Tứ khố toàn thư bộ bách khoa thư lớn nhất trong lịch sử Trung Hoa do triều đình trực tiếp biên soạn, cũng là một trong những bộ tập thành vĩ đại nhất trong lịch sử học thuật Trung Quốc, cg. Khâm định Tứ khố toàn thư.
Bộ sách được biên soạn dưới đời nhà Thanh theo lệnh của vua Càn Long. Tháng 2 năm Càn Long thứ 38 (năm 1773), triều đình lập “Tứ khố toàn thư quán” phụ trách công việc biên soạn Tứ khố toàn thư, giao cho hoàng tử Vĩnh Dung phụ trách chung, hoàng thất quận chúa Vu Mẫn Trung làm Tổng tài, Đại học sĩ cùng Thượng thư, Thị lang của 6 bộ làm Phó tổng tài, học giả Kỷ Quân làm Tổng soạn quan. Đồng thời, vua Càn Long đã cho tập hợp tổng cộng 360 học giả cùng tham gia biên soạn. Các tác giả đã phải mất thời gian khoảng 9 năm từ năm 1773 đến năm 1782 để có thể thu thập, kê cứu tất cả những bộ cổ tịch trọng yếu lớn, bao quát gần như tất cả những lịch vực học thuật vốn có của Trung Quốc cổ đại trong suốt thời kỳ từ Tiên Tần đến trước đời Càn Long.
Bộ sách đã tập hợp trên 10.000 bản thảo từ các bộ sưu tập của những triều đại quân chủ Trung Quốc (kể cả 3.000 bản thảo bị đốt vì nghi có tư tưởng chống Thanh) thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, lịch sử, triết học và văn học nghệ thuật. Tổng cộng bộ sách này có 79.000 phần nằm trong 36.381 quyển, 2,3 triệu trang sách và khoảng 800 triệu chữ. Để thực hiện khâu sao chép bộ sách, triều đình nhà Thanh đã phải huy động một lực lượng lớn lên đến 3800 người.
Tứ khố toàn thư bao gồm bốn phần lớn là Kinh (經), Sử (史), Tử (子), Tập (集), gồm tất cả 44 loại, trong đó bao gồm cả những tác phẩm kinh điển như: Luận ngữ (论语), Đại học (大学), Mạnh Tử (孟子), Trung dung (中庸), Chu dịch (周易), Chu lễ (周礼), Lễ ký (礼记), Thi kinh (诗经), Hiếu kinh (孝经), Thượng thư (尚书), Xuân Thu (春秋), Sử ký (史记), Nhĩ nhã chú sớ (尔雅注疏), Thuyết văn giải tự (说文解字), Tư trị thông giám (资治通鉴), Tôn Tử binh pháp (孙子兵法), Quốc ngữ (国语), Thuỷ kinh chú (水经注), Chiến quốc sách (战国策), Bản thảo cương mục (本草纲目), Trà kinh (茶经). Ngoài ra còn có một số tác phẩm của Triều Tiên, Việt Nam, Ấn Độ và của các nhà truyền giáo từ châu Âu đến cũng được tập hợp tromg bộ đại thành này.
Bộ sách đã thu thập những tranh sách lưu thông trong cả nước, tranh sách tàng trữ trong cung đình nhà Thanh, cùng những bộ sách quý được lưu giữ trong bộ Vĩnh Lạc đại điển. Theo thống kê, chỉ riêng thu thập tranh sách đã đạt đến 13.501 loại. Những sách này sau khi đã tuyển chọn lần lượt được đưa vào “trứ lục thư” và “tồn mục thư”, trong đó, “toàn mục thư” không thu thập toàn sách mà chỉ trích nội dung bộ phận; còn ở “trứ lục thư” các sách phải trải qua việc chỉnh lí, hiệu đính, dựa vào cách thức riêng mà sao lại để đưa vào, sau khi viết xong cần phải hiệu khám lại với bản gốc.
Để tạo Mỹ quan và dễ nhận biết, Tứ khố toàn thư đã dùng màu để trang hoàng, các phần cụ thể được quy định: Kinh bộ màu xanh, Sử bộ màu đỏ, Tử bộ màu nguyệt bạch (hoặc màu lam nhạt), Tập bộ màu xám tro. Việc xác định màu của 4 bộ là dựa vào 4 mùa xuân, hạ, thu, đông mà định ra. Riêng phần “Tứ khố toàn thư tổng mục” là cương lĩnh của cả bộ sách nên chọn màu vàng.
