Tạp chí Y học Việt Nam
Tên gốc: Tạp chí Y học Việt Nam
Các tên gọi khác: Revue Médicale (bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, từ 1960 đến 2019), Vietnam Medical Journal (bằng tiếng Anh, từ 2020)
Loại tác phẩm: Tạp chí chuyên ngành Y học (gồm nhiều chuyên khoa)
Tác giả: Tổng Biên tập, Ban Biên tập và các tác giả bài báo qua các thời kỳ.
Thời gian in ấn: Số đầu tiên xuất bản năm 1955, tùy thời gian mà mỗi năm in và xuất bản từ lúc đầu 4 số/năm cho đến nay là 24 số /năm và một số tạp chí Chuyên đề khoảng 10 số/năm.
Nội dung[sửa]
Đang tải các bài báo, bao gồm các bài tổng quan về một vấn đề y học chuyên sâu, thời sự; các thông tin y học cập nhật; chân dung các nhà y học trong nước và quốc tế; các vấn đề về danh từ, thuật ngữ y học; nhưng chủ yếu là đăng tải các công trình nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực y học lâm sàng và cận lâm sàng, y học cơ sở và thực nghiệm, y học cổ truyền dân tộc, y học dự phòng và y tế công cộng, dược lý và dược lý lâm sàng… Các bài đăng trên tạp chí Y học Việt Nam đều có phản biện và được Ban Biên tập duyệt cho đăng. Hiện nay, tạp chí đã có đưa lên trên trang Web riêng và đã đăng ký chỉ số DOI theo quy định hiện hành.
Có thể chia công tác xuất bản và phát hành tạp chí Y học Việt Nam thành hai thời kỳ lớn: trước ngày thống nhất đất nước (trước 1975) và sau ngày đất nước thống nhất (sau 1975).
Trước năm 1975[sửa]
Trước năm 1975, Tổ quốc còn đang bị chia cắt thành hai miền, công tác xuất bản các tạp chí y học chỉ đề cập tới những công việc đã tiến hành trên miền Bắc kể từ khi thành lập Hội Y học Việt Nam (nay là Tổng hội Y học Việt Nam) vào năm 1955 đến năm 1975.
Tạp chí Y học Việt Nam[sửa]
Mặc dù có nhiều khó khăn do tạp chí mới xuất bản còn sơ khai, thiếu thốn, nước nhà chưa thống nhất và sau đó từ năm 1964, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ diễn ra trên miền Bắc, nhưng Tạp chí vẫn trưởng thành và liên tục phát triển, đăng nhiều công trình khoa học có giá trị cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, phục vụ thiết thực và hiệu quả cho công cuộc xây dựng ngành y học, y tế, phục vụ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Các bài báo đăng đều có tóm tắt bằng tiếng Pháp in ngay ở sau mỗi bài.
Tạp chí Revue Médicale[sửa]
Có thể nói đây là một trong những tạp chí khoa học in bằng tiếng Pháp đầu tiên ở nước ta dưới chế độ mới, những số đầu tiên ra đời ngay từ những năm đầu của thập niên 60 của thế kỷ trước và đã được phát hành ra một số nước trong khu vực và một số nước nói tiếng Pháp trên thế giới.
Nội dung tạp chí khá phong phú, có nhiều chuyên mục. Các bài nghiên cứu và tổng quan có chất lượng cao được viết bằng tiếng Pháp có tóm tắt bài viết bằng tiếng Anh và tiếng Nga.
Những bài viết trong tạp chí này có thể coi là mẫu mực và có tác dụng rất tốt đối với công tác điều trị, đào tạo và nghiên cứu cứu khoa học ở nước ta.
Sau năm 1975[sửa]
Tổ quốc thống nhất, tạo thuận lợi cho y học và y tế hai miền hòa nhập, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trong bối cảnh đó, các tạp chí y học ở Việt Nam có điều kiện để mở rộng, phát triển cả về số lượng và chất lượng, ngày một hoàn thiện hơn.
