Mục từ này cần được bình duyệt
Thư viện Tạ Quang Bửu

Thư viện Tạ Quang Bửu trực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN); thuộc loại hình thư viện đại học; phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của ĐHBKHN; phục vụ các đối tượng dùng tin là cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Nhà trường và người dùng tin khác có nhu cầu; trụ sở tại ĐHBKHN, số 1 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thư viện ĐHBKHN thành lập năm 1956. Ban đầu, Thư viện chỉ là một bộ phận trực thuộc Phòng Giáo vụ Nhà trường. Từ năm 1973, Thư viện được tách ra thành Ban Thư viện.

Tháng 11 năm 2003, Thư viện và Trung tâm Thông tin mạng được sáp nhập thành Thư viện và Mạng thông tin với nhiệm vụ chính là vận hành và khai thác thư viện điện tử mới và quản lý điều hành mạng thông tin của Nhà trường. Tháng 9 năm 2008, bộ phận Thư viện được tách ra thành TVTQB.

TVTQB được Nhà trường đầu tư xây dựng, phát triển quy mô, hiện đại. Ngày 7 tháng 10 năm 2006, tòa nhà TVTQB 10 tầng với tổng diện tích 37.000m2 được khánh thành. Đây là một trong những thư viện lớn nhất hệ thống thư viện đại học Việt Nam với với 600.000 bản sách, 130.000 nhan đề sách điện tử; có thể phục vụ đồng thời 2.000 bạn đọc; sinh viên ĐHBKHN được truy cập miễn phí cơ sở dữ liệu (CSDL) từ các nguồn như Science Driect, Scopus,… mà TVTQB kết nối.

TVTQB có chức năng giúp Hiệu trưởng quản lý, khai thác, phát triển nguồn lực thông tin và dịch vụ thông tin phục vụ các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ của Nhà trường.

TVTQB có nhiệm vụ: Bổ sung, phát triển nguồn lực thông tin trong nước và nước ngoài đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của Nhà trường; thu nhận, lưu giữ, phổ biến các tài liệu nội sinh của nhà trường và các dạng tài liệu khác thông qua trao đổi, biếu tặng; xử lý kỹ thuật nghiệp vụ các tài liệu đã bổ sung, xây dựng hệ thống tra cứu thông tin tự động; tổ chức hệ thống phòng đọc, phòng mượn, môi trường học tập, cung cấp thông tin, tài liệu đáp ứng nhu cầu tin của người dùng tin của Nhà trường; tổ chức tập huấn, hướng dẫn bạn đọc khai thác, sử dụng hiệu quả thông tin; nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, các tiêu chuẩn nghiệp vụ vào hoạt động thư viện; xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ thư viện; bảo quản, kiểm kê định kỳ vốn tài liệu, cơ sở vật chất kỹ thuật và các tài sản khác; thanh lý tài liệu, thiết bị cũ nát, lạc hậu theo quy định; hợp tác với các cơ quan trong, ngoài nước về lĩnh vực thư viện; và các nhiệm vụ khác.

Trong phòng đọc Thư viện Tạ Quang Bửu (Ảnh NTPT)

Về cơ cấu tổ chức, TVTQB có Giám đốc, Phó giám đốc và ba phòng: Xử lý thông tin; Dịch vụ thông tin; Thông tin-Thư mục.

Từ năm 2007, Thư viện đã xây dựng Thư viện số với nguồn tài liệu chủ yếu là các bài giảng, giáo trình của giảng viên của Nhà trường, luận án, luận văn sau đại học. Tính đến nay, thư viện số gồm năm đơn vị: 1) Bài giảng điện tử (41 bài); 2) OER-TEST (16); 3) Z.Ebook (2); 4) Luận án tiến sĩ (752); 5) Luận văn thạc sĩ (13.637). Trong mỗi đơn vị này, tài liệu lại được chia thành các bộ sưu tập số theo các chuyên ngành: Công nghệ thông tin (CNTT); Cơ khí; Cơ khí động lực; Dệt may; Hóa học; Kinh tế và quản lý; Môi trường; Nhiệt lạnh; Sinh học; Thực phẩm; Sư phạm kỹ thuật; Toán học; Vật liệu; Vật lý; Vật lý kỹ thuật; Điện; Điện tử viễn thông; Ngành khác.

