Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tạo thế( Lập thế)

Tạo thế( Lập thế) tổng thể các hoạt động nhằm tạo ra, hoàn thiện, tranh thủ hoàn cảnh, điều kiện có lợi cho ta, đấu tranh ngăn chặn và đưa đối phương vào thế bất lợi trong quá trình chuẩn bị và thực hành tác chiến, nhằm giành, giữ và phát triển thế ta, phá thế đối phương, thực hiện thắng lợi mục đích, nhiệm vụ tác chiến.

Lịch sử hình thành[sửa]

TT được hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của nghệ thuật quân sự. Thời kì cổ đại, các bên tham chiến đã biết tận dụng thế lợi của địa hình sông, núi để bố trí lực lượng, phương tiện, xây thành, đắp lũy; đã thực hiện nguyên tắc tập trung ưu thế lực lượng hơn đối phương để giành thắng lợi. Trong "Binh Pháp Tôn Tử" của Tôn Vũ soạn thảo năm 512 tcn, đã xác định các yếu tố cơ bản quyết định thắng lợi của chiến tranh là: đạo (sự ủng hộ của nhân dân là quyết định nhất), trời, đất, tướng, pháp. Tôn Tử còn coi, tạo thế là biết vận dụng chính binh (lực lượng chủ lực mạnh, tập trung đánh những đòn quyết định) và kì binh (lực lượng nhỏ hơn đánh bên sườn, phía sau...) và sự chuyển hóa linh hoạt giữa kỳ binh và chính binh... Vì vậy “ Binh pháp Tôn Tử” đã được các nước nghiên cứu vận dụng trong các cuộc chiến tranh.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, quân đội các nước đã tập trung nghiên cứu về các hoạt động TT trong tác chiến tiến công, phòng ngự (trong phòng ngự đã kết hợp, tận dụng thế lợi của địa hình để xây dựng hệ thống công sự trận địa, hệ thống hoả lực, vật cản để tạo ra thế trận vững chắc đánh bại tiến công của đối phương; trong tiến công phải tạo được thế tập trung lực lượng áp đảo, thế vây, chia cắt vu hồi...). Đến chiến tranh thế giới lần thứ hai, nghệ thuật tạo thế trong tác chiến đã có bước phát triển, đặc biệt Hồng quân Liên Xô, coi TT là một nội dung quan trọng của nghệ thuật quân sự Xô Viết trong chuẩn bị và thực hành tác chiến, thực hiện các biện pháp lập thế ta, đi đôi với phá thế địch. Trong phòng ngự xây dựng thế trận các dải, tuyến phòng ngự, đánh địch từ xa đến gần với công sự, trận địa vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, kết hợp với hỏa lực, vật cản và cơ động, tổ chức thế trận chiến tranh du kích đánh phá hậu phương địch. Trong phản công, tiến công, tập trung lực lượng áp đảo tiến công bằng sức đột kích mạnh của xe tăng, bộ binh cơ giới, được chi viện hỏa lực mạnh của pháo binh, tên lửa, không quân... được vận dụng linh hoạt ở các quy mô, loại tác chiến trên chiến trường

