Mục từ này cần được bình duyệt
Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam

Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam (tên giao dịch quốc tế: Vietnam Post and Telecommmunications, viết tắt: VNPT) doanh nghiệp chủ lực của Nhà nước trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông; có tư cách pháp nhân, có các quyền và nghĩa vụ dân sự theo luật định; tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động, kinh doanh trong phạm vi số vốn do Tổng công ty quản lý; có con dấu, có tài sản và các quỹ tập trung; được mở tài khoản tại ngân hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của Nhà nước, được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Tổng công ty.

Trụ sở chính của VNPT đặt tại Hà Nội.

VNPT được thành lập ngày 29 tháng 4 năm 1995 trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị dịch vụ, sản xuất, lưu thông, sự nghiệp về bưu chính viễn thông thuộc Tổng cục Bưu điện. VNPT có nhiệm vụ: 1) kinh doanh và phục vụ về bưu chính viễn thông theo quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển của Nhà nước; 2) nhận và sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn do Nhà nước giao; nhận và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đất đai và các nguồn lực khác do Nhà nước giao để thực hiện nhiệm vụ kinh doanh và những nhiệm vụ khác được giao; 3) tổ chức, quản lý công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công nhân trong VNPT.

Cơ cấu tổ chức, quản lý của VNPT gồm: 1) Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; 2) Tổng giám đốc và bộ máy giúp việc; 3) Các đơn vị thành viên VNPT.

Lễ Khai trương “Hệ thống điện thoại vô tuyến cố định GMH-2000 đầu tiên ở Việt Nam

tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 23.9.1996 (Ảnh tư liệu VNPT)

Hội đồng Quản trị gồm bảy thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật; Chủ tịch Hội đồng Quản trị không kiêm Tổng Giám đốc; nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Quản trị là năm năm. Ban Kiểm soát gồm năm thành viên, trong đó có một thành viên Hội đồng Quản trị làm Trưởng ban; nhiệm kỳ thành viên Ban Kiểm soát là năm năm.

Tổng Giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật theo đề nghị của Hội đồng Quản trị và Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện. Tổng Giám đốc là đại diện pháp nhân của Tổng Công ty, là người có quyền điều hành cao nhất trong Tổng Công ty và chịu trách nhiệm trước Hội đồng Quản trị, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về điều hành hoạt động của Tổng Công ty. Giúp việc cho Tổng Giám đốc có Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng. Giúp việc cho Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc có các ban chức năng.

Các đơn vị thành viên VNPT có: 1) các đơn vị hạch toán độc lập (100% vốn nhà nước) gồm các công ty kinh doanh các lĩnh vực (06 đơn vị xây lắp; 23 đơn vị công nghiệp, bao gồm cả các công ty cổ phần, công ty liên doanh với nước ngoài; 03 đơn vị thương mại; Công ty Thông tin di động Mobifone; Công ty Tài chính Bưu điện; Công ty cổ phần Bảo hiểm bưu điện; Công ty cổ phần Du lịch Bưu điện; 08 công ty liên doanh; Công ty Tiết kiệm Bưu điện). 2) Các đơn vị hạch toán phụ thuộc (100% vốn nhà nước) gồm: các đơn vị kinh doanh các dịch vụ bưu chính, viễn thông, phát hành báo chí, Internet, tin học, tổng cộng 63 bưu điện tỉnh thành; mười công ty kinh doanh đường trục; dưới các bưu điện tỉnh lại có các công ty, bưu điện trực thuộc; dưới các công ty lại có các trung tâm khu vực trực thuộc. Tất cả các đơn vị này hạch toán chung tại Tổng Công ty. 3) Các đơn vị sự nghiệp (100% vốn nhà nước)bao gồm: các học viện, trường đào tạo, cơ sở y tế,…4) Các công ty cổ phần và liên doanh (góp vốn theo tỷ lệ). VNPT được thành lập trong bối cảnh ngành Bưu điện đang hoàn thành giai đoạn một (1993-1995), bước sang giai đoạn hai (1996-2000) của chiến lược “tăng tốc phát triển”. Kể từ khi thành lập, thực hiện chủ trương của ngành, VNPT đã chủ động, năng động, sáng tạo, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, tự động hóa, đa dạng hóa dịch vụ; nhanh chóng triển khai mạng lưới bưu chính viễn thông hiện đại, đồng bộ, tương đồng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ vốn và công nghệ, phục vụ xây dựng mạng lưới và đào tạo nhân lực,…

