Tích hợp ứng dụng web (tiếng Anh Web Application Integration) là quá trình kết nối một ứng dụng dựa trên trình duyệt web với một ứng dụng web khác. Việc kết nối này bao gồm cả kết nối dữ liệu và kết nối chức năng của các ứng dụng. Thông thường, các ứng dụng kết nối với nhau thông qua bộ chuyển đổi, đó là một thành phần phần mềm giúp dịch các chức năng và dữ liệu giữa hai ứng dụng. Một bộ chuyển đổi có thể được viết để kết nối hai ứng dụng cụ thể hoặc nó có thể dịch các chức năng và dữ liệu của ứng dụng sang API chuẩn hoặc có thể là API được sử dụng bởi phần mềm trung gian.
Tích hợp ứng dụng web là hình thức tích hợp web tiên tiến nhất. Nó cho phép người dùng truy cập đầy đủ theo chương trình vào chức năng và dữ liệu của các ứng dụng hỗ trợ web. Về bản chất, mọi tương tác với ứng dụng web đều có thể được chuyển thành các toán tử được lập trình. Các toán tử này sau đó có thể được tích hợp với bất kỳ ứng dụng nào khác. Trong thực tế, khi một chương trình gọi một chương trình khác, dữ liệu sẽ được cung cấp và các hành động chương trình cụ thể sẽ được thực hiện.
Các giải pháp để tích hợp ứng dụng web có thể lập trình là xây dựng bộ tích hợp web (Web Integrator). Bộ tích hợp web hoạt động như một bộ chuyển đổi hai chiều giữa bất kỳ ứng dụng web nào với một hệ thống khác. Nó được thiết kế để cho phép các chức năng ứng dụng Internet hoặc Intranet được tự động hóa theo chương trình. Các chương trình tích hợp này cho phép kết nối và tích hợp với bất kỳ máy chủ ứng dụng hoặc phần mềm trung gian. Cách thiết kế này cho phép mọi ứng dụng web kết nối và giao tiếp với bất kỳ ứng dụng nào khác trong doanh nghiệp. Hơn nữa, bộ tích hợp web cung cấp quyền truy cập không xâm lấn vào tất cả logic và dữ liệu cơ bản của ứng dụng trình duyệt, do đó không yêu cầu thay đổi đối với ứng dụng đích.
Một số ví dụ về tích hợp ứng dụng web có thể lập trình bằng bộ tích hợp web là:
- Tích hợp các ứng dụng doanh nghiệp hỗ trợ web như ERP, CRM với các hệ thống cũ khác. Nếu một khách hàng mới được tạo trong hệ thống CRM, thông tin này có thể được tự động điền vào tất cả các hệ thống khác thông qua chương trình tích hợp này.
- Tích hợp giữa các ứng dụng nội bộ và các hệ thống hỗ trợ web bên ngoài từ khách hàng, nhà cung cấp hoặc đối tác, chẳng hạn như hệ thống theo dõi đơn hàng hoặc theo dõi lô hàng.
- Tổng hợp dữ liệu, chẳng hạn như thu thập thông tin từ nhiều cổng web mua sắm bên ngoài để trình bày trong một ứng dụng doanh nghiệp nội bộ.
Tích hợp ứng dụng web là một trong các lớp tích hợp bao gồm:
- Tích hợp ứng dụng web: Triển khai các dịch vụ web và công cụ khác cho phép trao đổi dữ liệu tự động và tích hợp quy trình kinh doanh trên các ứng dụng khác nhau.
- Tích hợp cổng thông tin: Hiển thị thông tin thu được từ nhiều ứng dụng trên một giao diện người dùng, cho phép người dùng dễ dàng và nhanh chóng truy cập thông tin cần thiết.
- Tích hợp quy trình: Hợp lý hóa các quy trình trên toàn doanh nghiệp cho truy cập thông tin theo thời gian thực với tất cả người dùng và tính toàn vẹn trên tất cả các hệ thống.
- Tích hợp dữ liệu: Phát triển các bộ kết nối dữ liệu và phần mềm trung gian để tích hợp dữ liệu ứng dụng và lưu trữ dữ liệu.
