Tôn Thất Tùng (1912-1982) là một bác sĩ phẫu thuật người Việt, nổi danh trong lĩnh vực nghiên cứu về gan. Ông được biết đến là tác giả của "phương pháp mổ gan khô" hay còn được gọi là "phương pháp Tôn Thất Tùng".
Quá trình học tập, công tác và làm việc[sửa]
Năm 1931, ông học tại trường Trung học Bảo Hộ (tức trường Bưởi – trường Chu Văn An ngày nay) sau đó vào học Trường y khoa Hà nội. Năm 1935, ông được tuyển làm ngoại trú tại Bệnh viện Phủ Doãn, năm 1938 ông là người duy nhất trúng tuyển trong kỳ thi khóa nội trú đầu tiên và mở đầu cho việc đào tạo bác sĩ nội trú người bản xứ. Thời gian này ông có ý tưởng dùng những lá gan bị nhiễm giun để phẫu tích cơ cấu bên trong. Từ năm 1935 đến năm 1939, ông đã phẫu tích trên 200 lá gan của tử thi để nghiên cứu và vẽ lại thành các sơ đồ đối chiếu. Trên cơ sở đó năm 1939, ông đã bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề “La vasculation veineuse du foie et ses applications aux résections hépatiques” (phân chia tĩnh mạch của gan và ứng dụng trong phẫu thuật cắt gan). Với bản luận án này, ông đã được tặng Huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Paris (mà Trường Đại học Y – Dược tại Hà Nội lúc bấy giờ là một bộ phận). Bản luận án được đánh giá rất cao và trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945 ông được cử làm Giám đốc bệnh viện Phủ Doãn và cùng với giáo sư Hồ Đắc Di, ông đã bắt tay xây dựng Trường Đại học Y Hà Nội trong chiến khu. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia tổ chức cứu chữa thương bệnh binh, xây dựng các tuyến mổ xẻ ở mặt trận Tây Nam Hà Nội cùng các bác sĩ Nguyễn Hữu Trí, Hoàng Đình Cầu,... Mặc dù chiến tranh ác liệt, ông tham gia tổ chức điều trị, phát triển ngành y tế, đồng thời với nghiên cứu khoa học, đào tạo sinh viên dù phải di chuyển nhiều lần, ở nhiều địa bàn như Vân Đình, Hà Đông (1946), Lăng Quán, Tuyên Quang (1947), Phù Ninh, Phú Thọ (1948), Đại Lục, Phú Thọ (1949), Chiêm Hóa, Tuyên Quang (1950),... Ông cũng được cử làm làm cố vấn phẫu thuật ngành quân y ở Bộ Quốc phòng. Năm 1953 ông là một trong 9 người đầu tiên được Chính phủ công nhận học hàm Giáo sư của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ năm 1954, ông làm Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và giữ cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Đại học Y Hà Nội cho tới khi mất năm 1982.
Năm 1947, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế và giữ chức vụ này cho tới năm 1961.
Các cống hiến chính, các tác phẩm chính[sửa]
Tôn Thất Tùng đề cao việc tiếp thụ y học phương Tây để xây dựng và phát triển nền y học của Việt Nam, đi đầu trong việc áp dụng các kỹ thuật phát triển ngành ngoại khoa Việt Nam. Ông là người đầu tiên mổ tim kín ở Việt Nam nǎm 1958, năm 1965 thực hiện ca mổ tim bằng máy tim - phổi nhân tạo đầu tiên. Trong những năm 1960, ông đã nghiên cứu thành công phương pháp "cắt gan có kế hoạch", thường được gọi là "phương pháp mổ gan khô" hay "phương pháp Tôn Thất Tùng". Năm 1963, GS.Tôn Thất Tùng công bố phương pháp cắt gan mới trên tờ The Lancet ở London. “Ton That Tung’s method” cũng được giới thiệu trong Encyclopédie médico - chirurgicale (Bách khoa thư nội – ngoại khoa) của Pháp; được đưa vào Obstetrics and Surgery’s Reader Digest (Tuyển chọn các tài liệu sản khoa và phẫu thuật) của Mỹ. Cuốn Phẫu thuật cắt gan của Tôn Thất Tùng được NXB Masson phát hành ở Pháp, sau đó được dịch in ở Nga, năm 1985 được in ở Ý. Ông đã cùng với các cộng sự và học trò sau này làm lên danh tiếng của trường phái mổ gan Việt Nam, trường phái mổ gan của Trường Đại học Y Hà Nội.
Ông cũng là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu tác hại của chất độc hóa học điôxin đến con người và môi trường tại Việt Nam, phương pháp điều trị các vết thương do bom bi, phương pháp điều trị ung thư gan bằng phẫu thuật kết hợp dùng miễn dịch và rất nhiều công trình khoa học khác. Ông để lại 124 công trình khoa học.
Ông đã đào tạo được nhiều thế hệ thầy thuốc, phẫu thuật viên giỏi cho nền y học nước nhà. Cho tới nay, hầu hết các nhà khoa học đầu ngành, giữ trọng trách trong ngành ngoại khoa Việt Nam đều là học trò của ông.
Ông đã xây dựng Bệnh viện Phủ Doãn (nay là bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) thành một trung tâm phẫu thuật tiên tiến hàng đầu ở Việt Nam, có những mũi nhọn mang tầm quốc tế, đưa ngành ngoại khoa Việt Nam trở thành một trường phái có uy tín trong nền y học thế giới.
Ông là người sáng lập và làm Chủ tịch đầu tiên của Hội Ngoại khoa Việt Nam, một Hội Y học có lịch sử và truyền thống lâu đời trong ngành y Việt Nam.
Ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa II đến khóa VII và giữ chức vụ Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Các phần thưởng, danh hiệu, giải thưởng[sửa]
Năm 1977, Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng GS.Tôn Thất Tùng Huy chương vàng phẫu thuật quốc tế Lannelongue, giải thưởng cao quý nhất trong ngành phẫu thuật thế giới, 5 năm mới tặng 1 lần cho một nhà phẫu thuật duy nhất trên cả hành tinh. Ông là thành viên của nhiều tổ chức y học quốc tế và là Viện sỹ của nhiều Viện hàn lâm Y học danh tiếng trên thế giới.
Ông mất ngày 7 tháng 5 năm 1982, thọ 70 tuổi; An táng tại Nghĩa trang Mai Dịch – Hà Nội.
Ông đã được nhà nước tặng thưởng : danh hiệu Anh hùng Lao động 1962, Huân chương Hồ Chí Minh (1992), Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Giải thưởng Hồ Chí Minhvề khoa học công nghệ đợt I (1996).
Từ năm 2000, Nhà nước Việt Nam đặt ra một giải thưởng về Y học mang tên ông: Giải thưởng Tôn Thất Tùng.
Tên ông được đặt cho nhiều con đường trong cả nước, đặc biệt là con đường đi qua Đại học Y Hà Nội – nơi ông từng học và đào tạo ra những bác sĩ ngoại khoa tài năng.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Tôn Thất Tùng. “La vasculation veineuse du foie et ses applications aux résections hépatiques”. Thése hanoi 1939.
- Tôn Thất Tùng. Chirurgie d,exérèse du foie. Masson edit. Paris 1962.
- Tôn Thất Tùng. À propos de la segmentation du foie. Trav.Fac.Med. Hanoi. 1968