Năm Càn Long thứ 52 (năm 1787), vua Càn Long khi kiểm tra bộ phận Tứ khố toàn thư đã phát hiện một số sách có những câu chữ phạm húy với nội dung huỷ báng triều Thanh, liền hạ lệnh kiểm tra lại, đồng thời cắt bỏ 11 bộ Chư sử đồng dị lục (诸史同异录). 11 bộ sách này tuy bị cắt bỏ khỏi Tứ khố toàn thư, nhưng vẫn được giữ lại trong cung, không thiêu huỷ. 9 bộ trong 11 bộ này còn được lưu truyền đến ngày nay. Năm Gia Khánh thứ 8 (năm 1803), triều đình tiếp tục tiến hành công tác bổ di một bộ phận các thư tịch của bộ sách này lần cuối để tiến thêm một bước hoàn thiện bộ Tứ khố toàn thư.
Khi tổ chức biên soạn Tứ khố toàn thư, vua Càn Long hướng đến mục đích muốn tập hợp lại vốn cổ trong sách vở các đời để thể hiện sự trọng thị với sách vở các đời và khích lệ những người có học. Tuy nhiên, với những cuốn sách được cho là có nội dung chống lại sự cai trị của chính quyền Mãn Thanh và vi phạm những điều cấm kỵ của triều đình, nhà vua đã hạ lệnh cho tiêu hủy. Một số lượng lớn khoảng 6 vạn quyển sách đã bị thiêu hủy với lí do đó là một tổn thất nặng nề đối với nền văn hóa Trung Hoa.
Mặc dù có những mặt trái trong quá trình thu thập, biên chép nhưng Tứ khố toàn thư vẫn là nguồn thư tịch văn hiến khổng lồ, góp phần cung cấp tư liệu cho các học giả đời sau khi nghiên cứu văn hoá cổ đại Trung Quốc trên nhiều phương diện như sử học, địa lí, văn hiến, văn vật. Đây cũng là nguồn tư liệu trọng yếu để nghiên cứu quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia trong khu vực trong lịch sử.
Bộ sách được ví như tập đại thành của 5.000 năm văn minh Trung Hoa hay mệnh danh là “Vạn lý trường thành của học thuật Trung Quốc”. Trong Tứ khố toàn thư có một số tư liệu quý liên quan đến lịch sử Việt Nam như Việt sử lược, An Nam tấu thư, An Nam chí lược, Nam Ông mộng lục... Đây là những tư liệu quý có giá trị hữu ích giúp cho việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- 陈晓华,《论《四库全书》的文化与遗产价值》,《首都师范大学学报(社会科学版)》,2017年第3期,第10-16页 (Trần Hiểu Hoa, “Bàn về Tứ khố toàn thư: Văn hóa và giá trị di sản”, Học báo Đại học Sư phạm Thủ đô (Bản KHXH), số 3/2017, tr. 10-16).
- 关思雨,蒋永福,《《四库全书总目》的文献诠释机制分析》,《图书馆理论与实践》2020年第5期,第119-125页 (Quan Tư Vũ, Tưởng Vĩnh Phúc, “Phân tích cơ chế phiên dịch tài liệu văn hiến “Tứ khố toàn thư tổng mục””, Tạp chí Thư viện lí luận và thực tiễn, số 5/2020, tr.119-125).
- 黄爱平,《四库全书纂修研究》,中国人民大学出版社,北京,1989年版 (Hoàng Ái Bình, Nghiên cứu việc tu siêu Tứ khố toàn thư, Nxb. Đại học Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh, 1989).
- 李常庆,《《四库全书》出版研究》,中州古籍出版社,河南,2008年版 (Lý Thường Khánh, Nghiên cứu việc xuất bản Tứ khố toàn thư, Nxb. Cổ tịch Trung Châu, Hà Nam, 2008).司马朝军,《《四库全书总目》研究述略》,《图书馆杂志》2002年第6期,第68-70页 (Tư Mã Triều Quân, “Lược thuật việc nghiên cứu Tứ khố toàn thư tổng mục”, Tạp chí Thư viện, số 6/2002, tr.68-70).