Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tết thanh minh
Tranh miêu tả cảnh chị em Thúy Kiều gặp Kim Trọng trong ngày Tết Thanh minh của họa sĩ Lê Chánh, được treo ở lầu 3 của dinh Độc Lập cũ

Tết thanh minh là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa (bao gồm các nước Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên). Nó là tiết thứ 5 trong số 24 tiết khí và được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. thanh minh theo phong tục người Việt là một ngày tết để con cháu tảo mộ, nhớ về cội nguồn, tổ tiên.

Thanh minh (清明) theo tiếng Hán được cắt nghĩa: Thanh (清) là trong, minh (明) là sáng. thanh minh là khoảng thời gian khí trời trong sáng, thanh khiết, bầu trời quang đãng, mới mẻ. Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi dần hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa thì cũng là lúc sang tiết Thanh minh. Tiết Thanh minh đi theo quy luật vận hành của mặt trời – dương lịch chứ không phải theo lịch Mặt trăng – âm lịch. Theo quy ước, tiết Thanh Minh là khoảng thời gian bắt đầu sau ngày lập xuân 45 ngày. Theo lịch dương, nó thường bắt đầu từ ngày 4/4 dương lịch (hay ngày 5/4 dương lịch nếu năm đó nhuận tháng 2) và kết thúc vào ngày 20 hoặc 21 tháng 4 dương lịch. Còn Tết thanh minh là một ngày trong tiết thanh minh tùy vào từng quốc gia lựa chọn.

Tết thanh minh là một trong 4 ngày lễ tết quan trọng của người Trung Quốc (Bao gồm Tết năm mới, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu). Ban đầu, thanh minh chỉ là tên gọi của một tiết khí trong năm. Dần dần, nó trở thành ngày tết tưởng nhớ tổ tiên, với các hoạt động tảo mộ và đạp thanh. Sau này, Tết Hàn thực cũng được sát nhập vào lễ hội Tết Thanh minh. Tại Trung Quốc, ở một số địa phương người ta thường ăn tết Hàn thực trước tết Thanh minh một ngày, có nơi ăn tết Hàn thực trước tết Thanh Minh hai ngày. Người Trung Quốc thường tổ chức ăn tiết Thanh minh vào nhiều ngày trong tháng 3 âm lịch và đây là một trong những ngày lễ tết quan trọng của họ. Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nên người Việt Nam cũng tổ chức ăn tết Thanh minh. Người Việt Nam chọn ngày 3/3 âm lịch để ăn tết thanh minh, đây cũng là ngày trùng với ngày tết Hàn Thực.

Ngày tết thanh minh ở Việt Nam cũng mang ý nghĩa là ngày tết tưởng nhớ tổ tiên, người đã khuất. Ngoài ra, ngày tết này còn là dịp để con cháu trong dòng họ đoàn tụ, sum vầy, gắn kết tình cảm. Các hoạt động trong tết thanh minh chủ yếu bao gồm các hoạt động: tảo mộ, lễ hội đạp thanh, làm bánh trôi bánh chay.

Phong tục tảo mộ là phong tục cổ truyền của người Việt Nam. Mỗi địa phương khác nhau có các thời điểm tảo mộ khác nhau. Đa phần các địa phương đều tảo mộ vào ngày tết thanh minh. Tuy nhiên, ở nhiều nơi người dân lại tảo mộ vào ngày 30 tháng chạp hoặc thậm chí là ngày sau Tết nguyên đán. Đối với người Việt, tết thanh minh là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, nguồn cội. Những ngôi mộ ngày này được dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới. Để đi cúng mộ, người ta thường chuẩn bị bộ tam sinh, giấy ngũ sắc, nhang, đèn, tiền vàng, quần áo và các loại bánh trái, thức ăn, thức uống tùy sở thích của mỗi nhà. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ cho sạch sẽ. Do thời tiết thời điểm này chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ. Vì thế, người xưa đã chọn ngày này làm ngày cắt cỏ trên mộ và đắp đất (tảo mộ). Trong ngày này, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại mộ cho đầy đặn, cắt hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như không để các con vật hoang dã phá hoại mộ phần. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa lên phần mộ. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người có lòng nhân đức trong dịp tảo mộ thường thắp hương cho những ngôi mộ vô chủ. Trong ngày thanh minh, các khu nghĩa trang thường đông đúc người tới tảo mộ. Người đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp gia đình. Sau khi tảo mộ xong, thường con cháu sẽ làm mâm cơm mặn thắp hương cho tổ tiên, sau đó cùng nhau ăn uống tưởng nhớ tổ tiên đồng thời gắn bó tình cảm.

