Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tết Chol Chnam Thmay
Tết Chôl Chnam Thmây
Tết Chôl Chnam Thmây

Tết Chol Chnam Thmay là tết mừng năm mới/ vào năm mới của người dân Khmer ở vùng Nam Bộ, Việt Nam, diễn ra vào các ngày 14, 15,16 tháng Chett/ tháng thứ 5, theo lịch Phật giáo nguyên thủy (tiểu thừa) – tương ứng giữa tháng 4 dương lịch mỗi năm. Thời gian tết kéo dài 3 ngày, nếu vào năm nhuận thêm 1 ngày (từ ngày 13 đến ngày16). Trong thời gian tết, người Khmer tổ chức mừng năm mới tại chùa và nhà. Theo quan niệm của người Khmer, đây là thời gian giáp nối (giao mùa) giữa mùa nắng và mùa mưa.

Tên gọi[sửa]

Về tên gọi, nghĩa của các từ như sau, Chol: vào, Chnam: năm, Thmay: mới. Chol Chnam Thmay: Vào/mừng năm mới. Ở một số địa phương, người Khmer gọi lễ tết này là chịu tuổi/ thêm một tuổi mới trong đời người. Ngày đầu tiên là Thngay Maha săngkran ( ngày Đại Lịch hay ngày rước Đại Lịch, ngày thứ hai Thngay Vi Rak Wonnabot (năm nhuận thì có 2 ngày), ngày thứ ba là Thngay ViRak Lơnsăk.

Sự tích[sửa]

Về sự tích ngày tết, người Khmer tin rằng, tết này do những Hora (nhà thiên văn, bói toán) trước đây ấn định bởi họ thông hiểu về thế giới, con người và được giữ gìn, truyền lưu trong cộng đồng từ ngày xưa cho đến nay. Chol tính theo sự chuyển động của mặt trăng, đánh dấu sự thay đổi của 12 con thú tượng trưng cho 12 con giáp; Chnam tính theo chuyển động của mặt trời, đánh dấu thời điểm bước sang năm mới. Người Khmer tổ chức tết vào khoảng giao thời giữa mùa nắng khô sắp kết thúc và mùa mưa sắp đến để chuẩn bị bước vào mùa vụ mới trong năm. Như vậy, tết là dịp tổ chức những hoạt động bày tỏ niềm vui, kết thúc thời gian nghỉ ngơi, nông nhàn của mùa vụ trước và mong ước bắt đầu vụ mùa mới tốt đẹp. Một sự tích khác được lưu truyền là câu chuyện xảy ra giữa con người và thần linh. Nhờ sự giúp đỡ của chim Satongry, Hoàng tử Thommabal thông minh đã giải đáp được 3 câu đố của vị thần Kabinh Mahaprum về cái duyên của con người thể hiện trong một ngày. Thần Kabinh Mahaprum thua và tự cắt đầu như giao ước, đưa cho các con gái đem để lên ngôi tháp với lời dặn không cho con người chạm vào, nếu không sẽ gây họa cho thế gian. Mỗi năm, đúng vào ngày thần Kabinh Mahaprum tự sát, những người con gái rước đầu thần theo hướng mặt trời, quanh chân núi ba lần. Sau đó, các chư thần quây quần vui vẻ, hưởng ngày vui sướng an nhàn. Đó là ngày bắt đầu vào năm mới của người Khmer.

Chuẩn bị[sửa]

Người Khmer chuẩn bị cho các ngày tết này rất chu đáo. Những người trong cộng đồng đi làm, học ở nơi xa trở về nhà cùng với người thân đón tết. Các công việc canh tác hoặc việc khác tạm dừng, tập trung thời gian vệ sinh ở trong nhà, sân, kết lá cây làm cổng chào, dọn sạch sẽ các đường đi trong khu dân cư. Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, sửa soạn và trang trí bàn thờ, chuẩn bị thực phẩm đầy đủ cho gia đình, làm các loại bánh truyền thống (bánh tét/num chruk, bánh ít/num tean, bánh gừng/num knhây, bánh men/num trom, num trom be), ướp nước hương (nước thơm từ hoa)… Tại chùa, từ chánh điện đến các khu vực xung quanh được làm vệ sinh, trang hoàng, bài trí nhiều màu sắc và chẩn bị chu đáo cho việc thực hiện các nghi lễ diễn ra trong các ngày tết.

