Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thích ứng môi trường

Thích ứng môi trường là sự biến đổi về cấu trúc, chức năng của cơ thể sinh vật, tạo cho nó khả năng sống sót và sinh sản một cách có hiệu quả với điều kiện biến đổi của môi trường. Sự thích ứng/thích nghi trong tự nhiên có được thông qua quá trình tiến hóa và giúp một loài sinh vật có thể truyền vật chất di truyền của mình sang thế hệ khác. Có ba kiểu thích ứng/thích nghi cơ bản, dựa trên cách thức biểu hiện của những thay đổi di truyền, là kiểu thích nghi về cấu tạo, sinh lý và tập tính. Hầu hết các sinh vật có sự kết hợp của tất cả các kiểu này.

Điều chỉnh cấu tạo cơ thể: sự thích nghi về cấu tạo cơ thể là sự thay đổi liên quan đến đặc tính vật lý của sinh vật. Ví dụ, một số loài thủy sinh vật sống trong thủy vực hang ngầm ở động Phong Nha - Kẻ Bàng như tôm, cá, giáp xác nhỏ có kích thước bé hơn và phát triển cơ quan xúc giác, thị giác kém phát triển, đặc biệt thường mất sắc tố đen. Cáo sa mạc có đôi tai lớn để bức xạ nhiệt và cáo bắc cực có đôi tai nhỏ để giữ nhiệt cơ thể. Hải cẩu có chân mái chèo để điều hướng nước. Chim phát triển đôi cánh để bay. Cá có vây để bơi.

Thích ứng tập tính: sự thích nghi về tập tính là một sự thay đổi ảnh hưởng đến hoạt động của một sinh vật một cách tự nhiên. Kiểu thích nghi này có thể do sự thay đổi của môi trường xung quanh hoặc hành động của loài khác. Ví dụ, động vật săn mồi có thể bắt đầu săn theo bầy - mang lại cho chúng lợi thế tiến hóa so với những kẻ săn mồi đơn lẻ. Các loài chim di cư từ vùng ôn đới đến vùng có mùa đông ấm hơn như loài cò thìa (Platalea minor) di cư từ bán đảo Triều Tiên đến các vùng bãi triều ven biển đồng bằng Bắc Bộ như cửa Sông Thái Bình, cửa Sông Hồng, Sông Đáy kiếm ăn vào mùa đông từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Thằn lằn tìm kiếm một nơi có nắng vào buổi sáng để làm ấm cơ thể nhanh hơn. Loài cá chình mun (Anguilla bicolor) ở miền Trung Việt Nam sống trong nước ngọt, khi thành thục sinh dục lại di cư ra vùng biển sâu đẻ trứng từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm, trứng nở ra ấu trùng dạng lá liễu nhờ dòng hải lưu đưa vào ven bờ. Sau nhiều lần biến thái, cá di chuyển vào trong sông và các vùng nước nội địa để sinh trưởng và phát triển. Loài cá mòi cờ hoa (Clupanodon thrissa) lại có tập tính di cư từ ven biển vào sâu trong sông để đẻ trứng. Bãi đẻ của cá mòi từ Hưng Yên (Sông Hồng) lên tới Đoan Hùng - Phú Thọ (Sông Lô), Việt Trì - Phú Thọ (Sông Thao),… mùa đẻ từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm.

Thích ứng sinh lý: thích ứng sinh lý liên quan đến sự thay đổi thể chất của loài. Tuy nhiên, sự thích ứng sinh lý không phải lúc nào cũng được nhìn thấy ở bề ngoài của một sinh vật. Kiểu thích nghi này có thể được thúc đẩy bởi sự thay đổi của môi trường hoặc hành vi của loài khác. Ví dụ, các loài cá di cư đẻ trứng từ sông nước ngọt ra biển hoặc từ biển vào sông nước ngọt phải tập trung ở một khu vực giữa hai vùng nước mặn, nước ngọt để thay đổi áp suất thẩm thấu của cơ thể nhằm thích ứng với môi trường mặn-ngọt. Các hợp chất ngăn đông máu trong nước bọt của muỗi, đỉa hoặc sự hiện diện của chất độc trong lá cây để xua đuổi động vật ăn lá.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Sách đỏ Việt Nam - Phần 1. Động vật. Nxb. Khoa học tự nhiên và Công nghệ, 279-280, 284-285, 2007.
  2. https://sciencing.com/three-types-environmental-adaptations-8572825. html: Smith Brett. The Three Types of Environmental Adaptations, 2017.
  3. Rittner D., McCabe T. L., Encyclopedia of Biology: Adaptive radiation, 2004.
  4. Sarah M. Mohr, Sviatoslav N. Bagriantsev, Elena O. Gracheva. Cellular, Molecular, and Physiological Adaptations of Hibernation: The Solution to Environmental Challenges. Ann. Rev. Cell Develop. Biol., 36: 315-338, 2020
  5. Trương Quang Học (chủ biên), Trương Quang Hải, Phan Nguyên Hồng, Lê Đình Lương, Võ Quý và nnk, Tự điển đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Nxb. Khoa học và Kỹ thuật: Adaptation, tr.11, 2001.