Mục từ này cần được bình duyệt
Tín ngưỡng dân gian

Từ nửa sau Thế kỉ 19 trở đi, cùng với sự ra đời của ngành Khoa học về Tôn giáoở Phương Tây và sự phát hiện ngày càng nhiều hình thức tôn giáo khác biệt với truyền thống tôn giáo Nhất thần ở hầu khắp các nền văn hoá trên thế giới, giới Khoa học xã hội đương thời đứng trước vấn đề hạn chế của định nghĩa tôn giáo theo quan niệm không ngừng tìm kiếm và đề xuất các định nghĩa mới cho thuật ngữ “religion” (tôn giáo) theo xu hướng ngày càng mở rộng, trong đó có đóng góp đáng kể của các nhà Khoa học Xã hội. Mặc dù vậy, đối với các xã hội Đông Á thời kỳ Cận- Hiện đại, thuật ngữ “religion” và tuy được du nhập và dịch thuật thành từ “tôn giáo” (宗教), “tín ngưỡng” (信仰))bởi người Nhật Bản nhưng vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc quan niệm tôn giáo theo lối Phương Tây của các nhà truyền đạo Cơ Đốc, thách thức về định nghĩa tôn giáo càng lớn khi các học giả bản địa đối diện với nền văn hoá tôn giáo của chính mình. Ở mỗi nước, ngoài sự du nhập và ảnh hưởng của các tôn giáo có nguồn gốc Ấn Độ và Trung Quốc là Phật, Nho, Đạo hay các tôn giáo đến từ Phương Tây, chiếm vị trí nền tảng chính là các niềm tin và thực hành tôn giáo có tính đa thần, gắn liền với tập tục văn hoá và thiết chế tổ chức xã hội theo truyền thống dân tộc bản địa mà các định nghĩa tôn giáo theo quan niệm Phương Tây cổ điển không bao hàm hết được. Thuật ngữ có gốc Hán tự “tín ngưỡng dân gian” (民间信仰) do đó cũng được các học giả người Nhật tạo ra nhằm phân biệt với phạm trù tôn giáo có thiết chế, chỉ những hiện tượng tôn giáo phổ biến trong xã hội dân gian vốn thường bị người Phương Tây quy vào các sự “mê tín” (superstitions). Theo khảo cứu của chúng tôi, thuật ngữ này thông dụng ở Đông Á nhờ tương đồng văn hoá tôn giáo và giao lưu học thuật, từ những năm 1930 trở đi bắt đầu được vận dụng trong học thuật và nhiều lĩnh vực khác của Việt Nam, chính vì vậy việc khảo cứu các thuật ngữ “tôn giáo”, “tín ngưỡng” hay “tín ngưỡng dân gian” đều cần thiết phải đặt trong mối liên hệ với bối cảnh văn hoá tôn giáo cũng như bối cảnh học thuật khu vực. Trước vấn đề cùng một thuật ngữ “tín ngưỡng” có hai cách hiểu: vừa là “niềm tin tôn giáo” vừa là “loại hình tôn giáo” thấp kém hơn các tôn giáo có thể chế (có giáo hội, giáo lý, kinh điển, v.v…) (trước đây gọi là “tín ngưỡng dân gian”; Và trước tình trạng dùng thuật ngữ “tín ngưỡng” (niềm tin tôn giáo) để giới thuyết về lĩnh vực niềm tin và thực hành tôn giáo trong dân gian/ đại chúng như hiện nay, chúng tôi đặt ra vấn đề khảo cứu về nguồn gốc, nội hàm của thuật ngữ “tín ngưỡng dân gian” trong bối cảnh học thuật Đông Á và trong mối liên quan đến thuật ngữ “tín ngưỡng”, từ đó góp phần chỉ ra tính phức tạp cũng như tính cần thiết cho việc nghiên cứu, quy chuẩn hoá khái niệm, thuật ngữ phù hợp cho lĩnh vực tôn giáo vốn thuộc về số đông cư dân trong xã hội Việt Nam từ xưa đến nay.

Khái niệm “tín ngưỡng dân gian” ở Việt Nam.

