Mục từ này cần được bình duyệt
Thông tin học

Thông tin học (A. Information Science),bộ môn khoa học nghiên cứu cấu trúc, tính chất, tác động và quy luật hoạt động của thông tin khoa học; lý luận, lịch sử, phương pháp và việc tổ chức, quản lý hoạt động thông tin khoa học; nhằm tìm các phương pháp và phương tiện thể hiện tối ưu cho việc thu thập, xử lý, phân tích, tổng hợp, lưu giữ, tìm kiếm, phổ biến và sử dụng thông tin khoa học trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau.

Cơ sở lý luận và phương pháp luận khoa học chủ yếu của Thông tin học (TTH) là sinh lý học thần kinh, tâm lý học, khoa học máy tính, công trình hệ thống, khoa học thông tin, khoa học điều khiển,v.v..

TTH nghiên cứu những vấn đề chủ yếu sau: 1) lý luận về nguyên lý thông tin của thế giới khách quan, nghiên cứu những quy luật làm thế nào để nắm vững cơ chế sản xuất, thu nhận thông tin của sinh vật, con người và máy móc; 2) xây dựng lý luận nhận biết thông tin trên cơ sở toán học ảo. Trong xã hội loài người, thông tin được thể hiện qua các hình thức ngôn ngữ, âm thanh, đồ họa, văn tự, v.v. mà hệ thống máy tính vẫn chưa hoàn toàn giải quyết triệt để vấn đề nhận biết thông tin; 3) lý luận về trí tuệ nhân tạo. Do sự xuất hiện của máy tính, hệ thống chuyên gia và máy móc, nên việc xây dựng lý luận về trí tuệ nhân tạo càng trở nên cấp bách; 4) nghiên cứu về kết cấu và tầng thứ của thông tin, như việc thống kê, phân loại sản nghiệp thông tin xã hội; 5) nghiên cứu về hệ thống thông tin như quá trình chỉnh thể về thu thập, xử lý, phân tích tổng hợp, lưu giữ, tìm kiếm, phổ biến thông tin; 6) những vấn đề về sử dụng thông tin như quản lý thông tin và hiệu quả kinh tế của thông tin.

Là chuyên ngành khoa học mới, đến giữa thế kỷ XX mới được giới khoa học thừa nhận, nhưng tiền đề hình thành và phát triển của TTH đã có từ xa xưa. Các học giả Michel de Montaigne thế kỷ XVI, René Descartes, Baruch Spinoza,… thế kỷ XVII, XVIII đã quan tâm nghiên cứu. Đặc biệt, nhà bác học Claude Elwood Shannon đã nghiên cứu xây dựng lý thuyết về TTH vào năm 1948. Thế nhưng, từ thập niên 40 đến thập niên 60 thế kỷ XX, TTH vẫn còn chưa có một khái niệm thật sự vững chắc. Những năm 40 thế kỷ XX, tại Vương quốc Anh, thuật ngữ “nhà TTH” (information scientist) chỉ để dùng định danh cho các cán bộ thực hiện việc tìm tin giúp cho các nhà khoa học. Năm 1948, Hội Hoàng gia London chủ trì tổ chức Hội nghị Thông tin quốc tế đầu tiên và gần 10 năm sau, Quỹ Khoa học quốc tế Hoa Kỳ tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế về thông tin thì TTH đã khẳng định sự tồn tại của mình như một pháp nhân khoa học. Năm 1956, nhà khoa học H. Hanson đã sử dụng thuật ngữ “Information Science” làm tên gọi chính thức của ngành khoa học thông tin. Từ những nghiên cứu được khẳng định này, nhiều nước đã thành lập các viện nghiên cứu về TTH, nhiều trường chuyên đào tạo cán bộ cho lĩnh vực TTH, nhiều hiệp hội khoa học về thông tin và TTH trên thế giới cũng hình thành và phát triển. Trong quá trình phát triển và tương tác với các lĩnh vực khoa học khác có liên quan, cho đến nay, bộ khung các khái niệm - phạm trù đặc trưng cho lĩnh vực TTH đã từng bước hoàn thiện nhằm phản ánh và phát triển những hiểu biết của con người về thông tin khoa học. Những nhánh lớn của bộ khung này có thể bao gồm: 1) các phần chung; 2) những vấn đề lý thuyết của TTH (đối tượng, phương pháp, cơ cấu và đặc điểm của TTH, mối quan hệ của TTH với các khoa học khác; 3) nguồn tin và nguồn lực thông tin; 4) xử lý, phân tích và biến đổi thông tin; 5) dịch văn bản tự động; 6) lưu giữ và tìm tin; 7) phục vụ thông tin và đảm bảo thông tin; 8) phương tiện kỹ thuật và đảm bảo công nghệ trong hoạt động thông tin; 9) tổ chức và lịch sử hoạt động thông tin. Từ khái niệm bao trùm “thông tin” như một phạm trù của khoa học tổng quát, là khái niệm nền tảng của Cybernetics - ngành khoa học về quá trình điều khiển và liên lạc trong các hệ thống được cụ thể hóa thành các dạng thông tin cụ thể được coi như đối tượng nghiên cứu của TTH như: thông tin tư liệu, thông tin dữ kiện, thông tin văn bản, thông tin ngữ nghĩa, thông tin logic.

