Mục từ này cần được bình duyệt
Tạp chí dân tộc học

tạp chí chuyên ngành Dân tộc học/Nhân học Việt Nam, có tên giao dịch quốc tế là AnthropologyReview, là cơ quan ngôn luận của Viện Dân tộc học, trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và là diễn đàn khoa học của ngành cũng như của bạn đọc quan tâm đến Dân tộc học/Nhân học trong nước và trên thế giới. Từ năm 1972 đến năm 1973, tiền thân của Tạp chí là tờ Thông báo Dân tộc học, đến năm 1974, Tạp chí Dân tộc học chính thức ra mắt bạn đọc. TCDTH được tổ chức và hoạt động theo Giấy phép hoạt động báo chí, Luật báo chí, các văn bản pháp quy khác về báo chí và Quy chế về tổ chức và hoạt động của các Tạp chí thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tạp chí có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản tại Ngân hàng theo qui định của pháp luật. TCDTH hoạt động chủ yếu dựa trên ngân sách nhà nước cấp hằng năm và một phần kinh phí từ phát hành báo chí.

Ấn phẩm chính là TCDTH tiếng Việt, khuôn khổ: 19 x 27cm, có mục lục và tóm tắt tiếng Anh. Từ năm 1974 đến năm 2000, mỗi năm Tạp chí xuất bản 4 số; đến năm 2001 tăng lên 6 số với dung lượng là 84 trang/số; từ năm 2020 tăng lên 100 trang/số và vẫn giữ nguyên 6 số tiếng Việt/năm. Số lượng xuất bản mỗi kỳ từ 350 - 400 cuốn/số. Phương thức phát hành chủ yếu qua mạng lưới bưu điện Việt Nam và một phần nhỏ tự phát hành. Bên cạnh đó, từ 2002 đến 2009, Tạp chí Dân tộc học ra được 15 số tiếng Anh.

Tạp chí có Hội đồng biên tập là các thành viên có chuyên môn về lĩnh vực Dân tộc học công tác ở trong và ngoài Viện Dân tộc học. Tổng biên tập là người chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về mọi hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của TCDTH. Tạp chí có 01 Phó Tổng biên tập, có nhiệm vụ giúp Tổng biên tập các công việc chuyên môn và quản lý điều hành các hoạt động của Tạp chí. TCDTH có Phòng Biên tập - Trị sự, có chức năng tham mưu, giúp việc cho Lãnh đạo Tạp chí Dân tộc học về các hoạt động của Tạp chí; tổ chức và thực hiện công tác biên tập và trị sự của Tòa soạn; tham gia nghiên cứu, đào tạo và tư vấn khoa học về Dân tộc học/Nhân học và thực hiện các nhiệm vụ khác do Viện Dân tộc học giao.

Kể từ khi được thành lập đến nay, TCDTH luôn đổi mới nhằm nâng cao chất lượng và chuyên nghiệp hóa trong công tác báo chí và xuất bản, đặc biệt là Tạp chí đã xây dựng được quy trình nội dung, trách nhiệm và thời gian thực hiện các số TCDTH. Được sự quan tâm của lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và lãnh đạo Viện Dân tộc học, TCDTH được trang bị khá đầy đủ cơ sở vật chất và các thiết bị văn phòng hiện đại. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ Tạp chí có đủ phương tiện làm việc.

Trong nhiều năm qua, Tạp chí luôn tăng cường ứng dụng tin học trong công tác biên tập, đặc biệt là sử dụng công cụ Trackchanges, Insert Comment, Highlight, Email… để nâng cao chất lượng bài viết và tăng cường mối liên hệ giữa các biên tập viên với Tòa soạn cũng như giữa Tòa soạn với các tác giả trong quá trình biên tập. Cách làm này đã giúp cho Tạp chí có thể thực hiện tốt hơn công tác lưu giữ hồ sơ (số lần biên tập bản mềm, người biên tập, khoảng thời gian biên tập, những lưu ý cần thiết…).

