Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tổ chức giải phóng Palestine (PLO)

Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) tổ chức kháng chiến của nhân dân Palestine trong cuộc đấu tranh giải phóng các vùng lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng, thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, vt. PLO.

PLO được thành lập ngày 24.5.1964 sau Quyết định của Liên đoàn Arập họp tại Cairo (Ai Cập) vào tháng 1.1964. Cơ cấu của PLO gồm Hội đồng Dân tộc Palestine (PNC) - cơ quan lãnh đạo cao nhất của PLO; Hội đồng Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao thứ hai của PLO; Ban Chấp hành - cơ quan lãnh đạo thường trực, phụ trách quan hệ quốc tế của PLO, do PNC bầu và chịu trách nhiệm trước PNC; Quân đội giải phóng Palestine (PLA). Các Lãnh đạo của PLO bao gồm Ahmad Shukeiri (1964 - 1967), Yahia Hammuda (1967 - 1969), Yasser Arafat (1969 - 2004) và Mahmoud Abbas (2004 đến nay).

Sau khi Israel đánh bại các quốc gia Arập trong cuộc Chiến tranh 6 ngày vào tháng 6.1967, người Palestine chủ động hơn trong cuộc đấu tranh với Israel. Năm 1974, lãnh đạo PLO Yasser Arafat chủ trương chấm dứt các cuộc tấn công vào các mục tiêu bên ngoài Israel và tìm kiếm sự công nhận tư cách đại diện hợp pháp cho nhân dân Palestine của PLO. Năm 1974, các nguyên thủ quốc gia Arập công nhận PLO là đại diện hợp pháp duy nhất của tất cả người Palestine. Cũng trong năm 1974, PLO được hưởng quy chế quan sát viên của Liên hợp quốc. Năm 1976, PLO trở thành thành viên đầy đủ của Liên đoàn Arập.

Ngày 15.11.1988, PLO tuyên bố nền độc lập của Palestine, thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô là Jerusalem. PLO trong thời kỳ này cũng công nhận các Nghị quyết 242 và 338 của Liên hợp quốc, ngầm thừa nhận sự tồn tại của Israel. Với Nghị quyết 43/177 ngày 15.12.1988, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định dùng tên gọi Palestine thay cho PLO trong hệ thống Liên hợp quốc.

Ngày 9.9.1993, Yasser Arafat với tư cách là Chủ tịch PLO gửi thư cho Thủ tướng Israel khẳng định sự công nhận của PLO đối với Nhà nước Isreal. Cùng ngày, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin cũng đã gửi thư cho Chủ tịch PLO Yasser Arafat công nhận PLO là đại diện cho nhân dân Palestine. Ngày 13.9.1993, PLO và Israel ký Hiệp ước hòa bình Oslo I. Theo đó, Israel rút quân khỏi dải Gaza và Jericho. Ngày 28.9.1995, hai bên tiếp tục ký Hiệp ước hòa bình Oslo II với việc Israel trao trả thêm một phần khu vực bờ Tây sông Jordan cho Palestine.

Ngày 20.1.1996, chủ tịch PLO Yasser Arafat được bầu làm Tổng thống Nhà nước Palestine. Trong các năm 2000 và 2001, Tổng thống Mỹ Clinton đã làm trung gian cho cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine nhưng không có kết quả. Tháng 4.2003, Lộ trình hòa bình do nhóm Bộ tứ (Liên hợp quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga) đề xuất nhằm xúc tiến việc ra đời của Nhà nước Palestine độc lập có đường biên giới rõ ràng với Israel nhưng cho đến nay, kế hoạch vẫn bị trì hoãn, bạo lực vẫn tiếp diễn từ hai phía. Tháng 11.2004, Tổng thống Yasser Arafat mất. Người kế nhiệm Chủ tịch PLO là Mahmoud Abbas chính thức trở thành Tổng thống Nhà nước Palestine sau cuộc bầu cử đầu năm 2005. Trong 2 năm 2007 và 2008, Thủ tướng Israel Ehud Olmert và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã gặp nhau 36 lần, chưa kể nhiều cuộc đàm phán ở các cấp thấp hơn. Các năm 2013 và 2014, các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine cũng đã được nối lại. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Tháng 9.2012, Palestine quyết định theo đuổi việc nâng cấp tư cách Thực thể quan sát viên lên thành Nhà nước quan sát viên phi thành viên tại Liên hợp quốc. Ngày 29.11.2012, với 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng, Đại hôi đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 67/19, nâng cấp tư cách thành viên của Palestine lên thành Nhà nước quan sát viên phi thành viên trong Liên hợp quốc. Tháng 12.2017, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời cắt hàng trăm triệu đô la viện trợ cho người Palestine, khiến tiến trình hòa bình ở Trung Đông thêm phần khó khăn.

Tính đến ngày 31.7.2019, đã có 138 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc và hai quốc gia không phải là thành viên của tổ chức này công nhận về mặt ngoại giao đối với Nhà nước Palestine, trong đó có 122 quốc gia đặt quan hệ ngoại giao với Palestin. Năm 1976, Phái đoàn ngoại giao PLO được thành lập tại Hà Nội và sau đó được nâng lên cấp sứ quán vào ngày 8.4.1982. Ngày 19.11.1988, Việt Nam chính thức công nhận Nhà nước Palestine.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 4, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, tr.458.
  2. Encyclopedia Britanica, Palestine Liberation Organization, https://www.britannica.com/topic/Palestine-Liberation-Organization
  3. Permanent Observer Mission of The State of Palestine to the United Nations (New York), Palestine Liberation Organization, https://palestineun.org/about-palestine/