Các doanh nghiệp công nghiệp của VNPT đã tiếp thu những thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ, theo kịp các công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới; triển khai nhiều sản phẩm mới đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ phát triển mạng lưới bưu chính viễn thông, thay thế và hạn chế nhập khẩu, tạo sự chủ động trong đầu tư, phát triển hệ thống bưu chính viễn thông. VNPT đã sản xuất được trang thiết bị đầu tư cho mạng lưới VNPT, gồm: cáp đồng cung cấp cho mạng lưới chiếm tỷ lệ khoảng 83% nhu cầu của mạng lưới; cáp quang 95%; ống nhựa 75%; thiết bị tổng đài 95%; thiết bị đầu nối cáp đồng 100%; máy điện thoại 25%, thiết bị vi ba số,.... Tổng trang bị thiết bị đầu tư cho mạng lưới chiếm tỷ trọng 35-40% tổng giá trị đầu tư cho mạng lưới bưu chính viễn thông của VNPT hàng năm. Các sản phẩm phần mềm cũng đóng góp lớn vào sự phát triển của VNPT. Các doanh nghiệp công nghiệp còn xuất khẩu sang thị trường các nước Lào, Campuchia, Iraq,… một số chủng loại sản phẩm như: cáp đồng, cáp quang, phần mềm và phần cứng tổng đài,…

Mạng lưới và dịch vụ bưu chính được đổi mới và tăng cường theo hướng hiện đại hóa. Các dịch vụ truyền thống được nâng cao chất lượng. Hàng loạt dịch vụ bưu chính mới chất lượng cao như chuyển phát nhanh, chuyển tiền nhanh, tiết kiệm bưu điện, bảo hiểm bưu điện,… được đưa vào khai thác. Sáng kiến điểm Bưu điện-Văn hóa xã ra đời năm 1998 góp phần quan trọng vào việc phổ cập các dịch vụ bưu chính viễn thông, đưa các thiết chế văn hóa đến nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo; tạo điều kiện cho 100% số xã có điện thoại vào năm 2005 và cung cấp báo đọc miễn phí hàng ngày; góp phần làm tăng số điểm mạng lưới phục vụ (gồm: bưu cục, bưu điện-văn hóa xã, đại lý, kiốt) lên 18.941 điểm với diện tích phục vụ bình quân là 17,5km2 có 1 điểm, và số dân phục vụ bình quân 4.500 người/điểm (so với trước 1998 là 3.000 bưu cục; bình quân 25.500 người và 110km2 mới có 1 bưu cục).

Cuối năm 1995, hệ thống tổng đài và truyền dẫn trên toàn mạng viễn thông đã được số hóa hoàn toàn, đưa Bưu điện Việt Nam trở thành ngành đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngày 1.3.1996, VNPT đã hoàn thành đổi số điện thoại từ 6 số lên 7 số ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, từ 5 số lên 6 số ở các tỉnh, thành phố khác trên phạm vi toàn quốc; đánh dấu bước tiến quan trọng về phát triển mạng lưới viễn thông, về khả năng, trình độ quản lý kỹ thuật, khai thác, chỉ đạo điều hành mạng lưới của ngành Bưu điện Việt Nam, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội trong thời kỳ mới.

Năm 2000, VNPT kết thúc thắng lợi chiến lược tăng tốc phát triển, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển mạng viễn thông. Khoảng thời gian 2000-2005, giai đoạn hội nhập và phát triển, là giai đoạn VNPT có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển vẻ vang của Ngành.

Năm 1995, mạng viễn thông Việt Nam đã số hóa hoàn toàn đến các tỉnh, thành với hệ thống truyền dẫn, chuyển mạch, hệ thống tổng đài tự động. (Ảnh tư liệu VNPT)

Trong năm 2002, VNPT đạt năm triệu thuê bao điện thoại, góp phần đưa mật độ điện thoại của Việt Nam lên 6,26 máy/100 dân. Tháng 12/2003, mạng điện thoại của VNPT đạt 7 triệu thuê bao, góp phần đưa mật độ điện thoại của Việt Nam lên 8 máy/100 dân. Tháng 6.2005, cả nước có 12,17 triệu máy điện thoại, trong đó VNPT có 11,29 triệu máy, trong số đó thuê bao điện thoại di động chiếm 50% toàn mạng; góp phần đưa mật độ điện thoại cả nước lên 14,84 máy/100 dân, vượt gấp đôi chỉ tiêu Đại hội IX của Đảng đề ra là vào năm 2005 đạt 7-8 máy điện thoại/100 dân.

Các tuyến vận chuyển bưu chính chuyên dụng trong nước và quốc tế được mở rộng. Mạng viễn thông quốc tế được tăng cường dung lượng. Ngày 25 tháng 11 năm 2003, VNPT chính thức cung cấp dịch vụ Internet không dây (wifi) đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2005, tổng số thuê bao Internet của VNPT đạt hơn 1,3 triệu thuê bao chiếm 44,5% thị phần Internet của Việt Nam, là ISP lớn nhất trong số 7 ISP đang khai thác Internet.

