Tục thờ Tổ Tiên là tục lệ thờ cúng những người đã khuất trong gia đình và dòng họ, tồn tại ở nhiều nền văn hoá trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á, trong đó có Việt Nam. tục thờ Tổ Tiên được thực hành phổ biến không chỉ trong các gia đình người Kinh mà còn lưu giữ ở nhiều tộc người khác ở Việt Nam như người Mường, Thái, Dao, Tày, Nùng… tục thờ Tổ Tiên cũng được biết đến với tên gọi tín ngưỡng thờ tổ tiên, đạo ông bà, hay đạo hiếu. Nội dung cơ bản của tục thờ Tổ Tiên ở Việt Nam là quan niệm về sự tồn tại của linh hồn, và mối liên hệ giữa người đã chết và người sống (cùng chung huyết thống) dựa trên nền tảng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Con cháu thể hiện lòng thành kính, biết ơn và trách nhiệm liên tục, lâu dài đối với nhu cầu của tổ tiên thông qua các nghi thức cúng tế. Người sống tin tưởng vào “âm phù” - sự che chở, phù trợ của người đã khuất. Hồn của tổ tiên về chứng kiến, theo dõi hành vi của con cháu, quở trách hoặc phù hộ cuộc sống của họ.
Nguồn gốc[sửa]
Nhiều người đưa ra giả thuyết tục thờ Tổ Tiên ở Việt Nam được hình thành vào thời kỳ Bắc thuộc cùng với những ảnh hưởng của văn hoá Hán. Cũng có những quan điểm cho rằng tục thờ Tổ Tiên đã nảy sinh từ trong nền văn hoá bản địa Việt Nam từ trước khi Hán hoá, và Nho giáo sau này đã có công lý thuyết hoá và lễ thức hoá thực hành thờ cúng tổ tiên một cách bài bản. Về bản chất của tục thờ Tổ Tiên, tác giả Toan Ánh coi thờ phụng tổ tiên không phải là một tôn giáo…mà là một phong tục có tính đạo lý. Học giả Nguyễn Đổng Chi phân vân coi nó gần như một thứ tôn giáo, còn nhà dân tộc học Đặng Nghiêm Vạn khẳng định tục thờ Tổ Tiên là một tôn giáo chính thống của người Việt Nam.
Cơ sở tâm linh của tục thờ Tổ Tiên xuất phát từ nhận thức “vạn vật hữu linh”, mọi vật đều có linh hồn. Hiện tượng thờ Tô tem, vật tổ của các tổ chức thị tộc trong lịch sử xã hội loài người cho thấy sự manh nha của tục thờ Tổ Tiên. Cùng với sự phát triển nhận thức về cái chết, người ta quan niệm thể xác và linh hồn gắn bó chặt chẽ với nhau khi sống và phân tách khi chết: thể xác đã hòa vào cát bụi nhưng phần linh hồn vẫn tồn tại, chỉ chuyển sang “sống” ở một thế giới khác. Thế giới ấy được mang tên gọi khác nhau, như “âm phủ” của người Kinh hay “cõi ma” của người Mường. Nhiều tài liệu khảo cổ cho biết tục chôn của cải theo người chết đã có từ văn hóa Sơn Vi. Việc cung cấp vật dùng cho người chết, theo từng tộc người, có thể chỉ trong một lần hoặc trong một khoảng thời gian nhất định (lễ bỏ mả ở một số tộc người ở Tây Nguyên), nhưng cũng có thể tiến hành thường xuyên theo chu kỳ ngày, tuần, tháng, năm, dưới hình thức cúng tế. Việc làm này xuất phát từ quan niệm nếu không được cung cấp đầy đủ, người chết sẽ trở thành “ma đói” lang thang, quấy nhiễu sự yên bình của người sống. Các am thờ chúng sinh thường lập ở rìa làng hay lễ Vu Lan dành cho “thập loại chúng sinh” là những biểu hiện người sống muốn chia sẻ, an ủi những linh hồn bơ vơ, thiếu đói do không được cúng tế.
