Mục từ này cần được bình duyệt
Thư viện Viện khảo cổ học

Thư viện Viện khảo cổ học thư viện chuyên ngành, đầu ngành trong cả nước lưu trữ tài liệu về khảo cổ học, thuộc Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VHLKHXHVN), phục vụ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Viện Khảo cổ học và những người dùng tin khác trong, ngoài nước quan tâm, nghiên cứu về khảo cổ và các chuyên ngành liên quan, trụ sở tại số 61 Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

TVVKCH được thành lập ngay sau khi Viện Khảo cổ học trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam ra đời theo Quyết định số 59-CP ngày 14 tháng 5 năm 1968. Thư viện đã tiếp nhận tài liệu từ Đội Khảo cổ (được thành lập năm 1959).

TVVKCH có chức năng sưu tầm, bổ sung, xử lý tài liệu, xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ thông tin về khảo cổ và các chuyên ngành liên quan, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và tư vấn chính sách của Viện Khảo cổ học và người dùng tin khác trong, ngoài VHLKHXHVN. Thư viện có nhiệm vụ: bổ sung, xử lý, tổ chức, cung cấp tài liệu phục vụ các đối tượng dùng tin Viện Khảo cổ học trong công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, tư vấn chính sách; sưu tầm, trao đổi, bổ sung tư liệu sách, báo, tạp chí, cung cấp tư liệu cho các bảo tàng, sở văn hóa, các cơ quan bạn trong và ngoài nước; số hóa các tài liệu như sách, hồ sơ khảo cổ, ảnh khảo cổ, tạp chí, bản đồ, luận văn, luận án…; xây dựng, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thông tin như các thư mục thông báo sách mới, tài liệu mới, thư mục chuyên đề,…; hợp tác trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực thư viện.

Theo số liệu thống kê năm 2016, TVVKCH lưu trữ trên 20.000 nhan đề tài liệu chuyên ngành và liên ngành bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Việt, Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,… Trong đó, có hơn 11.000 nhan đề sách các loại, 209 nhan đề tạp chí chuyên ngành và liên ngành với khoảng 4.000 số (tiếng Việt: 43, tiếng Latinh: 83, Trung Quốc: 45, Nga: 30, Nhật: 8). Thư viện còn lưu giữ hơn 800 nhan đề tài liệu quý bằng tiếng Trung, Nga, Anh, Pháp,… và hơn 1.000 nhan đề tư liệu là kết quả các đề tài nghiên cứu, các bài tham luận tại các hội thảo, hội nghị trong và ngoài nước, các khoá luận, luận văn, luận án,… chuyên ngành khảo cổ học. Ngoài ra, Thư viện còn có 30 bộ bản đồ các loại với gần 2.000 mảnh.

Tính đến cuối năm 2020, Thư viện đã xử lý và đang lưu giữ 797 bộ hồ sơ khảo cổ học với khoảng trên 4.000 nhan đề tài liệu và hàng nghìn bộ ảnh. Đây là các kết quả nghiên cứu điều tra và khai quật từ năm 1956 đến nay. Mỗi bộ hồ sơ là kết quả nghiên cứu của một di chỉ, di tích hoặc nhiều di chỉ hoặc di tích khác nhau; bao gồm các loại hình tài liệu như: báo cáo bằng chữ viết, bản vẽ (bản vẽ chì, bản vẽ mực), ảnh (ảnh màu và ảnh đen trắng), bản dập trên giấy dó, các loại bảng thống kê, phiếu đăng ký hiện vật, bản đồ, sơ đồ và nhiều loại hình khác,... Hồ sơ tư liệu này được bổ sung hàng năm và phụ thuộc vào hoạt động nghiên cứu của Viện. Trung bình mỗi năm Thư viện bổ sung khoảng 15-20 bộ hồ sơ.

Từ năm 1998, TVVKCH bắt đầu xây dựng mục lục điện tử. Tính đến năm 2016, hơn nửa số tài liệu trong kho đã được xử lý và cập nhật vào cơ sở dữ liệu (CSDL) với tổng số 22.300 biểu ghi, gồm sách, hồ sơ khảo cổ, ảnh khảo cổ, luận án, luận văn, khoá luận, tạp chí các loại và bản đồ,... TVVKHC đã và đang triển khai xây dựng mục lục tra cứu trực tuyến (OPAC) của VHLKHXHVN do Viện Thông tin Khoa học xã hội quản lý. Tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2020, TVVKCH đã đóng góp 19.843 biểu ghi cho hệ thống OPAC này (địa chỉ http://opac.issi.vass.gov.vn/).

TVVKCH còn triển khai nhiều loại hình dịch vụ như: dịch vụ đọc tại chỗ; dịch vụ tra cứu truyền thống; dịch vụ làm thẻ thư viện; sao chụp tài liệu, in ấn, sao lưu băng đĩa, truy xuất các thông tin số hóa,…

TVVKCH liên kết, trao đổi thông tin, tư liệu, trao đổi nghiệp vụ với nhiều cơ quan, tổ chức trong, ngoài nước, trong đó có Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật, Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Viện Sử học, Viện Dân tộc học, Viện Văn hóa dân gian, Thư viện Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Trung tâm Khảo cổ học vùng Nam Bộ, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Nhân học, Đại học Boston, Đại học Michigan (Mỹ),…

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trịnh Thị Hòa, Mối quan hệ hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh với Viện Khảo cổ học Việt Nam trong thời kỳ mới, tạp chí Khảo cổ học, 2004, số 5, tr.46-50.
  2. Phạm Quốc Quân, Viện Khảo cổ học: Một trung tâm nghiên cứu - đào tạo, tạp chí Khảo cổ học, 2004, số 5, tr.41-45.
  3. Ngô Thị Lan, 40 năm Thư viện Viện Khảo cổ học, tạp chí Khảo cổ học, 2008, số 5, tr.48-51.
  4. Tống Trung Tín, Viện Khảo cổ học Việt Nam 45 năm thành lập và phát triển, tạp chí Khảo cổ học, 2013, số 5, tr.14-27.
  5. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Quyết định số 252/QĐ-KHXH ngày 27.2.2013 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về Quy định chức năng, nhiệm vụ của Viện Khảo cổ học.
  6. Ngô Thị Lan, Giới thiệu trữ lượng tài liệu và các hoạt động tại thư viện Viện Khảo cổ học, tạp chí Thư viện Việt Nam, 2016, số 3, tr.44-46.
  7. Ngô Thị Lan, Xây dựng mô hình thư viện trực tuyến về hồ sơ khảo cổ học tại Viện Khảo cổ học Việt Nam, tạp chí Thư viện Việt Nam, 2018, số 6, tr.44-49.