Thư mục quốc gia một dạng thư mục tổng hợp đặc biệt; là một danh mục thống kê đầy đủ các xuất bản phẩm được ấn hành trong lãnh thổ một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định.
Thông thường, TMQG do cơ quan được quyền nhận lưu chiểu quốc gia chịu trách nhiệm biên soạn, thường là các thư viện quốc gia. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ, ví dụ, ở Anh, TMQG do Hội đồng các thư viện, nhà xuất bản, nhà sách biên soạn và phát hành. Ở Mỹ, Hà Lan, TMQG được biên soạn với mục đích thương mại, do đó, cơ quan chịu trách nhiệm biên soạn không phải là thư viện quốc gia mà có thể do một cá nhân hay một tổ chức nào đó biên soạn.
TMQG thường được phát hành dưới một số dạng như: TMQG tháng, TMQG quý, TMQG 6 tháng và TMQG năm. Các dạng thư mục này thống kê các xuất bản phẩm xuất bản trong một tháng, một quý, 6 tháng hoặc một năm tương ứng của một quốc gia nhất định.
Ở Việt Nam, TMQG do Thư viện Quốc gia Việt Nam chịu trách nhiệm biên soạn và phát hành. Bản TMQG đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1923, do Thư viện Trung ương Đông Dương, tiền thân của Thư viện Quốc gia Việt Nam, biên soạn và phát hành. Từ năm 1955, TMQG được tiếp tục biên soạn và phát hành với các tên gọi Danh mục sách lưu chiểu, văn hóa phẩm, Mục lục sách, Mục lục xuất bản phẩm lưu chiểu và được phát hành sáu tháng một lần. Từ năm 1974 đến nay, thư mục này chính thức mang tên TMQG Việt Nam, xuất bản định kỳ theo tháng và năm.
Cấu trúc của TMQG Việt Nam gồm:
Phần 1: Lời giới thiệu. Trong phần này ghi rõ, TMQG được biên soạn dựa theo nguồn lưu chiểu do Thư viện Quốc gia Việt Nam thu nhận theo quy định tại Điều 27 Luật Xuất bản năm 2004.
Phần 2: Danh mục các ấn phẩm. Phần này gồm ba phần là: Sách; Tác phẩm âm nhạc, tranh ảnh, bản đồ và Ấn phẩm định kỳ. Trong mỗi phần, các tài liệu được đánh số thứ tự liên tục từ 1 cho đến hết. Tuy nhiên, để tiện cho việc tra cứu, phần Sách được chia thành các nhóm sách theo các môn loại khoa học, được xác định theo bảng phân loại (trước đây, Thư viện Quốc gia Việt Nam sử dụng Bảng phân loại dùng cho các thư viện khoa học tổng hợp, Bảng phân loại thư viện thư mục (BBK), và hiện nay là bảng phân loại Dewey Decimal Classification xuất bản lần thứ hai mươi ba (Bảng DDC 23). Bảng DDC 23 gồm các dãy chia lớn là: (0) Tổng loại, (1) Triết học, Tâm lý học; (2) Tôn giáo; (3) Các khoa học xã hội; (4) Ngôn ngữ học; (5). Các khoa học tự nhiên; (6). Các khoa học kỹ thuật và công nghệ; (7) Nghệ thuật, Văn hóa, Thể dục thể thao; (8). Văn học; (9) Các khoa học địa lý. Trong đó, tùy thuộc vào số lượng tài liệu có nội dung thuộc dãy chia cơ bản nêu trên mà có thể chia nhỏ thêm. Các tài liệu thuộc mỗi nhóm đó được sắp xếp theo vần chữ cái tên tác giả hoặc tên tài liệu. Mỗi tài liệu đều được mô tả thống nhất theo quy tắc mô tả quốc tế.
Phần 3: Các bảng tra phụ trợ gồm bốn bảng tra:
1. Bảng tra tên tác giả: danh mục tên các tác giả có tài liệu trong Danh mục ấn phẩm được sắp xếp theo vần chữ cái, mỗi tác giả lại có các số thứ tự của tài liệu mà họ chịu trách nhiệm tạo ra trong danh mục.
2. Bảng tra tên người dịch: danh mục tên các dịch giả có tài liệu mà họ dịch trong bảng chính, được sắp xếp theo vần chữ cái, mỗi tên đều ghi rõ số thứ tự tài liệu mà tác giả đó dịch có trong Danh mục ấn phẩm.
3. Bảng tra tên tài liệu: danh mục tên các tài liệu có trong Thư mục được sắp xếp theo vần chữ cái, mỗi tên tài liệu đều ghi rõ số thứ tự của nó trong Danh mục ấn phẩm.
4. Bảng tra tên nhà xuất bản: danh mục các nhà xuất bản có tài liệu trong Danh mục ấn phẩm được sắp xếp theo vần chữ cái, mỗi nhà xuất bản được liệt kê các số thứ tự tương ứng với tài liệu nhà xuất bản đó ấn hành có trong Danh mục ấn phẩm.
TMQG vừa là công cụ tra cứu quan trọng, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, vừa là công cụ lưu giữ các di sản văn hóa thành văn của dân tộc.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Trịnh Kim Chi, Giáo trình Thư mục học đại cương, Đại học Văn hóa, Hà Nội, 1993.
- Nguyễn Thị Thư, Thư mục học đại cương, Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh, 2010.
- Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư mục quốc gia Việt Nam, năm 2015, 2016, 2017, 2018, Hà Nội.