(General Department of State Reserves)
Cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Bộ tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ tài chính quản lý Nhà nước về dự trữ Nhà nước; trực tiếp quản lý các loại hàng dự trữ được Chính phủ giao. Tổng cục Dự trữ Nhà nước có tư cách pháp nhân, con dấu có hình quốc huy, tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và trụ sở tại Thành phố Hà Nội; kinh phí hoạt động do NSNN cấp.
Quá trình hình thành, phát triển
Tổng cục Dự trữ Nhà nước, tiền thân là Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước, được thành lập ngày 7.8.1956 theo Nghị định số 997/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước thuộc Thủ tướng phủ, có nhiệm vụ thống nhất quản lý Nhà nước về dự trữ Nhà nước và trực tiếp giữ gìn, bảo quản các hàng hóa dự trữ. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục bao gồm các phòng chuyên môn (Phòng Hành chính, quản trị; Phòng thiết bị; Phòng nguyên, nhiên, vật liệu; Phòng sản phẩm lương thực và công nghệ); các đơn vị trực thuộc gồm 18 Ban Đại diện Vật tư trực tiếp quản lý hệ thống kho dự trữ trên các địa bàn quan trọng từ Vĩnh Linh trở ra. Đến năm 1961, Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước được giao về trực thuộc Tổng cục Vật tư, các chức năng, nhiệm vụ của Cục về cơ bản vẫn giữ như khi trực thuộc Phủ Thủ tướng.
Năm 1967, trong bối cảnh chiến tranh, xét thấy mô hình quản lý tập trung không phù hợp, Chính phủ đã quyết định giao Cục quản lý Dự trữ vật tư Nhà nước trực tiếp quản lý một số hàng hóa dự trữ, các hàng hóa vật tư dự trữ chuyên ngành do các Bộ ngành trực tiếp quản lý.
Năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng lại quyết định chuyển Cục quản lý Dự trữ vật tư Nhà nước thuộc Bộ Vật tư về thuộc Hội đồng Bộ trưởng, đồng thời sáp nhập các đơn vị quản lý dự trữ Nhà nước ở các Bộ, ngành vào Cục quản lý Dự trữ vật tư Nhà nước. Phương thức quản lý hoạt động dự trữ Nhà nước được chuyển từ mô hình quản lý phân tán, sang quản lý tập trung, thống nhất.
Ngày 24.2.1996, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/CP về Quy chế quản lý Dự trữ quốc gia. Theo đó, về cơ chế quản lý, Nghị định quy định những hàng hóa chuyên dùng, đặc chủng giao cho một số bộ, ngành trực tiếp quản lý. Đổi tên Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước thành Cục Dự trữ Quốc gia. Cục Dự trữ Quốc gia là cơ quan trực thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Dự trữ Nhà nước và trực tiếp quản lý một số mặt hàng dự trữ chiến lược, thiết yếu. Năm 2000, theo quyết đinh của Thủ tướng Chính, Cục Dự trữ Quốc gia chuyển về trực thuộc Bộ Tài chính. Năm 2008, Cục Dự trữ Quốc gia được đổi tên và nâng cấp thành Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Như vậy, kể từ khi thành lập, tên gọi của cơ quan chuyên trách về quản lý Dự trữ quốc gia đã thay đổi 3 lần, là: Cục Quản lý Dự trữ vật tư (của) Nhà nước (1956-1996); Cục Dự trữ Quốc gia (1996-2008) và Tổng cục Dự trữ Nhà nước (từ 2008 đến nay). Mô hình quản lý và cơ quan chủ quản cũng thay đổi nhiều lần. Giai đoạn 1956- 1967 thực hiện mô hình quản lý tập trung, trực thuộc Thủ tướng phủ (sau chuyển về Tổng cục Vật tư); Giai đoạn từ 1967-1984 thực hiện mô hình quản lý phi tập trung trực thuộc Bộ Vật tư; Giai đoạn 1984- 1996 lại quay lại thực hiện mô hình quản lý tập trung trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng; Giai đoạn từ 1996 đến nay thực hiện mô hình quản lý phi tập trung, chuyển từ trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng về Bộ Tài chính.
Nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu (Theo Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg ngày 20/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước):
- Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật về dự trữ Nhà nước; Chiến lược, quy hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động, quy hoạch hệ thống kho, đề án, dự án quan trọng về dự trữ Nhà nước; danh mục dự trữ từng loại hàng, tổng múc dự trữ Nhà nước và tổng mức tăng dự trữ Nhà nước trong từng thời kỳ và hàng năm; Kế hoạch, dự toán NSNN, phương án phân bổ vốn bổ sung dưi trữ Nhà nước hàng năm cho các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ Nhà nước; kế hoạch đặt hàng dự trữ Nhà nước tại các Bộ, ngành được Chính phủ giao trực tiếp quản lý hàng dự trữ Nhà nước; Chế độ quản lý Tài chính, Ngân sách dự trữ Nhà nước, cơ chế mua, bán, xuất nhập hàng Dự trữ Nhà nước, chế độ thống kê, báo cáo về Dự trữ Nhà nước; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật thuộc lĩnh vực dự trữ Nhà nước; cấp tăng vốn dự trữ Nhà nước, cấp chi phí xuất nhập, mua bán, bảo quản cứu trợ, viện trợ bảo hiểm hàng dự trữ Nhà nước cho các Bộ, ngành được Chính phủ giao trực tiếp quản lý hàng dự trữ Nhà nước, v.v.
- Trực tiếp tổ chức quản lý, bảo quản các loại hàng dự trữ nhà nước theo danh mục được Chính phủ giao; Tổ chức thực hiện công tác đầu tư xây dựng hệ thống kho, trang thiết bị kỹ thuật theo kế hoạch được duyệt.
Tổ chức bộ máy
Tổng cục Dự trữ Nhà nước được tổ chức theo hệ thống dọc, gồm Cơ quan Tổng cục tại Trung ương, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và các Chi cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Cục dự trữ Nhà nước khu vực.
Cơ quan Tổng cục Dự trữ Nhà nước tại Trung ương gồm: Tổ chức hành chính giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về Dự trữ quốc gia (Vụ Chính sách và Pháp chế; Vụ Kế hoạch; Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản; Thanh tra); Tổ chức hành chính giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nội ngành (Văn phòng; Vụ Quản lý hàng dự trữ; Vụ Tài vụ - Quản trị; Vụ Tổ chức- Cán bộ; Cục Công nghệ Thông tin); Đơn vị sự nghiệp (Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ dự trữ Nhà nước).
Các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực bao gồm 22 Cục giúp Tổng cục trưởng quản lý hoạt động dự trữ quốc gia trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong mỗi Cục có các phòng nghiệp vụ giúp việc và có các Chi cục Dự trữ Nhà nước.
Chi cục Cục Dự trữ Nhà nước là đơn vị hành chính trực thuộc Cục Dự trữ Nhà nước. Trong mỗi Chi cục có hai bộ phận chuyên môn là Bộ phận Tài vụ - Quản trị và Bộ phận Kỹ thuật bảo quản. Trực thuộc Chi cục là các Kho hàng dự trữ quốc gia.
Năm 2016, đội ngũ cán bộ của toàn hệ thống Tổng cục Dự trữ Nhà nước đạt gần 3.000 người.
Những đóng góp chủ yếu
Kể từ khi thành lập đến nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các đơn vị tiền thân đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và trưởng thành, có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trên cả hai nhiệm vụ: Nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Dự trữ quốc gia và nhiệm vụ trực tiếp quản lý các mặt hàng dự trữ quốc gia được giao.
