Tên tổ chức: Tổng Công ty Cổ phần Dệt- May Nam Định (tên viết tắt Natexco), nằm tại tỉnh Nam Định, là nhà máy dệt may đầu tiên của Việt Nam, có thể coi là cái nôi của ngành công nghiệp Dệt May nước nhà và của ngành Công nghiệp nhẹ của cả nước.
Lịch sử hình thành: Tỉnh Nam Định nằm ở phía đông nam của đồng bằng sông Hồng nơi có giao thông thủy bộ đều thuận lợi, đất đai phì nhiêu màu mỡ có thể trồng lúa và nhiều cây công nghiệp đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội, đóng góp cho sự phồn thịnh của vùng châu thổ sông Hồng.
Từ thời Trần, miền đất Nam định thuộc lộ Thiên Trường lộ đứng đầu cả nước về sản vật phong phú. Từ đây những nghề thủ công đã phát triển, đặc biệt là những người thợ dệt khéo tay đã làm ra những tấm lụa là, gấm vóc bằng tơ tằm ở địa phương dùng vào việc may y phục cho Thượng hoàng và vua quan cùng những người trong dòng tộc triều Trần.
Nhiều làng làm nghệ dệt được coi là làng nghề “vành đai” của Thành Nam như: làng Quả vinh (Vụ Bản), làng Thịnh (Mỹ Hưng), làng Nhân Hậu (Lý Nhân – Hà Nam), làng Báo Đáp (Nam Trực), Cổ Chất, Dịch Diệm, Lạc Quần (Trực Ninh), Quần Anh (Hải Hậu) và còn nhiều làng dệt nơi khác đã có mối quan hệ chặt chẽ với các phường nghề, phố nghề của “Thành Nam xưa”[1].
Năm 1883 thực dân Pháp đánh chiếm thành phố Nam Định. Năm 1887 chúng hoàn thành công việc xâm lược Việt Nam. Sau khi giải quyết xong về quân sự, chúng bắt tay vào thực hiện chính sách khai thác thuộc địa để vơ vét tài nguyên. Qua một thời gian thăm dò nghiên cứu thực dân tư bản Pháp phát hiện ở Nam Định có những điều kiện thuận lợi. Ngoài những yếu tố tự nhiên thì ở đây lao động đông, rẻ mạt, lại có nghề dệt thủ công truyền thống...về địa hình chúng coi Thành Nam là trọng điểm khống chế con đường Hà Nội ra biển Đông bằng sông Hồng và thuận tiện giao lưu với các tỉnh khác. Nam Định lại là vùng trọng điểm công giáo thế lực mạnh, “sẽ có lợi nếu mở được cảng Nam Định cho người Âu giao thương, cảng Nam Định sẽ cạnh tranh với cảng Hải Phòng. Nghề dệt ở đây quả thực chiếm hàng đầu trong số những công nghệ khiến ta phải lưu ý”. Các Công ty đã đổ xô vào xây dựng các cơ sở sợi, vải, tơ lụa ở toàn cõi Đông Dương trong đó có Nam Định do Công ty bông sợi của nhóm A Đuy-pơ-re (Duypré) thành lập. Đây là một Công ty mạnh.
Nhà máy sợi Nam Định (nay là Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định do một Hoa kiều tên là Bá Chín Hội thành lập từ năm 1889, ngày đầu với một xưởng kéo sợi thủ công gồm 9 máy và gần 100 công nhân. Sau đó, dựa vào thế lực chính trị của Pháp và sự hiểu biết thị trường, dần dần Công ty Bông vải sợi Bắc kỳ (Sociétécotonniete du Tonkin) do chủ tư bản Đuy-pơ-rê đứng đầu đã thâu tóm toàn bộ việc sản xuất kinh doanh và mở rộng quy mô sản xuất với mục đích bóc lột công nhân và vơ vét tài nguyên thuộc địa, thực hiện chính sách cai trị của thực dân Pháp.
Quá trình phát triển, cơ cấu và vai trò trong nền kinh tế quốc dân: Trong những năm đầu tiên của thế kỷ XX, cùng với phong trào đấu tranh cách mạng chống Thực dân Pháp xâm lược, đội ngũ công nhân nhà máy đã liên tục đấu tranh với các dấu mốc đáng tự hào: năm 1929 tổ chức Việt nam Cách mạng thanh niên được thành lập trong nhà máy. Cuộc đấu tranh ngày 25/3/1930 đã buộc giới chủ thực dân phải chấp nhận một số yêu sách lớn của công nhân. Ngày 25/3 đã đi vào lịch sử và trở thành Ngày Hội truyền thống đấu tranh cách mạng và kể từ năm 2010, ngày 25/3 trở thành ngày truyền thống của ngành Dệt May Việt nam.
