Tứ Pháp gồm Pháp Vân (mây), Pháp Vũ (mưa), Pháp Lôi (sấm), Pháp Điện (chớp) và các hình thức tín ngưỡng, lễ hội thờ phụng các vị Thần - Phật này trong các ngôi chùa tập trung ở vùng đồng bằng Bắc Bộ của Việt Nam. Các nghiên cứu đã có đều thống nhất nhận định, tín ngưỡng thờ tứ pháp (hay Nam thiên tứ Thánh) ra đời ở vùng Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) từ thế kỉ I - II sau công nguyên, định hình và phát triển trong buổi đầu Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào vùng đất này và hiện diện trong đời sống của người Việt từ đó đến nay.
Ở đồng bằng Bắc Bộ, một hệ thống các ngôi chùa thờ tứ pháp xuất hiện tại các làng nằm dọc hai bên bờ sông Hồng, hình thành nên bốn trung tâm thờ tứ pháp tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên. Khảo sát của Nguyễn Văn Huyên năm 1944 cho biết, có tới 39 ngôi làng có đền thờ chính thức một trong bốn vị tứ pháp. Việc thờ phụng các vị trong tứ pháp có thể riêng rẽ giữa các chùa ở các làng khác nhau trong phạm vi một tổng hay một huyện, nhưng thường cũng liên hệ với nhau thành một hệ thống cặp đôi, hoặc Pháp Vân - Pháp Vũ hoặc cả bốn vị trong tứ pháp. Trong các ngôi chùa tứ pháp, pho tượng tứ pháp được thờ ở vị trí trung tâm chính điện và có kích thước lớn hơn các pho tượng Phật.
Thuận Thành (Bắc Ninh) được xem là nơi thờ tự đầy đủ, là đất gốc và trung tâm của tín ngưỡng này. Cả bốn vị nữ thần Mây - Mưa - Sấm - Chớp đều được thờ tại 12 làng thuộc Thuận Thành, còn các nơi khác thì thường chỉ thờ một trong bốn vị. Tại nơi phát tích, Pháp Vân hiện được thờ tại chùa Dâu, Pháp Lôi thờ tại chùa Tướng, Pháp Điện thờ tại chùa Dàn. Tượng Pháp Vũ hiện được phối thờ trong chùa Dâu do nơi thờ bà là chùa Đậu đã bị phá hủy trong thời chiến, vào những năm 1948-1951. Điều đặc biệt là, tại Thuận Thành, ngoài hệ thống chùa tứ pháp còn có ngôi chùa Tổ, tức Phúc Nghiêm Tự (xã Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh) thờ Phật Mẫu Man Nương sinh ra tứ pháp cùng tượng ông bà Tu Định và nhà sư Khâu Đà La.
Nguồn gốc[sửa]
Nguồn gốc của các pho tượng và chùa tứ pháp được nói tới trong các văn bản của Cổ châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục (niên đại 1752, đời Lê Cảnh Hưng thứ 13), Pháp Vũ tự thực lục (quyển sách chép truyền thuyết về Pháp Vũ lưu tại điện thờ của ngôi chùa Đậu, Gia Phúc, Hà Đông), truyền thuyết về Man Nương trong Lĩnh Nam chích quái (thế kỉ XIV). Các bản chép có những khác biệt nhưng đều kể câu chuyện về một nhà sư Ấn Độ tên Khâu Đà La đến truyền đạo tại Luy Lâu vào thời quan Thái thú Sỹ Nhiếp lập đô ở nam sông Bình Giang , tức khoảng thế kỉ thứ I - II sau công nguyên. Truyền thuyết về tứ pháp thực chất là bản thần tích về tứ pháp, về các pho tượng và tục thờ liên quan tới việc cầu mưa của cư dân Việt nông nghiệp trồng trọt; đồng thời cho thấy nhiều vấn đề về tôn giáo tín ngưỡng và văn hóa của người Việt thời kì này. Các hiện tượng tự nhiên liên quan tới việc làm mưa như Mây - Mưa - Sấm - Chớp được thần thánh hóa, trong sự kết hợp với tục thờ cây, thờ đá và đạo Phật vào buổi đầu du nhập. Thêm vào đó, các hiện tượng tự nhiên này còn được nữ tính hóa thành các bà tứ pháp, thể hiện ý niệm về quyền năng sáng tạo, bảo trữ và sinh sôi trong tục thờ nữ thần. Trong buổi đầu của quá trình hình thành văn hóa, ở Việt Nam đã có sự kết hợp, dung hòa và biến đổi giữa yếu tố văn hóa ngoại sinh và văn hóa bản địa. Để bén rễ vào mảnh đất của người Việt, để bản địa hóa tôn giáo ngoại sinh, Phật giáo đã hóa thân cùng các vị thần tự nhiên của người Việt, tạo ra một hình tượng mới mang tên Phật Mẫu (Man Nương), pho tượng Thạch Quang Phật (Phật bằng đá phát sáng) và bốn bức tượng gỗ Phật Tứ Pháp (Mây - Mưa - Sấm - Chớp), với tính năng nổi bật trong việc cầu mưa, cầu mùa, cầu an.
