Tạp chí đỏ cơ quan lý luận đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuất bản theo quyết nghị của Hội nghị thành lập Đảng được ghi trong Báo cáo tóm tắt Hội nghị, ngày 07.02.1930: “Ban Trung ương có thể xuất bản một tờ tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, 1930, Nxb CTQG, HN, 2002, tr. 12) . Số 1 của Tạp chí Đỏ ra ngày 05.8.1930, song không còn tài liệu là căn cứ để xác định Tạp chí ra được bao nhiêu số và dừng xuất bản khi nào. Hiện nay, Cục Lưu trữ Trung ương Đảng còn lưu giữ được 4 số Tạp chí, bao gồm các số: 1, 2, 3 và 9. Sổ Nhận của Văn phòng Quốc tế Cộng sản ngày 31.12.1930 vào sổ số 1.345 nhận được Tạp chí Đỏ số 2 do những người cộng sản Đông Dương xuất bản tại Trung Quốc. Định kỳ của Tạp chí Đỏ không ổn định. Một số số của Tạp chí cũng không ghi ngày tháng.
Tạp chí Đỏ được đánh máy trên giấy nến, in rô-nê-ô, khổ 13 x 19 cm. Do yêu cầu giữ bí mật nên trang bìa tạp chí ghi là Xuân hoa thu nguyệt, trong tạp chí không ghi địa chỉ, tên người chịu trách nhiệm xuất bản. Tuy nhiên, có thể nói rằng, chính Nguyễn Ái Quốc là người đã tổ chức nội dung và xuất bản tạp chí vì những lý do sau: Thứ nhất, sự tương đồng về văn phong các bài viết trong Tạp chí với các tài liệu của Hội nghị thành lập Đảng như Năm điểm lớn, Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng; thứ hai, cách viết các chữ f (thay vì ph), z (d, gi), k (c); thứ ba, căn cứ vào thời gian hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Trung Quốc. Sau Hội nghị thành lập Đảng, cuối tháng 4 năm 1930, Người đi Đông Bắc Thái Lan, rồi qua Malaixia, Singapo, đến cuối tháng 5 mới trở lại Hồng Kông. Từ tháng 6.1930 đến trước khi bị chính quyền Hồng Kông bắt, ngày 06 tháng 6 năm 1931, Nguyễn Ái Quốc làm việc ở Trung Quốc, cũng là thời gian xuất bản các số của Tạp chí Đỏ.
Số 1 của Tạp chí Đỏ in Lời nói đầu:
“1. Tạp-chí này sau sẽ tiếp tục in mãi. Hoặc nhiều hoặc ít, hoặc 1 tuần, hoặc 10 ngày nửa tháng, không nhất định.
2. Tài liệu trong TC: hoặc là kách làm việc, hoặc là kinh nghiệm km kác nước, hoặc là tin tức thế zới, hoặc là fê bình kông việc kủa mình, v.v. sẵn zì in nấy.
3. Trách nhiệm kác kơ quan đối với TC: (a) đem tài liệu huấn luyện và nghiên kứu cho đảng-viên, (b) lấy tài liệu trong này mà làm báo, (c) bài nào truyền bá cho đa-số qù. chúng thì kiếm kách in thêm ra, (d) xem chỗ nào kó tâm-đắc, chỗ nào khó hiểu, chỗ nào nên sửa đổi, chỗ nào khg hợp với hoàn kảnh riêng kủa địa fương mình, v.v. thì fải fê bình, fải hỏi.
Nói tóm lại là kác đ.c. fải hết sức truyền bá và zùm cho TC được hoàn-toàn và fát triển” .
Toàn bộ mười hai trang còn lại của Tạp chí Đỏ số 1 đăng bài “Bí mật công tác” với văn phong ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu. Phần đầu bài viết theo lối đặt câu hỏi và trả lời về các vấn đề như: tại sao phải giữ bí mật, vì sao cơ quan bí mật bị bắt, các sai lầm thường gặp trong hoạt động bí mật là gì. Phần sau của bài viết là nội dung mười hai điều khuôn phép của công việc bí mật, mười cách bí mật cần lưu ý.
Tạp chí Đỏ số 2 không ghi ngày tháng, gồm mười hai trang, đăng tải nội dung về cuộc bãi công của công nhân xe điện Thượng Hải, trong đó nêu nguyên nhân, những khó khăn, phức tạp của cuộc bãi công và cách đối phó. Bài báo cũng phê phán những ý kiến sai lầm, nêu lên ý nghĩa thắng lợi về chính trị và rút ra bảy kinh nghiệm về tổ chức bãi công.
Tạp chí Đỏ số 3 ra ngày 25 tháng 8 năm 1930 đăng tải hai bài chính. Bài thứ nhất về cách mạng tư sản dân quyền, trong đó giải thích một cách dễ hiểu nhất về nguyên nhân, ý nghĩa, sự khác biệt với các cuộc cách mạng khác và giải thích tại sao các nước thuộc địa và nửa thuộc địa phải làm cách mạng tư sản dân quyền. Bài thứ hai nói về cách thức tổ chức hoạt động sách báo, rải truyền đơn phục vụ nhiệm vụ cách mạng. Ngoài ra, Tạp chí còn đăng 3 tin ngắn về đại hội công - nông ở Philippine, ở châu Phi và các cuộc bãi công của công nhân các nhà máy sợi ở Pháp và Thượng Hải.
Tạp chí Đỏ số 9 không đề ngày tháng, có sáu trang, đăng một bài duy nhất về Công xưởng ủy viên hội, trong giải thích tính chất, ý nghĩa, vai trò và cách tổ chức, hoạt động, phát triển tổ chức đó trong đấu tranh cách mạng.
Có thể nói, mặc dù trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm và còn sơ khai nhưng Tạp chí Đỏ đã thực sự mang tính chất một tạp chí lý luận của Đảng với việc đã tập trung thông tin những nội dung nhằm hướng dẫn nhận thức, giới thiệu các kinh nghiệm đấu tranh, bồi dưỡng phương pháp tổ chức hoạt động cách mạng cho đảng viên và các tổ chức của Đảng. Ngày 05.8, ngày Tạp chí Đỏ xuất bản số 1 được Tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, chọn là ngày truyền thống của Tạp chí.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản: Tạp chí Cộng sản những chặng đường phát triển, Nxb CTQG, HN, 1995.
- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, 1930, Nxb CTQG, HN, 2002.
- PGS.TS. Đào Duy Quát, GS.TS. Đỗ Quang Hưng, PGS.TS. Vũ Duy Thông (Chủ biên): Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), Nxb CTQG, HN, 2010.