Đặc trưng cơ bản của hoạt động thông tin khoa học là các quá trình: sản sinh, thu thập, hệ thống hóa, phân loại, xử lý, phân tích, tổng hợp, lưu giữ, tìm kiếm, phổ biến, khai thác và sử dụng thông tin. Các thuật ngữ (khái niệm) chuyên môn như: nguồn tin, yêu cầu tin, độ phù hợp của tin, mẫu tìm tin, lệnh tìm tin, chiến lược tìm tin, ngôn ngữ tìm tin, từ khóa, từ chuẩn tìm tin, hệ thống tìm tin, định chỉ số (indexing), mã hóa, xếp hạng, mảng tìm, kho tra cứu tin, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin tổ hợp, tệp tin, file văn bản, file ảnh,… đã có vị trí vững chắc trong TTH.

Việc nghiên cứu các hiện tượng, tính chất và quy luật của thông tin khoa học còn nhiều khó khăn. Trong tương lai, khi đã tích lũy một số vốn tri thức đầy đủ hơn về lĩnh vực này, TTH sẽ lĩnh trách nhiệm nghiên cứu và sử dụng các phương pháp khoa học đúng đắn đã có thể mô tả nhất quán nhằm giải quyết triệt để toàn bộ vấn đề thông tin.

Trong quá trình phát triển ngành TTH, thường gặp bốn lĩnh vực liên quan mật thiết với nhau: 1) Thông tin khoa học (Science Information): trao đổi thông tin trong khoa học và công nghệ. 2) Công nghệ thông tin ứng dụng (Information Technology): sử dụng công nghệ, đặc biệt là tin học và viễn thông trong việc xử lý và trao đổi thông tin. 3) Hệ thống thông tin (Information System): áp dụng các phương pháp khoa học vào các vấn đề thực tiễn của thông tin. 4) TTH (Information Science): nghiên cứu khoa học về các quá trình trao đổi thông tin trong xã hội.

Xét trên bình diện thực tiễn và phương pháp luận khoa học, đôi khi cả bốn vấn đề trên đều được hiểu là TTH.

Trên cơ sở đó, TTH có mối quan hệ rộng rãi với nhiều bộ môn khoa học thuộc các khu vực tự nhiên, kỹ thuật, chính trị, xã hội và nhân văn. Mối quan hệ nhiều mặt này của TTH được giải thích bằng nội dung và tính chất bao trùm của khái niệm thông tin và lịch sử tồn tại lâu đời của hoạt động thông tin với tư cách là chuyên ngành khoa học. Xét một cách cụ thể, TTH có quan hệ mật thiết với các chuyên ngành khoa học sau:

TTH với lý thuyết thông tin. Đây là lý thuyết liên quan đến các định luật toán học chi phối việc truyền, tiếp nhận và xử lý thông tin (đề cập đến các vấn đề về số lượng thông tin, biểu diễn thông tin và xem xét khả năng của các hệ thống truyền thông có nhiệm vụ truyền, nhận và xử lý thông tin).

TTH với lý thuyết mã hóa. Đây là khoa học nghiên cứu về hệ thống các dấu hiệu cùng với những tính chất, quy luật cơ bản của các hệ thống này và các hình thức mã hóa (chuyển tải thông tin vào hình thức biểu diễn nó như ngôn ngữ, chữ viết) để biểu diễn các thông tin ngữ nghĩa trong hệ thống thông tin của mình. Lý thuyết này có đóng góp quan trọng trong hệ thống thông tin.