Tục thờ Tổ Tiên cũng có cơ sở từ nền kinh tế nông nghiệp với vai trò của các hộ gia đình nhỏ. Tính khép kín tương đối của gia đình truyền thống là nhân tố quan trọng tạo nên sự gắn bó giữa các thành viên cùng thế hệ và giữa các thế hệ, góp phần tạo dựng ý thức thân tộc nói chung và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nói riêng. tục thờ Tổ Tiên còn được ra đời và duy trì trong những điều kiện xã hội nhất định với vai trò của quyền trưởng nam theo tôn pháp trong xã hội phụ quyền. Theo con đường chung tộc danh về phía bố”, các gia đình nhỏ liên kết lại với nhau thành họ (gia tộc). Đây là loại đơn vị ngoại hôn vì các thành viên gắn bó với nhau bằng sợi dây huyết thống (“giọt máu đào hơn ao nước lã”) và có chung một vị thủy tổ.
Từ khi Nho giáo du nhập và có ảnh hưởng ở Việt Nam, tục thờ Tổ Tiên đã được cung cấp một hệ thống lý luận và lễ thức hoá bài bản. Hệ tư tưởng Nho giáo với vai trò của đạo hiếu đã góp phần xây dựng hệ nguyên lý cho việc thờ cúng tổ tiên bản địa ở ba cấp: gia đình, dòng họ và cộng đồng quốc gia. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi rằng các rằm tháng giêng, tháng bảy và tháng mười gọi là (tam nguyên), các nhà đều thờ cúng tổ tiên. tục thờ Tổ Tiên không chỉ được lễ thức hóa ở phạm vi rộng rãi mà còn được các vương triều thừa nhận, thể chế hóa bằng pháp luật. Chẳng hạn, Quốc Triều hình luật của nhà Lê đưa ra những quy định rất chặt chẽ về quyền hương hỏa (điều 399 vào 400).
Nghi lễ[sửa]
Nghi thức thờ cúng tổ tiên được ghi chép chi tiết trong Thọ Mai gia lễ của tác giả Hồ Sỹ Tân vào thế kỷ XVIII, các chuyên khảo về phong tục tập quán đầu thế kỷ XX như Nếp cũ - tín ngưỡng Việt Nam của Toan Ánh, Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh,… Nghi thức của tục thờ Tổ Tiên ở Việt Nam tuy phần lớn phỏng theo nghi lễ Nho giáo, nhưng trên thực tế có những yếu tố rất gần gũi với Phật giáo hay Đạo giáo. Mặt khác, với tính chất một tín ngưỡng dân dã, các hành vi lễ thức thường được thực hiện theo tâm thức dân gian và cũng không thống nhất ở các gia đình, các địa phương.
Bàn thờ gia tiên thường được đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Việc bài trí các bàn thờ gia tiên phụ thuộc vào quan niệm tâm linh và cả điều kiện kinh tế của gia chủ. Nhìn chung, bàn thờ gia tiên nào cũng có một số đồ thờ chủ yếu: bài vị (hoặc thần chủ), bát hương, đĩa đèn, bình hoa, chén rượu, hộp trầu, mâm bồng đựng hoa quả… Đồ thờ của các gia đình bình dân thường được làm bằng gỗ hoặc sành sứ, các gia đình giàu có chọn đồ thờ tự bằng đồng. Ban thờ gia tiên của ngành trưởng phức tạp hơn ngành thứ, của chi trưởng phức tạp hơn chi thứ. Gia đình con thứ, con út chỉ thờ vọng nên bài trí bàn thờ đơn giản.
