Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tỉnh điền

Tỉnh điền tên gọi một chế độ ruộng đất của Trung Quốc thời cổ, được ghi lại trên văn tự thời nhà Thương và thực hiện thịnh hành dưới thời Tây Chu.

Từ Tỉnh điền (井田) xuất hiện sớm nhất trong sách “Xuân Thu cốc lương truyện - Nghi Công thập ngũ niên” với lời chú “người xưa lấy ba trăm bộ (bước) làm (một) lí, tên gọi là tỉnh điền”. Nguyên nghĩa ban đầu, chữ “tỉnh” (井) chỉ giếng nước, về sau được hiểu rộng ra là nơi con người tụ tập sinh sống (uống chung một giếng nước). Chế độ Tỉnh điền được hiểu là cách chia ruộng đất thành chín phần vuông vắn, ranh giới phân chia các phần này hợp lại thành hình giống như hình chữ “tỉnh” (giếng). Thực chất, đây là chế độ ruộng đất ở kinh đô của thiên tử nhà Chu, có sự phân chia “công điền” (公田) và “tư điền” (私田).

Chế độ Tỉnh điền đã manh nha được thi hành từ thời nhà Hạ và được tiếp nối dưới thời nhà Thương và Chu. Trong diễn tiến lịch sử của chế độ này ở mỗi thời kỳ đều có sự thay đổi về cả nội dung và cách thức.

Dưới thời nhà Chu, ruộng đất đều thuộc thiên tử và được phân chia cho dân chúng sử dụng. Những quý tộc/lãnh chúa được chia ruộng không được mua bán hay chuyển nhượng phần ruộng đó và còn phải nộp một phần thuế nhất định cho nhà nước. Quý tộc/lãnh chúa sẽ bóc lột nông dân sống trong phần ruộng đất đó bằng cách bắt họ phải cày cấy, các phần xung quanh được gọi là “tư điền” còn phần ở giữa được coi là “công điền”. Sách “Chu lễ”, phần “Địa quan”, điều về “Tiểu tư đồ” có chép “cửu phu vi tỉnh” (nghĩa là đất đai mà 9 người nhận được tính là 1 tỉnh, tức lấy 9 điền tổ hợp lại thành 1 tỉnh). Trên danh nghĩa, 8 điền chung quanh giao cho 8 nhà cày là “tư điền” còn 1 điền ở giữa chính là “công điền”. Trên phần đất “công điền” thuộc về thiên tử nhà Chu, mọi nhà phải cùng nhau cày cấy, sản phẩm thu hoạch được nộp về cho nhà nước sở hữu. Thời cổ, mỗi đơn vị điền tương ứng với 100 mẫu, tức dài 100 bộ, rộng 100 bộ (mỗi bộ tương đương khoảng 135 m, 3 bộ hợp thành một lí, tương đương khoảng 405 m). Cách phân chia dưới thời Chu như trên có thể chỉ lí tưởng, trên thực tế việc thực hiện không dễ và cũng khó để khảo cứu được tường tận.

Trước xu hướng ngày càng gia tăng của ruộng đất tư cũng như tình trang mua bán ruộng đất, chế độ tỉnh điền dần bộc lộ những hạn chế của nó và dần được thay thế bằng chế độ tư hữu đất đai. Với cải cách của Thương Ưởng thời Tần, chế độ tỉnh điền bị bãi bỏ.

Từ thời Tần, Hán về sau, chế độ Tỉnh điền cơ bản không còn được phục hồi, song vẫn có nhiều người ca ngợi về cách phân chia ruộng đất này và thực tế nội hàm của chế độ tỉnh điền còn có ảnh hưởng khá sâu sắc trong lịch sử. Việc Đổng Trọng Thư và Sư Phàn thời Hán đề xuất chế độ “Hạn điền”; Vương Mãng thời Tân thực hành chế độ “Vương điền”; Tây Tấn thi hành chế độ “Chiếm điền”; Bắc Ngụy và Tùy, Đường thực hiện chế độ “Quân điền”...đều cho thấy sự ảnh hưởng ít nhiều của chế độ Tỉnh điền. Phải từ thời Tống, Nguyên về sau, khi chế độ sở hữu lớn về ruộng đất được xác lập, tư tưởng về tỉnh điền cơ bản không còn sức ảnh hưởng như trước. Thời Ung Chính nhà Thanh còn thực hiện chế độ Tỉnh điền ở một số huyện song đến thời vua Càn Long đã được thay thế bằng chế độ “Đồn trang”. Điều đó cũng đồng thời chấm dứt ảnh hưởng cuối cùng của chế độ Tỉnh điền trong lịch sử.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. 曹毓英,《井田制研究》,华中师范大学出版社,湖北, 2005年版 (Tào Dục Anh, Nghiên cứu chế độ tỉnh điền, Nxb. Đại học Sư phạm Hoa Trung, Hồ Bắc, 2005).

郑天挺,谭其,《中国历史大辞典》,上海辞书出版社, 上海, 2010年版 (Trịnh Thiên Đĩnh, Đàm Kỳ, Đại từ điển Lịch sử Trung Quốc, Nxb. Từ Thư Thượng Hải, Thượng Hải, 2010).

  1. 徐喜辰,《井田制度研究》,吉林人民出版社,吉林,1984年版 (Từ Hỉ Thần, Nghiên cứu chế độ tỉnh điền, Nxb. Nhân dân Cát Lâm, Cát Lâm, 1984).
  2. 徐寒主编《中国历史百科全书》,第4卷 《农业与科技卷》,吉林大学出版社,吉林,2004年版 (Từ Hàn chủ biên, Bách khoa toàn thư Lịch sử Trung Quốc, quyển thứ 4 “Nông nghiệp và Khoa học kỹ thuật”, Nxb. Đại học Cát Lâm, Cát Lâm, 2004).
  3. 张经,《西周土地关系研究》,中国大百科全书出版社, 北京,2006年版 (Trương Kinh, Nghiên cứu mối quan hệ ruộng đất thời Tây Chu, Nxb. Bách khoa Toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 2006).