Ngày Thngay Maha săngkran[sửa]

Ngày đầu tiên Thngay Maha săngkran (ngày 14 tháng Tư, bước vào năm mới): Tất cả thành viên trong gia đình tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới (trang phục truyền thống dân tộc), nhiều người đem lễ vật, nhang đèn đến chùa. Tại chùa, vào khoảng 5 giờ chiều, các vị sư (Achar) làm lễ rước lịch/ đại lịch (Maha skran). Quyển lịch này do các đại đức trong chùa soạn để dùng trong 1 năm. Những người đến chùa tham dự lễ, xếp thành nhiều hàng (thường hàng 4 trở lên) dưới sự hướng dẫn, thực hiện các nghi thức do nhà sư chủ trì. Đoàn rước đại lịch gồm: một người dẫn đầu hóa trang thành chằn, mang mặt nạ, tay cầm gậy đi trước, theo sau là dàn nhạc ngũ âm, nhóm múa Chhay dăm; vị Achar đội mâm lễ vật (quyển đại lịch, nhang, đèn, hoa, trái cây…), một người đi phía sau cầm lọng màu vàng che mâm lễ vật; những người dự lễ (tay cầm nhang, đèn đã đốt), xếp tuần tự theo hàng đi phía sau. Đoàn người đi vòng quanh chánh điện của chùa (theo hướng Đông, theo chiều kim đồng hồ) thể hiện sự cung kính với Đức Phật và các thần linh cai quản năm mới. Sau 3 vòng, đoàn rước vào chánh điện của chùa. Vị sư cả tiếp nhận quyển đại lịch đặt lên bệ, người tham dự ngồi trong chánh điện, nghe vị sư cả tụng kinh đón thần cai quản năm mới và kinh cầu an cho mọi người, cho phum, sóc. Ở một số nơi, khi lễ rước đại lịch ở chùa xong, đoàn rước đi đến các nhà trong khu vực xung quanh chùa. Đoàn rước có dàn nhạc, nhóm người hóa trang các nhân vật như chằn, khỉ, người mẹ, vị tướng… vừa đi vừa biểu diễn các tiết mục giao chiến giữa khỉ và chằn… tạo nên một không khí náo nhiệt, thu hút nhiều người xem. Các nhà sư đến từng nhà đọc kinh cầu an, chúc phước, xua đuổi tà ma, ác khí cho các gia đình. Sau lễ rước đại lịch, người Khmer vào chùa nghe thuyết giảng Phật pháp. Những gia đình không tham gia lễ rước đại lịch trong ngày thứ nhất tại chùa tổ chức nghi thức đón năm mới tại nhà. Bàn thờ đặt trước sân nhà với mâm lễ vật (quyển đại lịch, một đôi Bai sây, một đôi Sla tho, nước ướp hương (làm từ nhiều loại hoa thơm), 5 cây nhang, 5 cây đèn cầy, 5 hạt cốm nổ, hoa, quả, bánh trái…). Đến thời khắc giao thừa, theo tiếng trống từ chùa, cả nhà tập trung ra bàn thờ ở sân thắp nhang đèn, cung kính khấn niệm, đón vị thần linh cai quản năm mới. Ngoài thời gian đến chùa, trong ngày thứ nhất, người Khmer tổ chức đi thăm, dâng quà, bánh trái cho ông bà, cha mẹ, người thân hoặc những người có ân đức với mình.

Ngày Vi Rek Wonnabot[sửa]

Ngày thứ hai Vi Rek Wonnabot (ngày 15 tháng Tư), người Khmer thực hiện việc dâng cơm sáng và trưa cho các nhà sư tại chùa. Đây là việc làm bày tỏ sự kính trọng của người Khmer đối với đức Phật và các nhà sư (kính Phật, trọng Tăng). Trước và sau khi dùng cơm, các nhà sư tụng kinh để tạ ơn và cầu khấn, chúc phúc cho những người đem vật thực cho nhà chùa. Trước khi thọ bát (dùng vật thực được dâng), nhà sư làm động tác ban thức ăn cho các linh hồn thiếu ăn (những người chết không nơi nương tựa, không ai cúng kiếng). Trong thời gian tại chùa, người lớn tập trung nghe sư thuyết giảng, giới trẻ vui chơi, xem các loại hình tổ chức tại chùa như Rô băm, hát Aday đối đáp, xem diễn Dù kê… Buổi chiều, trong sân chùa, người Khmer tổ chức đắp núi với mong muốn có phúc duyên trong năm mới. Trước đây, một số chùa có tục đắp núi đất, gạo, lúa. Hiện nay, nhiều chùa chỉ tổ chức đắp núi cát. Cát sạch được chuẩn bị trước đó, để trong hành lang hoặc sân chánh điện của chùa. Dưới sự hướng dẫn của Achar, mọi người lấy cát đắp thành 9 ngọn núi (8 ngọn nhỏ theo tám hướng, 1 ngọn núi ở giữa). Trên ngọn núi được trang trí cỏ cây, hoa lá và con vật bằng bột, đất hay sành sứ… Theo quan niệm, những ngọn núi này tượng trưng cho vũ trụ, mỗi núi một hướng và núi thứ chín ở giữa, tượng trưng trung tâm trái đất). Các ngọn núi này được làm lễ quy y và đến sáng ngày thứ 3 thì làm lễ xuất thể. Việc đắp núi và những nghi thức được cho là bắt nguồn từ truyện tích trong Phật giáo, kể về việc tích phúc đức để tránh họa của một người thợ săn làm theo chỉ dẫn của nhà sư.

