Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tục thờ Mẫu
Điện thờ Liễu Hạnh Công chúa trong Phủ Tây Hồ.

Tục thờ Mẫu là thực hành văn hoá dân gian có tính chất tín ngưỡng thể hiện niềm tin, sự ngưỡng mộ chân thành của con người đối với các vị thần mang tính nữ, đồng thời cầu xin các vị thần chở che, bảo vệ, phù hộ cho cuộc sống hiện sinh tốt đẹp về công danh, tài lộc, sức khoẻ và hạnh phúc. Trong thực tế, tục thờ Mẫu dưới nhãn quan của các nhà nghiên cứu từ các góc độ khác nhau được khái niệm hoá bởi những cụm từ khác nhau như tín ngưỡng thờ Mẫu, phong tục thờ Mẫu…Nhưng dù khái niệm hoá tục thờ này như thế nào thì các nhà nghiên cứu đều nhấn mạnh tới khía cạnh giới tính nữ của đối tượng được thờ. Mẫu có nghĩa là mẹ trong tiếng gọi thân thương của con cái, nhưng Mẫu ở đây cũng bao hàm ý nghĩa tôn xưng, tôn vinh.

Nguồn gốc[sửa]

Tranh vẽ Mẫu Thượng Thiên trong trang phục nhà Lê, thuộc dự án Thánh Nhan của trang Four Palaces - Tứ Phủ.
Đền Thánh Mẫu ở Đông Hưng, Thái Bình thờ 1 hoàng hậu nhà Đinh

Tục thờ Mẫu có nguồn gốc lâu đời trong lịch sử văn hoá Việt Nam. Những nghiên cứu từ góc độ dân tộc học, văn hoá học và tôn giáo học đã chỉ rõ cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội, tâm lý tình cảm và tâm linh cho sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của tục thờ này. tục thờ Mẫu được hình thành trước hết xuất phát từ việc con người tôn sùng các lực lượng tự nhiên đã được nữ tính hoá. Trong thời kỳ đầu của lịch sử, con người sống dựa hoàn toàn vào tự nhiên và có lẽ lúc đó họ chưa phân giới tính cho tự nhiên. Tuy nhiên, trải qua năm tháng, người ta nhận thấy, tự nhiên tương tự người mẹ, tự nhiên cũng sản sinh, nuôi dưỡng, chở che con người như người mẹ và thế là con người gán cho tự nhiên giới tính nữ và thần thánh hoá tự nhiên, tôn sùng tự nhiên. Những mẹ rừng, mẹ cây, mẹ núi, mẹ sông nước…ra đời từ đó. Khi chuyển sang làm nông nghiệp trồng lúa nước, người Việt cảm nhận rõ hơn về sự tương đồng trong chức năng sáng tạo, bảo trợ và chở che giữa tự nhiên và người mẹ. Hơn nữa, đối với cư dân nông nghiệp, các lực lượng tự nhiên như đất, nước, mưa, gió…vô cùng quan trọng chi phối tới sự phong đăng hoà cốc mùa màng của họ. Bởi vậy, các lực lượng tự nhiên dưới hình thức giới tính là nữ lại tiếp tục được tôn vinh với những danh xưng như mẹ đất (Mẫu Địa), mẹ nước (Mẫu Thuỷ), mẹ trời (Mẫu Thượng thiên)…Thờ nữ thần và mẫu thần là một hiện tượng phổ biến trong các nền văn hoá trên thế giới, nhưng để ăn sâu bám rễ và phát triển mạnh mẽ như ở Việt Nam thì bản thân tục thờ này phải dựa trên cơ sở kinh tế xã hội rất vững chắc mà từ cơ sở đó khiến cho vai trò của người phụ nữ Việt Nam mặc dù trong bối cảnh một nước chịu ảnh hưởng sâu nặng của Nho giáo phong kiến vẫn không bị hạ thấp, thậm chí được đề cao và được tôn vinh. Người phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong nền nông nghiệp lúa nước, họ làm hầu hết các công việc đồng áng, thậm chí nhiều khâu trong trồng cấy lúa đều gắn với phụ nữ, dành cho phụ nữ, tạo nên cấm kị với người đàn ông. Nhiều phụ nữ là những tổ nghề thủ công, tạo nên nghề nghiệp cho dân chúng. Ở địa hạt tiểu thương nghiệp, người phụ nữ đóng vai trò chủ chốt, những hình ảnh bươn chải sớm hôm kiểu “quanh năm buôn bán ở mom sông” như được mô tả trong thơ của Tú Xương là những hình ảnh sống động về vai trò của người phụ nữ Việt Nam. Họ còn được coi là “nội tướng”, là “tay hòm chìa khoá”, họ quyết định tới việc nuôi dạy con cháu (con hư tại mẹ cháu hư tại bà) và đặc biệt, lịch sử giữ nước đã trao cho họ một vai trò to lớn nữa: thay chồng nuôi con để chồng ra chiến trận và thậm chí họ còn xông pha trận mạc đánh giặc cứu nước. Với những công lao này, người phụ nữ Việt Nam được đánh giá cao trong đời thực và được tôn vinh trong lĩnh vực tâm linh. Tất nhiên, tục thờ Mẫu còn xuất phát từ tâm lí tình cảm rất người đó là lòng biết ơn của con cháu đối với người mẹ đã có công sinh thành, dưỡng dục và chở che.

