Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tích trò

Tích trò là những phần hoạt cảnh, lời thoại, diễn xuất có dung lượng tương đối ngắn, tách biệt nhau và thường được xâu chuỗi, nối tiếp nhau tạo nên một chương trình sân khấu biểu diễn hoàn chỉnh. Tích trò tồn tại trong các lễ hội dân gian, trong các loại hình nghệ thuật như múa rối, tuồng, chèo,... Các tích trò là để kể những tình tiết, tình huống mang yếu tố lý thú, kỳ lạ, hay hài hước nhằm thu hút sự chú ý của người xem. Các tích trò thường ngắn gọn, có nội dung cô đọng, trong đó nhiều tích trò được xây dựng dựa trên chất liệu văn học (thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn, truyện cười, ca dao, dân ca,...), và một số bắt nguồn từ những câu chuyện gắn với thực tế đời sống. tích trò có thể được diễn xuất bởi diễn viên, kết hợp với đạo cụ, âm nhạc.

Các tích trò được hình thành từ nhu cầu tái hiện đời sống, nhu cầu giải trí hay thể hiện những ý nghĩa tâm linh, tôn giáo qua phương thức nghệ thuật sân khấu. tích trò trong các lễ hội phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất, cuộc cải tạo tự nhiên, những sinh hoạt cộng đồng,... tích trò của múa rối nước về nguồn gốc được cho là sự tái hiện, thu nhỏ các lễ hội cộng đồng, hay là sự tái hiện nghi thức hiến tế cho người quá cố, là công cụ trung gian để con người giao tiếp với thần linh,... Về sau, các tích trò phục vụ cho đời sống sinh hoạt, giải trí mang tính thế tục của người dân. tích trò mang tính biểu tượng và có nhiều ẩn ý.

“Có tích mới dịch nên trò”, tích là cốt truyện, trò là sự diễn xuất để tăng thêm sự sinh động, hấp dẫn của tích. Một số tích trò gắn với đời sống tâm linh của người dân (như tích trò múa tiên, tứ linh), sử dụng câu chuyện hay nhân vật trong truyện cổ, ca dao, dân ca (như tích trò Từ Thức gặp tiên, “Rủ nhau đi cấy đi cày...”, “Trâu ơi ta bảo trâu này...”), hay gắn với truyền thuyết lịch sử (tích trò Lam Sơn khởi nghĩa, truyền thuyết Hồ Gươm),...

Với mỗi tích trò, người ta có thể kết hợp hát, múa, nói, diễn cùng nhau, hoặc chỉ sử dụng riêng rẽ một vài hình thức biểu đạt trong số đó. Các tích trò được thể hiện qua lời nói, điệu bộ, cử chỉ, động tác của diễn hay những đồ vật, những con rối. Có trường hợp tích trò được thể hiện với sự kết hợp giữa diễn viên với hình nộm, đạo cụ. Các tích trò thường được kết hợp với âm nhạc một cách nhuần nhuyễn để tăng sức thu hút, tạo nhịp điệu, cao trào. Trong một số tích trò, ánh sáng cũng góp phần tham gia một cách hiệu quả.

Một số tích trò tồn tại là đơn vị độc lập, và một số tích trò được sắp xếp thành tổ hợp, nhóm trò, như nhóm trò tứ dân (ngư, tiều, canh, mục), ngũ dân (sĩ, nông, công, thương, binh), tứ quý (long, ly, quy, phượng), nhóm trò sản xuất (Xay thóc, giã gạo, đi cấy, đi cày, đi bừa, cắt cỏ, gánh mạ; cày, bừa, cấy, gặt, dệt vải).... Các địa phương khác nhau, các lễ hội hay các phường rối có những cách tổ hợp nhóm trò khác nhau. Có những tích trò lẻ được ưa chuộng và được dùng trong nhiều chương trình biểu diễn khác nhau, giúp giải trí, tạo hứng khởi, dẫn dắt câu chuyện hay giảm sự căng thẳng, và chúng vẫn có sự gắn kết nhất định với nội dung chung của buổi diễn. Một số tích trò (như tích trò ông già cõng vợ đi xem hội) được lồng ghép vào nhiều buổi biểu diễn, nhiều vở diễn khác nhau, trong cả nghệ thuật chèo và nghệ thuật tuồng.

Sự thể hiện tích trò phụ thuộc rất lớn vào tài năng của người nghệ sĩ biểu diễn. tích trò ngoài nhiệm vụ thể hiện phần cốt truyện, diễn biến cốt yếu thì vẫn có những khoảng dành cho sự ứng tác của nghệ sĩ. Trong những năm gần đây, tích trò được đa dạng hóa cả về nội dung và hình thức thể hiện. Có những tích trò được phát triển dựa trên các truyện kể dân gian Việt Nam (như Sơn Tinh Thủy Tinh, vua Hùng kén rể, Trê cóc,...) hay các tác phẩm văn chương thế giới (như truyện cổ Andersen). tích trò cũng được thể hiện bằng các hình thức sân khấu như rối cạn kết hợp rối nước, kết hợp giữa cách thể hiện của chèo và cách thể hiện của múa rối nước, cả ở sân khấu dưới nước và ở trên cạn,... Việc duy trì những truyền thống trong việc biểu diễn tích trò và việc cải biên tích trò cho phù hợp với nhu cầu của khán giả đương đại đặt ra những thách thức lớn đối với các nghệ sĩ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Huy Hồng, Tìm hiểu về nghệ thuật múa rối dân tộc, Bộ Đại học và Trung học chuyên Nghiệp, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1973.
  2. Tạ Đức, “Nguồn gốc rối bóng Gia Va đến cội nguồn rối nước Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (5), 1986.
  3. Lê Thanh Hiền, Tổng luận nghệ thuật Chèo nửa sau thế kỷ XX, Nxb. Văn hóa Thông tin, 1996.
  4. Lý Khắc Cung, Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001.
  5. Phạm Đức Dương, Sân khấu múa rối- con rối sứ giả của thế giới tâm linh, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật (2), 2001.
  6. Đặng Hoài Thu, Trò diễn trong lễ hội dân gian của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ, Nxb. Thanh niên, 2010.
  7. Lê Mạnh Hùng, tích trò, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (389), 2016, tr.114-116.