Mục từ này cần được bình duyệt
Tổ chức lưu trữ ở Thành phố Hà Nội

Tổ chức lưu trữ ở Thành phố Hà Nội Trên địa bàn thành phố Hà Nội, có hai cơ quan cùng quản lý công tác lưu trữ: Phòng Lưu trữ thành ủy Hà Nội và Chi cục Văn thư Lưu trữ Sở Nội vụ Hà Nội.

1. Phòng Lưu trữ thành ủy Hà Nội đặt trong Văn phòng thành ủy, cóchức năng giúp Chánh Văn phòng thành ủy tham mưu cho thành ủy chỉ đạo công tác văn thư và lưu trữ; trực tiếp quản lý kho lưu trữ thành ủy; chỉ đạo, hướng dẫn khoa học nghiệp vụ công tác văn thư và lưu trữ đối với các cơ quan, tổ chức đảng, tổ chức chính trị xã hội ở cấp thành phố và các huyện, quận, thị trực thuộc.

Phòng Lưu trữ thành ủy Hà Nội có chức năng giúp Chánh Văn phòng thành ủy quản lý công tác văn thư lưu trữ trong hệ thống các cơ quan tổ chức Đảng trên địa bàn thành phố Hà Nội và trực tiếp quản lý Kho Lưu trữ Thành ủy.

Tài liệu Phông lưu trữ thành ủy Hà Nội gồm một số loại khác nhau hình thành trước và sau ngày 02.9.1945, bao gồm những tài liệu phản ánh hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; nội dung của chúng phản ánh tinh thần đấu tranh anh dũng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, phản ánh các mặt hoạt động của Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố; sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố trong việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, an ninh và quốc phòng, đối ngoại... trên địa bàn thành phố, ví dụ như phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất, sửa sai trong cải cách ruộng đất, trong cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh; về đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển Đảng; về đổi mới tư duy kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam; về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới kinh tế số, xã hội số,…v.v.

Thành phần bao gồm: tài liệu Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố; tài liệu của thành ủy; tài liệu của các ban thành ủy và các tổ chức chính trị xã hội; tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các Đảng đoàn, đảng ủy và Ban cán sự Đảng thành phố; tài liệu của TW, các ban TW, các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan chính quyền ở địa phương, các cấp ủy cấp dưới gửi đến.

Ở cấp huyện (thị, quận trực thuộc thành phố), có Kho lưu trữ huyện uỷ bảo quản tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan lãnh đạo, các cơ quan Đảng ở cấp huyện, tài liệu của các đảng bộ xã và đảng bộ cơ quan trực thuộc huyện uỷ, tài liệu của các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức cơ sở.

Phòng Lưu trữ thành uỷ thành phố Hà Nội đã xây dựng được Cơ sở dữ liệu (CSDL) tài liệu Đảng bộ thành phố, CSDL mục lục hồ sơ tài liệu hiện đang bảo quản trong Kho lưu trữ thành uỷ giúp cho người nghiên cứu có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và tìm kiếm thông tin tài liệu.

Nhìn chung, người nghiên cứu có thể tìm thấy ở Phòng lưu trữ thành ủy Hà Nội cũng như phòng lưu trữ các huyện, thị ủy của Hà Nội những tài liệu phản ảnh rõ nét quá trình hoạt động và trưởng thành của cấp ủy qua các thời kỳ.

2. Chi cục Văn thư Lưu trữ Sở Nội vụ Hà Nội có chức năng giúp Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu cho UBND Thành phố quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ của Thành phố; trực tiếp quản lý tài liệu lưu trữ lịch sử của Thành phố và thực hiện các hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Chi cục Văn thư Lưu trữ Sở nội vụ Hà Nội tiền thân là Phòng Lưu trữ thuộc Văn phòng UBND thành phố Hà Nội. Ngày 08.9.2008, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 620/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Lưu trữ thành phố Hà Nội trực thuộc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Lưu trữ tỉnh Hà Tây trực thuộc Sở Nội vụ Hà Tây với Trung tâm Lưu trữ thành phố Hà Nội trực thuộc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội, có chức năng giúp Giám đốc Sở Nội vụ thực hiện quản lý tài liệu lưu trữ lịch sử của Thành phố. Chi cục Văn thư Lưu trữ trực thuộc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 4415/QĐ-UBND ngày 09.9.2010 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Phòng quản lý Văn thư Lưu trữ Sở Nội vụ và Trung tâm Lưu trữ thành phố Hà Nội.