Đối tượng nghiên cứu mà chúng tôi đang đề cập, cũng được một số tác giả đề xuất gọi bằng khái niệm “tôn giáo bình dân”, “tôn giáo đại chúng” để tương thông với thuật ngữ Phương Tây “religion populaire”, “thuật ngữ đó có thể là cách hiểu tôn giáo theo lối bình dân, nghĩa là theo tập quán, theo dư luận hoặc bị cuốn hút vào các nghi lễ, chứ không theo lối chính thống chủ yếu xuất phát từ việc nghiên cứu giáo lí, rồi suy tư giác ngộ mà theo. Hoặc cũng có thể hiểu là các hình tức tôn giáo dân tộc được lưu truyền lại từ xa xưa, gần gũi với cộng đồng như các lễ hội, các cuộc hành hương, các ngày lễ với những rước xách, nhảy múa, thậm chí các hình thức bói toán tướng số... được đa phần tầng lớp bình dân, ở nông thôn hưởng ứng, theo một truyền thống có từ lâu trong dân tộc” (Đặng Nghiêm Vạn, 2001:71)

Khái niệm “tín ngưỡng dân gian” cần được hiểu như một khái niệm tổng thể, mang tính đa trùng, có ngoại diên rộng, không những chỉ hệ thống tín ngưỡng (niềm tin vào các vào lực lượng thiêng liêng như linh hồn, tổ tiên, thần linh, ma quỷ), mà còn đề cập đến hệ thống nghi lễ (các loại thực hành tín ngưỡng (hành vi tôn giáo tương ứng) và một hoạt hệ thống biểu trưng và các quy tắc mang tính tập tục khác phổ biến trong dân gian – cơ tầng xã hội người Việt, trong đó chủ yếu là xã hội nông thôn.

Lực lượng thiêng (hay còn gọi là thế giới thiêng) đó là cách biểu đạt theo nghĩa rộng các đối tượng – những cái Thiêng (khái niệm mà Mircea Eliad sử dụng - the Sacred) mà con người biểu lộ tình cảm Sợ, Kính. Nhưng đối với dân gian, cái Thiêng đồng thời là tính từ, phần nhiều để chỉ sự linh nghiệm nhất thời mà con người cảm nhận bằng trực giác, tức là quyền năng của đấng siêu nhiên trong sự phân biệt thiện (cát) ác (hung). Như vậy, khác với một tín đồ của Phật giáo hay Công giáo, dân gian cảm nhận cái Thiêng không thông qua giáo lí hay kinh điển. Họ ứng xử bằng nhiều cách: né tránh và không tôn trọng, đôi khi có cúng nhưng không thờ phụng (đối với cô hồn, ma quỷ), những việc này thường bị xếp vào loại mê tín; hoặc né tránh bằng những cấm kị (taboo) với sự tôn trọng, ví dụ như kiêng kị khi sinh đẻ, những điều này được duy trì thành các phong tục tập quán. Sự kính sợ trên cơ sở thể nghiệm cái Thiêng có thể cầu xin ước nguyện dẫn đến hành vi thờ cúng, hình thành nên tín ngưỡng (niềm tin). (Nguyễn Duy Hinh, 2007: 52)

Như vậy, giữa con người và thế giới thiêng có một mối quan hệ tương tác, chỉ niềm tin của con người thôi chưa đủ, phải có các nghi lễ, nghi lễ là cầu nối giữa lòng tin và hành động, nhưng các cách thức tiến hành thì vô cùng đa dạng.

Với tư cách là một thực thể văn hóa, xã hội, tín ngưỡng dân gian vừa có thuộc tính văn hóa tập tục, vừa có thuộc tính tôn giáo. Nó thẩm thấu và gắn kết hữu cơ với đời sống thường nhật của người dân, như một nguồn mạch không những hòa quyện vào phong tục tập quán, đôi khi trở thành tín điều cuộc sống, không bị ràng buộc, dẫn dắt bởi giáo chủ, giáo lí và kinh sách của bất cứ tôn giáo nào, mặc dù tiếp nhận không ít ảnh hưởng từ một số tôn giáo chính thống như Nho giáo, Phật giáo, và Đạo giáo. Các tín điều đó chủ yếu được quan niệm, quy phạm và duy trì bởi các cấm kị trong đời sống, truyền thuyết và thần thoại. Nhưng với cuộc sống hiện thế, một tín điều đơn giản và đầy tính thực dụng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” cũng đã là động cơ dẫn đến các hành vi thờ cúng.

