Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tục xông đất

Tục xông đất còn gọi là tục xông nhà, một trong chuỗi các nghi thức của Tết Nguyên đán, đồng thời cũng là một nghi thức ứng xử trong giao tiếp cộng đồng của người Kinh (Việt) dịp đầu năm. Nhiều gia đình người Kinh tin rằng, ở ngày đầu năm mới, nếu người xông đất “nhẹ vía” hay tốt tính, mạnh khỏe, vui vẻ thì năm mới mọi việc trong nhà sẽ thuận lợi, mọi người đều khỏe mạnh; ngược lại, nếu gặp người “nặng vía” hay xấu tính, khờ dại, năm mới gia đình sẽ gặp điều xúi quẩy, khó chịu, hoặc làm ăn khó khăn, thậm chí buôn bán thua lỗ.

Vào lúc chuẩn bị cúng giao thừa đêm ba mươi Tết (hay đêm trừ tịch), một người đàn ông trong gia đình được xem là người “nhẹ vía”, nếu có tuổi hợp với năm mới thì càng tốt, sẽ rời nhà trước giờ sang canh (giao thừa) đến đình hay miếu, nghè của thôn xóm lễ thần cầu may mắn. Sau, người này tìm một cây xanh tốt hái cành lộc mang về nhà lúc năm mới đã sang, tự xông đất nhà mình. Cùng với lời chúc mừng năm mới và tràng pháo được gia đình đốt nổ vang khi đã được xông đất, cả nhà hy vọng những điều mới mẻ, thuận lợi sẽ đến. Cành lộc xuân hái mang về được cho là sự sinh sôi nảy nở sẽ đến với gia đình, quanh năm mọi điều tốt đẹp. Nếu gia đình nào sau lễ cúng giao thừa, tất cả mọi người đều đi lễ đình, chùa để đón khí xuân mới tái tạo năng lượng sống, khi về nhà họ sẽ để người “nhẹ vía” bước qua cửa trước tiên, coi như xông đất. Sau đó, mọi người chung vui hưởng cỗ giao thừa với niềm tin ngay giờ khắc đầu tiên của năm mới đã no đủ. Vào sáng sớm mồng một Tết, mọi người không đi chúc Tết, không chỉ vì muốn ở nhà chuẩn bị cỗ cúng gia tiên và gia thần đầu năm cầu được phù hộ. Họ còn lo ngại mình vô tình trở thành người xông đất ngoài ý muốn của gia chủ khi đến nhà họ chúc Tết.

Nếu gia đình không có người phù hợp để tự xông đất thì sẽ nhờ hay “kén” một trong số những người họ hàng hoặc bạn bè thân hữu thực hiện vào sớm ngày mồng một, trước khi có khách đến chúc Tết. Đó phải là người đàn ông khỏe mạnh, tính tình vui vẻ, phóng khoáng và nếu là người thành đạt thì càng tốt. Có người xông đất như vậy, gia đình không chỉ hy vọng trong năm mới mọi người được mạnh khỏe, vui vẻ mà còn có thể đạt được ước muốn về công danh, sự nghiệp hay làm ăn phát đạt. Khi đến nơi, người xông đất đốt một bánh pháo to rồi cất giọng vui vẻ chúc mừng gia chủ. Người xông đất dựa vào gia cảnh của người nhờ giúp để lựa chọn lời chúc sao cho phù hợp, tinh tế, để người nghe vui lòng, tin tưởng, dù biết đó chỉ là lời chúc nhưng chúng vẫn có thể thành sự thật hay đang đến,... Thường, người xông đất dùng những lời chúc đã từng được sử dụng trong xã hội. Chẳng hạn, đối với những gia đình làm nông, người xông đất sẽ chúc họ năm mới “phong đăng hòa cốc” (được mùa), với những nhà làm nghề thủ công thì sẽ chúc “tốt tài sai lộc”, với người làm quan sẽ chúc “thăng quan tiến chức”. Với gia đình buôn bán, người xông đất chúc năm mới “làm ăn tấn tới” hay “buôn bán nhất bản vạn lợi”, “tiền vào như nước”. Với gia đình có cha mẹ già, người xông đất chúc họ “tăng phúc tăng thọ”, hay gia đình đang quan tâm tới kết qủa học tập nhiều năm của con cháu sẽ có lời chúc “học hành đỗ đạt”,v.v.. Nghe lời chúc của người xông đất, chủ nhà cảm ơn và chúc lại khách những lời tốt đẹp nhất rồi đưa tiền mừng đựng trong bao giấy hồng điều (gọi là tiền phong bao), xem như đáp lễ, còn gọi là mở hàng. Tục lệ này được những gia đình buôn bán để ý vì họ rất coi trọng nghi thức xông đất đầu năm.

Suốt những năm tháng khó khăn của thời chiến và hậu chiến 1945 -1986, các nghi thức ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam đã giản lược nhiều, TXĐ ít được nhắc đến vì bị xem là mê tín, nhất là ở những gia đình là cán bộ hay công viên chức nhà nước. Tuy vậy, TXĐ vẫn được thực hành trong đời sống cộng đồng một cách lặng lẽ, nên khi vào thời Đổi mới (từ 1986), TXĐ được khôi phục. TXĐ, lời chúc tụng và khoảnh khắc vui vẻ đầu năm mới mang ý nghĩa tượng trưng, cho thấy niềm mong cầu vào những điều thuận lợi, bình an cho gia đình và cộng đồng của người Việt.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Băng Sơn, Văn hóa lễ tết của người Việt, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 2010.
  2. Toan Ánh, Nếp cũ: Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua nếp cũ gia đình và lễ- tết- hội hè, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2012.
  3. Nhất Thanh, Đất lề quê thói, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 2016.