Phân loại[sửa]

Tục thờ Mẫu thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn vinh với các đối tượng Mẫu rất đa dạng và theo dòng phát triển của lịch sử, các Mẫu được tôn thờ ngày càng được bổ sung đông đảo hơn. Về cơ bản, có thể phân chia đối tượng thờ cúng theo gốc gác của các thần thành hai loại là Mẫu nhiên thần và Mẫu nhân thần như nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Minh San đề cập trong công trình của mình. Các Mẫu là nhiên thần như Linh Sơn thánh Mẫu (thần núi Bà Đen ở Tây Ninh), Quốc Mẫu Tam Đảo…Các Mẫu nhân thần cũng phong phú không kém, họ có thể là những nhân vật huyền thoại như Âu Cơ, Liễu Hạnh, mẹ của Phù Đổng Thiên Vương…hoặc là những nhân vật có thật trong lịch sử như Ỷ Lan Hoàng thái hậu (thời Lý), bà Phạm Thị Ngọc Trần hoàng hậu (nhà Lê)…Dù có gốc gác thế nào, các mẫu đó đều có thể là mẹ của quê hương xứ sở, sinh ra dân tộc, họ cũng có thể là những vị thần sáng tạo ra các giá trị văn hoá, là các tổ nghề hoặc họ là những danh tướng ngoài trận mạc…Bên cạnh đó, cũng có thể phân loại đối tượng Mẫu được thờ theo tước vị của họ như các Quốc Mẫu (Âu Cơ, bà Phạm Thị Ngọc Trần- vợ vua Lê Thái Tổ, hoàng hậu vua Tống Độ Tông (Trung Quốc)), Vương Mẫu (mẹ Thánh Gióng), Thánh Mẫu (Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Linh Sơn Thánh Mẫu, Thánh Mẫu Thiên Yana…). Cũng có thể phân chia các đối tượng của tục thờ Mẫu thành ba lớp như Ngô Đức Thịnh: lớp Nữ thần, Mẫu thần và lớp Tam phủ, Tứ phủ. Trong đó lớp Nữ thần và Mẫu thần có lịch sử phát triển từ rất xa xưa; lớp Tam phủ, Tứ phủ được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầy biến động, dưới ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa và trên nền lớp Nữ thần, Mẫu thần. Điều đáng nói là, với sự xuất hiện của lớp thờ này, đối tượng các Mẫu được thờ phụng không những tăng lên mà thông qua đó tục thờ Mẫu còn phản ánh sự hỗn dung cao độ của nó đối với các tôn giáo tín ngưỡng hiện có ở Việt Nam như Phật giáo, Đạo giáo, thờ cúng các thần là nam, thờ động vật… Dù có thờ nhiều đối tượng khác được thờ nhưng quyền năng của các Mẫu vẫn là chiếm vị trí thượng tôn trên điện thờ.

Đặc trưng[sửa]

Tục thờ Mẫu được thực hành trong không gian là các thiết chế tâm linh như phủ, đền, điện, miếu, am, tháp. Từ Bắc đến Nam, nơi đâu cũng có những kiến trúc thờ Mẫu nổi tiếng như đền Tổ Mẫu Âu Cơ (Hạ Hoà, Phú Thọ), đền Bắc Lệ (Lạng Sơn), phủ Tây Hồ (Hà Nội), phủ Dầy (Nam Định), đền Sòng (Thanh Hoá), điện Hòn Chén (Huế), tháp Bà Pô Inư Naga (Nha Trang), miếu Bà Chúa xứ (An Giang)…Tại các thiết chế tâm linh này, các thực hành thờ Mẫu như nghi lễ, lễ hội, cầu cúng…được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ và ghi ơn công đức của các Mẫu và cầu xin cho cuộc sống tốt đẹp của con người trần thế. Các thực hành thờ Mẫu diễn ra với sự đa dạng về thời gian, lễ vật, cách hành lễ tuỳ thuộc vào đối tượng Mẫu được thờ là ai. Riêng với lớp thờ mẫu Tam phủ và Tứ phủ, các nghi lễ và lễ hội có phần được thống nhất hoá được thể hiện qua câu ca “tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ” với các nghi thức rước Trần Hưng đạo trên sông và rước mẹ Liễu Hạnh từ nơi thờ Mẫu lên chùa. Trong cả hai lễ hội, nghi lễ hầu đồng được diễn ra rất sôi nổi.