TVTQB đã kết nối thư viện số với: 1) Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội; 2) Thư viện số Đại học Văn hóa Hà Nội; 3) Thư viện số Đại học Mỏ-Địa chất; 4) Trung tâm Thông tin học liệu Đại học Đà Nẵng; 5) Thư viện số Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh,... Trong đó, Thư viện chia sẻ tài nguyên số với Thư viện Đại học Mỏ-Địa chất.

Khu Trung tâm triển lãm Thư viện Tạ Quang Bửu (Ảng NTPT)

Năm 2014, Thư viện đã phối hợp với Câu lạc bộ Khoa học công nghệ các trường đại học kỹ thuật xây dựng “Liên hiệp chia sẻ nguồn tin khoa học công nghệ và kỹ thuật-STE Consortium” gồm 22 thư viện các trường đại học với mục đích hợp tác, chia sẻ lợi ích khi bổ sung chung các nguồn tin khoa học công nghệ. TVTQB là một trong bốn thư viện trong cả nước được Bộ Khoa học và Công nghệ bảo trợ sử dụng quyền truy cập CSDL điện tử Sciencedirect. Ngoài ra, TVTQB còn kết nối với CSDL Proquest và Ebrary.

Tháng 8 năm 2016, sau hai giai đoạn gửi toàn bộ biểu ghi lên CSDL mục lục liên hợp toàn cầu Worldcat và triển khai sử dụng phần mềm biên mục tài liệu trực tuyến (Online Cataloging), TVTQB được công nhận là thành viên của Tổ chức Thư viện thế giới OCLC. Kể từ đây, các thư viện trên thế giới là thành viên của OCLC có thể tiếp cận, khai thác những biểu ghi thư mục của TVTQB có trong Worldcat. Ngược lại, TVTQB cũng có thể khai thác được CSDL thư mục gồm trên 330.000.000 biểu ghi trong Worldcat.

Hiện nay, mỗi năm, TVTQB phục vụ khoảng 30.000 bạn đọc là sinh viên ĐHBKHN. Trung bình mỗi ngày có 2.200 đến 2.500 lượt bạn đọc tới thư viện. Đặc biệt, vào mùa thi, TVTQB đón tiếp khoảng 2.800 lượt sinh viên mỗi ngày. Quy trình mượn-trả sách đều được thư viện tự động hóa và người dùng tự làm thủ tục thông qua hệ thống nhận diện, quét ID. Đồng thời, TVTQB còn phát triển dịch vụ chuyển phát nhanh tài liệu tới tay bạn đọc.

Từ một thư viện đơn sơ khi mới thành lập với số vốn tài liệu khoảng 5.000 cuốn sách, TVTQB đã phát triển thành một trong những thư viện lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam, thư viện đầu tiên của Việt Nam là thành viên OCLC.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Giáo dục, Nghị định số 147/NĐ ngày 6.3.1956 về việc thành lập trường Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa.
  2. Nguyễn Văn Thiên, Xây dựng hệ thống tra cứu trực tuyến phục vụ công tác phân loại và định chủ đề tại Thư viện Tạ Quang Bửu, tạp chíThư viện Việt Nam, 2010, số 2(22), tr.44-45.
  3. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Quyết định số 244/QĐ-ĐHBK-HCTH ngày 15.02.2017 của Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội “Về việc công bố Sứ mạng, Tầm nhìn và Giá trị cốt lõi của Đại học Bách khoa Hà Nội”.
  4. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chiến lược phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2025 kèm theo Quyết định số 245/QĐ-ĐHBKHN-HCTH.
  5. Hữu Trưởng, Xây dựng không gian thư viện trong kỷ nguyên số, báo Quân đội nhân dân online, ngày 26.10.2020, https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/xay-dung-khong-gian-thu-vien-trong-ky-nguyen-so-642039, truy cập ngày 10.12.2020.