và tài liệu ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm. Sách có khoảng 34.000 nhan đề, đượcký hiệu là: A, VHv, VHb, VHt (sách viết bằng chữ Hán); AB, VNv, VNb (sách viết bằng chữ Nôm); AC, HV (sách sao chép hoặc in lại của Trung Quốc) với 5.038 nhan đề sách. Bên cạnh đó là các tài liệu Hán Nôm khác được ký hiệu như: AD (thần sắc); AE (thần tích); AF (tục lệ); AG (địa bạ; AH (xã chí); AJ (cổ chỉ); cả thảy gồm 2280 nhan đề. Ngoài ra, còncó trên 56.000 đơn vị thác bản văn khắc Hán Nôm như: bia đá, chuông đồng, khánh, bản gỗ… có niên đại từ thế kỷ IV đến thời Nguyễn nửa đầu thế kỷ XX, cùng nhiều tư liệu khác như phim, vi phim, mộc bản,…
Trong gần 20 năm, từ năm 1998-2016, Thư viện đã số hóa được khoảng 800.000 trang tài liệu Hán Nôm. Trong 2 năm 2017-2018, Dự án Tăng cường năng lực để nâng cao khả năng bảo tồn và lưu trữ tư liệu Hán Nôm tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã số hóa được 1,6 triệu trang, tu bổ được 100.000 trang. Dự án là bước đột phá trong khâu số hóa và tu bổ tài liệu của TVVNCHN. Việc số hóa tài liệu này góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, quản lý, khai thác tư liệu Hán Nôm được hiệu quả hơn.
Thực tế, tư liệu TVVNCHN là tư liệu Hán Nôm gốc, nguồn tư liệu quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử văn hóa truyền thống Việt Nam. Hầu hết các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam trong và ngoài nước đều không thể không sử dụng tài liệu Hán Nôm, mà phần lớn là tài liệu Hán Nôm tại TVVNCHN.
Có thể nói, TVVNCHN là kho tư liệu chuyên biệt về di sản Hán Nôm lớn nhất và quý giá nhất trong phạm vi cả nước.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Trần Nghĩa, Bước đầu tìm hiểu các kho sách Hán Nôm và lịch sử Thư mục học Hán Nôm, tạp chí Hán Nôm, Số 2 (5), 1988, tr.3-20.
- Trần Nghĩa-François Gros, Di sản Hán Nôm Việt Nam: Thư mục đề yếu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
- Viện Nghiên cứu Hán Nôm-Viện Viễn đông bác cổ Pháp, Tổng tập văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2005
- Nguyễn Tuấn Cường, Trịnh Khắc Mạnh, Nửa thế kỷ Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1970-2020): thành tựu và triển vọng, tạp chí Hán Nôm, 4 (161)/2020, tr.6-31.