Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thành ngữ

Thành ngữ là một dạng lời nói có vần, và là cụm từ cố định, hoàn chỉnh về nghĩa, trong kho tàng truyền thống ngôn ngữ của một cộng đồng, được trao truyền từ người này sang người khác, thế hệ này sang thế hệ khác qua hình thức chủ yếu là truyền miệng. thành ngữ có tính biểu trưng, hình tượng, thể hiện một nội dung được cộng đồng đó chia sẻ và hiểu một cách thống nhất. thành ngữ dùng hình tượng cụ thể để diễn đạt ý niệm trừu tượng, dùng cái cá thể để hàm ý về cái phổ biến. thành ngữ thường ngắn gọn, súc tích, có tính vần điệu, có nhạc tính và dễ thuộc, dễ nhớ.

Thành ngữ được hình thành bắt nguồn từ việc con người nhận thức về thế giới thông qua các hình ảnh và khái niệm. Các sự vật, hiện tượng này được khái quát hóa, biểu trưng hóa thông qua các thành ngữ để giúp con người nhận thức những điều mang tính hiện tượng hoặc quy luật của đời sống. thành ngữ giúp đúc rút kinh nghiệm của người này một cách ngắn gọn, hấp dẫn và chia sẻ tới người khác, và nhờ sự chấp nhận của cộng đồng, thành ngữ được trao truyền. Những người thuộc cùng một cộng đồng thì chia sẻ những biểu trưng chung, và có thể hiểu, diễn giải các thành ngữ theo cách tương đồng với nhau. thành ngữ có thể được đúc rút từ các hoạt động của đời sống sản xuất, sinh hoạt, hay từ các sáng tác dân gian, sáng tác văn học, hoặc từ lời nói của các nhân vật văn hóa.

Thành ngữ đúc rút những kinh nghiệm của người dân về tự nhiên và xã hội, như kinh nghiệm về thời tiết, đất đai, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, ứng xử, giao tiếp,... thành ngữ bao gồm nghĩa đen và nghĩa bóng, gồm cái biểu thị và cái được biểu thị. Cái biểu thị là những hình tượng cụ thể tồn tại trong đời sống, thế giới khách quan, cái được biểu thị là những phán đoán, suy luận được truyền tải thông qua các biểu tượng, hình ảnh. Nghĩa đen của thành ngữ là nghĩa gốc, còn nghĩa bóng là nghĩa phái sinh được hình thành từ quá trình biểu trưng hóa. Việc diễn tả bằng thành ngữ giúp cho lời nói trở nên giàu hình tượng, biểu cảm, giàu ý nghĩa và thể hiện kinh nghiệm, vốn tri thức mang tính khái quát của người nói.

Các cách thức biểu trưng hóa của thành ngữ tiêu biểu như ẩn dụ (ví dụ: cá chậu chim lồng), hoán dụ (ví dụ: chân lấm tay bùn), ngoa dụ (ví dụ: vắt cổ chày ra nước),... Ý nghĩa biểu trưng này được diễn giải một cách thống nhất nhờ những hiểu biết nền tảng chung gắn với truyền thống, phong tục, môi trường sinh sống, những nét văn hóa chung của cộng đồng ngôn ngữ. Trong khi ý nghĩa của một thành ngữ thường được người trong cộng đồng văn hóa, cộng đồng ngôn ngữ hiểu một cách dễ dàng, thì những người ở ngoài cộng đồng này thường cần có sự giải thích để có thể hiểu được. Nhiều thành ngữ có âm điệu nhịp nhàng nhờ sự đối xứng của các cặp từ. Trong thành ngữ tiếng Việt có sự phổ biến của cụm bốn từ với hai cặp đối xứng (như trai xinh gái đẹp, của chìm của nổi, tay bắt mặt mừng, đầu tắt mặt tối,...). Nhiều thành ngữ được tạo thành bởi hai vế với các thành tố có sự đối xứng cả về ngữ âm, ngữ nghĩa, từ loại.

Trong quá trình lưu truyền, thành ngữ tiếng Việt có những biến thể về ngữ âm (ví dụ: bé như tép riu/diu), từ vựng (ví dụ: con sâu bỏ/làm rầu nồi canh), trật tự từ (ví dụ: nói huơu nói vượn/nói vượn nói huơu)), và ranh giới của các thành phần cấu tạo thành ngữ khi sử dụng (ví dụ: bắt cá hai tay/bắt cá một tay). Cũng trong quá trình lưu truyền, do những biến đổi của đời sống xã hội, nhiều thành ngữ cũng bị mai một, không được tiếp tục sử dụng hoặc chỉ được sử dụng trong một nhóm nhỏ. Một số trường hợp thành viên của một cộng đồng mặc dù đọc được thành ngữ nhưng không hiểu được ý nghĩa của nó.

Trong đời sống đương đại, thành ngữ tiếp tục được người dân sáng tác, lưu truyền qua hình thức truyền miệng hay qua dạng thức viết trên giấy, trên internet. Bên cạnh những câu thành ngữ mới, nhiều câu thành ngữ cổ truyền được cải biên, tăng cường thêm những lớp nghĩa mới. thành ngữ được sử dụng trong nhiều hoạt động truyền thông, quảng cáo nhằm thu hút sự chú ý, gây ấn tượng với công chúng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Văn Mệnh, Bước đầu tìm hiểu sắc thái tu từ của thành ngữ tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ (2), 1971, tr. 25-27.
  2. Nguyễn Thiện Giáp, Về khái niệm thành ngữ tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ (3), 1975, tr. 45-54.
  3. Bùi Khắc Việt, Về tính biểu trưng của thành ngữ trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ (1), 1978, tr.1-6.
  4. Nguyễn Đức Dân, Ngữ nghĩa thành ngữ và tục ngữ, sự vận dụng, Tạp chí Ngôn ngữ (3), 1986.
  5. Hoàng Văn Hành, Thành ngữ trong tiếng Việt, Tạp chí Văn hóa dân gian (1), 1987, tr.45-54.
  6. Ngô Minh Thủy, Một số vấn đề về nghiên cứu thành ngữ từ góc độ của ngôn ngữ học xã hội, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, chuyên san Ngoại ngữ (4), 2004, tr.72-86.