Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Latin : Ecclesia Cathedralis Nostrae Dominae) là giáo đường trung tâm giáo xứ Nam Định từ đầu thế kỉ XX tới nay.
Lịch sử[sửa]
Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội thường được gọi theo dân tục là Nhà thờ Lớn[1] vì là nơi thực hành nghi lễ Công giáo ngặt nhất và cũng hệ trọng nhất tại giáo xứ Nam Định, nên cũng được coi là trung tâm tín ngưỡng Cơ Đốc của cả thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc. Ngày nay, thánh đường kiêm là cơ sở đại diện Tổng giáo phận Hà Nội tại Nam Định.
Tiền thân thánh đường là một nhà nguyện nhỏ bằng đá được các linh mục Pháp - Ý cất năm 1895 ở mạn trái bến Đò Quan (nay là giao điểm cầu Đò Quan và đại lộ Trần Hưng Đạo thành phố Nam Định). Sau đó, nhà nguyện được nâng thành thánh đường theo kiến trúc Gothic, phỏng một phần hình dáng Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Paris. Trong khuôn viên có quần thể thánh tượng, thạch động Bet Leḥem, kỉ bi Hán văn, cửa tháp chuông quay về Tây phương để tiện báo giờ cầu nguyện. Giữa quảng trường Nữ Vương Hòa Bình trước cổng chính có tượng đài Thánh Mẫu bằng đồng đen.
Trước khi nội ô chuyển về quảng trường Mồng Ba Tháng Hai, vị trí này là trung tâm thành phố với các hoạt động thương mại nhộn nhịp ở phố Tàu. Thánh đường hợp với Chợ Rồng, chùa Vọng Cung và đền Voi Phục thành không gian Phố Cổ đặc trưng của thành phố Nam Định.