Việc nâng cao chất lượng biên tập là nội dung đặc biệt quan trọng để từng bước chuyên nghiệp hóa công tác báo chí và xuất bản. Theo quy trình, mỗi bài nghiên cứu thường được biên tập ít nhất 5 lần qua nhiều người, nhiều đợt để có được những nhận xét, phản biện khách quan trong cùng một bài viết. Bên cạnh đảm bảo tiến độ về thời gian, các bài viết trên tạp chí luôn đạt chất lượng, không có sai sót về chính trị. Đồng thời, các cán bộ trong Tòa soạn luôn tích cực tham gia vào những hoạt động nghiên cứu trong và ngoài Viện để nâng cao năng lực nghiên cứu của bản thân và chất lượng biên tập các bài viết trên Tạp chí.

Từ năm 2007, Tạp chí đã xây dựng và công bố Thể lệ gửi bài cho TCDTH và tiếp tục được chỉnh sửa qua các năm nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hình thức của Tạp chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với thông lệ khoa học quốc tế. Công tác phát triển cộng tác viên, phát hành, trao đổi, biếu tặng ấn phẩm của Tạp chí được thực hiện đều đặn với các tổ chức và cá nhân nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa TCDTH nói riêng và của Viện Dân tộc học nói chung với các đối tác, nhất là những cơ quan và chuyên gia công tác trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, tư vấn và quản lý về dân tộc ở trong và ngoài nước.

TCDTH là tạp chí chuyên ngành về dân tộc, là cơ quan ngôn luận của Viện Dân tộc học, là diễn đàn khoa học của ngành Dân tộc học/Nhân học và của bạn đọc quan tâm đến các vấn đề về dân tộc, tộc người ở Việt Nam và trên thế giới. Tạp chí đăng tải các kết quả nghiên cứu mới về lĩnh vực Dân tộc học/Nhân học ở trong nước và trên thế giới; phổ biến chính sách về dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin về những vấn đề Dân tộc học/Nhân học ở trong nước và trên thế giới;... Trải qua 46 năm xây dựng và phát triển, đến tháng 2 năm 2020, TCDTH đã đăng tải 217 số tiếng Việt và 15 số tiếng Anh với tổng số trên 2.000 bài nghiên cứu cùng nhiều thông tin khác nhau về lĩnh vực dân tộc, tộc người ở trong nước và nước ngoài; phản ánh nhiều trọng tâm hoạt động khoa học và các vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về dân tộc của ngành Dân tộc học/Nhân học Việt Nam và của thế giới; về sự phát triển của các tộc người và thực hiện chính sách dân tộc của nước ta trong lịch sử và hiện tại;... Trên cơ sở đó, Tạp chí đã góp phần cung cấp các tư liệu khoa học về dân tộc và tộc người cho ngành Dân tộc học/Nhân học và các ngành khoa học kề cận phục vụ hữu ích cho công tác nghiên cứu và đào tào chuyên ngành và liên ngành, đồng thời cung cấp hệ thống luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trong các thời kỳ lịch sử, phục vụ thiết thực nhiệm vụ phát triển các tộc người, chiến lược Đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam thống nhất, vững mạnh.

Cùng những thành tựu nêu trên, TCDTH hiện nay còn nhiều hạn chế và đối mặt với nhiều khó khăn không nhỏ, cụ thể là:

- Chất lượng các bài viết mang tính học thuật cao, nhất là về những vấn đề lý luận cơ bản của ngành và tư vấn phản biện khoa học về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước đặt ra cho ngành nói chung và cho Tạp chí nói riêng.

- Công tác phát hành tạp chí cũng không có nhiều thuận lợi do sự phát triển nhanh và mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là sự phát triển của hệ thống báo chí điện tử trong thời gian gần đây. Do đó, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong nâng cao chất lượng Tạp chí (cả về nội dung và hình thức) trong thời gian qua nhưng số lượng phát hành Tạp chí ngày càng giảm, số lượng bán lẻ rất ít.