Ở Việt Nam, nghệ thuật TT đã được hình thành rất sớm, trở thành một nội dung quan trọng của nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo của dân tộc ta trong điều kiện luôn luôn phải “lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh” trước các đội quân xâm lược có tiềm lực kinh tế quân sự mạnh hơn ta và đã giành thắng lợi vẻ vang. Tiêu biểu cho nghệ thuật tạo thế là tư tưởng quân sự của Trần Quốc Tuấn (thế kỷ XIII).Trong “ Binh thư yếu lược”, Ông viết: “ Biết xem thế đất, biết lập thế quân, khéo dùng kỹ thuật, đánh đâu mà không thắng”; “ dĩ đoản chế trường” (lấy đoản binh thắng trường trận); “ Đánh ở chỗ không thành, công ở chỗ không lũy, chiến ở chỗ không trận”. Nguyễn Trãi (1380-1442) nói về quan hệ giữa thế và thời cơ như sau: “ Gặp thời được thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn. Không thời, mất thế thì to hóa ra nhỏ, mạnh hóa ra yếu, an lại thành nguy. Sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay”. Ông còn viết: “Yếu đánh mạnh thường đánh bất ngờ, ít địch nhiều thường dùng mai phục”. Tư tưởng của Nguyễn Trãi : “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” hoặc coi sức mạnh của nhân dân như “nước có thể chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền”... Tới cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghệ thuật quân sự Việt Nam có bước phát triển rất cao, đánh thắng những đế quốc to nhất của thời đại là thực dân Pháp và đế quốc Mĩ; đã vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về thế: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Người còn chỉ rõ: “Quả cân chỉ có một kilôgam ở vào thế lợi thì lực của nó tăng lên nhiều lần, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng trăm kilôgam. Đó là thế thắng lực. Ta đánh Mỹ, lấy ít thắng nhiều là nhờ cái thế của ta rất lợi. Thế ta thắng đã rõ ràng. Thế địch thua đã rõ ràng; nhưng chúng còn rất ngoan cố, chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta”; “muốn thành công phải có ba điều kiện: thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nhưng thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa. Nhân hòa thế nào? Nhân hòa là tất cả mọi người phải nhất trí, nhân hòa là quan trọng hơn cả”. Tạo thế được vận dụng trong phương thức tác chiến chiến lược, phương pháp chiến dịch và cách đánh chiến thuật. Chú trọng tận dụng thế thiên hiểm của địa hình và cải tạo địa hình, thế trận chiến tranh nhân dân địa phương kết hợp với chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực, thế trận các làng, xã chiến đấu, thế cài xen kẽ, cài răng lược, thế đấu tranh chính trị ngoại giao. Đặc biệt “ thế trận lòng dân”, một sự phát triển về chất của thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam

Các yếu tố cơ bản[sửa]

TT là nội dung quan trọng của cách đánh, được tiến hành trong chuẩn bị và thực hành tác chiến; là tổng thể các hoàn cảnh, điều kiện cùng với xu thế vận động và khả năng phát triển của các bên tham chiến mà mỗi bên đều phải dựa vào đó để phát huy sức mạnh trong tác chiến. Các yếu tố cơ bản để tạo thế là: địa bàn tác chiến; lực lượng, phương tiện tác chiến, thiết bị chiến trường và trạng thái tâm lí, tinh thần của bộ đội; lực lượng hiện tại của mỗi bên và xu hướng, khả năng vận động phát triển trong quá trình tác chiến; tình hình dân cư, kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi bên tham chiến...

Đặc điểm[sửa]

Đặc điểm cơ bản của TT: được chuẩn bị trước một bước trong thời bình và điều chỉnh, bổ sung, chuyển hóa trong quá trình tác chiến; các tình huống trong tác chiến biến động cao và rất quyết liệt; hoạt động tạo thế diễn ra trên phạm vi rộng (nhất là tác chiến chiến lược và chiến dịch), vận dụng nhiều biện pháp, nhiều lực lượng tham gia; chỉ huy hiệp đồng khó khăn, công tác bảo đảm phức tạp.

Các yêu cầu[sửa]

Các yêu cầu của TT: đánh giá, dự báo chính xác tình hình các mặt liên quan, nhất là địch; chuẩn bị chu đáo. đầy đủ, toàn diện; tạo thế phải phù hợp với quyêt tâm, ý định (phương thức tác chiến chiến lược, phương pháp chiến dịch, cách đánh chiến thuật) và chuyển hóa thế trận linh hoạt phù hợp với diễn biến của tình hình; tập trung lực lượng cho hướng, khu vực, mục tiêu chủ yếu, các trận then chốt, then chốt quyết định; Dựa vào thế trận cấp trên, thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, thế của địa hình và cải tạo địa hình, chủ động lập thế ta đi đôi với phá thế địch; tạo thế trận bí mật, bất ngờ, hiểm hóc, liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, đúng thời cơ, chuyển hóa linh hoạt; tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ, bảo đảm kịp thời.

