Tướng lĩnh là gọi chung những sĩ quan có quân hàm cấp tướng và tương đương
Thuật ngữ Tướng lĩnh thường được sử dụng cho quân đội (lực lượng vũ trang) của hầu hết các nước trên thế giới. Ở Pháp, thuật ngữ Tướng lĩnh xuất hiện đầu tiên vào thế thế kỷ 16, đặt ra để bổ sung cho cấp bậc khác trong quân đội (capitaine-general, colonel-general), sau đó trở thành các cấp bậc độc lập. Ở Nga, thuật ngữ Tướng lĩnh lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 1657 dưới thời Sa hoàng Alexei Mikhalovich. Tướng lĩnh trở thành một bộ phận chức danh và cấp bậc cao nhất trong hệ thống cấp bậc quân hàm trong quân đội. Quân đội Mĩ đang sử dụng các cấp bậc quân hàm cấp tướng: tướng lữ đoàn (brigadier general), thiếu tướng (general major), trung tướng (general lieutenant), đại tướng (general of the army); trong hải quân có cấp hàm tương đương cấp tướng: đô đốc phong cho Tham mưu trưởng Hải quân, tư lệnh các hạm đội và Tư lệnh lực lượng Bảo vệ Bờ biển. Quân đội Anh sử dụng các bậc quân hàm cấp tướng: thiếu tướng, trung tướng; Quân đội Pháp có: tướng lữ đoàn, tướng sư đoàn, tướng quân đoàn (corps general), tướng tập đoàn quân (army general); Quân đội Đức có: tướng lữ đoàn (brigadier general), thiếu tướng, trung tướng. Quân đội Trung Quốc có: thiếu tướng, trung tướng, thượng tướng; trong lực lượng hải, quân hàm trung tướng phong cho tư lệnh và chính ủy hạm đội; quân hàm thiếu tướng phong cho Tư lệnh và Chính ủy Hải quân đánh bộ…
Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, quân hàm cấp tướng được quy định lần đầu ngày 23.6.1946 theo Sắc lệnh số 33/SL của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; có các cấp: thiếu tướng, trung tướng, đại tướng. Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm cấp tướng đợt đầu tiên cho 10 quân nhân, trong đó phong quân hàm đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp (Sắc lệnh số 110/SL ngày 20.1.1948); phong cấp hàm thiếu tướng từ ngày 1.1.1948 cho các ông: Hoàng Văn Thái, Nguyễn Sơn, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm (Sắc lệnh số 111/SL ngày 20.1.1948); phong cấp hàm thiếu tướng từ ngày 1.1.1948 cho các ông: Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Hiến Mai (Sắc lệnh số 112/SL ngày 20.1.1948); phong cấp hàm trung tướng cho ông Nguyễn Bình (Sắc lệnh số 115/SL ngày 25.1.1948); phong cấp hàm thiếu tướng cho Trần Đại Nghĩa (Sắc lệnh số 117/SL ngày 25.1.1948).
Đến năm 1958, Luật quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được Quốc hội thông qua (31.5.1958) đã bổ sung cấp bậc quân hàm thượng tướng; năm 1981, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được Quốc hội khoá VII thông qua (30.12.1981) bổ sung cấp bậc quân hàm đối với Quân chủng Hải quân: chuẩn đô đốc (phiên quân hàm thiếu tướng), phó đô đốc (phiên quân hàm trung tướng), đô đốc (phiên quân hàm thượng tướng). Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam (2019) quy định hệ thống quân hàm sĩ quan cấp tướng có 4 bậc: thiếu tướng (chuẩn đô đốc hải quân), trung tướng (phó đô đốc hải quân), thượng tướng (đô đốc hải quân) và Đại tướng. Sĩ quan cấp tướng thường giữ các chức vụ chỉ huy, quản lí từ cấp quân đoàn và tương đương trở lên.
Tuổi phục vụ của sĩ quan cấp tướng được quy định tại điều 13, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam (2019), hạn tuổi cao nhất của sĩ quan cấp tướng phục vụ tại ngũ: nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi; khi Quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể kéo dài tuổi phục vụ so với quy định trên; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn.
Thẩm quyền quyết định đối với cấp tướng được quy định tại Điều 25, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (2019); Khoản 5, Điều 88, Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), theo đó Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân.
Tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân Việt Nam là những người được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao cho những chức vụ quan trọng từ cấp chiến dịch đến cấp chiến lược, được đào tạo, bồi dưỡng và qua thử thách rèn luyện trong công tác, huấn luyện, chiến đấu... qua các thời kì cách mạng, nhiều cán bộ đã trưởng thành, đảm nhiệm các chức vụ cao của Đảng, Nhà nước như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Lê Đức Anh, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thượng tướng Lê Khả Phiêu, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,... Nhiều tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý; tên của nhiều tướng lĩnh được đặt tên cho các tuyến đường ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam. (933 chữ)
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Luật quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1958.
- Tổ chức quân sự Việt Nam, tập 1, tr 467: Nhà Trần đã trân trọng lựa chọn tướng lĩnh có đức, có tài
- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, hà Nội, 2004.
- Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013.
- Luật sĩ quan QĐND VN Quân đội nhân dân Việt Nam 2019.
- Thông báo lực lượng vũ trang nước ngoài, Tổng cục II/Bộ Quốc phòng, 2020
- Генерал, Больщая Росийская Эциклопедия, Издательства "Больщая Росийская эциклопедия", Москва, 2004-2017.