Các nghi lễ quan trọng nhất trong tục thờ Tổ Tiên bao gồm lễ thức trong tang ma nhằm đưa ông bà, cha mẹ vừa mất về gặp tổ tiên và gia nhập vào hàng các vị tổ tiên. Sau lễ tang ma, lễ giỗ là nghi thức rất được chú trọng. Bên cạnh đó, việc thờ cúng tổ tiên tại gia đình thường được tiến hành quanh năm, xuất phát từ quan niệm dù thác nhưng linh hồn họ vẫn luôn ở bên cạnh con cháu. Không chỉ cúng lễ trong những dịp quan trọng như tang ma, giỗ chạp, cưới xin…, không chỉ trong những ngày lễ tiết như tết Nguyên đán, Thanh minh, Hàn thực, Đoan ngọ…, các ngày Sóc, Vọng theo chu kỳ tuần trăng, mà các vị tổ còn được con cháu kính cáo mọi chuyện vui buồn trong gia đình như sinh nở, ốm đau, thi cử, đỗ đạt, kiện cáo…
Gia tộc cũng có những quy định cho việc thờ cúng thuỷ tổ dòng họ. Khi dòng họ phát triển thành chi - ngành - nhánh thì sự thờ cúng cũng được phân tách vừa theo bậc thế hệ, vừa theo thứ tự cả - thứ. Tương ứng với các chi, ngành, nhánh là sự phân cấp những số đời phải cúng ở các từ đường và các gia đình. Để duy trì tổ chức cộng đồng từ gia đình tới dòng họ, người ta rất coi trọng việc ghi chép gia phả và tộc phả. Dựa trên các văn bản này, truyền thống được bảo tồn, lễ nghi trật tự được tôn trọng và nghiêm cấm các quan hệ hôn nhân nội tộc. Mặc dù đã qua nhiều đời nhưng ngày giỗ họ vẫn được lưu truyền và thực thi nhờ việc ghi chép gia phả. Việc giỗ họ được thực hiện tại từ đường, với những dòng họ không có từ đường riêng thì việc cúng giỗ được tiến hành ngay tại nhà trưởng họ, hay tại một đài lộ thiên (có dựng bia đá ghi thuỵ hiệu các vị tổ).
Ý nghĩa[sửa]
Tục thờ Tổ Tiên có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống người Việt nên các tôn giáo ngoại lai, để tồn tại và phát triển ở Việt Nam đã buộc phải dung hòa. Phật giáo, Kitô giáo khi vào Việt Nam, để tồn tại và phát huy ảnh hưởng, đã phải từng bước chấp nhận tục thờ Tổ Tiên mặc dầu thái độ ấy có thể đối lập với giáo lý khởi nguyên. Các tôn giáo mới xuất hiện trong nước hồi đầu thế kỷ XX như đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo cũng xây dựng giáo lý của mình dựa trên cơ sở của Đạo thờ cúng ông bà (Phật giáo Hòa Hảo đề cao Tứ ân hiếu nghĩa mà trước hết là ân tổ tiên cha mẹ). Trong các tín ngưỡng dân gian như thờ Thành Hoàng, thờ Mẫu, thờ Thánh… cũng thấy rất rõ những dấu vết ảnh hưởng của tục thờ Tổ Tiên với lòng biết ơn cội nguồn, biết ơn các bậc sinh thành. Dù còn có sự tranh luận giữa các học giả về việc nên coi tục thờ Tổ Tiên là một tôn giáo, tín ngưỡng hay tập tục dân gian, tục thờ Tổ Tiên vẫn là một trong những hình thức tâm linh gắn bó mật thiết nhất với đời sống của người dân Việt Nam.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Đại Nam nhất thống chí. Tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.
- Nguyễn Đổng Chi. Sự tồn tại quan hệ thân tộc trong làng xã Việt Nam. Trong Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, tập 2, Nxb, Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.
- Toan Ánh. Nếp cũ - tín ngưỡng Việt Nam. Quyền thượng. Nxb TP Hồ Chí Minh, 1992.
- Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Về tôn giáo tín ngưỡng Việt nam hiện nay. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996
- Nguyễn Từ Chi “Nhận xét bước đầu về gia đình người Việt”, trong Văn hóa học đai cương và cơ sở văn hóa Việt Nam. Nxb khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.
- Phạm Quỳnh Phương “Thờ cúng tổ tiên – Tín ngưỡng và đạo lý dân tộc”, Văn hóa nghệ thuật, số 2, 2000, tr. 33-37.
- Phạm Quỳnh Phương “Tìm hiểu nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên”, Dân tộc học, số 4, 2000, tr.26-30
- Gerinald E. Reimer. “Chiều kích tôn giáo trong thờ cúng tổ tiên”. Nghiên cứu Tôn giáo, số 3, 2018, tr.20-35