Công cụ sử dụng[sửa]
Bộ chuyển đổi (Adapter) Bộ chuyển đổi là một thành phần cho phép người dùng tích hợp một ứng dụng được xây dựng trước trên một nền tảng web bằng cách thẩm vấn ứng dụng để tạo siêu dữ liệu mô tả ứng dụng. Bộ chuyển đổi có các thuộc tính, phương thức và sự kiện có thể truy cập được. Trong đó, bộ chuyển đổi được sử dụng để tiêm mã vào trong ứng dụng đích để tương tác với các đối tượng của ứng dụng này. Bằng cách này thì ứng dụng đích không cần phải được biên dịch hoặc sửa đổi lại. Bộ chuyển đổi có thể hỗ trợ một số nền tảng và các loại điều khiển ứng dụng bao gồm:
- Các điều khiển chung của Windows
- Các điều khiển Internet Explorer, Firefox và Chrome HTML
- Điều khiển Java
- Điều khiển. NET
Bộ điều khiển (Control)
Khi một đối tượng ứng dụng được thẩm vấn, một mô tả của đối tượng đó được tạo. Mô tả đó được gọi là một điều khiển. Các điều khiển này được tổ chức trong một hệ thống phân cấp.
Một điều khiển thực hiện các chức năng sau:
- Lưu các quy tắc cần thiết để xác định chính xác đối tượng vào lần chạy ứng dụng tiếp theo.
- Hoạt động như một proxy cho đối tượng để nó có thể được sử dụng trong tự động hóa ngay cả khi đối tượng người dùng chưa được tạo trong ứng dụng đích.
- Cung cấp giao diện nhất quán cho đối tượng bất kể công nghệ ứng dụng cơ bản là gì.
Các điều khiển được hiển thị trong Object Explorer của Studio. Một điều khiển được coi là được tạo khi nó được khớp và bị hủy khi nó khớp.
Các thuộc tính, phương thức và sự kiện của các điều khiển bao gồm:
- Đối tượng đích (Target)
Đối tượng đích là một đối tượng tương ứng trực tiếp với một đối tượng ứng dụng. Trong khi các điều khiển đại diện cho đối tượng ứng dụng ảo không thay đổi giữa các lần chạy ứng dụng, thì các đối tượng đích đại diện cho đối tượng ứng dụng thực tế tồn tại trong ứng dụng tại bất kỳ thời điểm nào. Các đối tượng đích được tạo và hủy khi các đối tượng ứng dụng được tạo và hủy. Các đối tượng đích là nền tảng cụ thể và chúng đóng gói các logic cần thiết để tự động hóa và giám sát các đối tượng ứng dụng. Ví dụ, điều khiển hộp văn bản có thể tương tác với bất kỳ đối tượng đích nào thực thi giao diện hộp văn bản, chẳng hạn như đối tượng đích là hộp văn bản Windows, hộp văn bản Java hoặc hộp văn bản HTML.
- Bộ dịch (Translator)
Bộ dịch là một đoạn mã được tiêm vào cho phép hệ thống tự động hóa và nhận các sự kiện từ một đối tượng của chương trình ứng dụng. Các đối tượng đích giao tiếp trực tiếp với bộ dịch bằng cách sử dụng lớp giao tiếp liên tiến trình (viết tắt là IPC - inter-process communication). Hầu hết các bộ dịch thời gian là các đối tượng, mặc dù trong một số trường hợp, các bộ dịch chỉ có thể là một mô-đun đơn hoặc lớp tĩnh tương tác với tất cả các đối tượng được hỗ trợ. Bộ dịch không yêu cầu bất kỳ sửa đổi hoặc biên dịch lại ứng dụng đích. Hệ thống tự động tiêm bộ dịch vào một ứng dụng đích và gắn chúng vào đối tượng ứng dụng thích hợp. Các bộ dịch thường được viết bằng cùng ngôn ngữ với các đối tượng mà chúng đang tương tác.
- Nhà máy (Factory)
Các nhà máy là các điều khiển cho phép hệ thống giao tiếp với các nền tảng cụ thể. Các nhà máy này tương tác với các bộ môi giới (broker) khi được tiêm ở cấp độ nền tảng (platform level).
Lợi ích[sửa]
Việc tích hợp ứng dụng web đòi hỏi phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an toàn và bảo mật tuy nhiên nó đem lại nhiều lợi ích:
- Điểm truy cập duy nhất vào dữ liệu: Tích hợp ứng dụng web có thể hợp nhất tất cả dữ liệu vào một chỗ. Điều này có nghĩa là chúng ta cần dành ít thời gian để tìm kiếm thông tin hơn. Nó cho phép mọi người cộng tác tốt hơn và hiệu quả hơn.