Về thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Dự trữ quốc gia. Đã tích cực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dự trữ quốc gia, đặc biệt là Luật Dự trữ Quốc gia và các văn bản hướng dẫn Luật; phối hợp với các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia để xây dựng, tổng hợp và triển khai thực hiện kế hoạch, chiến lược về dự trữ quốc gia; tổ chức xây dựng các loại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các định mức kinh tế kỹ thật phục vụ yêu cầu quản lý dự trữ quốc gia, v.v.
Về thực hiện nhiệm vụ trực tiếp quản lý các mặt hàng dự trữ quốc gia được giao. Chủ động đề xuất với Chính phủ bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hiện đại hóa kho tàng và công nghệ bảo quản, tăng dần quy mô dự trữ quốc gia, nâng cao chất lượng hàng dự trữ; thực hiện kịp thời việc xuất hàng dự trữ phục vụ các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; cứu trợ, cứu đói, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.
Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới, Cục Quản lý dự trữ vật tư của Nhà nước đẩy mạnh việc tăng cường lực lượng hàng hóa dự trữ cả về số lượng và chủng loại, xây dựng nhiều kho dự trữ mới, xuất kho trên 3 triệu tấn lương thực và nhiều loại vất tư hàng hóa khác phục vụ cho yêu cầu của đất nước, riêng chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, đã xuất kho 125.000 tấn lương thực cùng các loại vật tư dự trữ khác phục vụ cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam (1978-1979), Cục dự trữ quốc gia đã di chuyển an toàn một khối lượng lớn hàng hóa từ các kho ở phía Bắc sông Hồng về phía Nam sông Hồng, xuất 5 vạn tấn lương thực và các loại vật tư hàng hóa khác phục vụ các lực lượng vũ trang chiến đấu ở các mặt trận biên giới.
Trong giai đoạn xây dựng và phát triển kinh tế, Cục Dự trữ Quốc gia và sau đó là Tổng cục Dự trữ Nhà nước, đã tiếp tục tăng cường lực lượng hàng dự trữ và kịp thời xuất cấp xuất hàng dự trữ để phục vụ cho các nhu cầu về cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và viện trợ quốc tế với giá trị rất lớn (từ năm 2000 đến năm 2016, Tổng cục dự trữ Nhà nước đã xuất cấp 640.000 tấn gạo, hàng nghìn bộ xuồng cao tốc, nhà bạt, phao và áo cứu sinh), đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động bình ổn thị trường bằng việc xuất, nhập lương thực và các mặt hàng khác theo kế hoạch đổi hàng hoặc tăng cường lực lượng hàng hóa dự trữ.
Trải qua nhiều thập kỷ xây dựng và trưởng thành, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã không ngừng phát triển và có những đóng góp quan trọng trong việc đáp ứng các nhu cầu về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, phục vụ quốc phòng, an ninh, góp phần đưa ngành dự trữ Nhà nước đảm nhận tốt vai trò là chiếc van an toàn, là công cụ tài chính quan trọng của Nhà nước trong điều hành các hoạt động của nền kinh tế, xã hội.
Với những kết quả đã đạt được, tập thể và các thế hệ cán bộ Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng như toàn ngành dự trữ Nhà nước đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước. Trong đó có: 1 Huân chương Hồ Chí Minh; 10 Huân chương Độc Lập, 251 Huân chương Lao Động; 249 Huân chương Kháng Chiến; 5 Huân chương Hữu nghị; 1 tập thể Anh hùng Lao động và 1 cá nhân Anh hùng Lao động.
xt. DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Tài chính, 70 Năm Tài chính Việt Nam 1945- 2015, Nxb. Tài chính, 2015.
2. Hồ Xuân Phương, Nguyễn Công Nghiệp, Tài chính Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Nxb. Tài chính, 2001.
3. Tổng cục Dự trữ Nhà nước, 60 năm Dự trữ Nhà nước Việt Nam, Nxb. Dân trí, 2016.
4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg ngày 20.8.2009 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.