Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thương binh

Thương binh - gọi chung các quân nhân, công an nhân dân bị thương trong khi chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu.

Trên thế giới, Thương binh của nhiều nước được nhà nước chăm sóc sức khỏe, được hưởng trợ cấp thương tật, được tạo điều kiện, giúp đỡ trong cuộc sống khi còn phục vụ tại ngũ, cũng như khi đã xuất ngũ. Ở Việt Nam, thuật ngữ Thương binh được hiểu là các quân nhân, công an nhân dân bị thương và mất sức lao động do chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, công nhận là thương binh, được cấp "Giấy chứng nhận thương binh" và “Huy hiệu thương binh”.

Điều kiện để quân nhân, công an nhân dân được công nhận là Thương binh được quy định tại Điều 23, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, cụ thể là bị thương có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên do chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng; trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch; bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh mà để lại thương tích thực thể; làm nghĩa vụ quốc tế; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm; do tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định; trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm; đặc biệt dung cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

Thương binh loại B là quân nhân, công an nhân dân có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên trong khi tập luyện, công tác được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993. Những người không phải là quân nhân, công an nhân dân có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên khi làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh không gọi là Thương binh, nhưng được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét công nhận là người hưởng chính sách như Thương binh và cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh”.

Chế độ ưu đãi đối với Thương binh, người hưởng chính sách như Thương binh được quy định tại Điều 24, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020. Một số chế độ ưu đãi cụ thể như: được trợ cấp hàng tháng; cấp thẻ bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe;… Chế độ ưu đãi đối với thân nhân của Thương binh, người hưởng chính sách như Thương binh được quy định tại Điều 25, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020.

Chính sách đối với Thương binh thể hiện đạo lí "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trong những năm đầu Kháng chiến chống Pháp, ngày 16.2.1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 20/SL Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Tháng 6.1947, đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương hội Phụ nữ Cứu quốc, Trung ương đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương họp tại Đại Từ (Bắc Thái) đã chọn ngày 27.7 là ngày Thương binh toàn quốc. Từ đó, ngày 27.7 hằng năm được lấy là Ngày Thương binh toàn quốc, từ năm 1955 đổi thành Ngày Thương binh, Liệt sỹ. Chế độ chính sách đối với Thương binh liên tục được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính sách ưu đãi đối với người có được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật như: pháp lệnh, nghị định, thông tư, hướng dẫn thực hiện ưu đãi người có công với cách mạng. Năm 2020, Việt Nam có khoảng 781.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, được phân loại và phân hạng để được hưởng chế độ, chính sách phù hợp.

Hằng năm đến ngày thương binh liệt sĩ, đồng bào và chiến sĩ cả nước, chính quyền và đoàn thể các cấp, các đơn vị bộ đội, công an, doanh nghiệp và các cá nhân trong và ngoài nước tích cực tham gia phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, tặng nhà tình nghĩa, động viên đời sống tinh thần... cho Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và gia đình họ. (918 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  2. Pháp lệnh người có công với cách mạng, 2012.
  3. Nghị định số 31/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, ngày 09 tháng 04 năm 2013, Điều 27.
  4. Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020, Điều 23, Mục 6.
  5. Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020, Điều 24, Điều 25.
  6. Từ điển Bách khoa Việt Nam, 4 tập, Bản điện tử.