Mục từ này cần được bình duyệt
Thư viện Viện dân tộc học

Thư viện Viện dân tộc học thư viện chuyên ngành thuộc Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VHLKHXHVN), phục vụ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Viện Dân tộc học và người dùng tin khác trong, ngoài nước quan tâm nghiên cứu về dân tộc học, nhân học và các chuyên ngành liên quan, trụ sở tại tầng 10, số 1 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội.

Kho sách Thư viện Dân tộc học (Ảnh TTM)

Thư viện Viện Dân tộc học (TVVDTH) ra đời năm 1968, khi Viện Dân tộc học được thành lập theo Nghị định 59/CP ngày 14 tháng 5 năm 1968 của Hội đồng Chính phủ. Là một thư viện chuyên ngành, TVVDTH có chức năng phục vụ các nhiệm vụ chuyên môn của Viện Dân tộc học, bao gồm: Các hoạt động nghiên cứu cơ bản, toàn diện, kết hợp với nghiên cứu ứng dụng và dự báo về các vấn đề dân tộc ở Việt Nam và thế giới, nhằm cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam; công tác đào tạo đại học, sau đại học, góp phần xây dựng, phát triển nguồn nhân lực khoa học về Dân tộc học/ Nhân học cho cả nước.

Thực hiện chức năng chuyên môn, TVVDTH có nhiệm vụ bổ sung, bảo quản sách, báo, các tư liệu khoa học về các vấn đề dân tộc học/nhân học và liên quan; trao đổi thông tin, tư liệu khoa học không thuộc bí mật quốc gia về ngành dân tộc học/ nhân học với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước; phục vụ hoạt động nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách của Viện Dân tộc học và độc giả.

Trong quá trinh xây dựng, phát triển, TVVDTH đã phục vụ người có yêu cầu sử dụng nguồn thông tin về các vấn đề dân tộc học/ nhân học trong và ngoài nước; bổ sung tài liệu về dân tộc học/ nhân học và các ngành liên quan về các dân tộc ở Việt Nam và trên thế giới; trao đổi tài liệu với các thư viện thuộc VHLKHXHVN và các thư viện khác ở trong và ngoài nước; tổ chức, bảo quản, kiểm kê định kỳ tài liệu một cách khoa học; tổ chức xây dựng mục lục điện tử, thư viện số, hiện đại hóa thư viện; quản lý và tổ chức Website của Viện Dân tộc học,… và các nhiệm vụ chuyên môn khác do Viện trưởng giao.

TVVDTH lưu giữ nguồn tài liệu quý hiếm về dân tộc học, trong đó có rất nhiều tài liệu độc bản như: bộ Xã hội học tộc người (gồm 5 quyển), Nhật ký ghi chép của Codoominas,…; nguồn ảnh tư liệu dân tộc học bao gồm hơn 12.000 ảnh màu, đen trắng, được thể hiện đầy đủ trên các album ảnh; băng hình (40 băng) về lễ cấp sắc, đám cưới, tang ma, hát then,… của một số dân tộc trên đất nước Việt Nam và của một số dân tộc khác trên thế giới; tạp chí Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO), công trình nghiên cứu khoa học trong hơn 100 năm qua (1901-2001), ghi chép về phong tục, tập quán, kinh tế, xã hội của các dân tộc thiểu số ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.

Tài liệu tra cứu tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong kho sách (802 bản, chiếm 4,3% kho sách - số liệu năm 2014), nhưng là công cụ giúp bạn đọc tra cứu nhanh. Các tài liệu tra cứu bao gồm: từ điển tổng hợp và chuyên ngành với nhiều ngôn ngữ dân tộc khác nhau; Almanach - những nền văn minh thế giới; Bách Khoa thư tiếng Việt và tiếng Anh; Cẩm nang chuyên ngành; Tài liệu thống kê; Thư mục Dân tộc học; Các loại sổ tay tra cứu như sổ tay tra cứu các dân tộc trên thế giới, sổ tay về các dân tộc, sổ tay xã hội học tôn giáo…

TVVDTH có số lượng sách, báo, tạp chí phong phú về dân tộc học/ nhân học và các chuyên ngành liên quan. Tính đến cuối tháng 11 năm 2020, Thư viện có 2.425 cuốn sách tiếng Nga; 125 cuốn sách tiếng Trung; 1.332 cuốn sách tiếng Anh, Pháp; 10.533 cuốn sách tiếng Việt; 3.605 cuốn tư liệu điền dã, tài liệu dịch, đề tài các loại,…; 463 nhan đề tạp chí tiếng Anh, Pháp, Nga, Việt; hơn 12.000 ảnh màu, đen trắng; 2.180 cái bản đồ;… Tài liệu số hóa của Thư viện bao gồm 1.472 nhan đề tài liệu với 57G dữ liệu, 8.590 ảnh; 31.363 biểu ghi thư mục;…. Tính đến ngày 30.11.2020, TVVDTH đã đóng góp 33.732 biểu ghi thư mục cho mục lục tra cứu trực tuyến (OPAC) của thư viện điện tử VHLKHXHVN do Thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội quản lý (http://opac.issi.vass.gov.vn); đóng góp tài liệu số cho thư viện số VHLKHXHVN do Viện Thông tin khoa học xã hội quản lý (http://thuvienkhxh-vass.contentdm.oclc.org).

TVVDTH triển khai nhiều loại hình dịch vụ như: đọc tại chỗ; tra cứu truyền thống; tra cứu thư mục trực tuyến; làm thẻ thư viện; sao chụp tài liệu, in ấn, sao lưu băng đĩa, truy xuất các thông tin số hóa,…

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Viện Dân tộc học, 30 năm Viện Dân tộc học xây dựng và phát triển 1968-1998), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
  2. Nguyễn Thị Hồng Nhị, Tin học hóa hoạt động thông tin - thư viện tại Viện Dân tộc học, tạp chí Thư viện Việt Nam, 2008, số 16, tr.38-42.
  3. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Quyết định số 2098/QĐ-KHXH ngày 07.12.2017 về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Dân tộc học.
  4. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Quyết định số 551/QĐ-KHXH ngày 18.01.2018 về việc Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện Dân tộc học.
  5. OPAC của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, http://opac.issi.vass.gov.vn/
  6. Thư viện số Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, https://thuvienkhxh-vass.contentdm.oclc.org.