Ngày Vi Rek Lơnsăk[sửa]

Ngày thứ ba Vi Rek Lơnsăk (ngày 16 tháng Tư): tổ chức lễ tắm tượng Phật, tắm sư. Sau khi dâng cơm sáng, trưa cho các sư tại chùa, người Khmer tổ chức lễ tắm Phật tại chánh điện bằng nước hương thơm, sau đó tắm cho các vị sư cao niên. Trước khi tắm Phật, Acha dẫn đoàn người diễu hành ba vòng xung quanh chánh điện chào mừng năm mới và tập trung tụng kinh, cầu an, cầu siêu tại đây. Các tượng Phật thờ trong chùa được đặt trên bệ trang trọng. Những người tham dự chắp tay cung kính trước ngực, ngồi sau các nhà sư. Nghi thức tắm Phật do sư cả thực hiện trước, tiếp theo đến các nhà sư trong chùa. Các nhà sư dùng nhành hoa nhúng vào nước ướp hương vẩy lên các tượng. Những người tham dự lễ tuần tự lấy nước hương tưới lên tượng, dùng vải sạch lau tượng. Nước tắm trên tượng Phật được một số người hứng lấy, đem về coi như được phước lộc từ Phật. Một số người đem nước tắm Phật ở chùa về tắm cho người thân gia đình với mong muốn được tẩy xóa những ô uế, tội lỗi và được sống an vui, mạnh khỏe. Sau lễ tắm Phật, các nhà sư cao niên ngồi trong chánh điện được những người tham dự lễ lấy nước hương vẩy lên các nhà sư. Người Khmer quan niệm tắm Phật, tắm sư thể hiện lòng thành kính và cũng là một việc làm phước đức cho cá nhân. Sau đó, người Khmer rước các nhà sư đến nghĩa trang, những ngôi mộ hay tháp chứa hài cốt người thân đã qua đời thực hiện lễ cầu siêu. Chung quanh chùa của người Khmer có xây dựng các tháp để hài cốt sau khi hỏa táng. Các vị sư trong chùa đến làm lễ cầu siêu trước các tháp cốt. Lễ vật đặt trên chiếu trước cửa tháp, thắp nhang và cột sợi chỉ trắng (có nơi dùng vải trắng) nối từ cửa tháp đến tay sư cả, những người thân của người quá cố (tượng trưng con đường từ người sống đến nơi an nghỉ của người chết). Các nhà sư ngồi phía trước, người dân chắp tay trước ngực ngồi phía sau, hướng về cửa tháp. Gia đình có hài cốt trong tháp ghi tên người đã chết vào giấy, đem đến vị sư cả ngồi phía trước tháp đọc kinh cầu siêu. Sau khi nhà sư tụng kinh, người thân lấy bình đựng hài cốt ra ngoài, dùng nhánh hoa hoặc bó lá tre, nhúng nước thơm rắc lên. Một số gia đình có tháp hài cốt của người thân trong vườn nhà thì mời nhà sư về nhà tổ chức lễ. Các lễ vật được chuẩn bị, nhà sư tụng kinh cầu an cho người sống trước và sau đó tụng kinh cầu siêu cho người mất. Các nhà sư dùng nước ướp hương thơm rắc lên người còn sống và rắc lên hài cốt của những người đã mất.

Khi xong các nghi thức lễ tại chùa, người Khmer trở về nhà, thực hiện các nghi thức tắm tượng Phật trong nhà, tắm cho ông bà, cha mẹ, dâng lễ vật chúc phúc ông bà, cha mẹ. Sau đó tiếp tục dâng lễ vật cúng thần cai quản năm mới (Têvôda, Chư thiên) và vui chơi, hát múa, ăn uống cho đến khuya. Người Khmer tin rằng vị Têvôđa là thần tiên ở trời, được thần Prés-anh (Ngọc Hoàng) sai xuống trần gian chăm lo cho dân chúng, thế gian trong một năm.