- Cán bộ trong Tòa soạn tuy đều có trình độ trên Đại học, có chuyên môn cao về Dân tộc học song vẫn còn một số hạn chế nhất định về nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí.

- Hiện nay, Tạp chí đang duy trì đạt chuẩn quốc gia và từng bước hướng tới tiệm cận với chuẩn quốc tế. Tuy vậy, công tác này gặp nhiều khó khăn, trong đó rào cản lớn nhất chính là sự hạn chế về các nguồn lực, nhất là về chất lượng các bài viết, số lượng và chất lượng cán bộ, tài chính, khả năng phát hành, ngôn ngữ,… Để phát huy những thế mạnh và các thành tựu đã đạt được trong những năm qua, hướng tới sự chuyên nghiệp và phát triển hơn nữa của Tạp chí, trong thời gian tới TCDTH xác định tập trung vào những nhiệm vụ sau đây:

- Tiếp tục giữ vững tôn chỉ, mục đích của Tạp chí, không để xảy ra những sai sót về chính trị trong học thuật. Đặc biệt là nâng cao hơn nữa chất lượng các bài viết đăng trên Tạp chí, trong đó tiếp tục chú trọng việc đặt bài các chuyên gia và xây dựng số chuyên đề có trọng điểm về những vấn đề học thuật của ngành và phục vụ thực tiễn của đất nước về phát triển bền vững các tộc người và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam. Theo đó, không chỉ đảm bảo các số tạp chí xuất bản đúng hạn, mà các bài nghiên cứu và thông tin khoa học - trao đổi cũng cần phải đảm bảo chất lượng, nhất là hướng tới giải quyết các vấn đề về lý luận và thực tiễn về dân tộc, tộc người của ngành và của đất nước đang đặt ra, trong đó ưu tiên góp phần phát triển các tộc người và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam thống nhất; góp phần phổ biến, tư vấn và phản biện khoa học về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên cở sở đó phát triển các mối quan hệ dân tộc tốt đẹp, nhất là quan hệ giữa các tộc người với cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam. Đồng thời xây dựng hệ thống lý luận và thực tiễn phản bác lại các quan điểm học thuật sai trái và sự chống phá nước ta trên lĩnh vực dân tộc của các thế lực thù địch.

- Quy hoạch TCDTH theo hướng tạp chí chuyên ngành tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu về học thuật và phục vụ phát triển đất nước trên lĩnh vực Dân tộc học/Nhân học. Thực hiện tốt công tác trị sự và các hoạt động liên quan đến hoạt động báo chí. Đặc biệt là tiếp tục tìm kiếm các cơ hội để tăng cường công tác xuất bản và phát hành Tạp chí. Trong bối cảnh của cách mạng CN. 4.0, người dân thường có thói quen truy cập vào các trang báo điện tử, trang mạng xã hội, sử dụng những ứng dụng trực tuyến để tiếp nhận thông tin. Trước tình hình đó, Tạp chí cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên mạng internet để hướng tới xuất bản tạp chí online tiếng Việt và tiếng Anh. Trước hết, Viện Dân tộc học cần tiếp tục cải tiến và cập nhật thường xuyên trang Homepage của Viện, trong đó phát triển mạnh mẽ trang dành cho TCDTH để đưa những bài viết có chất lượng tốt giới thiệu trên trang web, trên cơ sở đó mở rộng phạm vi bạn đọc và đáp ứng kịp thời khi bạn đọc có nhu cầu.

- Cán bộ của Tạp chí cần được tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao phẩm chất chính trị và chuyên môn, được đào tạo trình độ lý luận chính trị, tiếp tục thực hiện tốt sự phối hợp giữa công tác của Tạp chí với hoạt động khoa học của Viện Dân tộc học và ngành Dân tộc học/Nhân học Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1. Tạp chí Dân tộc học, Tổng mục lục 20 năm Tạp chí Dânn tộc học (1974 - 1994), Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Hà Nội, 1994.

2. Viện Dân tộc học, Tạp chí Dân tộc học, Tổng mục lục 30 năm Tạp chí Dân tộc học (2074 - 2004), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.