Tết Đoan Ngọ còn gọi là tết Đoan Dương hay “Tết giết sâu bọ” vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là một ngày lễ lớn của người Việt vào khoảng giữa mùa hè. Vào ngày này, người ta thường lễ bái tổ tiên và các vị thần linh để xua đuổi hết bệnh tật cho con người và diệt trừ sâu bọ cho ruộng vườn, gia súc. Từ khắp vùng nông thôn tới đô thị, người dân có những tập tục khác nhau như hái lá thuốc, tắm nước lá, nhuộm móng chân tay hoặc ăn cơm rượu (rượu nếp) và các thứ trái cây để diệt trừ bệnh tật.
Tục ăn Tết Đoan Ngọ đã có từ lâu đời ở Việt Nam. Có người cho rằng nó bắt nguồn từ Trung Hoa vì ngày này họ làm lễ cúng Khuất Nguyên đời Xuân Thu đã tuẫn tiết vì trung nghĩa. Tuy nhiên, không có gia đình nào ở Việt Nam cúng Khuất Nguyên mà chỉ tập trung vào cúng gia tiên và các vị thần linh. Thời điểm diễn ra ngày Tết Đoan Ngọ và những nghi lễ liên quan có thể đưa ra một diễn giải khác về nguồn gốc ngày Tết này. Trong khi mùa xuân đẹp và dịu mát thì mùa hạ nóng bức khủng khiếp và đe dọa sức khỏe của con người và muôn vật. Quan niệm phương Đông về tiết khí cho rằng, trong một năm, khí âm và khí dương thay phiên nhau ngự trị trời đất. Từ ngày Đông chí của năm trước, khí dương tăng dần sự ảnh hưởng và đạt tới đỉnh điểm vào tiết Hạ chí để nhường dần chỗ cho khí âm. Chính vào điểm giao thời đó gọi là Đoan Ngọ, Đoan Dương hay “điểm chính của sự kháng cự”. Nhiều bệnh dịch gia tăng vào mùa này như thổ tả, sốt và thậm chí là đột tử. Trước sự đe dọa này, người Việt xưa tin rằng nguyên nhân là do các thần linh hay còn gọi là các quan ôn cùng các đạo quân gieo rắc bệnh dịch và chết chóc tới các làng mạc bất kể người giàu hay nghèo.
Để phòng bệnh và giữ sức khỏe chống lại quan ôn, người Việt thường có những tập tục đặc biệt vào ngày Tết Đoan Ngọ. Từ sáng sớm, người lớn bôi một ít bột hồng hoàng vào thóp thở, ngực và rốn trẻ em để trừ trùng. Bản thân người lớn cũng có thể tán nhỏ hồng hoàng rồi pha với rượu và nước trắng để uống nhằm tăng cường sức khỏe. Cơm rượu, trái cây theo mùa được người ta ăn ngay khi thức dậy từ sớm để diệt trừ bệnh tật trong cơ thể. Ở một số vùng, người ta nhuộm các ngón tay, trừ ngón trỏ, và nhuộm móng chân cái bằng lá móng để xua đuổi tà ma. Phụ nữ còn dùng một sợi dây thắt chặt bụng rồi buộc vào một cột nhà với hy vọng sẽ tránh được những cơn đau lưng và đau bụng do không được nghỉ ngơi đầy đủ sau sinh nở.
Mọi hoạt động vào giờ Ngọ, từ 11 giờ đến 13 giờ, đều có một hiệu quả đáng kể trong việc trừ tà khí, bệnh tật. Người ta đi hái cỏ và lá vào buổi trưa rồi đem phơi khô, gọi là lá mồng năm, để cho người ốm uống. Những cỏ và lá đó được coi là có tác dụng tốt chống những cơn sốt do thời tiết gây nên. Nhiều nơi nấu nước tắm bằng rễ thảo mộc với hoa nhài để xua đi tà khí. Cư dân ở vùng biển cũng đi tắm biển vào giữa trưa để cầu mong sức khỏe và tiêu diệt bệnh tật. Một số vùng nông nghiệp còn có tục khảo cây vào đúng 12 giờ trưa thể hiện mong muốn năm sau cây sẽ cho nhiều hoa thơm trái ngọt hơn.
Từ mấy hôm trước, các gia đình đã chuẩn bị cơm rượu, hay còn gọi là rượu nếp, làm các loại bánh như bánh tro (bánh gio), bánh ú,… và các loại trái cây theo mùa như trái vải, mận, chuối, dưa hấu,… để thắp hương tổ tiên, thần linh cầu cho được khỏe mạnh. Ở miền Trung, ngày Tết Đoan Ngọ còn là ngày sum họp gia đình và có thêm các món ăn như bánh tráng, chè kê và bánh tro. Còn ở Nam Bộ, ngoài việc ăn cơm rượu, thịt vịt cũng là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này. Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ đặc biệt của người Việt vì nó diễn ra vào thời điểm khắc nghiệt nhất trong năm nhằm chống lại sự đe dọa thường xuyên của bệnh tật, chết chóc. Những tục lệ của ngày Tết Đoan Ngọ thể hiện những kinh nghiệm dùng các loại thảo mộc trong tự nhiên làm dược liệu để phòng, chống các loại bệnh tật xuất phát từ sự mất cân bằng âm-dương. Trước sự tiến công của các vị thần linh, người ta đã phải dùng đến những phương cách lạ lùng và sự phù hộ của tổ tiên để hướng tới sự bình an và no đủ cho cuộc sống.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Văn Huyên, “Tết Đoan Ngọ” trong Hội hè lễ tết của người Việt, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2017.
- Nhất Thanh, Đất lề quê thói, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018.