Chi cục Văn thư Lưu trữ là tổ chức có tư cách pháp nhân, con dấu, có tài khoản riêng, có trụ sở, kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp theo quy định pháp luật. Chi cục Văn thư Lưu trữ có nhiệm vụ giúp Giám đốc Sở Nội vụ thực hiện các nhiệm vụ về quản lý nhà nước và nhiệm vụ của Lưu trữ lịch sử của thành phố, đó là quản lý Kho lưu trữ lịch sử và phục vụ khai thác sử dụng tài liệu cho những nhu cầu nghiên cứu trong và ngoài thành phố: Người nghiên cứu có thể tìm thấy những tài liệu gốc có giá trị, thông qua các tài liệu lưu trữ phản ánh tiềm năng, thế mạnh phát triển cũng như những kết quả đã đạt được về kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô.

Hiện nay, Chi cục có 02 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 01 Trung tâm Lưu trữ lịch sử.

Trong những năm qua, Chi cục Văn thư Lưu trữ đã chủ động, tích cực tham mưu trình UBND thành phố ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo công tác văn thư, lưu trữ trên địa bàn thành phố như: Chỉ thị về tăng cường công tác văn thư, lưu trữ; quy hoạch ngành Văn thư Lưu trữ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đề án sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020; kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 07.9.2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử; văn bản hướng dẫn thực hiện công tác văn thư, lưu trữ; công tác thu thập, chỉnh lý tài liệu; bảo quản, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ; công tác tiêu huỷ tài liệu hết giá trị,… Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác văn thư, lưu trữ cho cán bộ quản lý, công chức, viên chức được quan tâm, từ năm 2010 đến nay Sở Nội vụ đã mở được 25 lớp tập huấn nghiệp vụ lưu trữ với gần 3.000 lượt người tham gia.

Đến nay, có hơn 900 cơ quan, tổ chức thuộc danh mục nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử Thành phố; Lưu trữ lịch sử Thành phố đang bảo quản 68 phông tài liệu với 417.254 hồ sơ, tương ứng 5.587,82 mét giá tài liệu phản ánh quá trình hoạt động của HĐND, UBND, các ban ngành, đoàn thể của Thủ đô trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, an ninh và quốc phòng, đối ngoại... tại địa phương;

Ví dụ như: tài liệu về các dự án như: đê sông Hồng, đê sông Đuống, bảo tàng Hà Nội, bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo tàng chiến thắng B52...; tài liệu về các đề tài nghiên cứu khoa học, các phát minh sáng chế (Phông lưu trữ Sở Khoa học và Công nghệ) đánh dấu nền kinh tế xã hội thành phố đã có bước phát triển vượt bậc, nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN đang từng bước hình thành tốc độ tăng trưởng trong đó có vai trò không nhỏ của khoa học và công nghệ.

Nguồn tài liệu lưu trữ này là tài sản quý báu, có tác dụng to lớn trong việc nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, định hướng chiến lược, xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch công tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật,… góp phần cho sự nghiệp xây dựng, kiến thiết đất nước và Thủ đô.

Đề án sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020 triển khai có hiệu quả; đã tổ chức thẩm định và trình Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội quyết định công nhận 211 đạo Sắc phong tại 13 cơ sở thờ tự thuộc 5 quận, huyện là tài liệu lưu trữ quý, hiếm và tổ chức công bố và trao quyết định đối với các đơn vị. Như vậy, người nghiên cứu có thể tìm thấy những tài liệu gốc có giá trị phản ánh quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô qua tài liệu lưu trữ của Lưu trữ Hà Nội.

Với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động, tập thể Chi cục Văn thư Lưu trữ đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và được Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, UBND thành phố Hà Nội, Sở Nội vụ thành phố tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc, Tập thể lao động xuất sắc, bằng khen và giấy khen.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 07.9.2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử
  2. Quốc hội – Luật lưu trữ được Quốc hội thông qua ngày 11.11.2011
  3. Quyết định số 270-QĐ/TW ngày 06.12.2014 của Ban Chấp hành trung ương quy định về Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam
  4. Quyết định số 620/QĐ-UBND ngày 08.9.2008 của UBND thành phố Hà Nội về việc thành lập Trung tâm Lưu trữ thành phố Hà Nội trực thuộc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội
  5. Quyết định số 4415/QĐ-UBND ngày 09.9.2010 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội v/v thành lập Chi cục Văn thư - Lưu trữ trực thuộc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội.
  6. Văn bản hiện hành về công tác văn thư và công tác lưu trữ. NXB Lao động, HN, 1996.
  7. http://ccvtlt.sonoivu.hanoi.gov.vn