Từ sau ngày Hòa bình lặp lại trên miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sau 10 năm khôi phục và phát triển năm 1965 Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định trở thành một trong những nhà máy lớn ở Đông dương, là trung tâm công nghiệp của thành phố Nam Định – thành phố lớn thứ 3 của miền Bắc thời bấy giờ. Lúc này nhà máy có trên 13 000 cán bộ, công nhân viên sản xuất liên tục 3 ca/ngày, đạt giá trị tổng sản lượng bằng 1/3 tổng giá trị sản lượng của ngành công nghiệp nhẹ cả nước, đóng góp một phần quan trọng về vải, sợi cho sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm may mặc cung cấp cho bộ đội trên các chiến trường.
Dệt Nam Định đã vinh dự được Bác Hồ về thăm vào các năm 1957, 1959, 1963. Trong thời kỳ phát triển sau này, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã về thăm và làm việc với Dệt Nam Định [2].
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nhà máy ngày 24-4-1957 [1]
Sau ngày thống nhất đất nước, Dệt Nam Định đã đưa nhiều cán bộ từ lãnh đạo đến các trưởng phó phòng, quản đốc, kỹ sư, bác sỹ và các cán bộ kỹ thuật vào các nhà máy mới tiếp quản sau giải phóng để góp sức khôi phục các nhà máy dệt tại các tỉnh phía Nam.
Tổng công ty đã được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại của Nhật bản, Bỉ, Đức, Hàn quốc, Đài loan cùng với dây chuyền khép kín từ kéo sợi, sợi len, dệt vải đến in nhuộm, hoàn tất, may thêu. Sản phẩm đa dạng bao gồm sợi các loại, vải, chăn, khăn ăn, khăn bông, chỉ khâu, sản phẩm may.
Dây chuyền 72 máy dệt Picanol (Bỉ) được cắt băng khánh thành ngày 25-3-1999, chào mừng kỷ niệm Công ty 110 năm (1889-1999)
Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%. Hàng năm sản xuất 10 nghìn tấn sợi, 35 triệu mét vuông vải, 5 triệu sản phẩm may (dệt thoi, dệt kim) và 40 triệu sản phẩm khăn. Năm 2009 giá trị sản xuất công nghiệp đặt trên 657 tỷ đồng. Trong đó doanh thu xuất khẩu đạt hơn 151 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện tại và định hướng phát triển: Năm 2010 Tổng công ty thực hiện kế hoạch di dời ra khu công nghiệp Hòa Xá nhằm xây dựng thành một liên hợp những nhà máy mới hiện đại làm ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường, tiếp tục phát triển sản xuất, tăng xuất khẩu [3].
Hiện nay sản phẩm của Công ty bao gồm các sản phẩm sợi như sợi bông, sợi pha bông/ polyester với các tỷ lệ khác nhau.
Sợi Khăn mặt Vải
Một số sản phẩm điển hình của Tổng công ty Cổ phần Dệt May Nam Định [4].
Các loại vải dệt thoi với khổ vải rộng thông dụng như 115 cm, 145 cm hay 150 cm. Chất liệu phong phú 100% bông, 100% polyester, 100% visco, hoặc vải pha polyester với bông với các tỷ lệ khác nhau 65/35, 40/60 hay 50/50 với tên thương phẩm như Tacron, Kate (Ka tê), Simili, Dobby, Cofina, Batis, Gabardin…[4]
Sản phẩm của Tổng công ty được quản lý chất lượng theo tiêu chuyển ISO 9002 và thực hiện tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội SA 8000-2001, nhiều năm liền được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt nam chất lượng cao”. Hiện nay sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức, Mỹ…
Tài liệu tham khảo:
1. Lịch sử Đảng bộ Công ty Dệt Nam định (1930-1975). Ban chấp hành Đảng bộ Công ty Dệt Nam Định. 2000.
2. Lịch sử Đảng bộ Công ty Dệt Nam định (1976-2000). Ban chấp hành Đảng bộ Công ty Dệt Nam Định. 2004.
3. 15 năm chặng đường phát triển tập đoàn Dệt may Việt nam (1995-2010). Vinamtex. 2010.
4. Trang Web chính thức của Tổng công ty Cổ phần Dệt May Nam Định http://www.natexco.com.vn/