Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tình cảnh giai cấp công nhân Anh
Friedrich Engels vào năm 1879

Tình cảnh giai cấp công nhân Anh (1844) là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong thời kỳ đầu của nhà triết học, nhà cách mạng người Đức Friedrich Engels, tác phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa xã hội khoa học, không chỉ phơi bày tình trạng đau khổ của giai cấp công nhân Anh mà qua đó còn chỉ ra sức mạnh tiềm tàng, tính tiên phong và có thể tự mình giải phóng của giai cấp vô sản.

Tác phẩm do Friedrich Engels viết từ tháng 9.1844 và hoàn thành vào tháng 3.1845. Tác phẩm lần đầu được xuất bản bằng tiếng Đức với tiêu đề Die Lage der arbeitenden Klasse in England. Tác phẩm sau đó đã được dịch và xuất bản bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp. Bản dịch tiếng Việt được xuất bản lần đầu ở Việt Nam vào năm 1963.

Friedrich Engels được sinh ra tại thành phố Bremen, tỉnh Rhine nước Phổ, cha là chủ xưởng dệt sợi và là một tín đồ bảo thủ. Ngay từ nhỏ ông đã có sự xung đột về mặt tư tưởng với gia đình. Ông chán ghét sự cạnh tranh, gian xảo của đời sống doanh thương và đặc biệt chú ý đến đời sống của nhân dân lao động nghèo khổ. Cảnh tượng bi thảm trong đời sống của công nhân đã làm cho ông có sự đồng tình sâu đậm với cảnh ngộ của nhân dân lao động. Khi làm việc tại xưởng dệt của gia đình năm 1842, Engels đã thấy rõ hơn đời sống bi thảm của giai cấp công nhân và mâu thuẫn gay gắt giữa họ với giai cấp tư sản. Ông thường đến chỗ ở của họ để quan sát, tìm hiểu đời sống cơ cực và tinh thần đấu tranh của họ.

Vào thập niên 30 và 40 của thế kỷ XIX, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thống trị ở các nước châu Âu. Cùng với việc sử dụng máy móc hiện đại và mở rộng quy mô sản xuất, nhiều công nhân bị máy móc thay thế và lâm vào tình trạng thất nghiệp. Cuộc khủng hoảng kinh tế làm cho nhiều xí nghiệp và nhà máy phải đóng cửa, công nhân thất nghiệp hàng loạt, bị bần cùng hóa, đời sống ngày càng khó khăn hơn. Nhiều phong trào công nhân đã nổ ra như khởi nghĩa của công nhân ngành dệt vào các năm 1831, 1834 tại Lyon ở Pháp, phong trào hiến chương ở Anh từ năm 1836 đến năm 1848, khởi nghĩa của công nhân dệt Silesia ở Đức. Trong các cuộc đấu tranh này, giai cấp vô sản không chỉ nêu lên nhu cầu phải được độc lập về mặt chính trị mà còn đề xuất vấn đề phải tiêu diệt chế độ tư hữu và tiêu diệt giai cấp tư sản. Tuy nhiên, phong trào nổi dậy của công nhân trong thời kỳ đó vẫn chưa có sự chỉ đạo về mặt lý luận cách mạng. Giai cấp vô sản vẫn chưa có sự nhận thức rõ rệt, chưa tìm được một con đường và một phương pháp chính xác để giải phóng cho mình. Chủ nghĩa xã hội không tưởng và một số hệ tư tưởng khác đã ảnh hưởng, gây trở ngại không nhỏ đối với phong trào công nhân.

Nội dung chính của cuốn sách trước hết mô tả một cách chân thực điều kiện làm việc và sinh sống của tầng lớp công nhân ở Anh. Với lời văn hiện thực, sinh động và những tài liệu minh chứng phong phú, tác giả đã làm rõ cuộc khủng hoảng chu kỳ của kinh tế tư bản chủ nghĩa đã đưa tới hàng loạt xí nghiệp bị đóng cửa, công nhân bị sa thải hàng loạt, do đó đã hình thành nên đội quân lao động dự trữ đông đảo. Dựa vào tình trạng thất nghiệp đó, những chủ xí nghiệp đã hạ thấp lương công nhân xuống. Sự khủng hoảng của nền kinh tế tư bản làm cho cuộc sống của nhân dân lao động bấp bênh, không được đảm bảo về cả hai phương diện chính trị và kinh tế. Mâu thuẫn về lợi ích của giai cấp tư sản và công nhân ngày càng phát triển đến mức không thể điều hòa được. Đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại chủ nghĩa tư bản để đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Nội dung quan trọng thứ hai trong tập sách này của Engels là sự xác định của tác giả về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân trong giai đoạn lịch sử hiện tại. Ban đầu, ông có ý định trình bày vấn đề này trong một chương của một tác phẩm về lịch sử xã hội nước Anh. Nhưng để làm sáng tỏ vai trò đặc biệt của giai cấp vô sản trong xã hội tư sản, ông đã dành riêng hẳn một tác phẩm nghiên cứu tình cảnh giai cấp công nhân Anh. Ở tác phẩm này, Engels đã dùng lời lẽ nghiêm khắc để tố cáo chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản. Ông đã dựa vào rất nhiều tài liệu do chính ông sưu tầm được, luận chứng rằng quyền lợi của công nhân và của nhà tư bản là có tính không thể điều hòa. Ông đã phân tích rõ giai cấp công nhân Anh không thể nào chịu nổi hoàn cảnh bi thảm của họ đang sống và cũng chỉ ra sức mạnh tiềm tàng của giai cấp vô sản. Họ không chỉ là giai cấp chịu khổ, mà còn là giai cấp tiên phong, có thể tự mình giải phóng cho mình. Giai cấp vô sản, ngoài chủ nghĩa xã hội ra sẽ không còn con đường tiến thân nào khác. Đồng thời, chủ nghĩa xã hội chỉ khi nào trở thành mục tiêu đấu tranh của giai cấp vô sản thì nó mới trở thành sức mạnh. Cũng qua đây, Engels đưa ra nguyên lý phong trào công nhân cần phải kết hợp với chủ nghĩa xã hội.

Với sự ra đời của tác phẩm này đã đánh dấu sự trưởng thành của phong trào công nhân châu Âu với sự soi đường của hệ tư tưởng mới. Đây cũng là một trong những tác phẩm xuất sắc của nền văn học xã hội chủ nghĩa, phản ánh giai đoạn đầu tiên của chủ nghĩa Mác. Những phát hiện ban đầu mang tính khoa học này đã gợi mở cho Mác và các nhà nghiên cứu một hướng mới về xã hội tư bản chủ nghĩa và chuyển từ hướng nghiên cứu triết học, luật học sang nghiên cứu kinh tế chính trị, tìm ra những quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản, làm sáng tỏ bản chất của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tác phẩm này được coi là một trong những kiệt tác của văn kiện chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tình cảnh giai cấp công nhân Anh, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1963.
  2. C. Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, tập 2 (Tháng Chín 1844 - Tháng Hai 1846), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 1995.
  3. Lương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Đại cương lịch sử thế giới cận đại tập hai, Hà Nội, 1997.
  4. Lưu Tộ Xương, Quang Nhân Hồng, Hàn Thừa Văn, Ngãi Châu Xương chủ biên, Lịch sử thế giới tập 4: thời cận đại (1640-1900), TPHCM, 2002.
  5. Nguyễn Huy Cố, Trần Hữu Nùng, Danh nhân thế giới, Hà Nội, 2008.