Phát triển bền vững (PTBV) là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên... đang ảnh hưởng tới sự ổn định môi trường sống của loài người, khiến các quốc gia phải nghĩ tới việc PTBV. Hiện nay, các quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như đẩy mạnh công nghiệp hóa, già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học... Đồng thời, bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Từ năm 1972, nghiên cứu của Donella H. Meadows, Dennis L. Meadows et al. 1972 đã đưa ra giới hạn của tăng trưởng. Nếu những xu hướng phát triển hiện nay trên thế giới về dân số, công nghiệp hóa, ô nhiễm, sản xuất lương thực và sự cạn kiệt tài nguyên tiếp tục không thay đổi, thì tăng trưởng sẽ tới điểm giới hạn trong vòng 100 năm tới. Trước những thách thức này, tăng trưởng xanh (TTX) được coi là một chương trình toàn diện, tạo ra hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đảm bảo chất lượng cuộc sống, giảm thiểu tác động tới môi trường và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận theo xu hướng này nhằm hướng tới PTBV.
Từ các tiếp cận khác nhau, đến nay có nhiều định nghĩa khác nhau về TTX. Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) cho rằng: “TTX chủ trương tăng trưởng GDP mà duy trì hoặc khôi phục lại chất lượng và tính toàn vẹn của môi trường sinh thái, trong khi đáp ứng các nhu cầu của tất cả mọi người với mức thấp nhất có thể tác động đến môi trường. Đó là một chiến lược tìm kiếm tối đa hóa sản lượng kinh tế trong khi giảm thiểu gánh nặng về sinh thái. Cách tiếp cận này tìm kiếm sự hài hòa về tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường bằng cách thúc đẩy những thay đổi cơ bản trong sản xuất và tiêu thụ của xã hội”.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), TTX bao hàm “thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo các nguồn lực tự nhiên tiếp tục cung cấp tài nguyên và các dịch vụ môi trường thiết yếu cho con người. Để làm được điều này, TTX phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới”.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng “TTX là có hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa ô nhiễm và các tác động môi trường, có khả năng thích ứng trước các hiểm họa thiên nhiên và vai trò của quản lý môi trường và vốn tự nhiên trong việc phòng ngừa thiên tai”.
Theo Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), “TTX là mô hình phát triển mới giúp duy trì tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn đảm bảo sự bền vững về khí hậu và môi trường. TTX tập trung vào việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của những thách thức này, đồng thời đảm bảo tạo ra các kênh cần thiết cho việc phân phối tài nguyên và khả năng tiếp cận các mặt hàng cơ bản cho người nghèo khổ”.
Các văn bản pháp lý của Việt Nam thì xác định rằng “TTX là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững”.
Nhìn chung, TTX có một số nội dung cơ bản là: (i) TTX hướng tới việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn, tăng năng suất lao động đồng thời giảm các tác động đến môi trường; (ii) TTX lấy chính các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu làm động lực cho tăng trưởng kinh tế; (iii) TTX cũng đồng thời hướng đến các mục tiêu xã hội như giảm nghèo, giảm sự bất bình đẳng như là kết quả của việc xanh hóa nền kinh tế; và (iv) TTX là phương thức phát triển kinh tế bền vững, là một bộ phận của PTBV, không đồng nghĩa và không thay thế PTBV.
Bên cạnh việc thực hiện kế hoạch hành động hướng tới TTX, cần thiết phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện này. Theo OECD, khung giám sát thực hiện TTX gồm 4 nhóm chỉ tiêu chính và một nhóm chỉ tiêu về bối cảnh kinh tế - xã hội. Mỗi nhóm chỉ tiêu cũng bao gồm các nội dung bao hàm và các chỉ tiêu cụ thể:
Bảng 1: Khung giám sát tăng trưởng xanh
Nguồn: OECD 2011
Ở Việt Nam, TTX đã sớm được đưa vào các chính sách quốc gia và được lồng ghép trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 khẳng định: “Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch”.
Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 nhấn mạnh, để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, cần phải: đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững; xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh; phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững; áp dụng các chính sách điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý.
Để tạo lập nền tảng pháp lý và tạo đà cho quá trình xanh hoá nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012, Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có 2 nhiệm vụ chiến lược liên quan đến tiêu dùng xanh: (i) xanh hoá sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hoá sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh; (ii) xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại. Chiến lược TTX là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến kinh tế xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Chuyển đổi mô hình theo hướng xanh đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách xuyên suốt của Nhà nước và là một nội dung căn bản của đường hướng phát triển ở Việt Nam hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Donella H. Meadows, Dennis L. Meadows, et al. (1972). The Limits to Growth. United States of America, Universe Books.
2. GGGI (2011). Green Growth in Motion - Sharing Korea's Experience.
3. OECD (2011). Towards Green Growth. OECD Publishing.
4. OECD (2011). Towards green growth. A summary for policy makers OECD Publishing.
5. OECD (2011). Towards Green Growth: Monitoring Progress. OECD Indicators. OECD Publishing.
6. OECD (2012). Green Growth and Developing Countries - Consultation Draft. OECD Publishing.
7. OECD (2012). Green Growth and Developing Countries. A Summary for Policy Makers. OECD Publishing.
8. UNESCAP (2012). Low Carbon Green Growth Roadmap for Asia and the Pacific - turning resource constraints and the climate crisis into economic growth opportunities. Bangkok.
9. WB (2011). From Growth to Green Growth: A Framework. Policy Research Working Paper 5872.