Nội dung[sửa]

Nội dung TT phụ thuộc vào nhiệm vụ và quy mô, loại hình và hoàn cảnh, điều kiện tác chiến. Thường tập trung vào các nội dung chủ yếu sau: TT chính trị tinh thần, TT về kinh tế, TT về quân sự... TT về chính trị tinh thần, đây là những nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, nguồn sức mạnh vô địch, nhân tố quyết định sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang và nhân dân, đó là TT của truyền thống yêu nước, khối đại đoàn kết dân tộc, giác ngộ mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, “thế trận lòng dân”... được chuẩn bị ngay từ thời bình, bổ sung, củng cố liên tục trong chiến tranh. TT về kinh tế phải chuẩn bị từ thời bình bảo đảm tác chiến, đặc biệt với cấp chiến lược, chiến dịch, bố trí thế trận kinh tế kết hợp với thế trận quốc phòng, an ninh hợp lý, bảo đảm động viên kinh tế cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở từng địa phương, các địa bàn, chiến trường trọng điểm và cả nước. TT về quân sự, là nhân tố tác động trực tiếp đến hoàn thành nhiệm vụ tác chiến bằng cả tác chiến và các hoạt động đấu tranh khác thường bao gồm: Thế đánh địch tiến công hỏa lực bảo toàn lực lượng; thế phòng ngự, phòng thủ vững chắc, thế phản công, tiến công linh hoạt đánh địch ở các trạng thái đang tiến công, lâm thời phòng ngự, địch đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, tiến công đường bộ, vu hồi, tiến công vượt điểm, tiến công địch đột nhập trận địa phòng ngự, đánh địch bạo loạn vũ trang từ bên trong..; thế nghi binh, lừa địch; thế đánh địch rộng khắp, phát huy sức mạnh của mọi lực lượng, chủ động đánh địch theo tinh thần: “Đảng bám dân, dân bám đất, lực lượng vũ trang bám địch”; thế bao vây chia cắt, chốt chặn, khống chế, kiềm chế, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng... tạo điêu kiện cho tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới đánh bại chúng; thế cài xen kẽ, thực hiện “bám sát, đánh gần”, hạn chế hỏa lực địch; tạo thế của hệ thống chỉ huy, công sự trận địa, đường cơ động chiến đấu các cấp, đối với cấp chiến lược, chiến dịch thường được tổ chức từ thời bình, điều chỉnh bổ sung khi có chiến tranh, cần đặc biệt lợi dụng thế thiên hiểm của địa hình và cải tạo địa hình; thế bố trí triển khai bảo đảm hậu cần, kỹ thuật... Lập thế ta đi đôi với phá thế địch, thể hiện tính chủ động trong tạo thế, đặc biệt phá thế mạnh của địch về hỏa lực vũ khí công nghệ cao, sức cơ động nhanh, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng hiện đại.

Biện pháp[sửa]

Biện pháp TT thường vận dùng là: nắm chắc địch, ta, dự kiến sát đúng các phương án tác chiến, tập trung cho phương án chủ yếu; kết hợp tạo thế với nắm thời cơ, cơ động, tập trung lực lượng nhanh; triệt để tận dụng thế của địa hình và cải tạo địa hình, thế trận cấp trên và thế trận khu vực phòng thủ các tỉnh thành phố; làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, công binh, phòng không, phòng pháo, phòng hóa.. nhất là khi cơ động vượt sông, tiến công trong hành tiến; phòng chống có hiệu quả tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng và vũ khí công nghệ cao của địch; chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ vững chắc trong tạo thế và chuyển hóa thế trận.

TT quan hệ chặt chẽ với tạo lực, hình thành thế hiểm, lực mạnh, kết hợp với tạo và nắm thời cơ, là những nhân tố cơ bản có quan hệ biện chứng, bổ sung cho nhau, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh thắng địch. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, để lại bài học vô giá về sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nắm thời cơ trong bức điện do tự tay Đại tướng viết và ký tên: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết thắng và toàn thắng. Tuyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kêt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.
  2. Trung tướng, GS, PTS, Đỗ Trình, Vấn đề thế trong nghệ thuật quân sự. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.
  3. Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  4. Thượng tướng - Nhà giáo nhân dân, GS Hoàng Minh Thảo, Bàn về nghệ thuật quân sự, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2007.
  5. Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
  6. Bộ Tổng tham mưu, Tác chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc,Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội, 2018.
  7. Bộ Tổng tham mưu, Tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc,Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
  8. Bộ Tổng tham mưu, Tác chiến phòng thủ quân khu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.