hình thức tế lễ thần linh trong lễ hội ở làng xã do nữ giới đảm nhiệm. TNQ có mục đích đón rước và thỉnh mời thần về dự hội, hưởng lễ vật, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với thần và cầu mong thần bảo vệ, phù hộ cho dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sức khỏe và bình an.
Rất khó xác định hình thức TNQ có từ bao giờ, dân gian cho rằng hình thức TNQ xuất hiện muộn hơn tế nam quan và nó chỉ xuất hiện khá nhiều trong lễ hội một vài thập kỉ gần đây. Khái niệm TNQ nhấn mạnh tới khía cạnh giới (nữ giới) của những người thực hành nghi thức tế lễ. Trong miêu tả của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và dân tộc học, tế là một nghi thức trang nghiêm, đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện ứng xử của con người với thần linh và nghi thức này có thể do nam giới hoặc nữ giới đảm nhiệm. Trong khi ở một số hội làng việc tế này do nam giới tiến hành thì ở một số hội làng khác tất cả từ chủ tế, bồi tế, Đông xướng, Tây xướng, nội tán và chấp sự đều do nữ giới chuyên trách. Vì là những người đại diện cho dân làng làm việc thánh, tất cả những người trong ban TNQ đều được cộng đồng lựa chọn rất cẩn trọng. Trong đó, tiêu chí về sự đức độ, sự trong sạch (không trong thời gian chịu tang, lúc dự tế người phải sạch sẽ) là những tiêu chí hàng đầu. Đặc biệt với người phụ nữ được chọn làm chủ tế, họ là hình tượng của đội tế và trực tiếp giao tiếp với thần linh, do đó phải là người hoàn hảo theo quan niệm của dân gian, có phúc đức, con cháu song toàn và gia đình hạnh phúc. Trong một số trường hợp, đội TNQ là những cô gái chưa lập gia đình. Chẳng hạn, đội TNQ trong lễ hội đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa, Phú Thọ) gồm 12 cô gái thanh tân có nhan sắc và học vấn, mặc áo dài đủ màu sắc, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa và tế theo nghi thức truyền thống.
Nghi thức tế truyền thống của TNQ cũng tương tự như nghi thức tế nam quan, được thực hiện theo nghi thức tế cung đình của Nho giáo. Nghi thức này bao gồm các tuần dâng hương, dâng hoa, dâng rượu, dâng lễ vật, dâng trà…; kết hợp với âm nhạc của tiếng trống, tiếng chiêng, phường bát âm tạo nên một không gian vừa linh thiêng, vừa trang nghiêm và thành kính.
Thông thường TNQ diễn ra tại các lễ hội ở các đền thờ nữ thần và thờ Mẫu. Với nguồn gốc xuất thân và công trạng khác nhau, các nữ thần và Mẫu thần này có thể là quốc Mẫu Âu Cơ, là những nhân vật lịch sử có công đánh giặc cứu nước như Bà Trưng, Bà Triệu, hoặc cũng có thể là Thánh Mẫu trong tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thường nhắc tới các đền thờ Hai Bà Trưng như một ví dụ tiêu biểu để khẳng định không gian của thiết chế văn hóa diễn ra hình thức TNQ là các đền thờ nữ thần. Là những người có công trong việc đánh tan quân xâm lược Đông Hán, giành lại quyền tự chủ cho đất nước (năm 39- 43), làm rạng ngời trang chính sử, đem lại vẻ vang cho nữ giới Việt Nam, Hai Bà Trưng được nhân dân tôn sùng, xây đền thờ phụng ở nhiều nơi, trong đó nổi tiếng nhất cả nước phải kể đến ba ngôi đền chính là đền Đồng Nhân (Hà Nội), đền Hạ Lôi (Mê Linh, Vĩnh Phú) và đền Hát Môn (Hà Tây). Tại các ngôi đền này cùng với các đền thờ phụng các tướng lĩnh của hai bà như đền Nghè thờ nữ tướng Lê Chân (Hải Phòng), đền Tiên La thờ Bát Nạn công chúa (Thái Bình)…thường diễn ra nghi lễ TNQ trang trọng. TNQ cũng là tâm điểm của lễ hội đền Bà Triệu (Thanh Hóa) bên cạnh các nghi thức rước kiệu và các trò diễn nhằm khơi dậy hào khí chống quân Ngô của nghĩa quân do bà lãnh đạo. Tại đền Sòng (Thanh Hóa) thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, TNQ cùng với lễ rước Thánh Mẫu từ đền này đến đền Chín Giếng là những nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng…
TNQ có nhiều biến đổi trong bối cảnh xã hội hiện nay. Bên cạnh hình thức tế cổ kiểu cung đình như tế nam quan, nhiều nơi xuất hiện hình thức tế mới với đội tế nữ trong những trang phục và đạo cụ lộng lẫy. Nghi thức TNQ mới có sự kết hợp giữa các phần lễ trang nghiêm của các tuần dâng trà, rượu, lễ vật cho thần linh với các điệu múa và hát làm tăng thêm tính sinh động cũng như tính thẩm mỹ của buổi tế. Điều đặc biệt là TNQ đã mở rộng không gian hiện diện của nó.Ngoài các đền thờ nữ thần và thờ Mẫu, TNQ xuất hiện ngày càng nhiều ở các đền thờ nam thần và đình làng. Trong đó, tiêu biểu hơn cả là sự hiện diện của TNQ ở các đền thờ Trần Hưng Đạo ở Nam Định, Thái Bình và đền thờ Thái sư Trần Thủ Độ (đền Lưu Phố, Nam Định). Các đội TNQ cũng thực hiện các nghi lễ tại các nhà thờ tổ của nhiều dòng họ. Sự hồi sinh của đời sống tôn giáo tín ngưỡng trong những năm gần đây kéo theo sự phục hồi và xây mới của nhiều nhà thờ tổ ở các làng quê. Trong những dịp mừng khánh thành hoặc trong các ngày tế tổ, các đội TNQ được các dòng họ mời đến tế lễ và biểu diễn.
Có một sự phân chia giới rất rõ ràng trong thực hành tôn giáo tín ngưỡng ở các không gian tâm linh của làng quê trước đây. Trong khi đình, đền, từ đường của dòng họ- nơi các quy tắc Nho giáo ngự trị là không gian sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nam giới thì đền, phủ thờ Mẫu và chùa chính là không gian của nữ giới. Sự hiện diện và phổ biến của hình thức TNQ tại các đình đền thể hiện sự dấn thân và tham gia của nữ giới vào công việc tế lễ vốn được coi là “đặc quyền riêng có” của nam giới trước đây. Đây cũng chính là biểu hiện của những biến đổi về vai trò giới trong thực hành tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
Lê Trung Vũ (chủ biên), Lễ hội cổ truyền, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.
Toan Ánh, Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
Toan Ánh, Hội hè đình đám, quyển thượng và quyển hạ, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
Phạm Lan Oanh, Những điều cần biết về lễ hội truyền thống Việt Nam, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2014.
Tập thể tác giả, Một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016.