Mục từ này cần được bình duyệt
Tăng cường sự lãnh đạo của đảng và công tác chính trị trong quân đội

tác phẩm tuyển chọn những bài viết và nói của Nguyễn Chí Thanh trong Kháng chiến chống Pháp và hơn 10 năm Kháng chiến chống Mỹ do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành tháng 4.1997, với chủ đề về tổ chức xây dựng Đảng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-67), Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1950-61); Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ thực tiễn công tác, đã tập trung nhiều trí tuệ và sức lực vào việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng cơ chế lãnh đạo của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ và nâng cao vị trí, hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Tháng 4.1997, nhân kỉ niệm 30 năm ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ trần, Phòng Khoa học - Công nghệ - Môi trường (nay là Phòng Khoa học Quân sự), Tổng cục Chính trị cùng Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tuyển chọn những bài nói, bài viết của Đại tướng in thành sách mang tên “TCSLĐCĐVCTCTTQĐ”. Sách bố cục gồm lời nói đầu, ảnh và tiểu sử, cùng 18 bài nói và bài viết của Đại tướng, như: mấy kinh nghiệm công tác chính trị; tích cực tiến hành và nắm chắc việc lãnh đạo tư tưởng trong quân đội; quân đội nhân dân và Đảng Lao động Việt Nam; quân đội nhân dân và chính quyền nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo của chi bộ; tăng cường công tác bảo vệ; chống chủ nghĩa cá nhân; phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược; công tác tư tưởng trong quân và dân miền Nam ta với chiến thắng mùa khô 1965-66; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong quân đội...

Là người có hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, với tầm nhìn chiến lược, tư duy biện chứng khoa học, được tôi luyện và trưởng thành từ phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ kinh nghiệm trong chiến đấu trên các chiến trường miền Nam, Nguyễn Chí Thanh khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện Quân đội nhân dân Việt Nam là nguyên tắc bất di, bất dịch, là nguồn gốc, sức mạnh và cơ sở của mọi thắng lợi. Vì vậy, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, trước hết phải chấp hành đúng các vấn đề có tính nguyên tắc: mục tiêu chiến lược của cách mạng do Đảng xác định; mục tiêu chiến đấu của quân đội là: độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày, tiến lên chủ nghĩa xã hội; bản chất giai cấp và đường lối cách mạng của Đảng quyết định bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân của quân đội; đường lối chính trị của Đảng chi phối đường lối quân sự; quân sự phải phục tùng chính trị; đường lối quân sự là một bộ phận của đường lối chính trị của Đảng; nghệ thuật quân sự của quân đội là nghệ thuật quân sự cách mạng của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Đối với Đảng, quân đội phải tuyệt đối trung thành, nhất nhất làm theo Đảng. Đối với Nhà nước, quân đội là một bộ phận của Nhà nước, nên phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước. Đối với nhân dân, quân đội là con em của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, vì vậy phải thực hiện quân dân đoàn kết. Đối với nội bộ quân đội, quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ là quan hệ chỉ huy và phục tùng, cán bộ và chiến sĩ đoàn kết, bình đẳng về chính trị, thực hiện dân chủ và chấp hành kỉ luật nghiêm minh, kiên quyết chống quân phiệt, trên dưới xa cách. Đối với bầu bạn quốc tế, kết hợp lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản cao cả, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là tự giúp mình”; độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế. Đối với quân địch, quân đội chiến đấu kiên cường, quyết thắng, kết hợp tác chiến với địch vận, không ngược đãi tù binh. Trong đó, mối liên hệ giữa quân đội với Đảng là mối liên hệ bản chất chi phối các mối liên hệ khác. Khâu then chốt là xác định cơ chế lãnh đạo của Đảng và vị trí chức năng của công tác đảng, công tác chính trị. Cơ chế Đảng ủy lãnh đạo, thủ trưởng quân sự, chính trị phân công tổ chức thực hiện theo chức trách, được tổ chức và vận hành từ Tổng Quân ủy xuống đến chi bộ đại đội, đồng bộ với hệ thống tổ chức cơ quan chính trị và chế độ chính ủy, chính trị viên từ Tổng cục Chính trị đến các quân khu, đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội. Tổng Quân ủy và Tổng cục Chính trị mạnh mới xây dựng được Đảng bộ Quân đội vững mạnh, nâng cao được hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong toàn quân. Sự lãnh đạo của Đảng phát huy được hiệu lực phụ thuộc nhiều vào hoạt động của công tác đảng, công tác chính trị.

Công tác đảng, công tác chính trị là công tác tổ chức, thực hiện sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội, là công tác xây dựng Đảng bộ Quân đội, xây dựng quân đội về chính trị bằng công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác bảo vệ chính trị nội bộ; là công tác vận động quần chúng thực hiện các nhiệm vụ theo tư tưởng chỉ đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, hậu cần, kĩ thuật... ; trong đó, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để nâng cao sức mạnh chiến đấu toàn diện của quân đội.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ trong quân đội, Nguyễn Chí Thanh khẳng định: công tác cán bộ nhất thiết phải là công tác của tập thể Đảng ủy, theo đúng phương hướng giai cấp mà Bộ Chính trị đã xác định. Công nông là lực lượng cơ bản của cách mạng, công nông liên minh là nền tảng của Mặt trận đoàn kết toàn dân tộc, nên phải mạnh dạn đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ công nông góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền móng chính trị của quân đội các mạng. Không theo chủ nghĩa thành phần, coi trọng trí thức cách mạng, phải dày công đào tạo, tổ chức cho cán bộ học chính trị, quân sự, văn hóa, rèn luyện trong thực tế chiến đấu và sàng lọc qua thực tiễn cách mạng.

