Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tết Hàn thực
Tập tin:Mâm cúng tết Hàn thực.jpg
Mâm cúng tết Hàn thực

Tết Hàn thực là một ngày tết cổ truyền được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch. Hàng năm vào ngày tết này, mọi người thường tổ chức nấu bánh trôi, bánh chay để cúng gia tiên nhằm tưởng nhớ tổ tiên.

Theo nghĩa tiếng Hán, “寒 – Hàn là lạnh, "食 – Thực là ăn, tết Hàn thực là ngày tết ăn đồ lạnh. Phong tục này bắt nguồn từ câu chuyện xa xưa tịa Trung Quốc. Tương truyền vào đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công, nước Tấn gặp loạn phải bỏ nước lưu vong. Hiền sĩ Giới Tử Thôi theo vua lưu lạc. Một hôm trên đường lánh nạn, vì lương thực cạn nên Giới Tử Thôi phải cắt miếng thịt đùi nấu dâng vua. Vua ăn xong mới biết, đem lòng cảm kích. Về sau Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi không oán trách vua mà dẫn mẹ lên núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công sau này nhớ ra công lao của người cũ, bèn cho đi tìm Giới Tử Thôi. Nhưng Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn lĩnh thưởng. Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng để thúc ép Giới Tử Thôi ra, nhưng ông không chịu. Rốt cục hai mẹ con chết cháy ở trong rừng. Vua thương xót lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mùng 3/3 đến 5/3 âm lịch hàng năm). Từ đó, ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch còn được gọi là ngày tết Hàn thực.

Tết Hàn thực ở Trung Quốc gắn với điển tích kỉ niệm ngày Giới Tử Thôi chết cháy. Tuy ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng tết Hàn thực sau khi vào Việt Nam đã được cải biến và mang ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam đã kết hợp ngày tết Hàn thực với ngày Tết Thanh minh vào cùng một ngày mồng 3 tháng 3 và ngày này nhằm để tưởng nhớ về nguồn cội, tổ tiên. Theo sử sách ghi chép lại thì tết Hàn thực đã truyền vào Việt Nam từ rất sớm. Theo ghi chép của Lê Tắc, một sử quan thời Trần ghi chép lại: “Tiết Hàn thực đem bánh cuốn tặng nhau”. Còn Trần Nhân Tông vào năm 1291 cũng đã từng có bài thơ “Tặng bánh xuân cho ngài thiên sứ Trương Hiền Khanh” trong đó đã ghi chép lại phong tục ăn tết Hàn thực của người An Nam: “Hôm nay đúng ngày mồng 3 tháng 3, trên chiếc mâm chạm hình mây đỏ bày bánh Xuân thái, đây là phong tục cũ của An Nam xưa nay”. Theo Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, bánh Xuân thái cũng là tên gọi khác của bánh cuốn. Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, vào thời Trần, người ta ăn tết Hàn thực bằng bánh cuốn chứ không phải là bánh trôi, bánh chay. Sau này mới đổi thành bánh trôi, bánh chay. Ngày nay, tục ăn bánh cuốn vào ngày tết Hàn thực có lẽ không còn lưu giữ.

Ngày nay, người Việt thường ăn bánh trôi, bánh chay vào ngày tết Hàn thực. Vào ngày này, người Việt thường soạn mâm cũng lễ dâng lên tổ tiên. Mâm cúng lễ tết Hàn thực tương tự như các ngày lễ tết quan trọng khác cần có hương, hoa, quả, trầu, cau. Mâm cỗ tránh dùng những loại quả nhiều gai góc để bày ngũ quả. Trên bàn thờ ngày tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Người Việt thường bày 5 hoặc 3 đĩa bánh trôi, 3 bát bánh chay dâng lên bàn thờ bởi người xưa quan niệm số lẻ là số tâm linh, không nên dùng số chẵn. Bánh trôi, bánh chay chính là tết tinh văn hóa, bản sắc của người Việt. Theo nghiên cứu, tục ăn bánh trôi vào ngày Hàn thực ở Việt Nam nhiều khả năng được du nhập vào thời Lê, thịnh hành vào giai đoạn Lê Trung Hưng. Năm 1773, Lê Quý Đôn cho biết: “Tục Việt Nam trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy. Người phương Bắc cũng có, gọi là Thủy đoàn”. Tuy nhiên, bánh trôi bánh chay của người Việt Nam có hương vị riêng. Bánh trôi tết Hàn thực là bánh là từ bột gạo nếp bên trong có nhân đường đỏ và được luộc bằng nước sôi tới khi chín bánh nổi lên. Bánh được nặn nhỏ như viên bi. Bánh chay là loại bánh làm từ bột gạo nếp bên trong là nhân đỗ xanh nhuyễn và được luộc bằng nước sôi tới khi chín để bánh nổi lên. Người ta dùng nước luộc bỏ thêm ít đường và cho thêm chút vừng, lạc vào nước, rắc một ít dừa sợi lên trên. Hình dáng bánh thường to hơn bánh trôi. Cả hai loại bánh này chỉ khác nhau về nhân bánh và kích cỡ, hình dạng và cách ăn. Cơ bản, chúng đều được làm từ bột gạo nếp thêm nhân đường hoặc đỗ xanh. Ngày nay, vào ngày tết Hàn thực, mọi người vẫn thường tổ chức làm bánh trôi, bánh chay để dâng lên tổ tiên, ông bà. Việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ vào tết Hàn thực là một trong những nét đẹp của văn hóa Việt Nam, thể hiện tinh thần Việt hóa văn hóa phương Bắc. Thay vì kiêng lửa trong ngày tết Hàn thực để tưởng nhớ Giới Tử Thôi đời Xuân Thu, người Việt Nam lại ăn bánh trôi, bay chay. Món bánh này thể hiện cho văn hóa lúa nước của người Việt. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa tượng trưng của tích truyện “bọc trăm trưng của mẹ Âu Cơ”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con xuống biển theo cha. tết Hàn thực của người Việt vì thế chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao người đã khuất.