Đặc trưng[sửa]
Tứ pháp còn cho thấy các đặc trưng độc đáo, riêng biệt chỉ có trong tục thờ này. Các hội tứ pháp thường diễn ra vào đầu vụ gieo trồng, trong những ngày thường có mưa dông và sấm dậy. Tại các làng thờ tứ pháp, việc thờ riêng rẽ các vị trong tứ pháp dẫn đến hình thức hội rước đảo vũ (rước cầu mưa) giữa các chùa tứ pháp trong lễ hội hàng năm. Trong lễ hội tứ pháp, các nghi lễ cầu mưa được thầy cúng, pháp sư tiến hành rất đa dạng và mang tính ma thuật, được thực hiện theo nhu cầu về lượng nước của cây lúa trong từng giai đoạn sinh trưởng khác nhau.
Ý nghĩa[sửa]
Từ các hoạt động thờ tứ pháp được thực hành trong lịch sử, có thể thấy tín ngưỡng này đóng vai trò quan trọng trong mục đích hộ quốc an dân, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc của các triều đại phong kiến. Đại Việt sử kí toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết, nhiều vị vua triều Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn đã cho xây dựng, trùng tu các ngôi chùa thờ tứ pháp, tổ chức các lễ hội rước Phật Pháp Vân về kinh đô Thăng Long để cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, hoặc tới cầu đảo tại Cổ Châu Tự (chùa Dâu) và luôn được linh ứng. Bản sắc phong cho Nam thiên tứ Thánh với tư cách là các vị Thượng đẳng thần cũng được thực hiện trong các triều vua Nguyễn. Các động thái xây dựng, phát triển hệ tư tưởng Phật Tứ Pháp của các triều đại được xem là nhằm phục hưng, xác lập và đề cao giá trị văn hóa bản địa, khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập và tự chủ về mặt văn hóa trong sự đối kháng với các yếu tố văn hóa ngoại sinh.
Sức sống của tín ngưỡng thờ tứ pháp trong lịch sử và các hình thức thờ tự đang diễn ra trong hiện tại cho thấy bề dày, chiều sâu cũng như vai trò và ý nghĩa của tục thờ trong đời sống văn hóa dân tộc.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Quang Hồng (Chủ biên), Di văn chùa Dâu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.
- Nguyễn Mạnh Cường, Chùa Dâu - Tứ Pháp và hệ thống các chùa Tứ Pháp, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
- Võ Thị Hoàng Lan, "Về tục thờ Tứ Pháp của người Việt", Tạp chí Di sản văn hóa, Số 3(39), 2012, tr.34-38.
- Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại Việt sử kí toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1993.
- Nguyễn Văn Huyên, Hội hè lễ tết của người Việt, Nxb Nhã Nam & Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017.
- Phạm Thị Mai, "Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ - Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai nền văn hóa Đại Việt và Ấn Độ xưa", Tạp chí Giáo dục, Số tháng 5, 2017, tr.251-255.
- Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2018.