Do vậy, rất khó có thể khái quát về tín ngưỡng dân gian chỉ bằng một phạm trù đơn thuần mà nên đặt trong một mối liên hệ trong một chỉnh thể văn hoá xã hội của nó: tôn giáo, tín ngưỡng (tín niệm), văn hóa phong tục, thậm chí là cả những nhân tố được cho là mê tín. Nên coi nó như một đối tượng nghiên cứu mang tính liên ngành như folklore, dân tộc học, nhân học, tôn giáo học, xã hội học, v.v…

Chúng tôi tin rằng, khi nói đến tôn giáo của người Việt nói chung, mệnh đề “tín ngưỡng dân gian” trong phần nhiều các trường hợp được nêu ra có rất nhiều khả năng dẫn đến phương hướng phán đoán của người nghe, người đọc về những hình thái tín ngưỡng và hành vi thờ cúng hay có thể gọi là hành vi tôn giáo phổ biến nhất, công khai lẫn riêng tư của người Việt như tôn thờ Tổ tiên, thờ Thành Hoàng làng, thờ Mẫu, thờ nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với cộng đồng, với nghề nghiệp, thờ vong linh, thần tự nhiên, Vật tổ (Totem), v.v… và cả một số vị thần, Phật thuộc Phật giáo và Đạo giáo nữa. Trong ngôn ngữ đời thường, trong học thuật và trong một số văn bản chính thức hiện hành của nhà nước, khái niệm “tín ngưỡng dân gian” có khi cũng được sử dụng cùng hàm nghĩa với khái niệm “tín ngưỡng”. Việc quy một lĩnh vực tôn giáo có tính hỗn hợp như vậy về cái gọi là “tín ngưỡng”, từ đó định nghĩa về nó bằng chính thuật ngữ “tín ngưỡng” như một số nhà nghiên cứu Việt Nam hiện nay dường như là một sự đánh tráo khái niệm. Bởi vì, hoạt động tôn giáo trong dân gian không chỉ bó buộc trong lĩnh vực tín ngưỡng, hệ thống nghi lễ và biểu trưng của nó cũng không chỉ được nhìn nhận đơn thuần là sự biểu đạt của tín ngưỡng (niềm tin), mà còn biểu đạt nhiều ý nghĩa mang tính ẩn dụ mà từ các góc độ nghiên cứu khác nhau có thể đưa ra những giải thích khác nhau.

Trên phương diện lập pháp tôn giáo, thuật ngữ “tín ngưỡng”, thậm chí là đang được sử dụng với tư cách khái niệm phân loại, đặt bên cạnh từ “tôn giáo” (giữa hai từ có dấu phẩy). Hiện tượng này bắt đầu phổ biến từ đầu thập niên 1990 trở đi, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu và văn bản chính sách tôn giáo của nhà nước, điển hình là Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (2004) và Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đang trong quá trình soạn thảo hiện nay. Chính thực tế này lại liên quan đến một nỗi khắc khoải về học thuật mà chúng tôi sẽ giải thích ở phần sau. Còn bản thân khái niệm “tín ngưỡng dân gian” một mặt vẫn được sử dụng và trong nhiều trường hợp được dùng lẫn với khái niệm “tín ngưỡng”; Mặt khác, nó lại đang bị một số nhà nghiên cứu có uy tín đề nghị “xem lại” – có nghĩa là không nên sử dụng. Lí do có nhiều nhưng có lẽ vấn đề khiến người ta ái ngại là từ “dân gian” đi kèm phía sau từ “tín ngưỡng”. Có người cho rằng: “vì thuật ngữ “dân gian” là dành cho folklore (văn hoá dân gian)”, hoặc có người e rằng gọi như vậy là đặt nó vào vị thế đối lập với lĩnh vực có tính “bác học”, và làm gì có “tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng bác học, mà chỉ có tín ngưỡng của cộng đồng người”, thậm chí cũng có người liên tưởng một cách “dân gian” rằng không nên dùng từ này vì nó liên quan đến sự nôm na mách qué của dân gian (!). Tuy vậy, chính các học giả vẫn chưa đề xuất hoặc đưa ra khái niệm thích hợp có thể thay thế “tín ngưỡng dân gian”, nhiều khái niệm cũ vẫn được tiếp tục sử dụng “tín ngưỡng”, “tôn giáo dân gian”, “tôn giáo truyền thống”, “tôn giáo dân tộc” “tín ngưỡng dân dã”, “tín ngưỡng trong dân”, v.v... Có thể thấy, giới nghiên cứu Việt Nam muốn phủ nhận phạm trù “dân gian” trong khi chưa thật sự chú trọng từ nguyên cũng như hàm nghĩa xã hội học của khái niệm này: “dân gian” tức “trong dân” (một phạm vi xã hội, thuộc về đại chúng); Một số học giả đề xuất một số thuật ngữ không kém phần phức tạp như “truyền thống”, “dân tộc”. Rõ ràng, với một đất nước “có tinh thần tôn giáo sâu đậm”, có đời sống tôn giáo đa dạng vào bậc nhất thế giới hiện nay như Việt Nam, giới nghiên cứu vẫn hết sức hết sức khó khăn để tìm ra một một từ ngữ nào trong tiếng mẹ đẻ có thể đại diện để làm danh xưng cho nó cả, ngoại trừ một từ “thờ” hoặc “thờ cúng”.