Năm 2003, VNPT được giao thực hiện đề án “Xây dựng mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước”. Đây là Dự án về viễn thông-công nghệ thông tin có quy mô toàn quốc, có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế-xã hội, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước tới các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước, góp phần tạo tiền đề cho cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử. Đến ngày 23.03.2012, cả hệ thống mạng này đã được khai trương và đi vào hoạt động (xt.: Tập đoàn VNPT).

Tháng 10 năm 2004, bắt kịp với xu hướng phát triển công nghệ của thế giới, VNPT đã chính thức khai trương và đưa ra khai thác các dịch vụ trên nền mạng NGN. Đây là một bước chuyển biến mang tính cách mạng về công nghệ đối với cả mạng Viễn thông Việt Nam, nhờ đó mạng viễn thông của VNPT có khả năng cung cấp đa dạng các dịch vụ từ truyền thống cho tới hàng loạt các dịch vụ băng rộng với chất lượng cao. Ngày 19.11.2004, ngành Bưu điện chính thức đưa mạng viễn thông thế hệ mới NGN vào khai thác trên mạng lưới viễn thông của Việt Nam.

VNPT đã thực hiện thành công chuyển giao công nghệ (chủ yếu được thực hiện tại các liên doanh) sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, gồm: công nghệ sản phẩm, công nghệ sản xuất và phương pháp điều hành, quản lý. Năm 1995, VNPT ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với hãng Comvik (Thụy Điển) để xây dựng mạng MobiFone sau này. Ngày 26 tháng 12 năm 1996, VNPT ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất các hệ thống viễn thông VNPT-Fujitsu tại Hà Nội. 4 tháng 2 năm1997, VNPT ký kết hợp đồng với công ty GSC (Hàn Quốc) về việc cung cấp cáp sợi quang cho VNPT tại Hà Nội. 23 tháng 5 năm 1997, VNPT ký hợp đồng liên doanh sản xuất các hệ thống viễn thông với công ty NEC (Nhật Bản) tại Hà Nội,…

Năm 2002, mẫu biểu trưng thương mại của VNPT ra đời thay cho việc sử dụng biểu trưng của ngành qua nhiều năm, mở đầu cho việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu của VNPT về sau này. Cuối năm 2005, việc VNPT đưa vào sử dụng hệ thống nhận diện thương hiệu mới với câu hiệu (slogan) VNPT- Cuộc sống đích thực khẳng định cam kết vì con người, vì cộng đồng và vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngày 18 tháng 10 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ chính thức quyết định giao cho VNPT thực hiện Dự án Phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam (VINASAT), đánh dấu một bước phát triển mới của cơ sở hạ tầng Viễn thông - Công nghệ thông tin và Truyền thông của đất nước.

Trong mười năm phát triển năng động, sáng tạo, VNPT đã có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trước sự phát triển lớn mạnh của VNPT, ngày 23 tháng 3 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại VNPT. (xt.: Tập đoàn VNPT). Ghi nhận đóng góp to lớn của VNPT, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Sao Vàng (1995). Danh hiệu Anh hùng Lao động mà Tập đoàn VNPT vinh dự được Nhà nước phong tặng vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo từ 1999 đến 2008 có công lao đóng góp to lớn của VNPT.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 249-TTg ngày 29.4.1995 về việc thành lập Tổng Công ty Bưu chính-Viễn thông Việt Nam.
  2. Chính phủ, Nghị định của Chính phủ số 51/CP ngày 01.08.1995 phê chuẩn Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.
  4. Hội đồng Quản trị VNPT, Quyết định số 04/2000/QĐ-BC ngày 06.01.2000 về việc ban hành “Quy định quản lý Điểm Bưu điện-Văn hóa xã”.
  5. Nguyễn Huyền Sơn, Một số vấn đề về cơ cấu lại các doanh nghiệp công nghiệp thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, tạp chí Kinh tế và Phát triển,2004, số 79, tr.50-52
  6. Đỗ Trung Tá, Ngành Bưu điện Việt Nam: 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, tạp chí Cộng sản,2005, số 17, tr.69-73.
  7. Quốc Trường, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam 10 năm lớn mạnh cùng đất nước, tạp chí Kinh tế và Dự báo,2005, số 12, tr.113-115.
  8. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 236/2005/QĐ-TTg ngày 26.9.2005 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển Bưu chính Việt Nam đến năm 2010.
  9. Hà Mỹ Hạnh, Ngành Bưu điện Việt Nam thực hiện “Kế hoạch tăng tốc” (1993-2000) kết quả và kinh nghiệm, tạp chí Lịch sử Đảng,2014, số 11 (288), tr.88-93.
  10. Nguyễn Xuân Thu, Điểm Bưu điện Văn hóa xã, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2014.