Tạp chí Y học Việt Nam[sửa]
Do các thầy thuốc ở miền Nam trước đây và các bác sĩ trẻ ở cả hai miền sử dụng tiếng Anh thông dụng hơn tiếng Pháp nên các bài viết có thể in tóm tắt bằng tiếng Pháp hoặc/và tiếng Anh ở ngay cuối bài, trong những năm sau dần dần các tóm tắt được viết chủ yếu bằng tiếng Anh, do tiếng Anh càng ngày càng được sử dụng nhiều, dễ hòa nhập với khu vực và quốc tế. Từ năm 2012, bài viết có tóm tắt chỉ bằng tiếng Anh. Công tác biên tập được củng cố và hoàn thiện dần, đạt chất lượng và hiệu quả tốt. Đồng thời có những đổi mới về nội dung (bổ sung thêm các mục: Tổng quan, Y đức-Y nghiệp, Thông tin-Sự kiện…) và hình thức (trình bày theo đúng quy cách của các tạp chí trong nước và quốc tế), nhìn chung chất lượng của tạp chí ngày một được nâng cao hơn và phục vụ được tốt hơn cho sự nghiệp phát triển y học nước nhà.
Tạp chí Revue Médicale[sửa]
Nội dung tạp chí khá phong phú, có nhiều mục, có chất lượng tốt, hàm lượng khoa học cao, tác dụng tốt đối với công tác đào tạo cán bộ, điều trị, nghiên cứu y học và quan hệ quốc tế.
Các bài nghiên cứu và tổng quan được viết bằng tiếng Pháp có tóm tắt bằng tiếng Anh và tiếng Nga. Những năm sau này, các bài nghiên cứu và tổng quan được viết bằng tiếng Pháp (có tóm tắt tiếng Anh) hoặc bằng tiếng Anh (có tóm tắt tiếng Pháp). Từ sau năm 1990, đặc biệt từ sau năm 2000, đã có nhiều bài viết bằng tiếng Anh (chỉ có tóm tắt bằng tiếng Pháp) do số tác giả đọc và viết được bằng tiếng Anh nhiều lên, bằng tiếng Pháp dần dần ít đi và rất ít người đọc được tiếng Nga. Bắt đầu từ năm 2015, các bài viết chỉ duy nhất bằng tiếng Anh và có tóm tắt tiếng Pháp.Từ cuối năm 2020, theo qui định mới của Cục báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông, tạp chí Revue Médicale được đổi tên thành Vietnam Medical Journal (được coi là bản tiếng Anh của tạp chí Y học Việt Nam).
Ý nghĩa, tác dụng, ảnh hưởng[sửa]
Nhìn chung, tạp chí Y học Việt Nam và tạp chí Revue Médicale (nay là Vietnam Medical Journal) ngày càng được đổi mới, phát triển cả về nội dung và hình thức, cả về số lượng và chất lượng, đã đáp ứng và phục vụ tốt cho các cán bộ y tế trong cả nước ngay từ ngày mới thành lập (1955) cho đến nay, góp phần vào sự nghiệp phát triển của y học, y tế nước nhà, sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân và mở rộng quan hệ quốc tế, hòa nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong thời gian tới, phương hướng hoạt động của tạp chí Y học Việt Nam và Vietnam Medical Journal là:
- Duy trì, nâng cao chất lượng và số lượng, nội dung và hình thức tạp chí. --- Đảm bảo việc xuất bản, phát hành tạp chí hiệu quả, tiết kiệm và đúng hạn.
- Hòa nhập với các tạp chí y học trong nước, khu vực và thế giới.
- Hoàn thiện cơ chế phản biện các bài báo khoa học để nâng cao chất lượng.
- Phát triển, hoàn thiện trang Website và chỉ số DOI của tạp chí.
- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Luật báo chí
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Hoàng Bảo Châu và Ban Biên tập: Lịch sử 50 năm Tổng hội Y Dược học Việt nam (1955-2005), Tổng hội Y Dược học Việt Nam xuất bản, 2005.
- Lê Gia Vinh: Kỷ yếu Lịch sử Tổng hội Y học Việt Nam (bản đánh máy của tác giả), 2016
- Trần Hữu Thăng và Ban biên tập: Lịch sử 60 năm Tổng hội Y học Việt nam (1955-2005), Tổng hội Y học Việt Nam xuất bản, 2005.
- Tạp chí Y học Việt Nam, Tạp chí Revue Médicale và Tạp chí Vietnam Medical Journal lưu trữ tại Tổng hội Y học Việt Nam từ năm 1955 đến nay.