- Tự động hóa và nhận đúng thông điệp cho người dùng: Tích hợp ứng dụng web có thể cải thiện các quy trình bao có chứa dữ liệu hoặc hoạt động từ nhiều ứng dụng phần mềm. Chẳng hạn, thông tin liên lạc của khách hàng từ CRM có thể dễ dàng tích hợp với nền tảng tiếp thị qua email. Điều này sẽ cho phép chúng ta có thể gửi tin nhắn được nhắm mục tiêu đến khách hàng dựa trên thông tin khách hàng hoặc nhân khẩu học của họ.
- Giao diện dễ sử dụng và làm giảm độ phức tạp về công nghẹ thông tin: Với bất kỳ sự tích hợp công nghệ mới nào, đường cong học tập thường dốc. Tích hợp ứng dụng web kết hợp thông tin và chức năng của một số ứng dụng thành một giao diện thân thiện với người dùng. Vì vậy, nó rất dễ sử dụng và áp dụng trong thực tế.
- Khám phá các cơ hội phát triển: Với việc tích hợp ứng dụng web, chúng ta sẽ tạo ra môi trường làm việc năng động và có tính tương tác cao. Nhờ đó chúng tasẽ dễ dàng hơn để xác định và đáp ứng các cơ hội phát triển.
Tích hợp ứng dụng web cho phép đảm bảo:
- Hiệu quả tổ chức cao hơn thông qua việc hợp nhất các hệ sinh thái công nghẹ thông tin riêng lẻ, đảm bảo việc đơn giản hóa quy trình bảo trì và hỗ trợ của hệ thống công nghẹ thông tin đồng thời giảm chi phí vận hành.
- Ra quyết định thống nhất do tận dụng được những lợi ích của tự động hóa kinh doanh thông qua tích hợp thông tin và quy trình trên toàn tổ chức hay công ty.
- Kết nối thời gian thực giữa các ứng dụng được cài đặt trên toàn doanh nghiệp: phần mềm kinh doanh nội bộ, hệ thống dựa trên web và các giải pháp sẵn sàng sử dụng.
- Giao tiếp B2C và B2B an toàn và hiệu quả tích hợp các kênh liên lạc với các quy trình và hệ thống kinh doanh nội bộ bằng Internet, do đó tự động hóa chuỗi cung ứng.
Tích hợp ứng dụng web được ứng dụng rộng rãi cho các hệ thống từ dịch vụ công như hành chính, y tế, giáo dục, an ninh đến thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, mạng xã hội, … Một số ứng dụng phổ biến bao gồm: các cổng thanh toán an toàn/các giải pháp thanh toán trên Internet; các hệ thống e-learning; các hệ thống quản lý nội dung (CMS - Content Management Systems); các diễn đàn/mạng xã hội; các blog; quảng cáo; các công cụ định vị địa lý; hội nghị từ xa… Hiện nay với cuộc Cách mạng 4.0 và xu thế chuyển đổi số, việc hợp tác và liên thông giữa các hệ thống là cần thiết và mang lại nhiều lợi ích to lớn. Tích hợp ứng dụng web là cơ sở để xây dựng thành công hệ thống hành chính công điện tử của Việt Nam cũng như các hệ thống thương mại điện tử, các hệ thống thông tin doanh nghiệp, các hệ thống đào tạo từ xa, … góp phần tăng cường hiệu quả lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần hỗ trợ ứng phó nhanh với thiên tai, dịch bệnh.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Gorkhali, A., & Xu, L. D. (2016). Enterprise Application Integration in Industrial Integration: A Literature Review. Journal of Industrial Integration and Management, 01(04), 1650014.
- T. Puschmann and R. Alt, "Process portals - architecture and integration," 37th Annual Hawaii International Conference on System Sciences, 2004. Proceedings of the, Big Island, HI, USA, 2004, pp. 10 pp.-, doi: 10.1109/HICSS.2004.1265552.
- Balasubramanian, Krishnakumar, et al. "System Integration Using Model-Driven Engineering." Designing Software-Intensive Systems: Methods and Principles, edited by Pierre F. Tiako, IGI Global, 2009, pp. 474-504. http://doi:10.4018/978-1-59904-699-0.ch016
- Quyết định 749/QĐ-TTg 2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, CÔNG BÁO CHÍNH PHỦ - Số 637 + 638/Ngày 11-6-2020