Phạm vi và không gian của phum, sóc, chùa trong thời gian tết rất náo nhiệt bởi sự tham dự đông đảo của người dân. Trong thời gian thực hiện các nghi lễ, người dân giữ sự trang nghiêm, tôn kính. Tại chùa, có nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức. Đây là dịp mà những vốn văn hóa của người Khmer được bảo tồn, phát huy trong cộng đồng. Những người lớn tuổi, am hiểu truyền thống dân tộc kể về truyện tích cho thế hệ trẻ. Những nghệ nhân, diễn viên trong các đội nghệ thuật có dịp biểu diễn nghệ thuật cổ truyền của người Khmer và nhiều người hòa vào điệu múa truyền thống Rom Wong (Lăm thôn), Sara Vanh. Một số trò chơi dân gian được tổ chức như kéo co, nhảy bao, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, bịt mắt đập nồi đất, đua ghe ngo trên cạn, giấu khăn, đẩy gậy, … Cộng đồng cư dân tại địa phương đến chùa thực hiện các lễ nghi trong niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng, được các nhà sư thuyết giảng về giáo lý, ứng xử đạo đức trong cuộc sống. Thời gian lễ tết tạo nên sự gắn kết của cộng đồng người Khmer trong không khí sum họp của gia đình, dòng họ, giữ mối liên hệ cộng đồng trong phum, sóc.

Ý nghĩa[sửa]

Mỗi cộng đồng Khmer ở các địa phương đều duy trì lễ tết này với những nghi thức có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, một số nơi có sự giản lược một số nghi tiết nhưng đều có mục đích, ý nghĩa chung. Trong lễ tết, nhiều nghi thức được thực hiện, mang tính chất lễ nghi nông nghiệp gắn liền với Phật giáo Tiểu thừa, vừa có ý nghĩa thiết thực về giáo huấn đạo đức trong cộng đồng, lòng biết ơn tổ tiên, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, kính trọng sư sãi, tôn kính với Phật. Đồng thời, thông qua các nghi lễ tại nhà, tại chùa, người Khmer thể hiện lối ứng xử tốt đẹp trong truyền thống dân tộc, mong ước về những điều bình an, may mắn đến với cá nhân, cộng đồng trong một năm mới. Tết CCT cũng là dịp những nét văn hóa độc đáo của người Khmer được bảo lưu và quảng bá thông quacác lễ nghi, nghi tiết tại nhà, tại chùa và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Uỷ ban Khoa học xã hộ Việt Nam, 1984, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Nxb Khoa học xã hội.
  2. Huỳnh Ngọc Trảng, 1987, Người Khmer tỉnh Cửu Long, Nxb Văn hóa thông tin.
  3. Thạch Voi, Hoàng Túc,1988, Phong tục lễ nghi của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long, [Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ], Nxb Tổng hợp Hậu Giang.
  4. Nhiều tác giả, 2000, Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật.
  5. Trần Văn Bổn, 2002, Phong tục và nghi lễ vòng đời người Khmer Nam Bộ, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.
  6. Sơn Phước Hoan chủ biên, Sơn Ngọc Sang, Danh Sên, 2002, Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ, Nxb Giáo dục.
  7. Phan An, 2009, Dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia.
  8. Trần Văn Ánh, 2010, Văn hóa phum sóc của người Khmer Tây Nam Bộ và vấn đề xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
  9. Ily, (2000), Lễ vào năm mới của người Khơme, [Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam], Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật.
  10. Nguyễn Thị Tâm Anh, 2014, “Múa chằn trong lễ hội của cư dân Khmer Nam Bộ (trường hợp huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh)”, trong Lễ hội cộng đồng: truyền thống và biến đổi, Nxb. Đại học quốc gia TP.hát cướiM.
  11. Danh Lung, 2014, “Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ”, in trong Lễ hội cộng đồng: truyền thống và biến đổi, Nxb Đại học quốc gia TP.hát cướiM.
  12. Nhiều tác giả, 2014, Lễ hội cộng đồng: truyền thống và biến đổi, Đại học quốc gia TPhát cướiM, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Nxb Đại học quốc gia TP.hát cướiM.
  13. Tiền Văn Triệu, Lâm Quang Vinh, 2015, Lễ hội truyền thống của người Khmer Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội.
  14. Ngọc Tú, 2016, Lễ cầu siêu của người Khmer Nam Bộ, [dẫn nguồn https://baotintuc.vn/tin-tuc, truy cập ngày 12/10/2020].
  15. Trần Minh Thương, Bùi Túy Phượng, 2018, Hương sắc miền Tây, Nxb Văn hóa văn nghệ.
  16. Thế Vinh, “Lễ tắm Phật” và “lễ cầu siêu” trong ngày tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, Tạp chí Văn hóa văn hóa lịch sử, số 145 [dẫn nguồn http://thuvienangiang.com/nhân vật & sự kiện, truy cập ngày 10/10/2020].