Tục thờ Mẫu là một hiện tượng phổ biến có tính tộc người. Rất nhiều tộc người ở Việt Nam xuất phát từ nguyên lý Mẹ đã tôn thờ những vị Mẫu của mình. Người Tày thờ thuỷ tổ của dân tộc là Mẹ Hoa (mẹ Bjooc). Người Thái và Khơ Mú cho rằng có một bà mẹ đã sinh ra quả bầu trong đó chứa đựng tổ tiên của họ, một số tộc người ở Tây Nguyên cho rằng thuỷ tổ của họ là con cháu được sinh ra từ người phụ nữ và con chó thần…Những người mẹ này đều được con người tôn thờ và ngưỡng vọng.

Tục thờ Mẫu cũng có tính vùng miền. Thờ Mẫu ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam có những nét riêng biệt về đối tượng thờ phụng, điện thần và nghi lễ. Thờ Mẫu ở Bắc Bộ có đầy đủ ba lớp thờ Nữ thần, Mẫu thần và lớp Tam phủ, Tứ phủ, trong đó thần chủ của lớp Tam phủ Tứ phủ chính là Mẫu Liễu Hạnh. Càng đi vào miền Trung và miền Nam, hiện tượng hỗn dung được thể hiện rõ nét hơn trong tục thờ Mẫu mà nguyên nhân của nó là do sự hỗn dung cao độ của văn hoá và tộc người. Không có lớp Tam phủ và Tứ phủ, thờ nữ thần (Tứ vị nương nương, bà Ngũ Hành…) và thờ Mẫu thần là hai lớp chủ đạo của thờ Mẫu ở Trung Bộ, trong đó vai trò của Thiên Yana, Pô Inư Naga- bà mẹ xứ sở của người Chăm có sức ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Sự hỗn dung càng cao độ hơn trong thờ Mẫu ở Nam Bộ giữa lớp thờ Mẫu của người Việt, người Chăm và người Khơ Me. Ở Nam Bộ, thờ bà Chúa xứ trở thành một hiện tượng tâm linh quan trọng của mọi làng quê. Sự khác biệt của tục thờ Mẫu ở 3 miền phản ánh tính đa dạng của tục thờ Mẫu được hình thành trong tính đa dạng của các bối cảnh địa lý, xã hội, văn hoá tộc người.

Ý nghĩa[sửa]

Tục thờ Mẫu đã rất sâu rễ bền gốc và là một hằng số của văn hoá Việt Nam, của việc tôn vinh người mẹ. Trải qua những năm tháng có phần thăng trầm trong lịch sử phát triển, đến nay tục thờ Mẫu đang có sự hồi sinh mạnh mẽ, hiện diện ở khắp mọi miền đất nước và đang có nhiều biến đổi. Xu thế thương mại hoá các nghi lễ, lễ hội của tục thờ Mẫu xuất hiện trong bối cảnh kinh tế thị trường. Điều đặc biệt là các thực hành văn hoá của tục thờ Tam phủ Tứ phủ của người Việt ngày càng lan toả và ảnh hưởng mạnh mẽ tới các tộc người thiểu số, nhất là sau khi nó được Unesco ghi danh là di sản văn hoá đại diện của nhân loại. tục thờ Mẫu đã tạo nên bản sắc độc đáo của văn hoá Việt Nam- văn hoá coi trọng người mẹ. Dù trong bối cảnh nào, thời kỳ nào, tục thờ này vẫn thể hiện vai trò của nó trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam; trong việc tích hợp, bảo lưu và phát triển các giá trị văn hoá dân gian; trong việc giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, và trong xã hội hiện đại, tục thờ Mẫu với các đền phủ, nghi lễ, lễ hội to đẹp và hấp dẫn của nó có giá trị to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, cụ thể là du lịch tâm linh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Toan Ánh, Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
  2. Nguyễn Minh San, Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1998.
  3. Vũ Trung, Một cách nhìn khác về tín ngưỡng thờ Mẫu, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, tháng 10, tr67-71, 2010.
  4. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2012.
  5. Đặng Việt Bích, Thờ Mẫu- Tín ngưỡng truyền thống bản địa Việt Nam, Tạp chí Dân tộc học, Số 1, tr8-12, 2005.
  6. Vũ Ngọc Khánh, Tục thờ Đức Mẫu Liễu, Đức Thánh Trần, Nxb VHTT, Hà Nội, 2009.
  7. Trần Lâm, Nguyễn Thức, Tục thờ Mẫu trên dòng chảy tín ngưỡng Việt, Di sản văn hoá, số 2 (43), tr57-62, 2013.
  8. Vũ Hồng Vận, Phạm Duy Hoàng, Tín ngưỡng thờ Mẫu trong sinh hoạt tinh thần của người Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, 2018.