Ngoài việc sum vầy nặn bánh trôi, bánh chay dâng hưởng tưởng nhớ ông bà, ngày tết Hàn thực theo phong tục truyền thống cũng quy định những điều kiêng kị riêng. Vào ngày này mọi người nên kiêng ăn mặn, kiêng sát sinh để bảy tỏ sự tôn kính với tổ tiên. Ngoài ra, tết Hàn thực kiêng cúng cỗ bàn linh đình, chỉ cúng hoa quả đơn giản và đĩa bánh trôi, bánh chay. Trong văn hóa người Việt, tết Hàn thực cũng là ngày tết kiêng chuyển nhà. Theo quan niệm, vong linh người đã khuất luôn theo sát người còn sống. Việc chuyển nhà trong ngày tết Hàn thực sẽ khiến vong linh người đã khuất bị xáo trộn. Việc cãi vã, chanh chấp giữa các thành viên trong ngày tết Hàn thực cũng được xem là điều kiêng kị không nên làm.

Ở Trung Quốc, ngày tết Thanh minh và tết Hàn thực là hai ngày lễ tết khác nhau. Ngày Tết Thanh minh tổ chức theo lịch dương, thường là vào ngày 4/4 hoặc 5/4 tùy từng năm. Còn ngày tết Hàn thực thì cố định tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch. Hai ngày lễ này đều diễn ra vào tháng 3 âm lịch. Tại Việt Nam, mọi người thường tổ chức hai ngày tết này vào ngày 3/3 âm lịch. Điều này dẫn đến việc nhiều người nhầm tưởng ngày tết Hàn thực chính là Tết Thanh minh và ngược lại.

Tết Hàn thực là một trong những ngày tết cổ truyền ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên khi du nhập vào Việt Nam, người Việt đã Việt hóa tết Hàn thực trở thành ngày tết của người Việt. Người Việt đã tổ chức tết Hàn thực và Tết Thanh minh vào cùng một ngày mùng 3 tháng 3, với các hoạt động tảo mộ, ăn bánh trôi, bánh chay để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà. Nhiều người còn gọi tết Hàn thực là Tết bánh trôi, bánh chay. Nhà Nho Phan Kế Bính khi viết cuốn Việt Nam phong tục đã giải thích về tết Hàn thực như sau: Ta nhiễm theo phong tục ấy (tức tết Hàn thực bên Trung Quốc), thành ra ăn tết hôm mồng ba. Mà ta thì làm bánh trôi, bánh chay để thế cho đồ lạnh, nhưng ta chỉ cúng gia tiên, chứ không tưởng gì đến Giới Tử Thôi, mà tiếng là hàn thực, nhưng nấu nướng chẳng có kiêng gì”. Phần lớn các học giả đều thống nhất quan niệm cho rằng, tết Hàn thực bắt nguồn từ phong tục của người trung Quốc nhưng đã được Việt hóa. Tuy nhiên, gần đây các nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu lý học Đông Phương lại khẳng định tết Hàn thực không phải của người Trung Quốc mà nó hoàn toàn liên quan đến nền văn minh của người Việt. Họ phân tích dựa trên quan niệm ngũ hành cho rằng: Trên Hà Đồ Lạc Thư thì số 3 thuộc Dương Mộc, tháng 3 là tháng Thin, thuộc hành Thổ. Ngày 3/3 là đánh dấu ngày kết thúc của Mộc khí. Còn Hàn Thực tức là ăn món ăn lạnh mong cho mùa Hạ bớt nóng và Tổ tiên chúng ta tạo ra bánh trôi, bánh chay để thắp hương cúng tổ tiên. Món bánh này dựa trên nguyên lý âm dương, ngũ hành chứ không liên quan tới Phật giáo hay Đạo Giáo. Quan niệm này chưa đưa ra những sử liệu khoa học xác đáng về việc xác định nguồn gốc tết Hàn thực bắt nguồn từ Việt Nam. Về cơ bản, hiện nay các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng tết Hàn thực là ngày tết bắt nguồn từ Trung Quốc và được Việt hóa khi du nhập vào Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1995
  2. Nguyễn Bích Hằng, Văn khấn cổ truyền Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2006
  3. Đặng Đức Siêu, Sổ tay văn hóa Việt Nam, NXB Lao động, Hà Nội, 2006
  4. Lê Tắc, An Nam chí lược, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2016.
  5. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục (tái bản), NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2019.