TTH với điều khiển học. Đây là khoa học tổng quát về quá trình điều khiển. Xuất hiện từ nhu cầu tự động hóa quá trình sản xuất. Nhất thiết phải có các yếu tố sau trong quá trình điều khiển: Tiếp nhận được các thông tin chính xác về những điều kiện và tình hình ảnh hưởng tới hoạt động của hệ điều khiển; Xử lý những thông tin tiếp nhận được, từ đó đề ra chương trình hoạt động tốt nhất; Truyền đạt yêu cầu thực hiện (ra lệnh thực hiện) chương trình; Kiểm tra sự thực hiện chương trình bằng cách tổ chức thông tin phản hồi về kết quả hoạt động trong từng giai đoạn, trên cơ sở đó điều chỉnh các sai lệch có thể xảy ra.

Điều khiển học chính là khoa học nghiên cứu, thu thập, bảo quản thông tin trong máy móc, cơ thể sinh vật (thông qua các phương tiện tự động hóa cho quá trình này). TTH cũng vận dụng các phương pháp tự động hóa để xây dựng hệ thống của mình.

TTH với ngôn ngữ học. Chức năng của ngôn ngữ là chuyển tải thông tin, do đó, ngôn ngữ là công cụ truyền tin. TTH nghiên cứu về ngôn ngữ học dưới góc độ là công cụ hỗ trợ cho quá trình thông tin, đó là quá trình giao tiếp giữa con người với con người, giữa con người với máy móc (điều khiển học, máy tính,…). TTH với tin học. Tin học là khoa học xử lý thông tin một cách hơp lý và tự động bằng việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật hiện đại mà chủ yếu là máy tính điện tử và các chương trình xử lý thông tin. Quan hệ giữa TTH và tin học chính là phương tiện, phương pháp hỗ trợ cho khoa học thông tin.

Những năm cuối thế kỷ XX, ngày càng xuất hiện và phát triển mạnh mẽ xu hướng thống nhất TTH với một số chuyên ngành liên quan khác thành khoa học tổng hợp về thông tin như: logic toán học, thống kê toán học, lý thuyết thông tin, lý thuyết xác suất, kỹ thuật máy tính, dấu hiệu học, điều khiển học, ngôn ngữ học, tâm lý học, thư viện, thư mục, lưu trữ học, tư liệu học. Trên thực tế, TTH không đóng vai trò là một môn khoa học khái quát ở cấp độ cao hơn, bởi hệ thống các môn khoa học không xây dựng theo ngôi thứ các đối tượng mà chúng nghiên cứu.

TTH có những quy luật cơ bản, những quy luật khách quan, đặc trưng cho đối tượng nghiên cứu của mình làm cơ sở xây dựng các cơ chế điều khiển các quá trình thông tin trong khoa học. Trước hết, có thể kể đến quy luật gia tăng tài liệu thông tin nói chung và thông tin khoa học nói riêng. Đây là quy luật đặc trưng, khách quan do xã hội càng phát triển, thông tin và tri thức càng tăng, càng trở nên quan trọng, đóng vai trò là động lực thúc đẩy. Cùng với quy luật trên, còn có các quy luật khách quan như: quy luật phân tán tài liệu của S. C. Bradford, quy luật phân bố và ổn định hệ thống cấu trúc văn bản của Zipf, quy luật lỗi thời tin tức theo thời gian, luật trọng trường thông tin, “thanh cuốn” thông tin với giá trị gia tăng, luật phân bố trích dẫn các ấn phẩm,…

Là bộ môn khoa học tổng hợp, TTH là một sự đáp ứng cụ thể của khoa học đối với yêu cầu của xã hội. Xét một cách tổng thể, nhiệm vụ của TTH không gì khác là nghiên cứu phát hiện các quy luật vận động của thông tin, xây dựng các phương pháp thiết kế và sử dụng các công cụ cần thiết để nâng cao năng lực quản trị và kiểm soát thông tin, hạn chế và khắc phục cuộc khủng hoảng thông tin đang diễn ra hiện nay, biến thông tin trở thành tài nguyên quan trọng phục vụ đắc lực cho các hoạt động hữu ích của con người, nguồn động lực thúc đẩy xã hội không ngừng phát triển vì tương lai tươi sáng của nhân loại.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 1997.
  2. Almanach Những nền văn minh thế giới, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1999.
  3. Bách khoa tri thức phổ thông, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000.
  4. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  5. Nguyễn Văn Đạm, Từ điển tiếng Việt tường giải và linh cảm, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004.
  6. Hội đồng Bách khoa chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4,Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005.
  7. Nguyễn Hữu Hùng, Thông tin: Từ lý luận đến thực tiễn, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005.
  8. Bách khoa tri thức phổ thông, Tái bản lần thứ mười một (có chỉnh sửa và bổ sung), Nxb. Lao động, Hà Nội, 2012.