Trước đây, nam nữ thanh niên nhân dịp thanh minh thường vừa để du xuân, vừa tảo mộ nên mới có tên gọi là hội đạp thanh (tức giẫm lên cỏ). Đây là tập tục đi chơi ngoài đồng nội trước và trong tết thanh minh. Đạp thanh vốn là ngày hội của người Trung Hoa. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn còn có hai câu thơ nổi tiếng mô tả về lễ hội này:

Thanh Minh trong tiết tháng 3 Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Ngày nay, ở Việt Nam lễ hội này không còn, nhưng ở Trung Quốc thì ở một vài nơi vẫn còn duy trì lễ hội này.

Tập tin:Mâm cơm cúng đơn giản tại nhà trong ngày tết Thanh Minh.jpg
Mâm cơm cúng đơn giản tại nhà trong ngày tết Thanh Minh

Vì khoảng thời gian Tết thanh minh trùng với Tết Hàn thực nên trong dịp này, người Việt Nam tổ chức làm bánh trôi, bánh chay để thắp hương dâng lên ông bà, tổ tiên. Bánh trôi, bánh chay có hình tròn, tượng trưng cho sự tích “bọc trăm tứng” của Âu Cơ. Trăm viên bánh nhỏ tượng trưng cho trăm quả trứng của Lạc Long Quân. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở thành 50 người con theo cha xuống biển. Bánh trôi, bánh chay là biểu tưởng thể hiện lòng thành kính hướng về tổ tiên của người Việt.

Tết thanh minh của người Kinh thì thường có lễ tảo mộ và phong tục ăn bánh trôi, bánh chay. Ở các dân tộc khác như người Hoa, người Dao, người Tày, Nùng… họ cũng có cách ăn tết thanh minh khác nhau. Người Hoa ở Việt Nam vẫn theo truyền thống Trung Hoa, trong ngày tết thanh minh họ đi tảo mộ và làm mâm cơm mặn hoặc ngọt để cúng ông bà. Mâm cơm mặn của người Hoa ngoài các lễ vật thông thường thì có các món đặc trưng như món bánh tài lộc, bánh bò, bánh trái đào, bánh cam, bánh bông lan… Món mặn thì có món vịt quay và heo sữa. Các dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng cũng tổ chức tết thanh minh vào ngày 3/3 âm lịch. Tuy nhiên khác với người Kinh ăn bánh trôi, bánh chay, người Tày, Nùng lại ăn món xôi “đăm đeng”. Xôi “đăm đeng” tiếng Tày có nghĩa là xôi đỏ đen. Đây là món xôi nhiều màu sắc đỏ, xanh, đen, tím, trắng…Ngoài ra, tết thanh minh còn nhiều món khác như thịt gà, măng kẹp thịt, đậu phụ nhồi thịt, cá rán…Người Dao Tiền cũng ăn tết thanh minh như người Kinh. Tuy nhiên, họ không tổ chức đi tảo mộ mà tổ chức lễ cúng thanh minh tại nhà để tìm “thầy âm” giúp tổ tiên sửa chữa lại nhà ở của mình. Để chuẩn bị cho mâm lễ, người Dao Tiền thường nấu xôi, bắt cá, luộc măng. Theo quan niệm của đồng bào Dao Tiền, tổ tiên của gia đình có nhiều thành viên, nên mỗi con cá tượng trưng cho một ngôi nhà được sửa sang, măng rừng tượng trưng cho các nguyên liệu để sửa nhà, xôi màu và rượu là lời cảm tạ của con cháu dành cho thầy âm đã giúp tổ tiên của gia đình sửa chữa nhà ở. Sau khi cúng gia tiên, khách và gia đình quây quần bên mâm cơm, chia sẻ công việc làm ăn và dạy bảo con cháu. Đây cũng là dịp để đồng bào Dao Tiền tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Thanh minh là một tiết trong 24 tiết khí theo cách tính lịch của người Trung Hoa. Đối với người Trung Hoa nói riêng cũng như các quốc gia chịu ảnh hưởng của vùng văn hóa Hán, thanh minh trở thành một ngày lễ tết quan trọng. Tại Việt Nam, thanh minh trở thành một trong những ngày tết đặc biệt để tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà. Trong ngày tết thanh minh, con cháu cùng hướng về tổ tiên, cội nguồn bằng cách tảo mộ, dọn dẹp, sửa sang lại ngôi mộ của người đã khuất, là dịp để nười đi làm ăn xa cùng sum họp trở về quê hương tưởng nhớ tới tổ tiên, mộ phần.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1995
  2. Nguyễn Bích Hằng, Văn khấn cổ truyền Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2006
  3. Đặng Đức Siêu, Sổ tay văn hóa Việt Nam, NXB Lao động, Hà Nội, 2006
  4. Lê Tắc, An Nam chí lược, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2016.
  5. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục (tái bản), NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2019.