Nguyễn Chí Thanh đặt công tác lãnh đạo tư tưởng lên hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa quyết định sức mạnh và sự trưởng thành, chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, “đó là điều căn bản, bảo đảm cho cuộc kháng chiến của ta lân dài, gian khổ, nhưng chắc chắn thắng lợi”. Trên mặt trận chính trị, tư tưởng không có chỗ “trống”, nếu buông lỏng, sơ hở, lập tức tư tưởng sai trái, phản động sẽ lấn chiếm, gây tác hại, do đó phải phân tích thực tế tình hình tư tưởng bộ đội, quán triệt đường lối kháng chiến, bồi dưỡng ý chí chiến đấu. Phê phán tư tưởng thắng thì chủ quan, ỷ lại vào viện trợ, không thấm nhuần tư tưởng đánh lâu dài, tự lực cánh sinh…; phải nhạy bén, kịp thời và thực hiện đúng những tính nguyên tắc: 1) Lãnh đạo tư tưởng cần có tinh thần tích cực và ý thức xây dựng, làm cho bộ đội thừa nhận cái đúng, phản đối cái sai, xây dựng tư tưởng tốt và kiên quyết chống những tư tưởng xấu, phải đem tư tưởng mới thay thế tư tưởng cũ, chống chủ nghĩa cá nhân... góp phần giáo dục, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm cho chế độ xã hội mới có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần xã hội, đồng thời đẩy mạnh cuộc đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tàn dư xấu của tư tưởng tư sản, phong kiến. 2) Lãnh đạo tư tưởng phải giải quyết vấn đề tận gốc, trong đó lập trường tư tưởng là cái gốc, là vấn đề căn bản: “đứng về phe nào, chiến đấu vì ai? Chiến đấu để làm gì? Tư bản hay xã hội chủ nghĩa?”. Vì vậy, phải giáo dục, học tập nâng cao trình độ nhận thức lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm, tư tưởng quân sự, chính trị của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng lập trường giai cấp công nhân… là những nội dung cốt lõi có tính nguyên tắc trong tổ chức và lãnh đạo, chỉ huy quân đội, làm cho quân đội luôn luôn và mãi mãi trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. 3) Công tác tư tưởng phải chủ động nhìn xa, thấy trước vấn đề theo phương châm phòng bệnh kết hợp với chữa bệnh. 4) Lãnh đạo tư tưởng phải có tính nguyên tắc và tinh thần đấu tranh sắc bén. Để biến sức mạnh tinh thần của quần chúng thành sức mạnh vật chất to lớn trong Kháng chiến chống Mỹ cần bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đó là tư tưởng lớn của thời đại: tư tưởng không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết đánh Mỹ, đấu tranh vì độc lập, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội. 5) Lãnh đạo tư tưởng là một công việc lâu dài hết sức phức tạp, khó khăn. Người làm công tác lãnh đạo tư tưởng phải luôn chân tình, cởi mở, gần gũi như người chị, công bằng như người anh, hiểu biết như người bạn để thực sự là chỗ dựa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong chiến đấu, công tác cũng như trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày; phải thực sự là lãnh tụ tinh thần của các chiến sĩ; tiến hành thường xuyên, tỉ mỉ dù khó khăn nhưng nhất định sẽ làm được.

Về phương pháp lãnh đạo tư tưởng: luôn hiểu rõ tình hình tư tưởng, phân tích nguyên nhân tư tưởng; khéo biết khêu gợi, hướng dẫn, chịu khó, bền bỉ thuyết phục. Phát huy tác dụng phê bình, tự phê bình trên tinh thần tự giác và có tính quần chúng. Hướng mọi hình thức, công cụ giáo dục chính trị vào mục đích lãnh đạo tư tưởng từng thời kì. Kết hợp lãnh đạo tư tưởng với lãnh đạo tổ chức và với lãnh đạo thi hành chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.

Nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện Quân đội nhân dân Việt Nam: công tác chính trị để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng là công tác đảng, công tác vận động quần chúng của Đảng trong quân đội. Công tác đảng, công tác chính trị mang tính lãnh đạo, tính chiến đấu và tính quần chúng, theo nguyên tắc đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế và làm tan rã địch, với phương châm lấy giáo dục làm chính và phải đi sâu vào đời sống quân đội nhằm củng cố các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức… Bài học kinh nghiệm lớn nhất để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam thành quân đội cách mạng, hùng mạnh, tiến lên chính quy, hiện đại, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình là phải tăng cường và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của công tác chính trị.

Nguyễn Chí Thanh đã kết hợp lý luận với thực tiễn, coi trọng công tác tổng kết kinh nghiệm, lấy thực tiễn phản ánh thực tiễn, tổng kết nâng thành lý luận có sức thuyết phục, làm cho tư tưởng, đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh được quán triệt sâu sắc. Những tư tưởng chiến lược của Nguyễn Chí Thanh trong tác phẩm góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận quân sự của Đảng, tạo ra sức mạnh mới, nâng cao sức chiến đấu cho lực lượng vũ trang, đến nay những tư tưởng chiến lược đó vẫn còn nguyên giá trị và được phát triển lên tầm cao mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Quốc phòng, Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004

2. Tổng cục Chính trị, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong quân đội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997.

3. Học viện Chính trị Quân sự, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.

4. Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013

5. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 6, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.244-367