Trước đòi hỏi của thực tiễn, người nghiên cứu đôi khi bắt buộc phải đưa ra các phán đoán nhằm phân biệt rạch ròi “tín ngưỡng (dân gian) khác với tôn giáo vì tín ngưỡng không có (hoặc chưa có) các yếu tố như tôn giáo”, trong khi chúng ta đều biết rằng bản thân việc giới định về “tôn giáo” cũng chưa bao giờ đi đến hồi kết, “do sự lầm lẫn giữa tôn giáo với tư cách là khái niệm, với tôn giáo là hình thức của một tôn giáo cụ thể”. Đáng tiếc điều này còn đang là thói quen phổ biến ở nước ta, kể cả trong học thuật. Ngay cả ở phương Tây, quan niệm tôn giáo theo các tiêu chí giáo hội, kinh điển, giáo chủ, nghi lễ, v.v… thì đã từ lâu bị vượt qua, thậm chí là bị giới nhân học đương đại “san phẳng”.

Như vậy, có lẽ vẫn phải chấp nhận một thực tế trong nghiên cứu lẫn trong thực tiễn là lĩnh vực tín ngưỡng dân gian cần được ước định như một phạm trù, một lĩnh vực độc lập so với các tôn giáo có tổ chức giáo hội khác như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Ixlam, Cao Đài, Hòa Hảo, v.v… cũng như so với rất nhiều nhóm phái tôn giáo mới được nhà nước công nhận trong thời gian gần đây. Còn như khi đi sâu khảo sát nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian, không thể phủ nhận nội hàm hạt nhân của nó cũng có chỗ tương tự như các tôn giáo nói trên: có đối tượng thờ cúng, có cơ sở thờ tự, có quần chúng, có nghi lễ và kinh sách, v.v… Nói cách khác, nó có đặc tính và chức năng tôn giáo, có thể gọi nó bằng thuật ngữ khác phù hợp với ngữ cảnh phương Tây như tôn giáo dân gian, tôn giáo bản địa, tôn giáo đại chúng v.v…

Tuy nhận thức sâu sắc rằng, trong nghiên cứu học thuật, việc đưa ra định nghĩa cho khái niệm hoặc phạm trù của đối tượng nghiên cứu là vô cùng cần thiết, nhưng đối với khái niệm “tín ngưỡng” hay “tín ngưỡng dân gian”, chúng tôi không dấu giếm sự do dự của mình khi định nghĩa về chúng, nhất là với “tín ngưỡng”. Sự cẩn trọng đó xuất phát từ vấn đề thực tế ở nước ta là có hai cách hiểu khác nhau về cùng một từ “tín ngưỡng”. Cách hiểu thứ nhất: “tín ngưỡng” là niềm tin, hoặc đức tin có tính chất tôn giáo; cách hiểu thứ hai, như một số học giả cũng như văn bản chính thức của nhà nước ở Việt Nam bây giờ hiểu là hình thái tôn thờ, lễ bái nào đó (ví dụ Thờ cúng tổ tiên, thờ Mẫu, thờ Thành hoàng v.v...)

