Mục từ này cần được bình duyệt
Tổ chức quốc tế các nhà báo

Tổ chức quốc tế các nhà báo (A. International Organisation of Journalists - IOJ; F. Organisation Internationale des Journalistes - OIJ) một tổ chức công đoàn của các nhà báo nhằm đại diện và hỗ trợ các tổ chức thành viên trong việc bồi dưỡng nghề nghiệp và các vấn đề chuyên môn. IOJ được bắt đầu hình thành với việc soạn thảo các quy tắc vào tháng 6 năm 1946 tại Copenhagen (Đan Mạch), trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức: Liên đoàn nhà báo quốc tế (IFJ), được thành lập 1926, tại Paris (Pháp), và Liên đoàn nhà báo quốc tế của các nước Đồng minh và Tự do (IFJOAFC), được thành lập năm 1941 tại Luân Đôn (Anh).

Các mục tiêu cụ thể của IOJ là bảo vệ và củng cố các quyền và tự do của nhà báo; tôn trọng và bảo vệ quyền tự do thông tin, tự do truyền thông và độc lập của báo chí; duy trì và nâng cao tính chuyên nghiệp và thúc đẩy các tiêu chuẩn cao của báo chí và giáo dục báo chí; cải thiện và bảo vệ các điều kiện xã hội và làm việc của tất cả các nhà báo, đồng thời khuyến khích và hỗ trợ các thành viên trong thương lượng tập thể; và thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành viên và hỗ trợ sự phát triển của công đoàn, thông qua việc tổ chức các nhóm trong châu lục và khu vực.

IOJ ra đời đã trở thành một tổ chức đại diện rộng rãi của các nhà báo trên thế giới. Đầu tiên, IOJ có 21 nước tham gia, trong đó có các nước ở châu Âu, Liên Xô, Mỹ, và Australia. IOJ đã nhanh chóng phát triểnlớn mạnh, có thời điểm lên đến hơn 130 nước thuộc năm châu lục, tập hợp 300.000 người làm báo thuộc đủ mọi loại hình. Tuy nhiên, đến năm 1950, IOJ đã bị chia rẽ nghiêm trọng bởi cuộc Chiến tranh Lạnh xảy ra giữa hai khối nước theo Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa tư bản. Đến năm 1952, các tổ chức báo chí ở các nước Tây Âu và Mỹ đã tách khỏi OIJ, và tái thành lập tổ chức IFJ (International Federation of Journalists) cho riêng họ, đặt trụ sở tại Bruxelles, thủ đô Bỉ. Các tổ chức báo chí của các nước, phần lớn khu vực Đông Âu và các nước đang phát triển, ở lại vẫn giữ tên IOJ (tức OIJ theo tiếng Pháp). Cũng kể từ đó, IOJ chuyển trụ sở về Prague, thủ đô Tiệp Khắc. Tuy nhiên, các năm sau đó hai tổ chức quốc tế OIJ và IFJ vẫn cố gắng hợp tác trong một số hoạt động,trong đó phải kể đến việc xây dựng bản Quy ước “Những nguyên tắc cơ bản của đạo đức nghề báo” dưới sự bảo trợ của UNESCO. Bản quy ước đạo đức nghề nghiệp này là khung cho các tổ chức và cơ quan báo chí của các nước trên thế giới xây dựng bản quy tắc đạo đức nghề nghiệp của mình.

Khi hệ thống xã hội chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô và các nước Đông Âu lâm vào suy thoái, đặc biệt sau sự kiện “sự sụp đổ của bức tường Berlin” tháng 11 năm 1989, IOJ đã rơi vào khó khăn, chủ yếu do bất đồng về quan điểm chính trị tại một số quốc gia và thiếu kinh phí hoạt động vì nhiều tổ chức quốc gia ngừng đóng lệ phí cho IOJ. Năm 1995, IOJ vẫn tổ chức Đại hội tại Amman, thủ đô Jordan, và đây là đại hội cuối cùng trong lịch sử của IOJ. Tại Đại hội này, đại biểu của Hội Nhà báo Việt Nam đã được bầu là Phó chủ tịch phụ trách khu vực Châu Á và Châu Úc. Hoạt động cuối cùng của IOJ đó là cuộc họp Ban Chấp hành IOJ mở rộng, cũng là dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tổ chức với sự tham gia của 25 quốc gia đã được tổ chức vào tháng 7 năm 1996 tại Hà Nội. Kế hoạch Hành động 1995-1997 của IOJ được đặt ra tại Amman đã không được hoàn thành. IOJ đã đặt dấu chấm sau 50 năm hình thành và phát triển qua các biến cố của lịch sử: cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, Chiến tranh Lạnh giữa hai khối nước “Đông Âu” và “Tây Âu” đứng đầu là Liên xô và Mỹ, và sự tan rã của hệ thống các nước Đông Âu và Liên xô cũ.

Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên của IOJ từ rất sớm. Ngay sau khi Hội Nhà báo Việt Nam ra đời ngày 21 tháng 4 năm 1950, đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam gồm nhà báo Trần Lâm, Giám đốc Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, và nhà báo Thép Mới, biên tập viên tuần báo Sự thật (tiền thân của báo Nhân Dân ngày nay) đã sang thủ đô Helsinki, Phần Lan dự Đại hội lần thứ 3 của IOJ (15-17.9.1950). Tại Đại hội này, Hội Nhà báo Việt Nam đã được kết nạp là thành viên của IOJ. Trong suốt những năm Chiến tranh chống Mỹ và khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất, IOJ kiên trì ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. IOJ giúp Hội nhà báo Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày cho các nhà báo tại các Trường nghiệp vụ của IOJ như Viện báo chí Berlin, Trường Báo chí IOJ ở Budapest, Trường báo chí IOJ tại Prague. Hội nhà báo Việt Nam tham dự hầu như tất cả các Đại hội của IOJ, từ Đại hội Helsinki năm 1950 cho đến Đại hội cuối cùng họp tại Amman năm 1995, đã nhiệt tình đóng góp vào các hoạt động của OIJ tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

Sự tồn tại của IOJ trong vòng nửa thế kỷ có vai trò thúc đẩy và duy trì dân chủ trong báo chí, nâng cao vai trò xã hội của nhà báo và nghề báo. Với sự hiện diện rộng rãi của hơn 120 tổ chức báo chí quốc gia, IOJ đã góp phần quan trọng cho cuộc đấu tranh cho dân chủ, như quyền tự do ngôn luận cho các nhóm thiểu số, tăng cường truyền thông công cộng, và đảm bảo quyền lợi cho các nhà báo nói chung.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Kaarle Nordenstreng, 2017, Useful Recollections Part III: The Rise and Fall of the International Organization of Journalists Based in Czechoslovakia (1946–2016), Karolinum Charles University Prague.
  2. Liên đoàn các Hiệp hội Quốc tế (Union of International Associations), https://uia.org/s/or/en/1100013492
  3. Phan Quang, (Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN), 2017,“OIJ chấm dứt hoạt động, sự nghiệp OIJ trường tồn”, https://vov.vn/chinh-tri/oij-cham-dut-hoat-dong-su-nghiep-oij-truong-ton-615654.vov