Tóm lại, tín ngưỡng dân gian là một phạm trù học thuật, nội hàm của nó mang tính động thái, không những chỉ niềm tin (tín niệm) và tình cảm mang tính tôn giáo của con người vào lực lượng thiêng, mà còn chỉ các tín ngưỡng và thực hành tôn giáo phổ biến trong dân chúng, đặc biệt là trong xã hội nông thôn, bao gồm tín ngưỡng thần linh, tổ tiên, ma quỷ; các nghi lễ tế tự mang tính cộng đồng và các nghi lễ vòng đời người; các nghi lễ tế tự theo tổ chức huyết thống (dòng họ), theo địa vực (làng xã, vùng); và các hệ thống biểu trưng về thế giới quan và vũ trụ quan. Khái niệm này có thể tương thông với các khái niệm học thuật khác như tôn giáo dân gian, tôn giáo bình dân (đại chúng), tín ngưỡng bình dân (đại chúng) tương ứng với các thuật ngữ quốc tế như Folk Religion, Folk Belief, Popular Cult, Popular Religion. Tín ngưỡng dân gian là một hiện tượng văn hóa, lịch sử và xã hội, là biểu hiện sinh động của phương thức sống, quan niệm giá trị và đời sống tôn giáo của nhân dân. Bởi vậy, với tư cách là một đối tượng nghiên cứu, nó cần được nhìn nhận và phân tích trong mối quan hệ với các tầng diện tôn giáo, văn hóa, xã hội quan phương và phi quan phương và với tôn giáo có tính tổ chức, nhằm góp phần làm sáng tỏ đặc trưng của tôn giáo theo phương thức của người Việt Nam.

Thực tế cho thấy, cho dù sử dụng các định nghĩa tôn giáo rộng rãi nhất theo kiểu gần đây nhất của Paul Tilich “tôn giáo là mối quan tâm tối hậu”, hay theo quan điểm của Đặng Nghiêm Vạn; cho dù coi tín ngưỡng dân gian thuộc phạm trù tôn giáo, thì khi đem so sánh nó với các hình thức tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Ixlam giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, v.v… chúng ta vẫn phải thừa nhận những khác nhau giữa chúng (ngoài những điểm tương đồng), tín ngưỡng dân gian (hay tôn giáo dân gian, tôn giáo bình dân) vẫn là một phạm trù có tính độc lập và những đặc trưng nhất định. Nếu vận dụng phương pháp nghiên cứu Tôn giáo học so sánh nhà Tôn giáo học Friedrich Max Müller đã đề xuất vào những năm 1870, việc nghiên cứu tất cả các hình thái tôn giáo, tín ngưỡng ở bất cứ cấp độ, trạng thái nào cũng là cần thiết và với tinh thần tôn trọng và có phê phán. Để làm được điều đó thì cần phải tiến hành phân loại chúng. Đối với một đất nước có sự hiện điện đa dạng của các loại hình tôn giáo, sự phức tạp trong đối tượng thờ cúng (thế giới thiêng), thực hành nghi lễ cùng các thiết chế xã hội hữu quan, sự phân loại trong lĩnh vực tôn giáo nói chung là hết sức cần thiết, vẫn đề chung được đặt ra cho các nhà Tôn giáo học và Văn hoá học chính là tìm ra thuật ngữ và định nghĩa phù hợp với các niềm tin và thực hành tôn giáo trong quảng đại quần chúng nhân dân hiện nay./. Tài liệu tham khảo

1. Đào Duy Anh, 1938, Việt Nam văn hóa sử cương. Quan Hải tùng thư, Huế 1938.

2. Phan Kế Bính (1915), Việt Nam phong tục, Nxb Văn hóa thông tin, tái bản 2005.

3. Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên), 1998, Những vấn đề lí luận và thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

4. Đỗ Quang Hưng (2009), Nghiên cứu tôn giáo: nhân vật và sự kiện. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Vũ Ngọc Khánh chủ biên, Từ điển Văn hóa dân gian, Nxb Văn hóa thông tin, Hà nội, 2002

6. Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, tập II, Nxb Khoa học Xã hội, H. 1995.

7. Nguyễn Duy Hinh, Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam, KHXH, H., 1996

8. Nguyễn Quốc Tuấn, Nhận thức lại về các khái niện “tín ngưỡng” và “tôn giáo” từ góc độ nghiên cứu tôn giáo, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6/2013.

9. Pierre Gourou. Người nông dân châu thổ Bắc Kì. Nxb Trẻ

10. Đỗ Trinh Huệ, Văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả Léopold Cadière. Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006.